Tố Hữu

Tố Hữu| 30/01/2020 09:16

Sinh năm 1920 tại làng Phù Lai, gần cố đô Huế, Tố Hữu có tên thật là Nguyễn Kim Thành, làm thơ khá sớm. Mười tám tuổi có thơ đăng. Cùng năm đó, ông gia nhập Đảng Cộng sản. Tháng 4/1939, ông bị Pháp bắt. Tháng 3/1942, ông vượt ngục Đắklây, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Thanh Hóa. Cách mạng tháng Tám 1945, ông làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Huế. Năm 1946 xuất bản tập thơ đầu tay Thơ (tái bản đổi là Từ ấy), tập hợp các bài viết từ 1937.

Tố Hữu

Từ ấy

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…
Tháng 7/1938

Một tiếng rao đêm

Ai ăn bánh bột lọc không?
Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!
Không phải giọng của một hầu đứng tuổi
Cao thánh thót hay rồ khan gió bụi
Đây âm thanh của một cổ non tơ
Mà giây ngân còn vương vấn dại khờ
Trên môi mỏng hãy thơm mùi sữa mẹ.
Tiếng rao nhỏ của một em gái bé
Không vang lâu, chỉ vừa đủ rao mời
Mà giọng còn non quá, yếu dần hơi
Nên cái bánh nửa chừng ra cái bén
Thôi cũng được, tiếng em vừa ngon đến
Rao đi em, kẻo nữa quá khuya rồi...
Anh nằm nghe qua cửa khám, xa xôi
Tiếng em bước trên đường đêm nhỏ nhỏ
Nhưng cũng đủ cho lòng anh lắng rõ.
Anh thấy em, mình gió thổi nghiêng nghiêng
Như cây dương liễu nhỏ tóc chưa viền
Manh áo mỏng che em không kín ngực
Đầu không nón, bụi sương thầm chấm ướt
Đuôi tóc chuôi chừng bảy tám năm thôi!
Ấy chân em leo lên bước đường đời
Ngày tháng đó trong mủng vài chục bánh
Gia tài đó, mấy đồng xu mỏng mảnh,
Biết bao giờ mà sướng được em ơi!
Có ai thương một em bé giữa trời
Mà thương nữa, cũng đôi người lơ đễnh
Kêu em lại, mua cho vài chiếc bánh
Trả vài xu và thoa má, ngọt ngào:
"Ồ cái con bé nó mới ngoan sao
Chừng ấy tuổi đã làm ăn bán dạo!"

Và con bé đi rồi, tình mới đậu
Chưa nồng trên lòng khách, đã phôi pha
Theo dáng hình sương khuất, tiếng rao xa...
Xà lim Quy Nhơn, tháng 11/1941

Khi con tu hú

Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...

Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi,
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!
Huế, tháng 7/1939

Tiếng chổi tre

Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác...

Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lạnh ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác...

Sáng mai ra
Gánh hàng hoa
Xuống chợ
Hoa Ngọc Hà
Trên đường rực nở
Hương bay xa
Thơm ngát
Đường ta
Nhớ nghe hoa
Người quét rác
Đêm qua.

Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét.

Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe!
                      6/1960

Bầm ơi

Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm...

Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!

Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
Nhớ thương con, bầm yên tâm nhé
Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.
Con đi xa cũng như gần
Anh em đồng chí quây quần là con.
Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
Bầm quý con, bầm quý anh em.

Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!
Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra.
Cho con nào áo nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi…
Con đi, con lớn lên rồi
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.

Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con...
                                                              1948

Mẹ Suốt

Lặng nghe mẹ kể ngày xưa
Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình
Mẹ rằng: Quê mẹ, Bảo Ninh
Mênh mông sông biển, lênh đênh mạn thuyền
Sớm chiều, nước xuống triều lên
Cực thân từ thuở mới lên chín mười
Lớn đi ở bốn cửa người
Mười hai năm lẻ, một thời xuân qua
Lấy chồng, cũng khổ con ra
Tám lần đẻ, mấy lần sa, tội tình!
Nghĩ mà thương mẹ cha sinh
Thương chồng con lại thương mình xót xa...

Bây chừ sông nước về ta
Đi khơi đi lộng, thuyền ra thuyền vào
Bây chừ biển rộng trời cao
Cá tôm cũng sướng, lòng nào chẳng xuân!
Ông nhà theo bạn “xuất quân”
Tui nay cũng được vô chân “sẵn sàng”
Một tay, lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng gió tàu bay
Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!
Kể chi tuổi tác già nua
Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!

Ngẩng đầu, mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ...

Gan chi, gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò...
Ghé tai mẹ, hỏi tò mò:
Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?
Mẹ cười: Nói cứng, phải xiêu
Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!

Nghe ra, ông cũng vui lòng
Tui đi, còn chạy ra sông dặn dò:
“Coi chừng sóng lớn, gió to
Màn xanh đây mụ, đắp cho kín mình!”.

Vui sao, câu chuyện ơn tình
Nắng trưa cồn cát Quảng Bình cũng say...
4/11/1965
…...................................…………………..

Thơ tuyển rút từ tập “Thơ với tuổi thơ”, 
NXB Kim Đồng 2007
(0) Bình luận
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
  • Viếng mộ Đại tướng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Viếng mộ Đại tướng của tác giả Vũ Hùng.
  • Hố mắt Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hố mắt Điện Biên của tác giả Trần Ngọc Hòa.
  • Trở lại Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trở lại Điện Biên của tác giả Nguyễn Lê Hằng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Sáng 19/4, tại Điện Biên, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Vì sao phân khu Tài Lộc được ví như “mỏ vàng” trên đảo Vũ Yên?
    Nằm ngay cửa ngõ của Thành phố Đảo Hoàng Gia Vinhomes Royal Island, lại sở hữu nhiều lợi thế hiếm nơi nào có được, phân khu Tài Lộc được xem là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn, hội tụ đầy đủ các yếu tố đầu tư sinh lời, kinh doanh thuận lợi.
  • Mảng xuất khẩu của Vinamilk khởi sắc nhờ các thị trường chủ lực
    Mảng xuất khẩu của Vinamilk năm 2023 tăng về cả doanh thu và số thị trường, kết quả quí I/2024 dự báo tích cực. Bên cạnh sự đóng góp lớn từ các thị trường chủ lực truyền thống, nhiều thị trường mới đã được khai phá.
Đừng bỏ lỡ
Tố Hữu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO