Tiếng vọng một hồn thơ miền quan họ

Quang Hoài| 07/11/2020 08:10

Tiếng vọng một hồn thơ miền quan họ

“Sông dài nắng đang trưa” là tập thơ thứ 15 của nhà thơ Nguyễn Thanh Kim vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 8/2020. Đọc 109 bài thơ trong tập, như một linh khởi tự đáy lòng, hai câu thơ nổi tiếng của cố nhà thơ Trần Lê Văn: “Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi” lại thức dậy trong tôi. Quả thực, “Sông dài nắng đang trưa” đã đem lại cho tôi một “tiếng vọng” - tiếng vọng của một hồn thơ miền quan họ Kinh Bắc, khiến tôi không thể không “thả con thuyền” lòng mình sang dòng sông đó.

Nguyễn Thanh Kim đến với thơ khá sớm. Ngay từ khi nhập Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 2 đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chàng trai Kinh Bắc say mê văn chương, đặc biệt là thi ca như một thôi thúc tự
thân này đã có lưng vốn là hai tập thơ “Nắng triền sông” và “Sông xuân đất bãi”. Anh được bạn bè thơ văn gọi một cách thân thương quý mến là “thi sĩ liền anh”. Chính ngôi trường văn chương ấy đã hun đúc nên những tài năng và văn nghiệp của một thế hệ nhà văn mà sau này Nguyễn Thanh Kim đã bộc lộ chân thành: “Cám ơn những ngày thương mến ấy/ Cho ta đồng điệu với ân tình/ Thăm thẳm đường đời và giông bão/ Cho ta khao khát một vòm xanh”. Và cái “vòm xanh” ấy đã dẫn dụ Nguyễn Thanh Kim vững vàng bước tiếp hành trình thơ ngót 40 năm (1981-2020) với những: “Trăng soi thật mình”, “Cánh diều”, “Đam mê”, “Nẻo nhớ”, “Ước chi một thuở”, “Chuông ngân”, “Xao lộng tôi và em”, “Miên man cỏ”, “Thỏa hương”, “Dặm xa tìm về”... tên những tập thơ mang đậm dáng nét Thanh Kim không lẫn với một người thơ Kinh Bắc nào. Để bây giờ anh có thêm “Sông dài nắng đang trưa” như một kết lắng đậm đà một hồn thơ miền quan họ Kinh Bắc.

Theo tôi, thơ trước hết phải là tiếng nói của tâm hồn - tiếng tâm hồn của một dân tộc xác định, kết gắn và quyện hòa với tính phổ quát nhân loại, tạo nên những lý tưởng thẩm mỹ và đạo đức cao đẹp cho con người, vì con người. Không có hơi thở dân tộc, nhịp tim dân tộc, dù hiện đại đến đâu, lạ lẫm đến đâu, thì cũng không thể tồn tại được trong lòng dân tộc. Với sự cảm nhận như vậy, tôi quý thơ Nguyễn Thanh Kim trước hết là tâm hồn liền chị - liền anh, một cái tình lặn vào trong đam mê và thầm lặng.

Đây là bài thơ “Sông dài nắng đang trưa” được lấy làm tựa đề cho cả tập, đặt ở cuối tập thơ như một sự khép lại nhưng chính lại là cánh cửa hé mở cho bạn đọc cảm nhận những bài thơ trước nó với một ẩn ý thầm kín:

Thời gian như nước cuốn
phận người tựa cỏ cây
mới đó tóc bạc ngấm
lời tỏ có chi khuây?

Ngước trời: trời cao ngút
lặng đất: đất chẳng thưa
ngẫm mình, nào ai biết
sông dài nắng đang trưa...

Đúng là cái duyên quan họ lặn vào bên trong, hồn thơ Kinh Bắc lặn trong đáy hồn. Nước cuốn, phận người, cỏ cây, tóc bạc... cùng sự trôi chảy của thời gian chớp mắt đã thấm ngấm sâu đằm, khó có thể bật lên thành lời để giãi tỏ một cõi lòng cho khuây khỏa. Muốn nương vào một cứu cánh: ngước trời và lặng đất, nhưng trời thì cao vút và đất thì chẳng thưa! Chủ thể trữ tình trở về với mình như một cuộc hoàn nguyên tất yếu, càng ngẫm ngợi càng hiển lộ cảm thức: Sông dài nắng đang trưa. Câu thơ đưa ta trở về với cảm thức xa xăm, như phảng phất đâu đây nỗi buồn Đỗ Phủ “Vĩnh dạ nguyệt đồng cô” (Đêm dài cùng mảnh trăng trơ trọi) và nỗi người Trần Tử Ngang “Niệm thiên địa chi du du/ Độc thương nhiên nhi thế hạ” (Ngẫm trời đất mênh mông không cùng/ Một mình bùi ngùi nhỏ nước mắt). Ở đây, ta nhận ra trong sự cô đơn không cùng, vời vợi của kiếp người ẩn chứa một nỗi người thăm thẳm. Đó phải chăng là một tình yêu tha thiết sâu đằm với quê hương xứ sở, với mảnh đất Kinh Bắc đền đài, miếu mạo cổ kính, rêu phong và với bạn bè văn chương thấm đậm nghĩa tình đang khơi dậy trong cảm khái tâm tưởng của một thi nhân? Những quá vãng trôi đi nhưng không hề rơi rụng trong tâm khảm, để giờ đây cô đơn trong luyến nhớ, trong thiếu vắng muốn được hồi sinh và tái tạo trong hành trình hoàn nguyên trở về mình.

Phải trăn trở lắm, thao thiết lắm, Nguyễn Thanh Kim mới có được những câu thơ ý tứ sâu xa:

Tháng ngày bon chen ngoài phố chợ
lẫn lộn vàng thau, thật giả người
ta về ngược núi muôn trùng gió
trả lại bóng mình chốn xanh khơi...

Đó là cuộc “Ngược núi” lần thứ nhất - cuộc “ngược núi muôn trùng gió”. Đến cuộc “Ngược núi” lần thứ hai thì không chỉ để “trả lại bóng mình chốn xanh khơi”, mà từ đáy lòng Nguyễn Thanh Kim đã dấy lên một khao khát:

Thử sức mình ngược núi
ta ngợp gió ngàn năm
gặp muôn trùng vời vợi
thèm tuyết ấm dưới chân.

“Thèm tuyết ấm dưới chân” chính là sự khát khao tình người thấm đẫm tính nhân văn. Đó là cái đích hoàn nguyên người và hoàn nguyên thơ mà Nguyễn Thanh Kim muốn gửi tới bạn đọc như một thông điệp tâm hồn.

Chính vì thế, trong cảm thức mùa với “bến Hồ dềnh sóng đỏ/ trời thu lên mênh mang”, trong thơ Nguyễn Thanh Kim vẫn đầy đặn một tình yêu “lá tre rụng đường làng/ vẫn vô cùng là gió/... vẫn cánh buồm dạo đó/ xuôi về Lục Đầu Giang”.

Chính vì thế, trong đêm hội Lim “bập bùng câu hát”, “ngổn ngang trăm mối/... thắt buộc duyên tình”, trong thơ Nguyễn Thanh Kim vẫn vẹn nguyên bóng dáng một cô gái quan họ “cháy đau ruột đất/ thức ngày lên/ mắt em cười/ đứng bóng/ hội Lim”.

Chính vì thế mà với tranh xuân làng Hồ, khi “Sông Đuống lượn quanh tươi giấy điệp/... Xúm xít lợn đàn khoáy âm dương”, trong thơ Nguyễn Thanh Kim vẫn trầm ấm “nét tươi trong” cho “lòng ta thỏa nguyện chân đi khắp/ quyến quyện lợn gà - sắc long lanh” trong cảm thức “gió heo nào thoáng như màu nắng”.

Chính vì thế mà với trăng quan họ, khi “khuôn mặt em sáng rỡ phía sau mưa”, khiến “lòng anh chống chênh mùa”, trong thơ Nguyễn Thanh Kim vẫn ảnh xạ một “nguồn sáng” dẫn dụ “trăng xuân ấy, nguồn sáng nào dìu dặt/ dẫn ta về neo buộc mảnh hồn xưa...”.

Và cũng chính vì thế mà nỗi người trong tình thơ Nguyễn Thanh Kim cứ ngày một đầy lên, không bao giờ vơi cạn. Đặc biệt là với bạn bè văn chương. Anh nghẹn ngào “rớm lệ” khi Chu Văn Sơn rời xa cõi tạm: “Chữ gieo đâu tỏ ngọn ngành/ văn chương rớm lệ sao đành. Người ơi/ lửng chiều Sơn khuất xa rồi/ kiếp lau biệt nắng bên trời - kiếp lau”. Anh quặn thắt con tim trước sự ra đi của Vũ Từ Trang khi những trang viết của Trang còn tươi nguyên màu mực như không hề muốn dừng lại: “Thế từ đây xa nhau là chia biệt/ bạn tôi ơi nhói đau cả lối về/ trang báo mở và hồn thơ lẻ điệu/ ai biết chăng níu giữ một đam mê”.

Nguyễn Thanh Kim là thế - một nỗi người và một nỗi thơ hòa trong một “Sông dài nắng đang trưa”. Tôi đã nghe thấy “tiếng vọng” của thơ anh, của lòng anh, đã bày tỏ đôi điều cảm nhận của mình, dẫu “con thuyền” cảm nhận của tôi có thể chưa hết, chưa tới dòng sông ấy. Tôi trân quý anh, trân quý một hồn thơ hồn hậu và trầm lắng, một quan niệm và thái độ hết sức nghiêm cẩn trong sáng tạo thi ca như anh đã bộc bạch: “Buộc chữ khó hơn giữ cát/ mà chữ lọt hoài kẽ tay/ nghiêng hồn anh trong nắng mật/ cớ chi rót mãi chẳng đầy”. Với tấm lòng và tình cảm với thi ca như vậy, tôi mong sẽ được thưởng thức những thi phẩm mới của anh - những thi phẩm sâu đằm tâm nguyện Nguyễn Thanh Kim như anh từng ao ước: “Như anh - lãng quên - là cát/ qua lửa kết tinh của đời/ cho thơ vẹn nguyên trong suốt/ hữu tình ta ngắm, ta soi” (Liên tưởng)
(0) Bình luận
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tiếng vọng một hồn thơ miền quan họ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO