Thương binh Nguyễn Bá Toản: Lặng lẽ tỏa hương giữa đời thường

Đăng Chung| 26/07/2018 05:45

Vượt qua nỗi đau thể xác do di chứng của chiến tranh để lại, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Bá Toản ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Khi người lính trở về…

Cũng như bao thanh niên ưu tú khác tại xã Thanh Cao, năm 1978 khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Bá Toản hăng hái lên đường nhập ngũ, nguyện cống hiến sức trẻ cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Sau khi được đào tạo huấn luyện sơ cấp tại trường Quân y quân khu 3, Nguyễn Bá Toản được phân công tham gia công tác sơ cấp cứu chiến sĩ bị thương vừa trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu tại mặt trận chiến trường Đông Bắc (Quảng Ninh). “Một lần đưa thủ trưởng đơn vị về tham dự một cuộc họp, trong quá trình di chuyển không may xe bị lật. Khi tỉnh dậy, tôi được nghe mọi người kể lại lúc đó tôi bị thương rất nặng nhất là khu vực đầu, tưởng đã chết rồi nhưng may mắn vẫn mỉm cười với tôi…" - Ông Toản nhớ lại.

Thương binh Nguyễn Bá Toản: Lặng lẽ tỏa hương giữa đời thường
Thương binh Nguyễn Bá Toản bên cạnh khu vực xưởng sản xuất thêu vi tính. Ảnh: Đăng Chung
Sau 6 năm phục vụ trong quân đội, "hành trang" mang về ngày xuất ngũ của thương binh Nguyễn Bá Toản là những vết thương luôn tái phát lúc trái gió trở trời với 62% tỷ lệ thương tật. Cuộc sống gia đình ông chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp và tiền trợ cấp thương binh hạng 2/4 của ông nên rất chật vật. Khoảng thời gian đó, không ít lần ông Toản tỏ ra chán nản… 

Tuy nhiên, với phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ” không ngại khó khăn, gian khổ và luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Toản đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mua máy dệt len về với mong muốn tạo công ăn việc làm cho gia đình cũng như mở rộng sản xuất trong nhân dân địa phương. Vốn là một người rất năng động và chịu khó cộng với khả năng học hỏi nhanh, ông Toản vận hành và sửa chữa tốt rất nhiều loại máy dệt khi đó. Ngoài công việc của gia đình, ông tham gia hướng dẫn đào tạo nghề dệt len, sửa chữa máy móc cho nhân dân địa phương để tăng thêm việc làm và thu nhập cho gia đình.

Nói về việc từng bước vượt khó vươn lên, ông Toản tâm sự: “Những ngày đầu mới mua máy dệt len về làm tôi gặp nhiều khó khăn cả về vốn, kinh nghiệm, vì thế đã không ít lần thua lỗ. Những lúc đó, tôi chán nản lắm nhưng rồi tôi nghĩ, mình là người lính, bom đạn còn không làm mình gục ngã thì chuyện làm kinh tế lúc thành bại sẽ là kinh nghiệm cho mình thành công. 

Với tâm niệm và quyết tâm đó, vừa làm vừa học, sai ở đâu sửa đó, thiếu kiến thức gì bổ sung kiến thức đó, thương binh Nguyễn Bá Toản ngày càng “chuyên nghiệp” hơn trong công việc của mình. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình ông ngày càng khá lên, đảm bảo cuộc sống để nuôi dạy con ăn học. 

Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu liên tục học hỏi và thay đổi công nghệ, đến nay ông Toản đã làm chủ 2 xưởng thêu vi tính có quy mô lớn hiện đại, đáp ứng nhu cầu năng suất cao trong công việc, đem lại thu nhập khá cho gia đình. “Hiện nay 2 con trai của tôi đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Con trai cả đang công tác trong lực lượng vũ trang, còn đứa thứ 2 sau khi học xong cao đẳng tin học về phụ giúp bố trong việc điều hành của 2 xưởng thêu vi tính" - Ông Toản phấn khởi chia sẻ.

“Còn sức khỏe còn cống hiến cho quê hương”

Nhớ lại những ngày đầu phục viên về địa phương, ông Toản được đồng đội tín nhiệm bầu làm tổ trưởng - Hội Thương binh tình nghĩa xã Thanh Cao và tham gia công tác Hội Cựu chiến binh xã Thanh Cao. Trong suốt quá trình tham gia công tác hội ông luôn gương mẫu, nhiệt tình, là một trong những người đi đầu trong việc vận động bà con lối xóm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, ông thường xuyên giúp đỡ, định hướng cho đồng chí, đồng đội và các gia đình khó khăn làm kinh tế, tích cực ủng hộ các quỹ an sinh xã hội ở địa phương. 

"So với những đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh, tôi thấy mình còn may mắn lắm. Vì thế, tôi luôn tâm niệm, nếu còn sức, mình sẽ cố gắng cống hiến cho quê hương, giúp đỡ những đồng chí, đồng đội kém may mắn hơn mình" - Ông Nguyễn Bá Toản tâm sự. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Thanh Oai hiện có 17.251 người có công, trong đó có 243 Mẹ Việt Nam anh hùng, 2.856 liệt sĩ; trên 2.000 người hy sinh một phần xương máu và sức lực được hưởng chế độ thương binh, bệnh binh; 1.152 người trực tiếp và con của họ được hưởng trợ cấp chất độc hóa học; hơn 11.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được giải quyết chế độ.

“Với đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, huyện Thanh Oai luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động huy động cộng đồng tham gia chăm lo đời sống gia đình chính sách và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tấm gương thương binh Nguyễn Bá Toản là một trong những tấm gương tiêu biểu thực hiện lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Ông Toản đã nỗ lực vượt lên trên khó khăn, hoàn cảnh để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương…” – Ông Hùng cho biết.

Còn ông Trần Đích Tá - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) đánh giá, không chỉ mạnh dạn thay đổi cách làm, ông Toản còn biết lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và nhu cầu của xã hội. Ông xứng đáng là tấm gương sáng về lối sống, đạo đức và nghị lực biết vượt khó vươn lên để mọi người học tập và noi theo. 

“Bên cạnh việc nỗ lực phát triển kinh tế, ông Toản còn là hội viên cựu chiến binh gương mẫu, năng động, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm. Ông luôn vận động các hội viên cựu chiến binh và bà con tích cực tham gia các hoạt động, phong trào như: Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới... Ngoài ra, ông còn tạo điều kiện giúp con em cựu chiến binh khác có việc làm để từng bước xóa đói giảm nghèo. Ông nhiều lần được chính quyền và đoàn thể các cấp biểu dương, khen thưởng là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, xứng đáng để làm gương sáng về tinh thần vượt lên hoàn cảnh cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo…” - Ông Tá cho hay.

Năm tháng qua đi, sức khỏe của thương binh Nguyễn Bá Toản dần giảm sút theo thời gian, nhất là khi trái gió trở trời, vết thương cũ của ông lại tái phát. Nhưng với sự nhiệt tình, tận tâm, tận lực, ngoài nỗi lo chung của mọi người, thương binh Nguyễn Bá Toản còn luôn nêu cao trách nhiệm một người Đảng viên gương mẫu, không ngừng tìm tòi học tập phát huy tinh thần "bộ đội Cụ Hồ”.  Ông được chính quyền và nhiều người dân địa phương coi là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thương binh Nguyễn Bá Toản: Lặng lẽ tỏa hương giữa đời thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO