"Trăng trong cõi" - Khi lịch sử "ngủ" trong màn sương thời gian

Tôn Nữ Khả Di| 24/09/2018 22:03

An toàn là thứ axit ăn mòn sự sáng tạo của một nhà văn chân chính. Vì vậy, ngay từ ngày đầu cầm bút, Phạm Thúy Quỳnh đã chọn cho mình con đường mạo hiểm mang tên Lịch sử. Và dấu mốc mới nhất trong sự nghiệp văn chương của cây bút hai mươi hai tuổi này là cuốn truyện dài với cái tên đầy chất thơ - “Trăng trong cõi”.



Nằm trong chuỗi những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20, Trăng trong cõi được Nhà xuất bản Trẻ xếp vào thể loại truyện dài nhưng khi khép lại cuốn sách này, tôi rất muốn gọi nó bằng định danh tiểu thuyết. Bởi lẽ, chỉ với hơn 170 trang sách, Trăng trong cõi đã điểm xuyết một cách chọn lọc chặng đường lịch sử đầy biến động thăng trầm trải dài hơn 1000 năm, từ thời cuối thời Tiền Lê cho đến thì hiện tại. Qua đó để thấy được sức nén đáng ghi nhận của một cây bút trẻ đang trong thời kỳ định hình phong cách sáng tác. Với việc vận dụng uyển chuyển thủ pháp truyện lồng truyện, Phạm Thúy Quỳnh đã khéo léo xây dựng một mê cung lịch sử nhằm thôi miên độc giả bước vào câu chuyện của cô một cách tự nhiên tựa như đang tham gia vào trò chơi truy tìm quá khứ.

“Trăng trong cõi” là cuộc hành trình bất quy tắc từ hiện tại ngược về quá khứ, rồi từ quá khứ xuôi tới miền hiện tại mà ở đó mở đầu của tuyến truyện này là kết thúc của tuyến truyện kia và ngược lại. Mọi ranh giới về thời gian, không gian đã bị tác giả mờ hóa để câu chuyện trở nên hư hư, thực thực như một màn sương mỏng mảnh, u huyền. Điểm xuất phát của tiểu thuyết này là chuyến thực tế của “tôi”- cô phóng viên trẻ tên Lâm lên miền Viên Mai - nơi được mệnh danh là “Chốn đào nguyên cõi thực, mây cuộn trôi xa, sau mưa núi biếc, bước vào tưởng như gặp tiên cảnh. Nơi đây có dòng nước trong ngọt đáng dùng để pha trà thượng phẩm” để tìm tư liệu viết bài.Tại đây, cô gặp Phương - người nắm giữ cuốn nhật ký của Bá Đa Lộc. Và từ đó, cánh cửa quá khứ được bóc tách dần theo những trang nhật ký đầy cảm xúc…

Cuốn nhật ký của Bá Đa Lộc được viết từ năm 1767 chính là chiếc chìa khóa mở ra những câu chuyện bí ẩn đượm màu liêu trai, huyền ảo về tấm da dê mang trên mình lời nguyền: “Truy tầm Sách Ước Thánh Tản cả đời nhưng chúng ta, không một ai chống lại được cái chết cả”, về cuốn Sách Ước mà sở hữu được nó là có cả thiên hạ khiến không ít kẻ bao phen tranh đoạt và đặc biệt là về vị hoàng đế cuối cùng trong lịch sử đầy hào quang mà cũng lắm biến cố của nhà Tiền Lê – Lê Long Đĩnh – “vị hoàng đế chịu nhiều điều tiếng nhất”. Bằng lối viết dòng ý thức đòi hỏi những kỹ thuật cắt cúp tinh xảo, Phạm Thúy Quỳnh đã kết nối “tôi” với rất nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng ở nhiều thời đại khác nhau như Lê Long Đĩnh, Lý Công Uẩn, Nguyễn Ánh, Bá Đa Lộc, Mạc Thiên Tứ … mà những người chưa đọc tiểu thuyết này hẳn sẽ băn khoăn, làm sao để đặt họ đứng cạnh nhau trong một cuốn tiểu thuyết có dung lượng ngắn như vậy?


Cả Bá Đa Lộc và cô phóng viên Lâm trong “Trăng trong cõi” sống trong hai giai đoạn hoàn cách nhau đến ba thế kỷ nhưng ở họ có một điểm chung là những ám ảnh và trăn trở về quá khứ nhưng ngay sau đó lại hoang mang đặt ra câu hỏi: “Rốt cuộc, mình đào bới quá khứ của mảnh đất này để làm gì?”. Tấm da dê lưu những dòng cổ tự và cuốn Sách Ước thấp thoáng hiện lên cơ hồ như có, như không, như mơ, như thực. Có lẽ cũng bởi vì sự mơ mơ, hồ hồ vừa đáng sợ, vừa cuốn hút ấy mà mặc cho lời nguyền “Truy tầm Sách Ước Thánh Tản cả đời nhưng chúng ta, không một ai chống lại được cái chết cả” luôn như “thanh gươm đương treo lơ lửng chỉ chực rơi xuống”, bao thế hệ hơn 1000 năm vẫn tìm cách hóa giải những bí ẩn xung quanh chúng và chấp nhận vòng tuần hoàn luẩn quẩn giữa được và mất.


Tại sao lời nguyền kia lại ứng nghiệm vào cuộc đời những con người một lòng đi tìm Sách Ước? Và nội dung trong cuốn sách ước là gì mà những thế hệ nối tiếp nhau vin vào lời thề và cứ thế “dốc sức tìm kiếm, đổ cả máu và nước mắt”? Những bí ẩn trong Sách ước tựa như “vầng trăng đêm rằm, đẹp đẽ nhưng vĩnh viễn không thể chạm vào”. Những người vướng duyên nợ với nó chỉ cần làm một việc tưởng chừng như đơn giản là “mang nó trở lại Điện thờ trên Tản Viên”, nhưng thực ra lại chẳng hề đơn giản chút nào. Bởi lời nguyền về cái chết chưa bao giờ quên lãng một ai. Không vội vàng giải thích, không thiên về những diễn biến hành động thường thấy trong các tác phẩm văn học đề tài lịch sử, “Trăng trong cõi” chậm rãi dẫn dắt người đọc đi từ mê cung thời gian này đến mê cung thời gian khác để có lúc độc giả phải dừng lại và tự hỏi, đây là quá khứ hay hiện tại? Và rồi chợt nhận ra, điều đó không còn quá quan trọng nữa rồi, bởi, “cứ đi rồi sẽ đến”.


Khó lòng mà buông được Trăng trong cõi khi chưa khám phá ra nội dung trong cuốn Sách Ước ấy. Mê cung mà Phạm Thúy Quỳnh dựng nên là thách thức để đo lường độ kiên nhẫn của độc giả. Khi ranh giới về thời gian, không gian đã bị xóa nhòa thì mọi con đường trong mê cung đều dẫn đến một trải nghiệm đầy ý nghĩa. Cái tài của Thúy Quỳnh là sự nhào nặn lịch sử một cách vô cùng nhuẫn nhuyễn và mềm mại để rồi có những đoạn, nhân vật “tôi” bước qua ranh giới thời gian tham dự vào lịch sử, trực tiếp gặp gỡ Bá Đa Lộc, người ông đã chết hay đối thoại với Lê Long Đĩnh mà mạch truyện vẫn trôi chảy tự nhiên, không hề vấp víu, khiên cưỡng.


Độc giả hẳn sẽ phải mở rộng trường liên tưởng để đoán xem trong Sách Ước ẩn chứa những bí mật, những điều lớn lao gì? Và rồi cuối cùng, “cuốn thánh thư mở ra. Quầng sáng chói mắt bung tỏa khắp vòm không, Sách Ước bay lên cao, tôi nén hơi thở của mình gắng đọc nội dung của nó. Hiềm nỗi, trong cuốn sách không hề có nội dung gì cả, chỉ là những tờ giấy trắng được ghép lại với nhau bằng một đoạn chỉ thô mà thôi”. Một cái kết đầy bất ngờ, nhưng không hề hụt hẫng. Hãy để quá khứ và những bí ẩn mãi mãi ẩn sâu trong màu trắng nguyên khôi ấy để mỗi người tự đi tìm lời giải mà họ cho là phù hợp nhất. Nhà văn có quyền truyền tải lịch sử đến độc giả theo cách riêng của mình, nhưng họ không có nghĩa vụ phải giải thích hay chứng minh lịch sử. Nếu mọi thứ phải rạch ròi đen trắng thì lịch sử đâu còn là lịch sử. Kết thúc nửa kín nửa hở này đã làm tăng độ dư ba cho “Trăng trong cõi”. Để khi gấp cuốn sách lại rồi thì những câu hỏi vẫn còn vấn vương trong tâm trí bạn đọc.

Lịch sử là thứ vĩnh viễn không bao giờ có thể thay đổi. Nhưng vì lịch sử ẩn khuất sau màn sương mù thời gian nên nó có thể gây ra rất nhiều tranh cãi. Không phụ thuộc vào những sự kiện hay tiến trình lịch sử, với “Trăng trong cõi”, Phạm Thúy Quỳnh đã chọn một vài hình ảnh, chi tiết nhỏ mà sử sách ít nhắc tới để thông qua đó vén bức màn sương khói thời gian mập mờ giúp độc giả có những góc nhìn rõ hơn, tỉnh táo hơn về quá khứ. Qua đó, cô đem tiếng nói bản thân gián tiếp đấu tranh với những tư tưởng bảo thủ cố hữu nhằm nỗ lực minh oan cho vị hoàng đế nhiều tai tiếng – Lê Long Đĩnh. Như cô từng tâm sự: “Tôi “gặp” Lê Long Đĩnh trong một lần đọc lại cuốn Đại Việt sử ký toàn thư và cứ ám ảnh không thôi về cuộc đời của vị hoàng đế với thân phận bị lịch sử phủ mờ này. Đó là căn duyên mà “Trăng trong cõi” ra đời - chẳng rõ lý do, chẳng hay hậu quả, tôi chỉ biết rằng mình phải viết ra câu chuyện này mà thôi”.

Trở về quá khứ là trở về với sự thật, với những ký ức vừa sống động, vừa dở dang, vừa nuối tiếc. Để tự tin bước lên chuyến tàu xuyên không ấy, Quỳnh đã cho mình một vốn đọc khá đầy đặn, nghiêm túc mà những trích dẫn, những cái tên như Cao Hành Kiện, Goethe, Monseigneur Pigneau de Béhaine, Witold Gombrowicz, Raxun Gamzatop mà cô nhắc đến là minh chứng rằng còn đường văn chương Quỳnh theo đuổi không phải là một cuộc dạo chơi hời hợt. Và những điều cô viết trong cuốn tiểu thuyết này được bồi đắp trên nền kiến văn chắc chắn, bài bản chứ không phải là quá trình “sáng tác” hay thậm chí bóp méo lịch sử như một vài cây bút chọn đề tài này thường mắc phải. Chợt vỡ ra, khám phá thế giới đâu chỉ là những chuyến du lịch khắp bốn bể, năm châu. “Trăng trong cõi” nhắc nhớ chúng ta, nhất là những người trẻ rằng, đừng quên điều quan trọng không kém là khám phá lịch sử đang dần bị xem nhẹ, bị vùi lấp trong sự thờ ơ, vô cảm của lòng người mà chúng ta vẫn thường lấy thời gian làm cái cớ hoàn hảo nhất nhằm đổ lỗi.


Văn phong trong tiểu thuyết này chặt chẽ và đẹp đến độ chuẩn mực với vốn từ Hán Việt đáng nể mà tác giả dày công tích lũy. Song cũng chính sự chuẩn mực đó khiến cho nét cá tính của Quỳnh phần nào bị khuất lấp sau sự chỉn chu quá mức. Đã có một Phạm Thúy Quỳnh phá phách, nổi loạn cùng câu chữ trong những truyện ngắn độc đáo ở hai tập “Nhện, Trịnh, Thiên thu” và “Sợi chỉ đỏ kết nối”. Đến với “Trăng trong cõi”, dường như, Quỳnh đã “hiền” hơn trước. Hay đây chính là nốt lặng để cô suy nghiệm về nghệ thuật và chuẩn bị cho những “cuộc chiến” mới? Giống như Nguyễn Tuân – một trong những nhà văn thần tượng của mình, nhiều đoạn văn, Quỳnh mắc lỗi phô bày kiến thức hơi rườm rà khiến mạch truyện bị loãng, đơn cử như khi cô miêu tả quá chi tiết về trà. Lại có những đoạn trong cuốn nhật ký của Bá Đa Lộc, Quỳnh nhập thân chưa thực sự hòa hợp, nhịp nhàng, kín kẽ khiến hơi văn bị lộ suy nghĩ chủ quan mang đậm phong cách ngôn ngữ của nhà văn chứ không phải của nhân vật.


“Trăng trong cõi” là mê cung của lịch sử, ký ức, hoài niệm, ảo ảnh và những giấc mơ không hồi kết. Cứ bước vào đi, đừng sợ lạc…

(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
"Trăng trong cõi" - Khi lịch sử "ngủ" trong màn sương thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO