Tôi yêu nơi tôi sống!

Dương Linh/Nhịp sống Hà Nội| 24/07/2019 14:51

Đó là khẩu hiệu mà người dân sinh sống tại ngõ 2E, phố Dịch Vọng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) đã và đang thực hiện. Tình yêu ấy đã biến thành những hành động thiết thực khi họ cùng nhau cải tạo, trang trí để biến con ngõ nhỏ thành nơi đáng sống.

Tôi yêu nơi tôi sống!
Hội viên Chi hội phụ nữ số 10, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy) chăm sóc hoa, cây cảnh.

Bước vào đầu ngõ 2E, điều đầu tiên bắt gặp là hình ảnh cây xanh, hoa tươi tràn ngập và không có rác thải. Ngay cạnh đó, một bức tranh tường khổ lớn, với nét vẽ ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, cây sấu già tỏa bóng mát tô điểm cho ngõ thêm rực rỡ. Không những thế, trong con ngõ ấy còn đầy ắp tiếng cười, tiếng chào hỏi vui vẻ của người dân. Để tạo được không gian như vậy là nhờ một phần không nhỏ công sức của các cán bộ, hội viên Chi hội phụ nữ số 10, phường Dịch Vọng.

Bà Nguyễn Thị Sử, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 10, người khởi xướng tạo nên con ngõ đáng yêu này nhớ lại: “Ngõ xưa vốn là đường đất, rộng hơn 3m và đã bị lấn chiếm chỉ còn đủ cho hai chiếc xe đạp tránh nhau. Do nhà nào cũng mang bếp than ra ngõ, quây tạm bợ xung quanh để đun nấu, tránh nắng mưa và tránh khí thải độc hại vào nhà. Nhưng cũng vì thế mà tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng, khiến nhiều người dân bức xúc”.

Thực hiện chủ trương của quận Cầu Giấy và thành phố Hà Nội, bà Sử đã vận động các hộ dân bỏ đun bếp than tổ ong, đồng thời đóng góp kinh phí và công sức cải tạo toàn bộ con ngõ. “Chỉ sau một thời gian ngắn cùng bắt tay vào việc, ngõ 2E đã được dọn dẹp sạch sẽ, mặt ngõ được đổ bê tông toàn bộ. Khu nền đất ruộng cũ ở cuối ngõ được cải tạo thành sân chơi chung rộng hơn 1.000m2 với các thiết bị tập thể dục do UBND phường đầu tư lắp đặt và nhiều hoa tươi được trồng mới” - bà Sử nói tiếp.

Chưa dừng ở đó, với tinh thần cộng đồng trách nhiệm và sáng tạo, người dân ở đây tiếp tục chung tay biến con ngõ nhỏ thành không gian sống đẹp và ấn tượng. Theo đó, những bức tường gạch thô ráp đã được trát vữa, láng mịn, một phần được gắn bình gốm trồng hoa, phần lớn còn lại được ông Phạm Xuân Hạnh, cư dân của ngõ nhận vẽ trang trí. Ông Hạnh cho biết: “Khi được vận động, tôi thấy cần góp sức mình vào xây dựng ngõ để mỗi thành viên thấy yêu hơn nơi gia đình mình sinh sống”. Cùng góp sức với ông Hạnh, chị Đỗ Bạch Dương hỗ trợ kinh phí, màu vẽ cho ba bức tranh tường khổ lớn và chủ động sẵn nguồn nước để ai cũng có thể tự tưới cây khi cần. Chị Dương chia sẻ: “Hơn 100 chậu hoa các loại như: Hoa giấy, sử quân tử, sâm đất… đều do chị em trong ngõ 2E tự quyên góp. Chậu trồng hoa được tái chế từ những chiếc lốp xe cũ, sơn vẽ lại rất bắt mắt. Hằng ngày, chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc, tưới hoa rất cẩn thận”.

Con ngõ nhỏ ngày nào đã trở nên phong quang, sạch đẹp và là địa điểm để người dân gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, gắn kết tình làng nghĩa xóm sau mỗi ngày làm việc căng thẳng. Các gia đình vui vẻ, phấn khởi, tình đoàn kết khu phố được củng cố. Nhiều hộ còn tiên phong trồng cây xanh trước cửa nhà để làm đẹp thêm không gian sống. Ông Trần Xuân Thành, người dân ngõ 2E vui vẻ nói: “Ngày nào tôi cũng đưa cháu đi dạo quanh ngõ, không gian trong lành quá tuyệt vời. Buổi chiều cả xóm lại xúm vào chơi bóng chuyền, vui lắm!”. Còn bà Phạm Thị Ái Liên chia sẻ: “Những hội viên phụ nữ chúng tôi tham gia xây dựng con ngõ từ ngày đầu cảm thấy rất vui, vì thấy mình đã làm được việc có ích. Cuộc sống vì thế cũng trở nên đáng yêu, bà con ai cũng vui mừng và đó chính là niềm hạnh phúc của chúng tôi”.

Ghi nhận những điều trên, ông Nguyễn Văn Ngung, Tổ trưởng tổ dân phố số 18, khu dân cư số 10, phường Dịch Vọng cho biết: Chi hội phụ nữ số 10 và nhân dân đã có sáng tạo trong việc triển khai mô hình bảo vệ môi trường. Đây là việc làm ý nghĩa, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư phường Dịch Vọng.

Chợt nghĩ, nếu tất cả người dân các ngõ phố trên toàn thành phố đều sống với tinh thần “Tôi yêu nơi tôi sống” như ở ngõ 2E phố Dịch Vọng, chắc hẳn Hà Nội sẽ ngày một xanh - sạch - đẹp và đáng yêu hơn biết nhường nào!

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tôi yêu nơi tôi sống!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO