Thủ từ - xưa và nay

PGS.TS Bùi Xuân Đính| 11/08/2021 09:59

Thủ từ (hay cụ từ, ông từ) là người chịu trách nhiệm trông coi và giữ việc đèn hương ở các cơ sở thờ thần (đình, đền, miếu) trong các làng. Tùy cơ sở thờ cúng được phân công đảm nhiệm trông coi mà người này được gọi là “thủ từ đình”, “thủ từ đền, miếu”, có khi được gọi tắt là “từ đình”, “từ đền”, thậm chí gọi chung là “cụ từ” hay “ông từ”; nhiều làng gọi là “sái đình” (hoặc “sái đền”).

Thủ từ - xưa và nay
Thủ từ - người đã lặng thầm cống hiến bằng nhiệt tình, tâm huyết dành cho di sản của cha ông. Ảnh: Nghiêm Xuân Mừng
Thủ từ ngày xưa
Là chức danh liên quan đến hoạt động tâm linh của cộng đồng làng, không liên quan đến hành chính, song thủ từ là người thay mặt dân làng trông coi nơi thờ thần, tiếp xúc “hầu hạ” với thần linh, nên được bầu (hoặc chọn) theo các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt: 

Về tuổi tác, thường phải ở tuổi lên lão (xưa kia là tuổi 49) trở lên, vì đây là tuổi con người đã “chững chạc” về nhiều mặt: con cái đã trưởng thành, không phải quá lo toan về kinh tế; đã tích lũy được nhiều tri thức và kinh nghiệm sống, hay nói chung là “đã từng trải”, thuận lợi hơn khi tiếp xúc, đối thoại với các giai tầng xã hội, các lớp tuổi trong làng. 

Về diện mạo: phải khỏe mạnh, không mắc bệnh tật; tay chân, và nhất là khuôn mặt phải lành lặn, không có dị tật, dung nhan nhìn phúc hậu, đặc biệt phải minh mẫn.

Về gia thế: phải là người sống nhiều đời ở làng (dân chính cư), sống lương thiện, bố mẹ cùng con cái không có người nào phạm pháp; bản thân có tư cách đạo đức tốt, sống hòa thuận trong gia đình và với xóm giềng, có uy tín trong làng xóm.  Vợ chồng song toàn, phải có con, đủ trai, đủ gái. 

Về kinh tế: không nhất thiết phải là người khá giả, nhưng không đến mức quá nghèo, vì nếu quá nghèo, người đó phải lo mưu sinh, không toàn tâm toàn ý để “hậu hạ nhà thánh”.

Về trình độ: không có quy định người thủ từ phải biết chữ hoặc có trình độ, song cũng phải ít nhiều am hiểu các nghi lễ thờ cúng,   

Đặc biệt, không trong thời gian chịu tang người thân với mức để tang 3 tháng trở lên. Khi gặp trường hợp trên, phải làm lễ cáo về, dân làng cử người khác thay thế. Hết tang, có trở lại công việc hay không, tùy trường hợp cụ thể (mức độ để tang, hoặc dân làng có đồng ý cử lại hay không). 

Một số làng đòi hỏi thủ từ phải là người có điều kiện kinh tế khá, hay ít ra không quá nghèo. Có làng, thủ từ phải biết chữ Hán (thời Pháp thuộc phải biết chữ Quốc ngữ), vì đó là tiêu chuẩn để biết sơ bộ các văn bản trong di tích (chẳng hạn, các bức hoành phi, câu đối để như thế nào cho thuận), làm quen, thành thạo với các nghi lễ.

Thủ từ được làng bầu, hoặc cử ra, tùy điều kiện cụ thể. Số lượng thủ từ tùy thuộc vào các đền, miếu thờ thành hoàng và bố trí, vị trí của các di tích đó. Thông thường, mỗi di tích có một người trông coi riêng, do đền (hoặc miếu, quán) thường ở cách xa đình; song nhiều trường hợp đình và miếu ở gần nhau nên chỉ cử một người. Nhiều trường hợp, một làng thờ 2 - 3 vị thần, mỗi vị ngự ở một đền (hoặc miếu) ở các vị trí khác nhau nên phải cử số thủ từ tương ứng. Chẳng hạn, làng Đại Áng (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì), có miếu Thiên Quan bản thổ ở xóm Chùa, thờ Túc Trinh công chúa - vị thần thời các vua Hùng và đền Bắp Cáy ở ngoài đồng, thờ Phùng Hưng, nên làng cử thủ từ chính trông coi đình và 2 thủ từ phụ trông coi 2 miếu - đền nói trên. Hằng ngày, vào quãng 4 giờ chiều, bất kể trời nắng hay mưa, thủ từ chính (giữ đình) và hai thủ từ phụ phải cùng nhau ra thắp hương ở cả ba di tích trên.  

Thủ từ có nhiệm vụ trông nom cơ sở thờ tự, được bố trí nơi nghỉ tại di tích, hàng ngày phải túc trực tại đây. Buổi sáng sớm, ngay khi thức dậy, vệ sinh sạch sẽ, chỉnh đốn lại các khu thờ nếu có hiện tượng xô lệch, vận tế phục và thắp hương tại các ban thờ buổi sáng, sau đó có thể trở về nhà ăn sáng sớm, rồi lại trở ra. Ngoài nhiệm vụ quét dọn sạch sẽ khuôn viên di tích, thủ từ phải bao quát khu vực nội tự, đặc biệt là khu hậu cung, không để người ngoài xâm nhập. Khi có khách đến lễ, phải hướng dẫn khách làm lễ, nhiều trường hợp làm lễ thay cho người đến lễ. Các ngày sóc, vọng (ngày mồng một và ngày rằm), hoặc mỗi khi tại di tích có tế lễ ở đình, đền, thủ từ phải vận tế phục, túc trực ở cửa hậu cung để đón lễ (hương, rượu) từ các chấp sự dẫn vào theo 3 tuần tế. 

Trong các ngày hội làng, thủ từ phải luôn túc trực ở hậu cung, không để bất kỳ ai, kể cả các kỳ mục, chức dịch được vào nơi linh thiêng đó. 

Nhiều làng quy định thủ từ phải sửa lễ trong một số tiết lệ với số lượng lễ, loại lễ vật… tùy tập tục từng lễ, từng làng. Thông thường, mỗi tháng hai kỳ sóc, vọng ít nhất phải có lễ chay (xôi, oản, chuối, trầu cau), hoặc lễ mặn (xôi gà, rượu, trầu cau, lễ này thường do các kỳ mục, chức dịch được “thụ lộc). Ngoài ra, vào các kỳ lễ chính của làng (ngày sinh, ngày hóa, ngày khánh hạ của thần), lễ vật sửa phải nhiều hơn. Nhiều làng, thủ từ phải sửa lễ rất nặng nề. 

Thủ từ được làng cấp ruộng (công điền, hoặc công châu thổ), nhiều ít tùy làng. Nhiều làng gọi loại ruộng này là ruộng cơm mèo (thủ từ trông coi di tích thường nuôi thêm một hai con mèo để chống chuột phá hoại). Có làng, thủ từ được cấp một diện tích rất lớn ruộng đất, như làng Thạch Thán (huyện Quốc Oai), thủ từ được cấp 3 mẫu 4 sào 8 thước, trong tổng số 9 mẫu 13 thước ruộng đất công của cả làng. Làng Yên Sở (huyện Hoài Đức), Thủ từ đình và Thủ từ quán được hưởng chung 4 mẫu 7 sào công châu thổ. Số ruộng được cấp chỉ được sử dụng trong thời gian đảm nhiệm nhiệm vụ. Một số đình, đền có diện tích vườn rất rộng, trong vườn trồng các cây ăn quả (nhãn, xoài, bưởi…), nhiều làng cho phép Thủ từ được hưởng số hoa quả đó. Riêng cây lấy gỗ (hoặc cây ăn quả “cổ thụ” bị già, chết), quyền khai thác, sử dụng thuộc về cộng đồng làng. 

Thủ từ - xưa và nay
Đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội) - một trong những ngôi đình cổ của xứ Đoài.
Thủ từ còn được phần biếu (xôi thịt, oản quả…) trong các dịp làng có tế lễ, phần lễ to - nhỏ tùy từng lễ, tùy quy định của từng làng. Ở nhiều làng, trong lễ thay mã cho thần hàng năm, thủ từ cũng được nhận một phần từ bộ quần áo của Thần, vì đó là vinh hạnh. Thủ từ cũng được nhận một phần lộc từ lễ của những người đến lễ biếu lại. 

Thủ từ ngày nay
Sau cách mạng tháng Tám 1945, các đình, đền miếu ở phần lớn các làng quê không còn duy trì tục thờ cúng, nên vai trò của người thủ từ mờ nhạt. Nhiều đình, đền bị giặc Pháp phá hủy, nên chức danh thủ từ ở các làng quê này hầu như không còn tồn tại. Từ hòa bình lập lại đến cuối thập niên 1980, ở đa số các làng còn giữ được đình, đền, việc cử thủ từ dường như chỉ “lấy lệ” theo phong tục và tín ngưỡng. Những người được làng cử/ bầu làm thủ từ không có chế độ (vì ruộng đất của di tích không còn, chỉ ở một số rất ít địa phương, thủ từ được hợp tác xã cấp một số công điểm trong một vụ, sau đó được nhận một số lương thực ứng với giá trị ngày công; hoặc có hợp tác xã cấp thẳng một lượng lương thực nhất định), họ đảm nhiệm công việc chỉ với niềm tin là “được phục vụ nhà thánh và sẽ được thần thánh phù hộ” là chính.

Từ đầu thập niên 1990, phần lớn các làng khôi phục lại đình, đền và các lễ thức thờ cúng, vai trò của người thủ từ được xác lập trở lại. Nguyên tắc cử thủ từ và các nghĩa của ông vẫn tuân thủ theo tục cũ, song việc sửa lễ không còn nặng nề như trước, vì nhiều lễ thức không được duy trì theo “nguyên bản”, chỉ tập trung vào các lễ thức chính yếu nhất và kinh phí sửa lễ vật thường trích từ nhiều nguồn khác nhau, tùy từng làng. Rất nhiều thủ từ tâm huyết với di tích, không chỉ giữ gìn, bảo vệ đồ thờ cúng, bỏ công tôn tạo di tích trong phạm vi có thể, mà còn vận động dân làng đóng góp tu bổ di tích, sắm sửa đồ thờ cúng, làm cho di tích trở nên khang trang hơn, tích cực tìm hiểu và tuyên truyền về giá trị của di tích để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân và du khách trong việc giữ gìn di tích, thu hút khách du lịch… Nhiều người đã lặng thầm cống hiến một thời gian dài của cuộc đời bằng nhiệt tình, tâm huyết dành cho di sản của cha ông.

Tuy nhiên, việc cử thủ từ hiện nay ở phần lớn các làng quê đang gặp nhiều khó khăn và bộc lộ nhiều bất cập. Đó là, phần lớn họ là người cao tuổi, sức yếu, chậm chạp, trong khi bọn tội phạm trên phương diện văn hóa hoạt động rất tinh vi. Các thủ từ không được hướng dẫn về cách thức bảo quản, bảo vệ hiện vật, di tích. Đây là một trong những nguyên do khiến tình trạng mất đồ thờ, nhất là các cổ vật xảy ra ở nhiều nơi. Việc tìm người thay thế thủ từ, hay nói chung là người trông coi di tích ở nhiều làng quê rất khó khăn vì nhiều lý do, trong đó có lý do các thủ từ không có chế độ phụ cấp, trong khi công việc nhiều, trách nhiệm lớn, nhiều người còn gặp khó khăn về kinh tế. Một số địa phương đã ban hành văn bản để khắc phục tình trạng này, chẳng hạn, Thành phố Hà Nội có Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND, ngày 17/11/2016 về “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố”, trong đó, Khoản 3 Điều 20 quy định: "Người trực tiếp trông coi di tích được hỗ trợ thù lao hàng tháng từ nguồn thu công đức và nguồn thu qua các hoạt động phát huy giá trị di tích. Trường hợp di tích không có nguồn thu này hoặc nguồn thu không đảm bảo, Ủy ban nhân dân được phân công quản lý có trách nhiệm cân đối mức hỗ trợ phù hợp từ nguồn ngân sách được giao sau khi xin ý kiến của Hội đồng nhân dân cùng cấp". Tuy nhiên, việc thực hiện văn bản này ở phần đông các làng, các di tích gặp rất nhiều khó khăn. Một số làng, nhất là các làng nghề đã kêu gọi các “mạnh thường quân” hỗ trợ, hoặc trích một phần từ nguồn quỹ của thôn để cấp cho thủ từ một khoản tiền rất ít ỏi.  

Việc bầu, cử thủ từ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn so với trước tháng Tám năm 1945 do các nam giới (và cả nữ giới) cao tuổi hiện nay vẫn phải lo mưu sinh vì không có lương hưu hoặc lương hưu rất thấp; cũng có người, nhất là ở các làng nghề ham mê công việc nên vẫn tranh thủ đi làm; hoặc phải trông cháu, nhà cửa cho các con đi làm. Thêm nữa, do dân số tăng lên nhiều lần, mỗi cá nhân ngày nay có nhiều người có các mối quan hệ huyết thống và liên huyết thống (bên nội, bên ngoại và bên vợ); số người già và qua đời cũng tăng lên rất nhiều so với trước, nên có người, trong một năm hoặc liên năm, liên tục có người thân thích qua đời và người đó phải chịu tang, không thể ra làm thủ từ được. 

Để khắc phục tình trạng “khó tìm thủ từ” vì lý do này, một số làng đã đưa ra giải pháp: cắt cử thủ từ đảm nhiệm thời gian ngắn và luân phiên nhau. Trường hợp làng Hoàng Trung (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai) là ví dụ điển hình: các cụ ở độ tuổi 62 - 72 có nhiệm vụ làm thủ từ đền. Mỗi năm có 12 cụ đảm nhiệm (bắt đầu từ cụ vào tuổi 62) “bắt thăm” với nhau, mỗi người đảm nhiệm một tháng. Ngoài nhiệm vụ trông coi di tích nói chung, thủ từ phải sửa lễ cho hai kỳ sóc, vọng. Kinh phí cho việc sửa lễ này do làng hỗ trợ (500.000 đồng), thủ từ có thể bỏ thêm tiền của mình sắm lễ để lễ thêm “hậu”. Lễ thành hoàng xong, các cụ trong chi hội người cao tuổi ai đến dự thì thụ lộc. Cách cử “thủ từ tháng” này giúp cho làng luôn có “nguồn thủ từ dự trữ”, không bị động khi thủ từ đương nhiệm chẳng may có người thân qua đời, phải “cáo về”, vẫn duy trì được các nghi lễ và một phần hoạt động của chi hội người cao tuổi.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thủ từ - xưa và nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO