Thượng tướng Phùng Thế Tài - Những dấu mốc lịch sử

Phùng Văn Khai| 02/11/2020 11:21

Thượng tướng Phùng Thế Tài là một trong những tướng lĩnh tài ba, trụ cột của quân đội nhân dân Việt Nam. Sớm theo Đảng, theo Bác Hồ từ những ngày cách mạng còn trứng nước, ông luôn có mặt trên tuyến đầu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đảm đương nhiều cương vị quan trọng ở các thời khắc lịch sử và có những đóng góp nhất định.

Thượng tướng Phùng Thế Tài - Những dấu mốc lịch sử
Nhà văn Phùng Văn Khai (phải) tới thăm và tặng sách Thượng tướng Phùng Thế Tài lúc sinh thời.
Người cận vệ đầu tiên của Bác Hồ

Cuộc đời Thượng tướng Phùng Thế Tài là một tấm gương sáng của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Từ người cận vệ đầu tiên của Bác Hồ, theo lời dạy của Bác, với ý chí, nghị lực và tài năng của mình, ông từng bước trưởng thành, trở thành Thượng tướng quân đội nhân dân Việt Nam, một vị tướng bản lĩnh, giàu cá tính, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn đặt lợi ích của nhân dân, Tổ quốc lên trên hết để hoàn thành nhiệm vụ. 

Nhìn nhận toàn bộ cuộc đời ông, thấy rất rõ sự hội tụ đầy đủ các phẩm chất đáng quý nhất của lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và chiến thắng. Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng độc đáo, một nhà quân sự tài năng, một trong những học trò trưởng thành nổi trội về năng lực quân sự của Bác Hồ. Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng tự hào có những vị tướng như ông.

Phùng Thế Tài tên thật là Phùng Văn Thụ, sinh năm 1920 tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội). Nhà nghèo, thuở nhỏ lưu lạc sang tận Vân Nam - Trung Quốc kiếm sống. Năm 1933, khi mới 13 tuổi ông làm giúp việc cho một nhà giàu ở thị trấn Chỉ Thôn, tỉnh Vân Nam. Vốn là người có cá tính đặc biệt lại thông thạo võ nghệ, trong lúc phải bênh vực kẻ yếu, ông đã đánh lại lũ con chủ nhà rồi bỏ lên Côn Minh - thủ phủ tỉnh Vân Nam. Đang lúc đói rét chưa xin được việc làm, phải lang thang ở công viên Hạ Lầu, ngoại thành Côn Minh, bỗng có một người đàn ông tới nói bằng tiếng Việt: “Em từ đâu mà đến đây?”. Thấy người đó nói tiếng Việt đàng hoàng, đáng tin cậy, Phùng Thế Tài kể hoàn cảnh của mình. 

Qua trò chuyện, người đàn ông đưa cậu thiếu niên Phùng Thế Tài về hãng dầu cù là Nhị Thiên Đường ở Côn Minh giao cho làm một số việc của hãng. Người đàn ông đó chính là đồng chí Vũ Anh với bí danh Trịnh Đông Hải. Thời gian này, đồng chí Vũ Anh được Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cử sang Trung Quốc xây dựng cơ sở trong công nhân lao động người Việt. Qua thời gian thử thách, năm 1936, Phùng Thế Tài được vận động và tham gia tổ chức cách mạng tại đây. 

Thấy rõ năng lực, chí hướng của Phùng Thế Tài, năm 1939, đồng chí Vũ Anh và các đồng chí trong tổ chức đã kết nạp ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, Phùng Thế Tài được tổ chức cử đi học ở trường Sĩ quan Hoàng Phố, ông tốt nghiệp với quân hàm Trung úy.

Cách đây gần 80 năm, ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba nước ngoài đã đặt bước chân đầu tiên trở về với Tổ quốc. Bảo vệ Bác Hồ về nước có một người thanh niên họ Phùng, người cận vệ trung thành đã từng làm công tác bảo vệ Người từ năm 1940. Đó là Phùng Thế Tài, người sau này đã rất gắn bó với Bác Hồ.

Trong khoảng thời gian làm công tác bảo vệ Bác Hồ, trò chuyện với Bác tuy không nhiều, phần lớn bằng tiếng Trung Quốc, nhưng Phùng Thế Tài đã thấy được nhiều vấn đề, đã có chuyển biến lớn về nhận thức trong các nhiệm vụ cách mạng. Điều này đã như một bước ngoặt để Phùng Thế Tài trưởng thành sau này.
Đầu năm 1945, Phùng Thế Tài báo cáo xin Bác cho được đi chiến đấu trực tiếp. Bác đồng ý. Bác nhất trí cho Phùng Thế Tài làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội Giải phóng quân Thất Khê. Sau khi giành chính quyền tại Lạng Sơn thành công, Phùng Thế Tài được cử làm Ủy viên Quân sự Việt Minh tại Lạng Sơn kiêm Chi đội phó Chi đội Lạng Sơn. 

Đầu năm 1947, Phùng Thế Tài được cấp trên điều từ Lạng Sơn về mặt trận Hà Nội làm Ủy viên Quân sự trong Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hà Nội, kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 37. Điều này cho thấy cấp trên luôn tin tưởng vào năng lực chỉ huy đa dạng của Phùng Thế Tài. 

Trên cương vị mới, Phùng Thế Tài chỉ huy bộ đội tập kích vào thị xã Hà Đông khiến địch vô cùng khiếp sợ. Giặc Pháp cho rằng ta không còn bộ đội chủ lực và cũng không đủ sức tập kích vào thị xã. Trận tập kích gây tiếng vang lớn đã tạo cho bộ đội ta có kinh nghiệm tập kích địch trong thành phố và cho Trung đoàn trưởng Phùng Thế Tài sự quả đoán, quyết thắng, đánh địch trong lòng địch, đánh địch để dân tin, đánh địch để trưởng thành.

Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân

Năm 1950, Phùng Thế Tài được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, tiếp đó nhận mệnh lệnh từ cấp trên chỉ huy bộ đội tập kích sân bay Bạch Mai. Ta đốt phá, tiêu hủy 25 máy bay, các kho tàng, 60 vạn lít xăng dầu, 32 tấn vũ khí trang bị của thực dân Pháp làm chấn động cả Thủ đô Paris. Từ trận thắng này đã nâng cao khí thế bộ đội ta, gây hoang mang cho địch ngay trong sào huyệt của chúng. Trận thắng thể hiện tài chỉ huy táo bạo, quả cảm của Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Phùng Thế Tài.

Năm 1958, Phùng Thế Tài được phong quân hàm Thượng tá. Ông đảm đương nhiều cương vị quan trọng của bộ đội pháo binh: Từ tháng 11 năm 1961 đến tháng 11 năm 1962, Phùng Thế Tài giữ chức Hiệu trưởng trường Sĩ quan pháo binh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh. Thời gian này, ông cùng với bộ đội pháo binh nghiên cứu nhiều cách đánh địch, nhất là cách bắn máy bay, tàu chiến Mỹ. Khi ở Điện Biên Phủ, pháo phòng không của ta đã chiến đấu kiên cường, bắn rơi nhiều máy bay địch nhưng đó là không gian hẹp, bắt buộc địch phải lao vào trận địa của ta. Đánh Mỹ sau này rất khác. Chiến trường rộng lớn. Máy bay, tàu chiến, thiết xa vận của Mỹ có nhiều lợi thế trong đó yếu tố hiện đại, vượt trội về kỹ thuật rất rõ ràng. Phải chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ trên chiến trường, trên không, trên biển là một bài toán khó. Những câu hỏi đó luôn nung nấu trong đầu Phùng Thế Tài trên cương vị chỉ huy bộ đội pháo binh.

Nhận thức rõ quân đội ta phải lớn mạnh về mọi mặt để đánh và thắng Mỹ, Bác Hồ chỉ thị thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân trên cơ sở hợp nhất Binh chủng Phòng không và Cục Không quân. Năm 1963, Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập, Phùng Thế Tài được cử giữ chức Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng.

Đầu năm 1968, Bác Hồ gọi Phùng Thế Tài, lúc đó trên cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng, đồng chí Đặng Tính - Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân lên hỏi tình hình. Lúc này Bác không được khỏe. Ngay phút đầu tiên Người đã hỏi về B-52. Nét mặt Bác trở nên đăm chiêu: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Từ ngày 18/12/1972, cả Thành phố Hà Nội vào trận. Các trận địa phòng không đều bắt được mục tiêu B-52. Tiếng bom ầm ầm dội đất bốn phía. Tiếng đạn pháo phòng không động trời, tiếng lao vun vút của tên lửa ta xé màn đêm đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài trực tiếp cầm máy ra mệnh lệnh cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và các đơn vị đang đánh B-52. Không quân ta cất cánh. Mọi căm hờn đều trút lên đầu ngọn súng. 

Bộ đội Phòng không - Không quân trong 12 ngày đêm đã chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ khiến nước Mỹ hoảng loạn. 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đúng như Bác Hồ đã tiên đoán, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay B-52 và đã thất bại thảm hại trên bầu trời Hà Nội. Trong chiến thắng lịch sử, người cận vệ của Bác Hồ đã góp một phần công sức. Phùng Thế Tài luôn tự nhủ: Giá như có Bác Hồ. Giá như Bác còn sống để mừng vui chiến thắng.

Hôm nay, khi đất nước đã sang trang sử mới, người cận vệ của Bác Hồ cũng đã về với thế giới của người hiền. Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã đi xa nhưng Bác còn để lại bao lời dạy thiết thực. Bác từng nói: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”. Ngẫm lời Bác dạy, suy nghĩ những bước trưởng thành của các học trò của Bác trong đó có Thượng tướng Phùng Thế Tài, chúng ta càng thấy rõ một điều, trọng trách bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và khu vực đầy biến động, nhiều thách thức là một vấn đề lớn cần sự tâm huyết, tài chí và trên hết là sự đoàn kết thống nhất để quân đội ta mãi mãi là tường đồng vách sắt bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thượng tướng Phùng Thế Tài - Những dấu mốc lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO