Trần Mai Ninh

Nhà Thơ Trần Mai Ninh| 02/08/2019 10:50

Tôi còn nhớ dân Đông Dương năm ấy Có tên người nhưng không có quyền người Tiếng bất bình vang dậy khắp phương trời, Không sức cản phong trào đang tiến tới…

Trần Mai Ninh

Sau này nhắc lại…

Tôi còn nhớ dân Đông Dương năm ấy
Có tên người nhưng không có quyền người
Tiếng bất bình vang dậy khắp phương trời,
Không sức cản phong trào đang tiến tới…

Rồi đến gần tháng 5, năm ấy
Dân cần lao như đã sẵn hẹn hò
Như điệu truyền, như ngọn sóng lan to
Lời hiệu triệu biểu tình bay rộng mãi.

Rồi nam nữ không còn phân giới hạn
Tóc bạc cùng hoạt động với tuổi xanh
Toàn dân chung một khối nhiệt thành
Nắm tay nhau để nêu lòng bất mãn.

Để đòi cải thiện cuộc sinh tồn
Để hô nguyện vọng thiết tha cấp tốc
Để kêu chống phát xít và chiến tranh thảm khốc
Và nhất là để gắn chặt kết đoàn!

Lần đầu tiên, hai vạn người tụ tập
Rất oai nghiêm, trật tự, hòa bình
Lần đầu tiên họ đứng biểu tình
Vẽ chiến tuyến Bình dân gần thành lập.

Thôi, từ đấy, các tầng lớp nhân dân liên hiệp
Ngọn trào lao động thẳng đưa lên
Mặc kẻ thù, mặc phá hoại, vẫn chắc bền
Cuộc tranh đấu dần gây đời tốt đẹp.

Bạn hỡi, tôi kể sơ qua ngày ấy
Và kết vòng nên có được ngày nay
Ta phải nhớ lao công trong ngày ấy
Đã nhiệt thành gây chiến tuyến phôi thai.

Thắc mắc

Lòng tôi đứng dậy cao ghê quá
Nó muốn nâng lên dậy cả trời
Và tung ra khắp không gian rộng
Để kết liên người lại với người.

Dưới cờ tranh đấu dựng muôn gươm
Mắt sáng soi lên khắp nẻo đường
Đội hùng binh tiến, trời ngăn nổi
Hợp dần sinh lực của ngàn phương.

Cho cõi lòng tôi khỏi xốn xang
Vững bền như thép cứng như gang
Vì tin ở sức nhân quần mạnh
Thực hiện ngày mai giấc mộng vàng.

Đoàn thanh niên mới vươn mình dậy
Bứt những ngôi sao kết hoa hồng
Để rải trên đài tươi thắm của
Hòa bình nhuốm vạn ánh kim cương.

Tôi buồn

Tôi buồn, buồn lắm, buồn khôn tả
Và thấy lòng tôi nát rụng rồi
- Đầu cúi xuống sâu, hồn đổ sụp,
Lạnh lùng óc đứng một mình thôi!

Tôi đã nghiến răng và xé mạnh
Mảnh tàn tự ái hãy còn vương
- Sụp xuống đất bùn, sâu xuống nữa,
Quỳ tròn gối gẫy bởi đau thương!

Thôi đi! Phải phá vỡ lòng ta,
Phá vỡ bình bông tự ái, và
Phá vỡ gương tàn soi trí thức
- Quyết làm vang dậy sóng đầu ta!

Mời đi

Gió lộng thổi vào bên tai,
Nước trôi đi tìm bến đẹp,
Mắt nhìn ánh trời không phai,
Chỉ thấy lòng em quá hẹp.

Em so với trời chút nữa,
Em cởi chạc thuyền em đi.
Chớ tô những mầu lỡ dở,
Xin đốt mọi niềm sầu bi,

Kìa em nhìn đàn sáo đen,
Cũng nhuộm ánh trời chói lọi.
Kìa em nhìn vạn bông sen,
Đua rắc cõi lòng phơi phới.

Thôi em bỏ vòng trạng mạng,
Cởi vạt áo tu ngậm sầu,
Ta nâng cho cao đôi đầu
Yêu lấy lửa trời sáng láng.

Tôi nhớ

Tôi ngồi tôi nhớ các anh tôi
Bay nhảy xa xa khắp bốn trời
Lòng nhuốm bao mầu tin tưởng thắm
Và tai ghi đón lấy muôn lời.

Họ đã quen mùi cơm lộn khoai,
Chìm trong giá lạnh với đêm dài
Để gây hoa mới, mùa xuân mới,
Dâng ánh dương sa ngập vũ đài.

Môi chẳng bao giờ được ấp hương,
Chân đi chưa vợi nửa con đường
Cảm thông gió cợt bông hàm tiếu;
Lòng dậy đôi làn hương nhớ thương.

Ấy là tinh túy của hồn trai,
Họ cũng yêu tiên sóng tóc dài;
Song chửa thấy đời nâng mặt sáng,
Gắng quên tình, làm đẹp ngày mai.

Nhớ máu

Ơ cái gió Tuy Hòa…
Cái gió chuyên cần
Và phóng túng:
Gió đi ngang, đi dọc,
Gió trẻ lại – lưng chừng
Gió nghĩ,
Gió cười,
Gió reo lên lồng lộng.
Tôi đã thấy lòng tôi dậy.
Rồi đây
- Còn mấy bước tới Nha Trang
- A, gần lắm!
Ta gần máu,
Ta gần người,
Ta gần quyết liệt.

Ơ hỡi, Nha Trang!
Cái đô thành vĩ đại.
Biết bao người niệm đọc tên mi
Và Khánh Hòa vĩ đại!
Mắt ta căng lên
Cả mặt
Cả người,
Cả hồn ta sát tới
Nhìn mi!
Ta còn nhớ
Những con người
Đã bước vào bất tử!
Ơ, những người
Đen như mực đặc thành keo,
Tròn một củ.
Hay những người gầy sát lại
Mặt rẹt một đường gươm
Lạnh gáy…
Lòng bàn tay
Khắc ấn chuôi dao găm.
Chân bọc sắt,
Mắt khoét thủng đêm dày,
Túi chứa cả Nha Trang… họ bước.
Vương Gia Ngại… Cung Giữ Nguyên
Chút chít Hoàng Bá San… còn nữa!
Cả một đoàn chó ghẻ
Sủa lau nhau
Và lần lượt theo nhau,
Chết không ngáp!
Dao găm để gáy
Súng màng tang
Ồng ộc xối đầy đường máu chó.
Chúng nó rú,
Cả trại kinh hoàng
Quy-lát khua lắc cắc,
Giầy đinh xôn xao
Còi và kèn…
Cả trại giặc bạt hồn, bạt vía…
Chạy lung tung
- Sớm mai, xét và bắt…
Thiết giáp, cam nhông
Rầm rập nối đuôi nhau,
Và đêm khuya: lại chết 
Chồn Pháp, chó Việt gian
Ằng ặc máu.

Mắt ta căng lên
Cả mặt
Cả người 
Cả hồn ta sát tới,
Biết bao người 
Sống lẩn lút nhưng ngang tàng
Bên lưng giặc!
Vẫn tổ chức, vẫn tuyên truyền,
Hoặc giao thông hay liên lạc,
Rải giấy, 
Treo cờ,
Hay gồng vai tiếp tế
Từ bình minh cho tới trăng tàn
Đúc bê tông bên mặt trận
Và thì thào cùng du kích đi lên…
Cả ngàn chiến sĩ,
Cả ngàn con bạc, con vàng
Của Tổ quốc!
Sống… trong đáy âm thầm
Mà nắm chắc tối cao vinh dự!
Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm tương lai,
Vững tin tưởng nơi oai hùng,
Và chiến thắng
Câu Việt Nam: dân tộc!
Cờ đã nâng cao
Màu đỏ máu
Với sao vàng tung rực rỡ!
Mặt hoàn cầu đã họp những tia xanh
Trán nhíu lại,
Chú ý nhìn châu Á phía Đông Nam

Ta quyết thắng!
Việt Nam rồi đứng dậy,
Sáng vô chừng!
Rất đẹp với Nha Trang và Nam Bộ
Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt
Máu chan hòa trên góc cạnh kim cương
Các anh hùng tay hạ súng trường
Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu
Họ cười vang rung lớp lớp tinh cầu.

Tình sông núi

Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc…
Mây lồng và nước réo.
Nắng bột chen dừa Tam Quan,
Gió buồn uốn éo
Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ
Mờ soi Bình Định trăng mờ
Phú Phong rộng,
Phú Cát lỳ
An Khê cao vun vút.
Giá lạnh – Rừng buồn,
Mượn ai kín hộ nước nguồn về đây
Gặp sông Cầu khó rời tay!
Sông Cầu của đất nước này là duyên.
Vũng Lấm dăm lá thuyền,
Nhiều dừa che ít mái tranh
Vừa đẹp – vừa lành,
Hỏi ai tới đó sao đành lòng đi?
Tuy Hòa ngang dọc ngõ
Dậy sáng – dịu mầu tươi
Nha Trang đẹp
Diên Khánh xanh non.
… Tôi lim dim cặp mắt
Không thấy nơi nào không đẹp
Không giầu
Lúa xanh như biển rộng 
Núi vươn cao khắp các sườn đèo
Rẫy đè lên rẫy
Bắp và khoai tiếp bắp và khoai…
Mấy sông là mấy vạn chài
Ngựa xe rào rạt đổ người sang ngang…
Gầu nước gieo vàng
Tiếng thoi nghe dội rộn ràng vách nghiêng
Dân tộc mồ hôi thấm đất 
Bắp căng như đồng 
Tay ghì cán cuốc
Tay ghì tay xe
Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao…
Có mối tình nào hơn thế nữa?
Ăn sâu lòng đất thấm lòng người,
- Đượm lều tranh, thơm dậy ngàn khơi.
- Khi vui non nước cùng cười,
Khi căm non nước với người đứng lên!
Có mối tình nào hơn thế nữa?
Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền.
Có mối tình nào hơn thế nữa?
Trộn hòa lao động với giang sơn
Có mối tình nào hơn
Tổ quốc?

Đón hè

Hè đến thình lình không báo trước
Lòng tôi hấp tấp vội nâng then,
Lúa vàng lên, như điểm ánh đèn,
Và chói lói những dòng sông nước.

Hè đến thình lình không báo trước,
Điệu lời cu gáy phổ chưa ăn
Nơi giường còn vương víu gối chăn
Ngơ ngác hồn đi sai mấy bước.

Nắng vàng mạnh lắm, này em ơi
Phải cố nâng lòng theo gió mới,
Gắng thở kịp tình xa đưa tới
Hồn em đáp vọng tiếng chơi vơi.

Hè đến đây rồi, nắng rám tay,
Ngang tàng cho gió lướt lông mày
Đưa tay chuốt lại duyên phong cảnh,
Xóa những ngày mưa ngập đọa đày.
..................................................................................

*  Thơ tuyển rút từ tập Thơ văn Trần Mai Ninh, 
NXB Quân đội Nhân dân 2000
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) qua tiếp thu, chỉnh lý đủ điều kiện trình Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội
    Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, cho biết, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) qua những lần xin ý kiến gần đây, cơ bản việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội đánh giá cao và tán thành nhiều nội dung, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá đủ điều kiện để trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
  • Quận Tây Hồ: đối ngoại nhân dân góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về công tác đối ngoại của Thủ đô
    Chiều 28/3, Quận uỷ Tây Hồ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác đối ngoại nhân dân giai đoạn 2024 - 2025.
  • Trấn Bình Môn Kinh thành Huế như bị lãng quên
    Trấn Bình Môn là một cổng phụ trong 13 cửa của Kinh thành Huế nhưng ít người lui tới; như bị lãng quên, xuống cấp theo thời gian và tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai di dời dân để trả lại nguyên trạng cho di tích.
  • Phát động cuộc thi viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”
    Chiều 28/3, Báo Hà Nội mới tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về truyền thống văn hóa lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô trên hành trình 70 năm xây dựng và phát triển.
  • Phú Thọ ra mắt tour du lịch "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
    Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, dịp này, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.
  • Quý I năm 2024, Thành phố Hà Nội đã thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI
    Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024”, diễn ra chiều 28/3 tại Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội
    Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff.
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
Trần Mai Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO