Tiến sĩ Phùng Thảo một trái tim một con đường

Phùng Văn Khai | 14/12/2019 10:28

Tôi không nhớ lần đầu gặp Tiến sĩ Phùng Thảo ở đâu, đã nói những chuyện gì với ông bởi ông khá lặng lẽ và khiêm nhường. Ấy vậy mà, dường như rất nhanh, như có một cơ duyên khác thường, tôi và ông đã làm việc liên tục với nhau tròn mười năm. Mười năm ấy, cũng lạ thường, đắm mình trong công việc, đắm mình trong những niềm vui được làm việc, có khi là thâu đêm suốt sáng, khi là những chuyến đi vài ba ngày qua các tỉnh thành phía Bắc, phía Nam. Càng gần và làm việc với Tiến sĩ Phùng Thảo, tôi cảm nhận được rất

Tiến sĩ Phùng Thảo một trái tim một con đường
Tiến sĩ Phùng Thảo (giữa) làm việc với Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm
Tôi không nhớ lần đầu gặp Tiến sĩ Phùng Thảo ở đâu, đã nói những chuyện gì với ông bởi ông khá lặng lẽ và khiêm nhường. Ấy vậy mà, dường như rất nhanh, như có một cơ duyên khác thường, tôi và ông đã làm việc liên tục với nhau tròn mười năm. Mười năm ấy, cũng lạ thường, đắm mình trong công việc, đắm mình trong những niềm vui được làm việc, có khi là thâu đêm suốt sáng, khi là những chuyến đi vài ba ngày qua các tỉnh thành phía Bắc, phía Nam. Càng gần và làm việc với Tiến sĩ Phùng Thảo, tôi cảm nhận được rất rõ trái tim ông chỉ duy nhất một con đường - con đường Phùng tộc. Con đường ấy đã chọn ông hay ông đã chọn con đường ấy cũng chỉ là một, để mở ra những chân trời. Chân trời kiến thức. Chân trời niềm tin. Chân trời cành nhánh xum xuê ấm áp trong dòng chảy tộc Phùng.

Mười năm, khoảng thời gian đủ để người ở độ tuổi như tôi thấm thía và học hỏi, nhận thức và thực hành hứng khởi nhất những công việc mà mình cho là hữu ích.

Trong mười năm ấy, tôi may mắn được cộng tác cùng ông, vừa tổ chức vừa biên tập và cho ra đời 7 đầu sách quan trọng của dòng họ Phùng. Có cuốn sách ông còn phải đứng ở vai trò chỉ đạo cùng với Trung tướng Phùng Khắc Đăng. Chúng tôi cũng chưa bao giờ đặt ra ranh giới máy móc của người chỉ đạo. Ai cũng phải làm công tác biên tập vì chất lượng tập sách. Phải thò bút vào dù chỉ là một dấu phẩy, một hoài nghi. Đặc biệt phải có tư duy chiến lược sâu rộng, sự hoạch định bài bản, sự công phu tỉ mỉ mới có thể đem tới chất lượng mà dòng họ và độc giả yêu cầu. Hàng ngàn trang sách, phần lớn liên quan tới lịch sử, văn hóa tới nay chưa có sai sót gì lớn, đã làm ấm lòng, đã  gợi mở sự tìm tòi của hàng ngàn, hàng vạn độc giả trong đó không ít người là các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của mọi lĩnh vực thật không dễ dàng gì. Ấy vậy mà mọi chuyện được tiến hành khá bình an, luôn hài hòa, bổ sung thực chất lẫn nhau, phát huy được thế mạnh của từng người và đặc biệt là rất công bằng và khoa học.

Tôi rất nhiều lần có những chuyến đi với ông. Để có các cuộc hội thảo, nền tảng trước tiên là những chuyến điền dã thẳng xuống các vùng đất, tìm hiểu ngọn ngành các di chỉ văn hóa, những mách bảo từ dân gian. Con người Việt Nam rất lạ. Mọi dở hay công trạng của con người và các triều đại đều nằm ở trong nhân dân, thẳm sâu, mãi mãi truyền đời nối giữ. Mạch chính thì rành rành ở các bia ký, sắc phong. Mạch ngầm thì ngấm rất sâu trong lòng dân vốn bao la như biển. Trở về ngọn nguồn ấy, mọi hoài nghi đều được sáng tỏ. Những bỡ ngỡ được vun đầy. Kiến thức từ những chuyến đi thật vô cùng vô tận. Mới thấy rằng, việc học ở nhân dân mới là sự học vẹn toàn nhất. Từ những chuyến đi, biết bao ý tưởng đã hình thành, theo thời gian trở thành hiện thực. Những khó khăn tưởng chừng không bước được qua chính nhân dân sẽ cầm tay anh để dắt qua một cách nhẹ nhàng. 

Càng ngày, tôi càng hiểu lý do Tiến sĩ Phùng Thảo đi điền dã về các vùng đất, đến với các đình chùa, đến với các tầng lớp nhân dân chính là sự học hỏi đến tận cùng. Ông sinh ngày mồng 1 tháng 1 năm Kỷ Sửu (1949), ở cái tuổi đã từ lâu nghiệm được mọi thành bại được mất ở đời, lại từng đảm đương các cương vị, trọng trách nơi đầu sóng ngọn gió hàng chục năm trong công cuộc chuyển động dữ dội của đất nước. Tiến sĩ Phùng Thảo gần 20 năm công tác tại Thành ủy Hải Phòng, Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh Truyền hình Hải Phòng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng và chức vụ trước khi nghỉ hưu là Chánh văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương, hẳn cái nhìn về thời cuộc, về nhân tình thế thái chắc chắn là rất sâu sắc. 

Tiến sĩ Phùng Thảo rất nặng lòng với quê hương. Ông thường lặng lẽ đi về nơi quê cha đất tổ với tâm thế của một người con bình dị như bao người con khác. Những cống hiến của ông được bắt nguồn từ rất sâu xa mà một người trí thức như ông đã tự hoạch định mỗi đường đi nước bước vừa chu đáo vừa khoa học để có được những sản phẩm văn hóa hữu hình như khu miếu thần thờ tổ, những quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa của cụm di tích thờ Điện tiền Chỉ huy sứ Phùng Long Tương và Điện tiền Đô Thái chúa Phùng Đại Liệu. Đây là hai vị viễn tổ họ Phùng có công với nước ở làng Áng Sơn, xã Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, cũng chính là quê cha đất tổ của Tiến sĩ Phùng Thảo. Thời gian dẫu phủ bóng lên miếu đền di chỉ, con người dẫu đi góc bể chân trời đều một lòng một dạ hướng về cội rễ. Người họ Phùng ở nơi đâu đều biết tìm đến và khơi nguồn sáng trong với mong ước truyền dạy con cháu biết sống trung hậu lễ nghĩa ở đời. Những người đi tiên phong như Tiến sĩ Phùng Thảo, đã biết luôn phải gạt đi những riêng tư, những bất đồng do sự hiểu biết còn hạn chế, cả do sự khốn khó trong công cuộc mưu sinh mà kết đoàn nhau lại để thực hiện từng công việc có ích trước liệt tổ liệt tông. Khu nhà thờ tổ, các cụm đền thờ, miếu thờ của tộc Phùng ở nơi đây đều có công sức, đặc biệt là trí tuệ rất lớn của ông. 

Trong các cuộc đi điền dã, Tiến sĩ Phùng Thảo luôn là người rất tỉ mỉ, cẩn trọng. Đừng tưởng những gì hiện ra ở đình đền chùa miếu đã lộ diện cả bên ngoài. Còn nhiều vỉa tầng sâu sắc ẩn tàng trong mạch ngầm văn hóa dân gian, nhất là nơi nhân dân lắm. Nếu không hết lòng tìm tòi, suy tưởng, lật đi lật lại vấn đề, đớn đau dằn vặt trong công việc, sẽ không thể có được các bài viết sâu sắc, chạm vào trái tim lịch sử, đánh thức trái tim bạn đọc được đâu. Ta phải tự thuyết phục được chính mình mới hòng thuyết phục được người xung quanh. Có những cái tưởng đã rất chắc chắn nhưng vẫn còn những hồn vía, ẩn dụ, thử thách mà tiền nhân hoặc vô tình hoặc hữu ý đặt thế hệ sau vào vị thế phải làm rõ. Lại có những chuyện mười mươi mà người đời hoặc bất lực về tài chính hoặc lười nhác trong việc tiến hành khiến cứ chìm lút đi. Chúng tôi đã đi Đường Lâm thực không nhớ hết là bao nhiêu lần vậy mà hôm đứng tòa hậu cung đình Đoài Giáp tôi thấy Tiến sĩ Phùng Thảo đã lặng đi, bâng khuâng khó tả khi thấy tòa đình cổ bề thế khi xưa nay chỉ còn lại gian hậu cung khiêm nhường nép bên dãy nhà dân.

Nhiều câu hỏi như cùng lúc vang lên xoáy vào chúng tôi. Tại sao, có những di chỉ văn hóa lịch sử phải được lập tức tiến hành tôn tạo, phục dựng mà vẫn vô cùng ì ạch, thậm chí là lãng quên? Lúc đó, thấy đôi mắt ông se sắt khi trò chuyện với cụ thủ từ gầy guộc mà lòng tôi thắt lại. Anh Phan Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm đi cùng như thấy rõ được tâm tư của chúng tôi cũng chỉ biết im lặng. Vị Bí thư nơi đây cũng phải đầu tắt mặt tối cùng bà con thôn mạc bao nhiêu năm nay vừa coi giữ vừa tôn tạo bằng những giọt mồ hôi chát mặn của nhân dân để giữ gìn được hệ thống đình đền chùa miếu thờ tự các bậc tiền nhân. Nhiều việc muốn làm mà không sao làm được. Những sự ràng buộc, thậm chí là vô lý, thiển cận khiến nhân dân ở đây đã rất nhiều lần kiến nghị mà chỉ rơi vào thinh lặng. Chúng tôi đã từ lâu cảm thông với tâm tư và nguyện vọng của nhân dân cũng chỉ biết thầm thương nhau, gắng gỏi lắm cũng chỉ là trao tặng quyển sách quyển vở hầu san sẻ với dân. Phần lớn vẫn chỉ là động viên về tinh thần. Đừng tưởng liệu pháp tinh thần không quan trọng. Họ Phùng vật chất dẫu đơn sơ nhưng hễ lên với bà con và chính quyền Đường Lâm, nhắc có ông Đăng, ông Thảo lên đền lập tức quây quần đầm ấm và san sẻ. 

Cuộc ở đình Đoài Giáp ấy, sự quan hoài của vị tiến sĩ họ Phùng trước điểm thờ tự Bố Cái Đại vương Phùng Hưng còn quá sơ sài, không xứng đáng với công tích hiển hách của vị vua anh hùng đã khiến chúng tôi cảm thấy phải xiết chặt đội ngũ hơn, phải vừa có những hoạch định lâu dài vừa phải ngay lập tức bắt tay thực hành những việc cụ thể nếu không sẽ ngày càng muôn khó. 

Học tập từ các bậc tiền nhân, Tiến sĩ Phùng Thảo luôn biết khiêm nhường học hỏi. Cái sự học vốn thăm thẳm khôn cùng nhưng với ông nó chưa bao giờ bị gián đoạn, bị dừng lại vì bất cứ lý do gì. Người thầy lớn nhất của ông chính là nhân dân. Ông yêu mỗi vùng đất và nhân dân không chỉ ở quê mình. Đi đến đâu, chỉ thoáng chốc thôi đã thấy ông trò chuyện thân tình với người ở đó. Có khi là cụ thủ từ tuổi đã bảy tám mươi. Có khi là cậu thanh niên xe ôm xe thồ lam lũ. Có khi là quan chức ở ngôi cao, thậm chí là rất cao, tôi đều thấy Tiến sĩ Phùng Thảo ứng xử rất chân thành, không có sự phân biệt, càng không bao giờ thiếu đi sự tôn trọng người đối diện cho dù họ là ai. Ông đặt ra những câu hỏi chưa ai đặt ra và sẵn sàng tự mình dành hàng tháng, thậm chí hàng năm trời để đi tìm câu trả lời. Đó chính là cái đích lớn của một nhà khoa học đích thực.

Họ Phùng toàn quốc hôm nay đã và đang quây quần, đoàn kết, sẻ chia, gánh vác trọng trách từ việc quân việc nước đến mỗi việc trong từng cành nhánh, gia đình. Nối tiếp mạch nguồn từ tổ tông nguồn cội, con cháu tộc Phùng hôm nay đang nắm chắc tay nhau, khơi sáng trí tuệ và niềm tin, luôn mạnh mẽ và bao dung, đường hoàng bước trên con đường lớn. Trên con đường lớn tiến về phía trước ấy, có những con người bình dị, khiêm nhường nhưng vô cùng đáng kính. Một trong những con người ấy là Tiến sĩ Phùng Thảo. Chính ông, thế hệ các ông, bằng toàn bộ cuộc đời mình, đã thắp thành ngọn đuốc để soi sáng, dẫn dắt thế hệ trẻ chúng tôi.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Quận Tây Hồ: đối ngoại nhân dân góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về công tác đối ngoại của Thủ đô
    Chiều 28/3, Quận uỷ Tây Hồ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác đối ngoại nhân dân giai đoạn 2024 - 2025.
  • Trấn Bình Môn Kinh thành Huế như bị lãng quên
    Trấn Bình Môn là một cổng phụ trong 13 cửa của Kinh thành Huế nhưng ít người lui tới; như bị lãng quên, xuống cấp theo thời gian và tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai di dời dân để trả lại nguyên trạng cho di tích.
  • Phát động cuộc thi viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”
    Chiều 28/3, Báo Hà Nội mới tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về truyền thống văn hóa lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô trên hành trình 70 năm xây dựng và phát triển.
  • Phú Thọ ra mắt tour du lịch "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
    Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, dịp này, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.
  • Quý I năm 2024, Thành phố Hà Nội đã thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI
    Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024”, diễn ra chiều 28/3 tại Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội
    Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff.
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
  • Phố cổ của tôi
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Phố cổ của tôi của tác giả Nguyễn Duy Quý.
Tiến sĩ Phùng Thảo một trái tim một con đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO