Tôi nợ nhà thơ Võ Văn Trực

Lê Tuấn Lộc| 04/06/2019 07:22

Cuối những năm 70 của thế kỷ XX, tôi chỉ biết Võ Văn Trực trên báo. Một lần về phép bố tôi bảo: Cạnh phòng bố có nhà thơ tên Võ Văn Trực, làm ở báo Văn nghệ. Bố có nói với Võ Văn Trực, con làm thơ và là Hội viên thơ của Hội Văn nghệ Thanh Hóa. Bố tôi dặn: Con gọi chú Trực nhé, vì chú trà lứa bố.

Tôi nợ nhà thơ Võ Văn Trực

Tôi ra Hà Nội ngay. Nhà chú cạnh phòng bố tôi và đi chung hành lang ở khu tập thể Trung Tự Hà Nội. Được bố tôi giới thiệu, ông Trực mời tôi sang chơi, điềm tĩnh pha trà mời khách. Ít nói và trầm lặng là nhận xét đầu tiên của tôi về ông. Ông hỏi thăm tôi làm gì, thơ đăng báo nào rồi.

Tôi đọc thơ ông nghe, ông từ chối: “Tôi không thích nghe đọc, tôi thú xem trên giấy”. Và tôi đưa tờ giấy chép tay bài thơ của mình cho ông. Sau dăm câu ba điều hỏi thăm xã giao, ông bảo: “Chú phải đi làm. Có thơ nữa thì chép gửi chú xem, nếu hay chú sẽ cho đăng báo”. Tôi gửi tiếp bài cho chú Trực qua bưu điện. Như thế có nghĩa là bài thơ tôi đã đọc ông không thích.  

Ngày ấy, được đăng báo Văn nghệ là một vinh dự lớn vì báo ấy như một ngôi đền thiêng văn chương. Một tháng sau, tôi ra Hà Nội. Gặp Võ Văn Trực, ông không nói gì, lặng lẽ đưa tôi bản thảo bài thơ Những người kéo rùng, bài tôi viết về Sầm Sơn. Nhìn bản thảo bị gạch gạch xóa xóa bằng bút mực xanh, tôi phát hoảng. Nhưng ông bảo: “Thơ có ý hay nhưng dài quá. Cần cô đọng lại”. Ông dặn tôi sửa thêm và gửi cho ông. Hai tháng sau, đọc báo Văn nghệ thấy bài thơ ấy đã đăng báo, tôi mừng như được tin thi đỗ đại học.

Rồi lần lượt, các bài thơ: Ca ba vùng Mỏ, Vợ chồng thợ mỏ, Ngàn Nưa của ta ơi... đã lần lượt đăng báo Văn nghệ. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng giới thiệu thơ tôi trên sóng. Bố tôi bảo: “Con mua biếu chú Trực một cân chè Thái Nguyên”. Mua chè và mang chè từ Thanh Hóa đi Hà Nội là một việc khó và nguy hiểm vì ngày ấy ngăn sông cấm chợ lắm.

Tôi không dám mua chè mang chè đi. Nhà tôi trồng đỗ đen, tôi biếu cô chú cân đỗ đen. Bố tôi chê: “Biếu đỗ quê lắm”. Nhưng rồi hàng chục năm sau, tôi vẫn chưa có chè Thái Nguyên biếu chú. 

Một lần, tôi ra Hà Nội, chú gọi đến nhà có việc. Tôi đến nhà thì thấy nhà thơ Trinh Đường đang ngồi bên bàn. Hai ông bàn với tôi việc tổ chức cho các nhà thơ đi thực tế ở mỏ Cromit Cố Định, Thanh Hóa. Tôi giật mình vì đó là việc khó với tôi. Ông giám đốc tôi không thích thơ. Nhưng tôi vẫn nói: để cháu về báo cáo lại giám đốc. Chuyện đi thực tế mà chú Trực giao tôi không làm được. Gặp tôi, chú vui vẻ nói: “Không sao, chú đã đi mỏ Quảng Ninh rồi”. 

Khi tập thơ đầu tay Hát lúc trăng lên của tôi ra đời, tôi mang tặng chú Trực ở báo Văn nghệ, chú bắt tay tôi và nói lời chúc mừng. Chỉ mấy phút ngắn ngủi ở báo, chú bảo: “Mình bận đi họp, xin lỗi nhé. Cháu nhớ viết nhiều nhưng viết cho hay”. Vẫn trầm lặng, ít nói như thế, ông lại nhắc: “Bao giờ có dịp đưa chú đi mỏ nhé”. Tôi hứa nhưng rồi sau đó tôi được điều về mỏ mới làm giám đốc thì chú đã về hưu rồi. Tôi như vẫn mắc nợ với người đã có công dìu dắt tôi đến văn chương cái thuở ban đầu.

Ngày cưới em gái út tôi, chú đến thăm bố mẹ tôi và mừng cưới ở Hà Nội. Vui quá, chú chúc mừng tôi đã là Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi hứa sẽ tặng tập thơ mới cho chú qua bưu điện. Chú lại bảo: “Hôm nào đưa chú đi Tuyên Quang thăm mỏ”. Nhưng rồi chú chuyển nhà và tôi không thể liên hệ với chú được và cũng chưa tặng tập thơ mới cho chú.

Bất ngờ xem facebook Nguyễn Trọng Tạo (hồi nhà thơ, nhạc sĩ còn sống) mới biết nhà thơ Võ Văn Trực đã về Bắc Linh Đàm gần nhà tôi. Mừng quá, tôi điện cho Nguyễn Trọng Tạo thì anh bảo: “Ông Trực về điều trị bệnh ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người già ở Linh Đàm chứ không phải nhà về Linh Đàm”. Hai vợ chồng tôi bàn nhau đến thăm chú. 

Võ Văn Cương, con chú Trực, chỉ tôi rất rõ ràng nhưng rồi tôi vẫn không tin đấy là nơi nhà thơ Võ Văn Trực điều trị. Ấn tượng đầu tiên tôi nhìn thấy là những người bệnh gầy gò nằm trên những cái giường sắt ngay ngắn, đắp những tấm chăn trắng muốt. Không gian im lặng. không một tiếng cọ quậy. Những dây chằng để truyền huyết thanh và những chai lọ dốc ngược. Nguyễn Trọng Tạo nói đấy là An dưỡng đường cho người già.

Tôi nghĩ, có không khí bệnh viện hơn là An dưỡng đường. Tôi hỏi giường ông Võ Văn Trực. Họ chỉ cứ lên tầng hai là thấy mà tìm mãi không thấy vì người già ốm nằm na ná như nhau. Ông Võ Văn Trực gầy chỉ còn da bọc xương. Dây chuyền huyết thanh, dây buộc tay vào thành giường để ông không lăn xuống đất. Tôi không nhận ra Võ Văn Trực và tự hỏi: Nhà thơ đây ư! Hỏi thăm, ông không nói được gì, há hốc mồm và mắt nhấp nháy. Chú Trực ơi, chú không nói được hay chú giận cháu lâu không đến thăm khi chú còn nói được. Nhưng tôi lay lay, mắt chú vẫn đờ đẫn. Chú không nói được và không biết gì thật. 

Võ Văn Trực, người có công đưa thơ tôi lên báo Văn nghệ và sóng Đài Tiếng nói Việt Nam năm xưa đây ư? Tôi thẫn thờ cả người. Tôi điện cho Cương, con trai ông Trực. Cương vừa nói vừa khóc qua điện thoại với tôi: “Anh Lộc ơi, đến 3 tuần nay em không vào thăm bố em được. Em bị tai nạn xe máy rất nặng, gãy chân. Xe em tự lao xuống đường mà may không xe nào  đâm phải. Chắc phải 3-4 tuần nữa em mới vào thăm bố em được. Em không dám nói cho bố em biết vì sợ ông càng suy sụp hơn”. Tôi bùi ngùi khi cánh cửa cuối đời một con người sao mà buồn tẻ vậy. Tôi còn biết, cô Oanh vợ chú cũng đã qui tiên đến mấy chục năm rồi. Con gái đầu của chú cũng đã mất từ lâu lắm...

Trong một lần dự trại viết với tôi ở Tam Đảo, nhà thơ Vũ Từ Trang có kể lại một nỗi bất hạnh nữa: Khi về Trung Kính ở một thời gian, con chú định xây nhà nên đã thuê một cánh thợ đến đập phá nhà cũ để chuẩn bị xây nhà mới. Thợ không có kinh nghiệm đã đục chân tường trước cho sập nhà nhanh nhưng không may làm 3 người thương vong. Đến mấy năm rồi ông Trực còn bị ám ảnh sự kiện ấy. 

Tôi không thể hình dung người nằm trước tôi là một nhà thơ nổi tiếng có đến 20 tác phẩm các loại, kể cả tiểu thuyết, lý luận phê bình, ký và tản văn nhưng nhiều nhất vẫn là thơ. Những bài thơ ông viết về mẹ, về chị ruột về vợ về con... đã làm xao động bao thế hệ của nửa cuối thế kỷ XX. Bao luận văn sau đại học đã viết về ông. Những người Nghệ An đã viết về ông như một niềm tự hào của họ.

Hôm 5/4, nhận được tin nhắn của Cương, con trai chú Võ Văn Trực với nội dung: "Ông Trực mất rồi, sẽ thông báo sau", tôi giật mình. Chắc trong lúc vội vàng, tang gia bối rối, Cương chỉ nhắn vội mấy từ. Thế là lại một nhà thơ Việt Nam đã ra đi. Đời ông thật khốn khổ, hết sự nọ đến sự kia. Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh từ nước Úc xa xôi nhắn tin cho tôi cái tin nhắn thật não nùng:"Bác Trực đúng như cái tên mình: Thẳng thắn trực tính, không sao hòa hợp được với xã hội bây giờ nên sống không lúc nào thanh thản. Thật buồn và thương bác ấy. Nhưng đó là số phận".

Tôi nghĩ: Trời đã giải thoát cho ông. Ông nằm một mình bao năm rồi, nghĩ được, không nói được. Không bắt tay người bạn đến thăm. Cái gọi là nhà dưỡng lão ở Linh Đàm thật hài hước, bôi bác, ông không ở được đâu. Giải thoát là thượng sách. May cho ông còn duy nhất một đứa con trai hiếu thảo nhưng mỗi người có một phận. Nhưng rồi tôi nghĩ, người đời sẽ nhớ ông, sẽ còn tốn nhiều giấy mực để viết, để nói về ông nữa...

Tôi đã viết về chân dung các nhà thơ, các văn nghệ sĩ, nhưng ngẫm lại tôi chưa hề có một bài về ông. Ngày xưa thì tôi không dám viết vì tôi ngại ông là bề trên nhưng sau thì có gì mà ngại. Tôi thật có lỗi, thật mang nợ với người quá cố. Bây giờ thì nợ trọn đời, kể cả việc mời ông đi thăm mỏ. Nếu không có Võ Văn Trực, tôi sẽ không theo nghiệp văn chương đến giờ. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tôi nợ nhà thơ Võ Văn Trực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO