Trăm ngàn con sóng

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học| 10/08/2018 12:29

Trường học những ngày này vương xác phượng rơi hắt hiu nơi sân vắng, những học sinh gọi nhau í ới đi lao động hè. Cảnh sân trường vào hè luôn để lại nhiều cảm xúc trong lòng cô. Bữa nọ, cô vào trường xem thông báo cho con trai để cháu chuẩn bị năm học mới do phải chuyển trường theo gia đình, cô nán lại nhìn những cô bé, cậu bé vừa chớm tuổi hoa niên, hồn nhiên cười nói. Cô như thấy bóng mình trong thấp thoáng áo dài trắng phất phơ giữa nắng mai dịu ngọt hay buổi chiều tà lững thững dắt xe ra về trên đường l

Lặng thầm tuổi mộng
Minh họa của Vũ Khánh

Chàng trai năm 15 tuổi ngày ấy, quen cô bé nhỏ hơn mình một lớp, gặp nhau không dám nói câu gì, chỉ lặng lẽ đón đưa khi tan học. Dù mưa hay nắng, chưa ngày nào vắng bóng cậu trai ấy, dáng dong dỏng cao, nước da trắng như con gái, nói năng nhỏ nhẹ, hiền hòa, chủ yếu im lặng và cười. Cậu chỉ lắng nghe tim mình đập mạnh khi cô bé ngoe nguẩy tóc đuôi gà cười mỉm, mắt biếc xuyến xao khẽ liếc nhẹ qua hàng mi mà cậu bé nhà ta đã hồn xiêu phách lạc.

Cả năm trời, cánh cổng trường màu xanh chứng kiến cậu nhẫn nại đợi chờ với chiếc xe đạp đơn sơ. Cô bé không bao giờ cho cậu chở về dù bất cứ lý do gì, cậu cũng không thắc mắc. Từ trường về tới nhà cô khoảng hai cây số, cứ kẻ trước người sau, cô thong thả rảo bước, còn cậu đẩy xe đi bên cạnh, nhiều khi không có gì để nói, cứ im lặng đi song song bên nhau mà không biết mệt. Đôi khi tới nhà không hay, thầm tiếc quãng đường sao không dài hơn nữa?!

Nhiều khi đang buổi học, cô nghe nong nóng sau gáy, liếc nhìn qua ô cửa sổ, ánh mắt ươn ướt vụt qua rất mau. Cậu bảo, tranh thủ đi giặt khăn lau bảng lướt nhìn cô chút xíu vì nhớ quá. Cô nghe nhưng không để tâm nhiều vì cô còn mải vô tư cùng bè bạn, sách vở.

Những ngày nghỉ cuối tuần nhà trường thường tổ chức cho học sinh lao động ngoại khóa nhưng tính điểm thi đua để xét đạo đức cuối học kì. Cũng không có gì nặng nhọc, công việc thường là quét lá trong sân trường hoặc cắt cỏ trong vườn bạch đàn của trường. Trong cùng một buổi đôi khi tới mấy khối lớp được ban giám hiệu xếp lao động cạnh nhau, trùng hợp cho hai cô cậu nhìn nhau trong thoáng chốc rồi ai lo việc nấy. 

Nhưng nếu lớp cậu không có buổi lao động thì không hiểu bằng cách nào cậu nắm được lịch của lớp cô rất rõ, tới giờ về lại thấy cậu lẽo đẽo theo sau. Một buổi trưa mệt nhoài với công việc dọn cỏ, cô xách cuốc ra về, cậu không nói gì dúi vào tay cô bịch táo biểu ăn đi cho khỏe. Cô cảm động trong lòng nhưng ngoài mặt vẫn giả lơ. Mãi về sau mới biết, để có bịch táo đó cậu đã nhịn ăn sáng trong nhiều ngày, đi học với cái bụng đói meo, vì nghe bạn bè kháo nhau, táo là loại trái cây cô thích. Cũng xin nói thêm, vào những năm chín mươi của thế kỉ trước, trái cây ngoại nhập như táo, lê, nho… là loại trái cây xa xỉ, không mấy ai có dư tiền để mua ăn. 

Lúc đó còn nhỏ quá có hiểu gì đâu, chỉ ánh mắt trao nhau thay điều muốn ngỏ, không dám ngồi lên xe cho anh chở nữa thì lại càng không dám nắm tay. Giờ trưởng thành ngồi ngẫm lại thấy thương lắm mối tình học trò ngây ngô, chân chất.

Sau một năm cùng nhau đi về, cô mất liên lạc với anh vì lúc đó anh đã học năm cuối cấp hai và chuyển về trường khác khi tốt nghiệp xong. 

Bụi thời gian xóa nhòa nhiều thứ nhưng đọng trong tim những cảm xúc tình đầu có mấy ai quên?! Trường xưa cũng đã không còn, mái ngói rêu phong ngày cũ đã được thay bằng bê tông vững chãi. Con đường đến trường đã trải lớp nhựa thay cho đường đất nhiều ổ gà, nước đọng.

Mười lăm năm sau, gặp lại nhau khi cô đang mang thai đứa con đầu lòng. Anh về từ đất nước cờ hoa, cách xa nhau một vòng trái đất. Tìm gặp cô, họ ngậm ngùi nhắc nhau những kỉ niệm chưa bao giờ nguôi. Vẫn ánh mắt lặng thầm chất chứa nhiều rung cảm. Họ xa nhau lần nữa.

Rồi cuộc sống với nhiều điều bất ổn luôn thường trực trong vỏ bọc hạnh phúc, bình yên. Cô chia tay chồng, ôm con trai về nhà cha mẹ. Tám năm, thời gian không dài không ngắn, anh lại về thăm nhưng lúc này anh đã yên bề gia thất, cô dang dở tình duyên. Họ cũng lại lặng thầm nhắc nhau những kỉ niệm ngây ngô ngày thơ bé và thầm cảm thương nhau cảnh ngộ hiện tại. 

Cuộc đời dâu bể, thuở mới chớm yêu nhiều mộng ước, tay không dám cầm tay thì khi mái tóc đã không còn xanh, bàn tay bợt bạt vì mưa nắng, họ vẫn lặng thầm chúc nhau bình an, hạnh phúc và cùng đi bên nhau tới hết quãng đường đời còn lại như ngày xưa anh lặng lẽ đẩy xe bên cạnh đưa cô về bất kể trời mưa nắng, bất kể đêm hay ngày… 

Trăm ngàn con sóng

1. Diễn thích tổ chức sinh nhật trên thuyền, đi nhè nhẹ trên mặt hồ rộng mênh mông. Như thế có cảm giác vừa lãng mạn, sang trọng mà độc đáo. Dù biết là quá tốn kém, nhưng vì tình yêu Bảo đã chiều.

Nhận lời yêu nhau vào một ngày mưa. Khi đó, Bảo nhớ quá không chịu được, vượt hơn mười cây số đường để đến. Lúc đó Diễn đang kiều diễm đứng trên tầng, thả hồn cùng mấy bài nhạc trẻ. Thấy Bảo nhiệt tình quá, mưa cũng đi. Mà con gái thường dễ cảm động trước “khổ nhục kế” của cánh con trai. “Anh ướt hết rồi, có lạnh không?” Diễn hỏi. Bảo lắc đầu. Diễn mắng: “Ướt hết rồi còn nói không lạnh”. Rồi cô đi tìm áo quần của người anh trai mới chuyển vào Sài Gòn còn để sót trong tủ cho Bảo mặc. Anh vui vẻ nhận lấy.

Cha mẹ vừa vào Nghệ An để tổ chức lễ thượng thọ cho chú ruột, người mà Diễn gọi bằng ông. Chỉ có hai người trong không gian ắng lặng. Diễn thấy mắt Bảo đắm đuối, không như những ngày thường nữa, có lẽ anh đang có tâm sự dồn nén trong người, cô chủ động ngồi xuống giường. Bảo tiến lại gần. “Diễn, anh có chuyện này muốn nói với em”. Diễn đoán được là anh muốn nói gì, nhưng cũng nói vâng, và hỏi lại là anh muốn nói gì nào? Bảo ngập ngừng. Trước đây, nhiều lần anh ngập ngừng muốn nói, nhưng sao không thành công. Anh có cảm giác chưa chín muồi, hoặc là Diễn quá kiêu sa, chắc gì cô đã nhận lời. Hôm nay, bằng sự quyết tâm, cái quyết tâm làm nóng hổi trong tim anh. Anh sẽ nói.

- Em đã thấy một người nhớ một người chưa? Anh nhớ em quá đi mất.

- Đấy có phải là điều anh muốn nói không? - Diễn hỏi lại.

- Còn nữa, còn điều này nữa. Anh muốn nói với em rằng, anh rất yêu em nữa.

Thực ra không phải chỉ riêng Bảo chờ đợi tình yêu, giây phút này mà cả Diễn nữa. Cô cũng đợi chờ, nhưng cô không muốn mình bị “giảm giá”, phải cho ai đó muốn yêu mình, khổ sở đôi chút mới được.

Bảo thì chinh phục bằng sự nhiệt tình, thận trọng, và cả một con tim chân thành. Nhưng chỉ có người con gái hiểu được phần  nào về sự đời, và ít nhất có chút nhạy cảm trong mình mới nhận ra sự chân thành của anh. Nó không có hình khối, màu sắc. Anh thực sự đã vất vả nhiều, để có được tình yêu. Lao đi, dấn thân, và đợi chờ cơ hội.

Hai người nhìn sâu vào mắt nhau. Diễn thấy nóng râm ran cơ thể. Tim Bảo thình thịch đập. Anh đưa tay ra nắm lấy tay cô. Rồi chính Diễn chủ động áp sát ngực mình vào ngực anh. Nụ hôn đầu đã diễn ra trong ngôi nhà…

2. Kỳ thực đây không phải tình đầu của Bảo. Năm đầu sinh viên, anh yêu một cô gái cùng lớp, ít hơn gần một tuổi. Đôi mắt sáng và đen, môi mọng hồng hồng. Nụ cười cực duyên. Cô tên Châm, rất được lòng bạn bè trong lớp. Bản thân cô cũng rất yêu Bảo, nhưng cô mang trọng bệnh trong người, mà cô thì không muốn nói ra. Rồi cô cứ từ từ xa lánh anh. Cô nhận biết bao xấu xa về mình để anh có thể quên cô đi, đừng để tâm đến cô nữa. Điều đó làm Bảo đau khổ biết bao. Anh cồn cào muốn đi tìm cô, mà cô đã chủ động tránh mặt thì khó khăn biết nhường nào. Ngoài ít giây phút trên lớp anh được gặp, rồi cô mau chóng nhảy lên xe buýt đi về.

Nỗi đau đớn, khó hiểu khiến anh tiều tuỵ, cuối cùng cũng nhận ra được lý do. Vừa bất ngờ vừa thương cho người con gái. Anh cố gắng để cô hiểu rằng, anh còn yêu cô và mong xóa nhòa sự mặc cảm ấy. Nhưng mọi cố gắng của Bảo đều vô ích. Không lâu sau, cô gái đi tình nguyện cùng nhiều sinh viên khác ở vùng núi, rồi gặp lũ trên đường làm nhiệm vụ. Lũ đã cuốn mất xác cô…

Tình yêu đến không trọn vẹn trong đời, đau đớn quá. Anh khóc gọi tên người yêu những đêm trăng, nhưng chỉ có thể gặp được ánh mắt dịu hiền ấy trong tưởng tượng.

3. Chẳng bao giờ ngờ được mình có thể yêu được một cô gái con nhà giàu như thế. Diễn đã cho anh hiểu được rằng, khi yêu là phải biết hy sinh, chấp nhận. Gia đình anh ở phố, chẳng phải là giàu có gì, tuy nhiên không đến mức túng thiếu. Để chiều chuộng, chăm lo cho tình yêu, anh phải cố gắng rất nhiều, làm thêm giờ, tích cực mạo hiểm để có thu nhập. Cô không đòi hỏi quá đáng, nhưng biết được tính cô, cô thích những nơi sang trọng, nơi mà cánh con nhà bình thường, sinh viên rất ít có cơ hội mơ mộng.

Diễn làm cho một công ty điện thoại, lương chẳng đáng là bao. Cô bảo em làm cho vui, để che mắt bố mẹ thôi. Bố mẹ thực ra không muốn cho em đi làm, nhưng em cứ đi, để được mọi người nhìn nhận là chịu khó. “Thực ra, chẳng đủ tiền phấn son” - cô nói. Câu nói đó làm Bảo giật thót người. Anh rất bình thường, chỉ có chút vẻ bề ngoài hào nhoáng. Liệu rằng, có thể chăm lo cho một người luôn đòi hỏi cao như vậy? “Mình có đủ tiền để cô ấy phấn son, váy áo không nhỉ? Nếu mà cưới nhau rồi, mọi chuyện mình phải gánh chịu hết.”

Dù đã có lúc rất yêu, nhưng giờ đây Bảo thấy Diễn ngày càng xa vời với anh. Những câu nói, hành động, cử chỉ, và cả cách nghĩ của cô chẳng thể nào ăn nhập được với anh, và ngược lại. Anh cảm giác hai người đang đi ngược chiều nhau, chẳng thể hợp được nữa. Diễn hoặc hờ hững, hoặc bỏ ngoài tai tất cả những lời nói của anh. Dưới con mắt của Diễn, Bảo đang già nua, lạc hậu. Sống giữa đô thành mà chỉ có mỗi ý nghĩ là “phải giữ mình”. Diễn nói: “Cái gì anh cũng sợ, anh chẳng còn chút tính khí đàn ông gì cả”. Lời lẽ của cô làm anh lặng đi. Một người bạn của Bảo từng nói, cánh con trai hư hỏng ngày nay rất dễ có người yêu. Điều đó như một sự trái khoáy đớn đau.

4. Rồi cũng đến ngày cái ồn ào phố thị kéo Diễn đi, nó đẩy cô và Bảo xa nhau. Ngày càng xa. Xa ở quan điểm sống, cách nghĩ, và cả cách sống nữa. Diễn bỏ làm ở công ty, cái công việc mà cô làm chỉ để che mắt bố mẹ. Thay vào đó, cô tìm đến một đối tượng ăn chơi khác, xa hoa, phung phá. Gã đó con nhà lắm tiền, chịu khó bòn rút của gia đình rồi ném vào chốn sa đọa. Diễn ưa những chỗ đó, nó cho cô cảm giác mới lạ, hưng phấn. Nó bắt cô quên đi tình nghĩa và những ngày ân ái với Bảo. Bảo, gã si tình đuổi theo người yêu, mong sao có thể kéo được cô lại bên mình, hoặc ít nhất là kéo cô khỏi trượt xuống vực thẳm. Nhưng anh không đủ sức, cám dỗ quá mạnh, và chân cô thì bước sâu vào đó, đầu óc không còn nhận ra điều gì nữa. Anh bất lực, anh nhận lại từ miệng Diễn những lời lăng nhục, đau đớn. Một nỗi tủi hổ dâng lên. Trời ơi, đó là người con gái mình từng yêu ư? Người con gái mà mình từng đầu áp má kề đó ư? Chẳng thể nào ngờ được…

Đường Thanh Niên đó, con đường hai người thường đi qua, ngồi trên thuyền mà ngắm. Anh dạo bước nơi đây, chân vu vơ đá vào không khí. Ngoài xa, những đôi trai gái vẫn bơi thuyền, bơi thiên nga trên dập dìu con sóng. Họ thì thào lời yêu, rồi hôn nhau, tận hưởng cảm giác trùng khơi giữa phố thị. Đẹp đẽ nhường nào. Diễn của anh cũng có những ngày cùng anh như thế. Anh cảm giác sẽ không bao giờ hai người có thể xa dời nhau được. Họ sẽ sống vui vẻ, hạnh phúc, xây đắp gia đình nho nhỏ của mình, trân trọng những phút giây đầm ấm. Nào ngờ…

Bây giờ có gọi điện thì số điện thoại của Diễn cũng không liên lạc được. Nó luôn ném lại cho anh sự hẫng hụt bải hoải. Cô đã thay số. Còn đến nhà tìm, anh chỉ nhận được cái lắc đầu của bà giúp việc “Cô ấy đi vắng rồi”. Rất nhiều lần như thế, biết làm sao?

Cũng đôi ba lần anh bắt gặp Diễn cong cớn ngồi trên xe một gã to con, tóc nhuộm xanh đỏ lao vun vút trên đường. Chính là gã con nhà giàu. Lần khác, anh lại thấy cô nhập vai với một tay đua, cùng đoàn quân yêng hùng của chúng lao xe trên phồ Tràng Tiền sau trận thắng của đội bóng đá Việt Nam. Anh biết rằng, tình thế này không thể cứu vãn được nữa.

5. Cô gái kia có vẻ chân chất quê mùa. Luồng gió đô thị chưa “thuần hoá” được cô, Bảo nghĩ vậy. Khi anh đi lang thang trên bờ hồ thì bắt gặp. Tóc cô xõa xuống, nhìn xa xăm, mắt dõi ra một phương vô định, tay còn cầm cuốn sách mà sau đó anh nhận ra là cuốn “Đắc nhân tâm”.

Bảo xin phép được ngồi cùng ghế, cô gái chỉ khẽ vâng rồi chú tâm vào cuốn sách và phong cảnh ngoài hồ, không để ý đến chàng trai ngồi bên cạnh. Anh ta đang thấy tim đập thình thịch khi vừa mang một vết thương. Anh cũng nhìn về một phía với cô gái. Lát sau, chính cô gái lại là người lên tiếng trước. Phải chăng,  cái vẻ hơi “gan lì”  của chàng trai đã khiến cho cô phải thốt lên. Cô hỏi chuyện sao anh ra đây có một mình, công tác ở đâu, bao nhiêu tuổi… Những câu hỏi có vẻ rất bình thường và có phần nhạt nhẽo, chỉ cái cười của cô là đậm đà. Nhưng Bảo không thấy chán ngán bởi những câu hỏi có vẻ vô vị như vậy. Anh trả lời hết. Và không quên hỏi lại. Được biết cô là nhân viên của hãng điện thoại Mobile, tên Nhung, quê gốc Hà Tây sau đó theo gia đình về Hải Dương sống và giờ làm việc ở thành phố này. Trả lời cho câu hỏi tại sao anh ra đây có một mình thì Bảo nói là mình đang cô đơn. Cô gái tên Nhung gật, bởi cô có thể nhận ra vẻ ảo não đang đỗ trên khuôn mặt kia. Nói chuyện với Nhung, Bảo thấy cái duyên ngầm cứ hiện ra dần, và cô mỗi lúc một thêm quyến rũ trong mắt anh. Buổi đó hai người tạm biệt nhau ở mức làm quen, nhưng cũng kịp biết số điện thoại của nhau. “Em là người dễ gần mà” - Nhung nói.

6. Bảo biết được rằng Nhung mới chia tay với tình yêu, bởi hai người không hợp nhau. Chính cô đã tâm sự với anh như vậy. Tình cảm của hai người rất nhanh chóng ra chiều tích cực, bởi cả hai đều đang cô đơn. Hai con người cô đơn dễ tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn nhau. Nhung cũng nói rằng mình và người đó đã đến đây bơi thuyền rất nhiều. Tình yêu có sự quậy của tiếng sóng ì oạp. Chia tay nhau cũng ở nơi này, bởi cô thấy người yêu còn vui thú với một người con gái khác. Anh ta vì ham hố mà bán rẻ tình yêu.

Ban đầu, nghe đến chữ “bơi thuyền”, Bảo bỗng rùng mình. Anh bị ám ảnh khi nghe nói đến từ đó, nhưng sau đó anh kìm giữ được. Và tình cảm của anh đối với Nhung dần làm cho nỗi ám ảnh sóng nước mờ nhạt. Và khi anh và Nhung đang tiến dần đến thời gian hạnh phúc thì Diễn lại tìm đến anh, mang hơi lạnh lùa vào thân cây vừa mới yên gốc. Lúc đó, anh và Nhung đang tay trong tay. Bảo nhận được ánh mắt tiếc nuối đến bỡ ngỡ và sự mệt mỏi vô bờ của Diễn. Đôi mắt kia nói với anh rằng em đang rất đau khổ và ân hận. Tình yêu cũ trỗi dậy, nhưng chẳng biết làm sao. Anh thấy mình đứng giữa trăm ngàn con sóng, chẳng biết xử trí thế nào. Đêm đó về, Bảo nhận được những lời hối lỗi của Diễn qua tin nhắn. “Chỉ khi anh đã tuột khỏi tầm tay rồi, em mới thấy tiếc nuối”. Anh chỉ còn biết nói rằng, em hãy quên anh đi, anh không thể phụ tình người con gái đang hết mực yêu mình. Diễn khóc trong điện thoại. Tiếng khóc não nuột.

7. Chiều nay bơi thuyền trên hồ Tây, sóng nước dập dìu. Sau nụ hôn dài  Nhung nói với Bảo: “Chị Diễn đã nói chuyện với em. Không hiểu sao chị ấy biết được chỗ em mà tìm đến. Chị ấy tỏ ra ân hận, và thực sự thấy tiếc khi anh đang yêu em. Vậy anh sẽ làm sao? Em cũng biết là chị ấy không buông tha cho anh đâu, em nhận ra điều ấy. Em…” Bảo nghe như bão đang nổi trong lòng. Làm sao đây, phải làm sao cho vẹn đôi đường. Hai chữ ái tình sao mà cay đắng. Hơn lúc nào hết, anh phải bình tĩnh để nhận ra được mình đang yêu ai hơn ai. Với Nhung, đã là tình yêu thực sự chưa. Nhưng anh thấy tim cô ấy đang dồn dập đập, trước muôn ngàn còn sóng. Tim anh cũng đập rộn ràng lên. 
(0) Bình luận
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
  • Người anh trai bé nhỏ
    Câu chuyện này tôi được nghe kể từ người bác sĩ phẫu thuật từng có thời gian dài làm việc tại một bệnh viện của thị trấn nhỏ cách thành phố Pskov 100km. Câu chuyện đã làm cho tôi xúc động đến tận đáy lòng. Tôi sẽ cố gắng kể lại nó sao cho gần với nguyên gốc nhất.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức văn hóa Kinh Kỳ qua tranh truyện Hàng Trống
    Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo của đất và người Kinh kỳ xưa.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Đảm bảo việc cung ứng điện an toàn, ổn định trên địa bàn Thủ đô trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
    UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 677/UBND-KTN, chỉ đạo các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; Các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố; Tổng Công ty Điện lực Thành phố về việc đảm bảo cung ứng điện năm 2024 và các năm tiếp theo.
  • Hà Nội có 8 học sinh tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia
    Chiều 18/3, Sở GD&ĐT tổ chức gặp mặt 8 học sinh, tác giả của 4 dự án tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2023 – 2024.
Đừng bỏ lỡ
Trăm ngàn con sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO