Tranh của họa sư Nam Sơn ngày một tăng giá

Từ Khôi| 26/11/2018 10:13

Nếu như trước đây, tranh của những họa sĩ từng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được đấu giá và gây ra những tiếng vang trên sàn đấu quốc tế, thì mấy tháng trở lại đây, tranh của người thầy của họ - người đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với họa sư Victor Tardieu - Họa sư Nam Sơn lại tạo nên những dư chấn. Tối 22/10/2018, bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” của họa sư Nam Sơn đã được Aguttes đưa lên sàn đấu giá tại trung tâm Drouot danh tiếng đất Paris (Pháp).

Chỉ trong 7 phút đấu giá bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” tăng giá vùn vụt từ mốc khởi điểm 50.000 euro và dừng lại ở con số 440.000 euro (tương đương 11 tỷ 800 triệu VNĐ). Ông An Kiều cho biết: Theo thông cáo báo chí của nhà đấu giá: Bức tranh sau khi được tính thuế chốt ở mức giá 565.000 euro (tương đương trên 15 tỷ đồng). Nhà đấu giá nhận xét đây là mức giá kỷ lục đối với tranh họa sư Nam Sơn từ trước tới nay. Ít ai có thể ngờ rằng, bức tranh lụa vẽ khoảng năm 1935/1936 với kích thước 43 x 61,5 cm lại có thể đạt mức giá cao, bỏ xa giá khởi điểm như thế. 

Với mức giá này, tranh của họa sư Nam Sơn đã tăng gấp đôi so với phiên đấu giá một bức tranh lụa khác là “Thôn nữ Bắc Kỳ” gần 6 tỷ đồng ngày 26/3/2018 cũng tại trung tâm Drouot.

Tranh của họa sư Nam Sơn ngày một tăng giá
Bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” của họa sư Nam Sơn được Aguttes đưa lên sàn đấu giá tại trung tâm Drouot danh tiếng đất Paris.
Phóng viên đã kết nối điện thoại ngay với ông Nguyễn An Kiều, con trai họa sư Nam Sơn và là người đại diện cho gia đình họa sư Nam Sơn. Ông An Kiều cho biết, ông cũng mới được biết thông tin này. Người mua được bức tranh là một cô gái người Trung Quốc, nhưng cô không muốn lộ danh tính. Mức giá 440.000 euro đã vượt xa các bức tranh khác trong phiên đấu giá ngày 22/10. Qua phiên đấu giá, những người tại các nước yêu hội họa Việt Nam lại có dịp thấy rõ thêm tài năng của họa sư Nam Sơn, người đã nổi danh tại Việt Nam và châu Âu từ đầu thế kỷ XX. Họa sư Nam Sơn là người đã cùng họa sư Pháp Victor Tardieu, đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925, ngôi trường mỹ thuật đầu tiên của Đông Nam Á. Ngôi trường đã dạy hội họa tại trường theo chương trình đào tạo chính thống 5 năm của trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Từ ngôi trường này đã đào tạo biết bao tài năng hội họa làm rạng danh nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sánh vai cùng hội họa quốc tế từ năm 1930.

Ông Nguyễn An Kiều cho biết, dù tên tuổi họa sư Nam Sơn đã nổi tiếng thế giới nhưng không phải ai cũng được xem, được cầm vào tranh gốc của họa sư. Ông Kiều cũng lưu ý, bài viết trên tạp chí Mỹ thuật vừa xuất bản khi viết về bức tranh chuẩn bị đấu giá này có một số thông tin chưa chính xác. Lấy một ví dụ là bức ảnh chân dung Nam Sơn được chụp năm 1952 chứ không phải năm 1943 như tạp chí nêu. Bức ảnh này đã được đăng trên Tạp chí ORIENT  OCCIDENT tại Paris, số 5, tháng 11 năm 1952.

Tranh của họa sư Nam Sơn ngày một tăng giá
Tại phiên đấu giá bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt”. Ông An Kiều cung cấp.
Về họa sư Nam Sơn, những người cao tuổi sống ở Thủ đô Hà Nội có lẽ vẫn nhớ rõ  lão họa sư tài năng đã sống cùng gia đình với bà mẹ già, bà vợ và 8 người con tại ngôi  biệt thự 68 Nguyễn Du lớn hơn 1000m2 bên hồ Thiền Quang, Hà Nội. Nơi đây, họa sư Nam Sơn có xưởng vẽ hiện đại rộng tới 80m2. Và những năm cuối đời, họa sư vẫn đi dạo trên đường phố để ghi chép lại những cảnh đẹp...

Việc đấu giá thành công bức tranh lụa “Thiếu nữ cầm quạt” là dịp để Hội Mỹ thuật Việt Nam và trường Đại Học Mỹ thuật Yết Kiêu Hà Nội hiểu thêm về họa  sư Nam Sơn và biết tự hào về một danh họa Việt Nam.

Theo ông An Kiều, với mức giá 440 ngàn euro, có lẽ cũng chưa phải là giá cao đối với tranh của họa sư Nam Sơn. Bởi vì những bè bạn của họa sư cùng tu nghiệp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris ngày xưa như Từ Bi Hồng (Trung Quốc), Foujita (Nhật Bản), đã có những tác phẩm đạt tới giá 5- 6 triệu USD. Năm 1943, theo lời mời của cơ quan văn hóa Nhật Bản, họa sư Nam Sơn đã cùng hai học trò là Lương Xuân Nhị và Nguyễn Văn Tỵ, đưa các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam sang Nhật Bản triển lãm tại nhiều thành phố trong 3 tháng. Tại Nhật Bản, họa sư Nam Sơn đã được người bạn cũ, họa sư Foujita và cơ quan văn hóa, cùng các họa sĩ Nhật Bản trân trọng đón tiếp… Tại Thủ đô Tokyo, họa sư Nam Sơn cũng được mời sáng tác ngay tại chỗ 4 tác phẩm hội họa để các họa sĩ Nhật Bản học hỏi cách sử dụng họa cụ và họ đã quay phim làm tư liệu giảng dạy cho sinh viên các trường đại học mỹ thuật  Nhật Bản.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tranh của họa sư Nam Sơn ngày một tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO