Thương nhớ vườn quê

Hà Kim Quy| 07/06/2020 09:59

Thương nhớ vườn quê

Ngôi làng ông bà nội tôi ở nằm soi bóng xuống dòng sông Gạo. Ôi, con sông quê, chỉ mới nghe tên đã thấy thân thương! Con sông uốn lượn qua làng, hiền hòa, xanh mát, quanh năm như dòng sữa mẹ nuôi cánh đồng phì nhiêu, cây cối tốt tươi. Chẳng biết tự bao giờ, người ta lấy tên dòng sông đặt cho làng, hay lấy tên làng đặt cho dòng sông cũng chẳng ai nhớ nữa. Hay bởi vì làng có cây gạo cổ thụ nằm ngay đầu cây cầu nối hai bờ sông nên gọi tên làng Gạo? Phải chăng đó là khát vọng, ước nguyện no ấm từ ngàn đời của người dân quê tôi?

Năm nào cũng vậy, cứ hè đến là tôi lại được bố mẹ cho về quê với nội. Chính vì vậy, tôi gắn bó với ruộng vườn, đồng quê và cảm nhận thân thuộc với nơi này hơn cả thành phố nơi tôi đang sống. Nơi đây có những con người chân chất, hiền lành như hạt lúa củ khoai, có tiếng sáo diều vi vu mỗi đêm hè, có mảnh vườn râm mát cất giấu bao nhiêu điều bí ẩn mà mới chỉ nghĩ đến thôi là đã dậy lên mùi hương hoa trái làm lòng tôi thổn thức đầy vơi. Cây ổi đào cuối vườn thơm phức, thường đánh thức mẹ con nhà chào mào mỗi sớm mai. Tiếng chào mào lẫn tiếng chích chòe thánh thót như một bản hoan ca của vườn quê tấu lên trong ánh nắng chan chứa dịu dàng.

Ban mai cũng đánh thức tâm hồn tôi bằng những hương quê. Đó là mùi hương dịu dàng, thanh khiết từ những chùm hoa cau bé tí xíu. Đó là những bông hồng nhung khum khum, mịn màng, tươi thắm, ngào ngạt gọi mời bướm, ong. Đó là mùi hương quyến rũ từ những bông hoa mộc hương li ti, chi chít, trắng ngà trên các cành cây nhỏ bé, mốc meo… Tôi muốn hít thật sâu đầy lồng ngực mà cảm nhận sự ngọt ngào, nhẹ nhàng và thanh tao ấy.

Yêu lắm những mùi hương từ mảnh vườn của nội!

Tôi học cách nhận biết từng loại cây trong vườn, từ lá trầu không cay nồng, cây tía tô tím sẫm, ram ráp đến cây nhót lá có hai màu, một mặt xanh, một mặt bạc trắng lạ kỳ... Nội luôn dõi theo tôi, móm mém cười hiền lành khi tôi nhảy chân sáo, tay với những cành cây, dí sát mũi vào từng loại cây mà hỏi: “Nội ơi, hoa gì đây? Nội ơi, cây gì vậy?” để thỏa mãn trí tò mò của con trẻ.

Những cây chè xanh ở cuối vườn không to lắm, bông hoa chè trắng muốt, cánh tròn trịa, mảnh mai ôm gọn những  nhụy vàng li ti toát lên vẻ đẹp mộc mạc, tinh khôi. Tôi học được cách phân biệt đâu là giống chè lá roi, đâu là những chiếc lá bánh tẻ. Giống chè lá roi nhỏ, dày và dài nhưng phải là lá bánh tẻ khi hãm mới thơm và đượm nước. Nội bảo chỉ có loại chè này trồng ở đất quê mình mới ngon, ngọt đậm, có vị riêng, không quá chát, không hôi nên những người sành chè tươi trong vùng thường chọn mua chè của làng Gạo. Phải chăng, làng Gạo quê tôi được bồi đắp vị ngọt ngào phù sa từ con sông mà xanh, tốt quanh năm? 

Tôi rửa những lá chè trong chiếc thau đồng, bằng nước mưa trong bể trước nhà, vừa làm vừa hát líu lo. Xong việc, tôi theo nội vào bếp. Nội quơ vội nắm lá khô, châm lửa, vun vào chân ba ông đồ rau được nặn bằng đất sét. Có lẽ đây là cái bếp lạ nhất mà tôi từng thấy. Lửa reo vui tí tách, mùi lá nhãn cháy thơm hăng hắc vương khắp không gian. Với cái que đun bằng cành nhãn cời cho lá cháy hết, quét bếp sạch sẽ rồi nội gạn nước sôi vào ấm tích đã được bỏ chè xanh. 

Ngấn nắng bò men theo tường, trùm lên rặng cây ô rô, chiếu xuống hiên nhà tự lúc nào. Con chim vịt dặng lên một hồi dài gọi bạn phía ngọn tre sau nhà. Âm thanh lảnh lót ngân nga, dội vào thinh không. Nội rót nước ra những chiếc bát sứ trắng tinh, nước chè xanh vàng óng, nghi ngút khói. Mùi nước chè thơm ngái quyện với mùi mật khoai tỏa hương ngọt ngào, đặc quánh, thật hấp dẫn. Mọi người quây quần quanh chiếc chõng tre vừa thưởng thức món quà quê từ vườn của nội vừa chuyện trò vui vẻ. 

Nước chè chan chát nơi đầu lưỡi, lạ thay, khi uống xong, để  lại vị ngọt dịu dàng, sự ngọt ngào của đồng quê. Mãi đến sau này, khi lớn lên, bước chân đã đặt qua bao miền đất, được thưởng thức chè xanh ở nhiều nơi nhưng tôi không thể nào tìm thấy được hương vị chè xanh như  vườn nhà quê nội. 

Mỗi lần về quê, tôi rưng rưng khi thấy đôi bàn tay nội lại như gầy guộc hơn, run run lần hái từng ngọn chè xanh rồi đùm dúm cả yêu thương cho tôi mang về thành phố. Nhìn dáng đi chậm chạp, ánh mắt nội đã mờ đục, tôi lại thấy nhói lòng. Tôi sợ một ngày nào đó về quê sẽ không còn được uống bát nước chè xanh tự tay nội hái trong vườn; sợ mùi hương dân dã đó sẽ nhạt phai, sợ mảnh vườn ngày nào đó không còn bóng dáng lưng còng thân thương của nội…

Thời gian cứ lặng lẽ trôi như dòng sông Gạo trước làng. Những hương đồng gió nội cùng với bát nước chè xanh từ mảnh vườn đó chỉ còn trong ký ức. Một ngày chớm hè, nội đã theo ông về với tiên tổ, bỏ lại ngôi nhà trống vắng, cũ kỹ ngồi tựa lưng vào rặng tre sau nhà mà thương nhớ mảnh vườn xưa. Bất giác, tôi hình dung đến bóng dáng nội ngồi tựa cửa, nhìn vào xa xăm. Mắt cay xè, tôi nhớ nội, nhớ khu vườn có những bầy chim chào mào hót mỗi ban mai… 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thương nhớ vườn quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO