Thuốc lá và các bệnh về phổi

Lê Hằng| 31/05/2019 11:02

Sử dụng thuốc lá gây ra hơn 25 căn bệnh như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư tim mạch, các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản… Các nghiên cứu cho thấy hơn 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do sử dụng thuốc lá gây ra. Việt Nam chúng ta tỉ lệ đó còn cao hơn rất nhiều, 96% người bệnh ung thư là ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá, 73% người bệnh nằm ở các bệnh viện gây nên hiện tượng quá tải nguyên nhân bắt nguồn từ thuốc lá.


Thuốc lá và các bệnh về phổi  - Tác hại không lường
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế phát biểu tại lễ mít tinh ngày "Thế giới không thuốc lá"
Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe

Chúng ta đều biết tác hại của thuốc lá là một vấn đề mang tính chất cộng đồng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, thuốc lá là nguyên nhân gây nên các bệnh không lây nhiễm và có rất nhiều tác hại đến kinh tế, tới từng tế bào của xã hội. Vì thế, thế giới đã lấy ngày 31/5 hàng năm là ngày toàn thế giới cùng chung tay phòng chống tác hại của thuốc lá. Năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”, theo đó Việt Nam chúng ta cũng có một tuần lễ từ ngày 25/5 đến ngày 31/5 là tuần lễ đỉnh cao truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo thống kê cho thấy hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 2/3 số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu. Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người không hút khi hít phải khói thuốc.

Ngoài ảnh hưởng đến bệnh tật và tử vong thì thuốc lá còn ảnh hưởng đến yếu tố giống nòi, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, kinh tế, gia đình và xã hội. Tổ chức y tế thế giới xem hút thuốc lá là một căn bệnh, vì trong thuốc lá có thành phần nicotine gây nghiện, tỉ lệ người dùng cao, vấn đề cai thuốc lá là một thách thức với những người nghiện thuốc. Nếu không có sự nỗ lực quyết tâm của chính bản thân người hút thấy được tác hại từ việc hút thuốc đối với bản thân mình, với người thân và bạn bè thì cai nghiện thuốc lá là việc làm vô cùng khó, tỉ lệ tái nghiện trở lại cao.

Hiện nay, xu hướng chuyển đổi từ hút thuốc lá trực tiếp sang hút thuốc lá thụ động (thuốc lá điện tử, shisa...) có chiều hướng gia tăng trên thế giới cũng như ở Việt Nam chúng ta. Nhiều người cho rằng, việc chuyển đổi này sẽ làm giảm tác hại đến sức khỏe so với hút thuốc lá trực tiếp, nhiều người còn chọn đây là phương pháp nhằm hạn chế việc hút thuốc cũng như tiến tới cai thuốc.

Tuy nhiên, trên thực tế việc hút thuốc lá thụ động thực sự có tác hại như thế nào đến sức khỏe? PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, Giám đốc quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết: Hiện nay trên thế giới cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giúp người hút thuốc giảm thiểu hút thuốc và tiến tới không hút thuốc bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có thuốc lá điện tử.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu cũng như báo cáo của các nhà khoa học cho thấy việc hút thuốc lá thụ động có tác hại đến sức khỏe không khác gì so với hút thuốc lá trực tiếp”. Khi hút một điếu thuốc lá điện tử, nghĩa là người hút đang đưa một lượng nicotine vào cơ thể qua đường máu và phổi. Nicotine là một chất gây nghiện, rất nguy hiểm khi sử dụng với nồng độ cao, gây ảnh hưởng đến não và thần kinh, làm tăng huyết áp và nhịp tim, thậm chí có những trường hợp loạn nhịp tim gây suy tim và dẫn đến tử vong.

Thuốc lá và các bệnh về phổi  - Tác hại không lường

Lãnh đạo Bộ Y tế - Sở Y tế Hà Nội tham gia đạp xe diễu hành "Vì một môi trường không khói thuốc"

TP Hà Nội hướng tới “Vì một môi trường không khói thuốc”

Trong thời gian tới, với sự chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Y tế,UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2019 – 2020 và triển khai thực hiện đến các Sở, ngành, các tổ chức Chính trị xã hội và UBND các quận, huyện thị xã nhằm tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn ngừa hút thuốc trong thanh thiếu niên, bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước khỏi các tổn thất về sức khỏe do việc sử dụng thuốc gây ra

Trong bài phát biểu mít tinh hưởng ứng ngày “Thế giới không thuốc lá” diễn ra ngày 28/5/2019 vừa qua, Đồng chí Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc sở Y tế Hà Nội – Phó Trưởng ban thường trực, ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá TP Hà Nội nhấn mạnh“Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá, truyền thông về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, các quy định về cấm hút thuốc lá tại các bệnh viện, trường học, nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch, khu vực công cộng…nhân rộng mô hình “Môi trường không khói thuốc”.

Nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức, nghiêm cấm bán thuốc lá tại các điểm có quy định cấm hút thuốc. Đồng thời
tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá. Thực hiện xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”
Trong lễ mít tinh hưởng ứng ngày “Thế giới không thuốc lá” 31/5, Bộ Y tế kêu gọi bỏ thuốc lá, nhằm ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển do hút thuốc gây ra. Đây là một trong những chiến dịch đỉnh cao truyền thông  để vận động toàn bộ người dân và cộng đồng chung tay phòng chống những tác hại của thuốc lá.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thuốc lá và các bệnh về phổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO