Trà ướp hoa

An Vũ| 14/07/2017 17:22

Vào khoảng cuối tháng năm, đầu tháng sáu khi mùa hoa sen bắt đầu, hoa nhài vào vụ, Hà Nội lại có một người cần mẫn ướp trà hoa. Trà ngon được để dành từ mùa đông trước, thấm đẫm không khí dưới chân núi Tam Đảo, ngấm vào hoa tạo ra thứ trà ướp thơm hương, đậm vị dành cho người thưởng thức.

Người đàn ông gắn với nghiệp ướp trà mấy chục năm là một thương binh, người ta thường gọi anh là Tuấn chè, chủ cửa hàng chè 23 Hàng Muối.

Thuở còn niên thiếu, Nguyễn Anh Tuấn từng xem cha mẹ ướp trà. Hà Nội thời bao cấp, trà ướp quý đến mức chỉ vài lạng, làm quà biếu những dịp Tết nhất. Còn làm nghề trà, là điều anh không nghĩ tới.

Trà ướp hoa
Anh Nguyễn Anh Tuấn ngày ngày cần mẫn ướp trà hoa. Ảnh: Infonet

Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, năm 1981, anh Tuấn trở về nhà. Nhưng làm gì với một cánh tay bị thương khi không thể đi học tiếp? Anh gần như mất phương hướng. Rất may khi ấy, ở cùng số nhà với gia đình, có người hàng xóm từng sơ tán lên Thái Nguyên, lấy vợ Thái Nguyên, thỉnh thoảng mang chè về, rủ anh đi buôn chè. Thế là đi theo.

Khởi sự một nghề nghiệp, đôi khi đơn giản như vậy. Tuy nhiên điều tiếng lúc đó không hẳn dễ dàng khi việc buôn bán không được phép, họ bị gán với cái tội “con buôn”. Cũng có khi bị bắt, chè bị tịch thu. Nhưng chè mang về được “bán cho nhiều người, có những người mua để ướp hoa”. Rồi chính anh thấy ướp trà cũng hay, muốn học hỏi. Thấy anh đam mê học hỏi, nhiều người cũng bảo cho.  

Thu nhận mỗi người một ít, về nhà nghe bố mẹ chỉ thêm, cùng với việc tự làm, tự rút kinh nghiệm, dần dần anh Tuấn đã có được bí quyết ướp trà. Nhiều lần thử và hỏng, anh nhận ra rằng không phải “cứ ướp nhiều hoa là trà thơm hơn”. Bài học này được anh “trả giá” bằng việc mang 13 cân chè lên cầu Chương Dương bỏ xuống sông những năm 91- 92 lúc còn nghèo khó. 

Một mẻ trà ướp ngon yêu cầu cẩn thận, qua nhiều công đoạn trong đó có khâu chọn nguyên liệu. Đặc điểm của chè là dễ hút mùi do đó mọi mùi “đi qua chè” phải được kiểm soát. Chè thu hoạch phải sao sấy ngay và tuyệt đối tránh khói ám vào. Hoa sen là loại sen trăm cánh hồ Tây hái buổi sớm, tách lấy phần gạo, nhanh nhưng phải nhẹ nhàng không để dập gạo sen. Hoa nhài do nở vào buổi đêm nên thường được thu hái vào buổi chiều, mang về cũng phải nhẹ tay dàn mỏng, không làm dập cánh. Sự tinh khiết của trà cùng sự tinh khiết của hoa mới tạo ra được loại trà ướp thơm mùi hoa, đậm vị trà.

Nhưng làm thế nào để giữ ổn định chất lượng của mọi mẻ trà ướp hoa. Anh Tuấn tự nhận mình “thích gây áp lực cho bản thân trong công việc”, “kinh doanh cũng khác người”. Anh hiểu chè là loại cây ưa mát, ưa nước, giống chè trung du trồng ở La Bằng, Đại Từ (Thái Nguyên) sát chân núi Tam Đảo thích hợp nhất cho việc ướp hoa. Tuy nhiên cũng giống chè ấy, trồng nơi ấy nhưng mỗi mùa lại mỗi vị khác nhau. 

Chè thu hoạch vào mùa xuân vị không đậm đà, hoặc gặp thời tiết mưa nhiều sẽ bị đỏ nước. Cho nên trà mộc dùng ướp hoa tốt nhất là được thu hoạch vào mùa đông hanh khô khi búp đã đủ ngày. Nhưng hoa sen và hoa nhài dùng để ướp lại nở vào mùa hè, do đó muốn ướp được trà ngon phải để dành trà từ mùa đông. Để dành trà cũng cần cẩn thận, vì trà dễ hút mùi, dễ hút ẩm. Khi đã hút mùi khác hoặc bị ẩm thì trà ướp hoa không còn tinh khiết nữa.

Để chủ động và đảm bảo nguồn nguyên liệu chuẩn, anh Tuấn đã hỗ trợ vốn một số hộ gia đình ở La Bằng chuyên canh cây chè tạo ra sản phẩm chất lượng tốt nhất. Các loại máy vò, máy sấy, máy phát điện, bể chứa nước, giếng khoan được đầu tư. Anh Tuấn cũng hướng dẫn họ cách làm ống dẫn khói cách xa khu vực sao sấy, làm giá để chè đã sao cách tường và mặt đất, sử dụng đúng quy chuẩn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn… Ở Hà Nội, anh thầu đầm sen hồ Tây lấy hoa. Hoa nhài trước đây anh mua ở Ngọc Hà, Quảng Bá, hiện giờ lấy từ Đông Anh.

Vào mùa hoa, anh Tuấn và vợ tự tay ướp trà. Một cân gạo sen thu từ 1000 - 1200 bông hoa ướp một cân trà thành phẩm phải qua 7 lần trong vòng hơn 20 ngày. Trà nhài ướp vào đêm đúng lúc hoa bắt đầu nở và có hương thơm nhất. Trà ướp hoa cùng trà mộc (không ướp) được bán ở nhà. Việc ổn định nguồn nguyên liệu và không mất tiền thuê cửa hàng anh “dành tặng vào giá cho khách hàng, không dám nói rẻ nhưng hợp lý”. 

Anh Tuấn nói rằng khách hàng ưu ái mình, có những người ở Hà Đông ra cửa hàng chỉ để mua mấy lạng chè vì “đã uống quen ở đây, không uống được chỗ khác”.  

Câu chuyện cảm động làm anh nhớ mãi, là chuyện một người cháu ghé mua mấy lạng trà sen mang sang Mỹ cho một ông già hơn 90 tuổi gọi bằng bác. Khi anh ấy pha ấm trà, uống xong một chén ông ngồi khóc. “Tức là mình động đến kỉ niệm xưa của ông ấy. Khi xưa ông ấy người Hà Nội, đi xa uống được chén nước trà mà nhớ lại, mà giờ này già quá không về được”.

Chuyện cũng gần chục năm, không biết ông già còn sống hay đã đi về chốn khác. Nhưng những giọt nước mắt ấy chính là niềm hạnh phúc của người làm nghề. Nghề nào cũng cao quý khi người ta tử tế và hết lòng với nó. Uống một chén trà ướp hoa, tưởng tượng sương núi, hoa lá bốn mùa, Hà Nội đẹp vì còn những con người bình dị đã góp mình làm nên hương thơm ấy. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trà ướp hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO