Trấu

Nguyễn Minh Hoa| 17/12/2019 16:18

Đông về, ta nhớ bếp lửa, nhớ mùi khói đến nao lòng, nhớ cái ấm sực làm má con gái ửng hồng. Chả phải từ mùa xuân, từ ánh mắt người con trai mà từ lửa, nhắc rằng con gái trong nhà đã lớn, đến tuổi cập kê. Nói như thế là vì, có cô gái ngồi đun bếp mà chả phải “đẩy bếp”, vun trấu bao giờ, chả hẹn thì cũng có người sang đun cùng, đẩy bếp hộ cho đến tắt lửa, trấu vùi.

Trấu

Đông về, ta nhớ bếp lửa, nhớ mùi khói đến nao lòng, nhớ cái ấm sực làm má con gái ửng hồng. Chả phải từ mùa xuân, từ ánh mắt người con trai mà từ lửa, nhắc rằng con gái trong nhà đã lớn, đến tuổi cập kê. Nói như thế là vì, có cô gái ngồi đun bếp mà chả phải “đẩy bếp”, vun trấu bao giờ, chả hẹn thì cũng có người sang đun cùng, đẩy bếp hộ cho đến tắt lửa, trấu vùi.

Lại nói về trấu, nói kẻo nhiều người đã không còn biết trấu là gì, nhiều người lâu rồi không còn nhắc đến, chỉ còn nhớ má hồng thủa nào mà quên mất những bao trấu mùn, hay trấu to, có khi là cả những cót trấu trong bếp nhà xưa kia.

Xưa, trấu là nhiên liệu khá quan trọng trong bếp nhà. Cùng với củi, rơm, trấu quan trọng hơn lá khô kiếm thêm mỗi vụ mùa thu, nhiều nhà còn chọn trấu là chất đốt chính với những bếp cải tiến chuyên dụng cho từng loại trấu to, hay trấu mùn.

Nhà làm nông, ruộng tính bằng mẫu có thể rơm đánh đống cao đến ngọn cây tre, đương nhiên là rơm đun cả năm chẳng hết. Việc nhóm bếp thì vô tư ngay cả với bọn trẻ con, vì nhóm bếp rơm là dễ nhất trên đời. Thổi cơm bếp rơm nhanh, chẳng mấy mà sôi, rồi cạn, ghế lên, bù nữa là xong. Theo mẹ, theo bà, biết thổi cơm thì cũng là lúc biết bù cơm, nếu mới biết bù cơm còn cảm thấy khoái. Con gái quê đảm tính từ việc rút rơm, đến đun nấu, cho đến cấy hái, lại mùa màng. Đấy là với những nhà nhiều ruộng, sẵn rơm, rơm đun bếp, lại rơm chăn nuôi vẫn đủ. Còn với những nhà ít ruộng, đống rơm vừa phải thì chẳng bao giờ rơm đủ đun đến mùa, nên phải mua thêm gánh củi của người bên sông, hay tích trữ trấu cũng lại là đương nhiên.

Xưa, lương thực huyện còn phát xay trong dân. Nghĩa là thóc thuế nhập vào kho cuốn của huyện, thóc ấy phải nuôi quân, phải cấp phát cho các đơn vị, lương thực cho cán bộ phải trả bằng gạo, nên phát xay. Dân nhận thóc về, xay xát, trả gạo cho lương thực huyện, trấu, cám thì gia đình được hưởng. Dôi ra thì lợi, nếu không thì cũng phải đong thóc để mà bù gạo cho cửa hàng lương thực. Thế nên những nhà ít ruộng, hay cánh thoát ly sẽ xin nhận phát xay, để có trấu bù đắp vào lượng chất đốt ít ỏi mua bằng tem phiếu. Dăm lít dầu hỏa, vừa thắp đèn cho bọn trẻ con học tối, vừa đun bếp dầu cho bọn trẻ rang cơm mỗi sáng, nhiều khi khô cong bếp đến cả vài tháng vì dầu hỏa tháng có, tháng không, không phải lúc nào cũng sẵn để mà mua được, dù có tem phiếu và mua về nhà vẫn thường  phải ưu tiên cho việc thắp sáng hơn. Kể ra thêm như thế để thấy rằng, xưa trấu quan trọng thế nào.

Trấu có hai loại: trấu mùn và trấu to. Hai loại trấu này đều dùng cùng củi được hết. Phải nói là có trấu để nhóm bếp thật là lý tưởng. Trấu đổ trong bếp, trấu đổ cửa bếp, củi xếp chụm đầu dăm thanh trong kiềng, giấy vụn dẫu có hạn chế thì khi giấy cháy, trấu cũng đủ bén, trấu làm nóng bếp, giữ nhiệt cho củi bén nhanh. Trấu không lên  nhiều lửa, với người vụng đun, lại nhiều khói, chứ với người khéo đun, trấu làm giảm lượng củi đáng kể. Có trấu, cơm cạn, khi “vần” cơm cũng nhàn, cơm có cháy hay không, cháy già, cháy non cũng chủ động được hết. Mùa đông, trấu vùi kho nồi cá, nồi trám thì không gì bằng. Cùng cá ấy mà kho rơm thì đến bao giờ, mà cũng chả mấy ai kho cá bằng rơm. Đã kho cá, người ta nghĩ ngay đến than, đến trấu. Cá kho cạn, vùi bếp, ủ trấu xong đi làm. Khi về ăn cơm thì trấu tro còn nóng, niêu cá khô bong, miếng cá chắc, thơm ngon, miếng riềng chả thấy cay, chỉ thấy những bùi.

Trấu

Những cá bống, trạch trấu, cá chõn, cá trê kho tương hay kho chuối xanh, kho khế cũng đều ngon cả. Nhớ miếng ăn ngon trước rồi mới nhớ đến than, đến trấu sau. Than củi có đượm đến mấy mà không có trấu ủ thì khoai, sắn nướng cũng không ngon, chỉ có trấu khoai nướng mới chẩy mật. Mùa đông tháng giá, ăn miếng khoai lang mật, miếng sắn chín vàng hay củ khoai tây nướng bở thây kệ gió rít từ sông về, tay cời than, mà câu chuyện đi về tận nơi xa lắc. Thủa mẹ tóc còn xanh, cha còn học buông lưới, đám cưới sang sông còn là một sự kiện trong làng. Vì mẹ bảo, người ta vẫn sợ lấy vợ đường xa, nhà gái thì sợ con mình làm dâu thiên hạ… Dâu đất bãi mang giống khoai ta về đất làng, nhiều nhà vẫn nhớ giống khoai ta nhỏ củ, vàng ươm, om niêu khoai bi ăn cũng ngon, nhất là vào những ngày đông giá rét. Những phiên chợ cuối năm trấu thật đắt hàng, nhà nào xay xát gạo ăn Tết thì đóng trấu mang về, nhà nào không sẵn trấu thì kiểu gì cũng phải mua 1,2 bao tải trấu về đun bánh chưng. Khó có ai tự tin khi đun nồi bánh 8 đến 10 tiếng mà không có trấu đun, trấu ủ.

Làng mỗi ngày một khác, chợ phiên người ta đem về bán những cái bếp cải tiến để đun trấu. Trấu mùn thì đun bằng bếp có vỏ ngoài bằng thùng tôn nhỏ, hình tròn, thủng hai đầu. Một đầu người thợ gò hàn cắt một ô vuông nhỏ thành cửa bếp, miếng cắt được uốn lên vuông góc phía trong giữ cho khi đóng trấu, trấu không rơi xuống. Cửa này vừa để thông gió vừa đủ để đút vào thanh củi. Phía  trên bếp là cái kiềng gang nhỏ, đặt vừa đường kính của cái bếp. Nhồi bếp trấu này không khó, chỉ việc để cái chai vào giữa bếp, đổ chấu mùn xung quanh, lấy cái chầy nhỏ lèn xuống. Muốn đun lâu, lèn thật kĩ, còn nếu đun ít, thì đóng lỏng tay. Đóng xong, đặt thanh củi vào, nhóm lửa, củi bắt vào trấu, chả mấy mà đượm. Đun nước uống đổ phích, đun canh, đun cơm thoải mái. Đến khi bắc cơm xuống vẫn còn có thể đặt nồi nước rửa bát khi mùa đông, hay rang lạc ăn chơi.

Còn một loại bếp khác, hình nón ngược đặt trên chân đế vững chắc. Bếp này cũng được gò bằng tôn, đun trấu to. Bếp có hai lớp, lớp vỏ ngoài to hình nón, để ngửa, đường kính khoảng chừng 40 phân, được cắt đi phần đáy, lớp trong  là một ống  hình tròn, nhỏ hơn đáy hình nón, đặt bằng và hàn chết với hình nón bên ngoài,  dưới cùng là một đế nhỉnh hơn và cách hai lớp kia một khoảng nhỏ. Trên cùng vành nón là cái kiềng.  Giằng nối các  bộ phận vỏ, lõi, đế,  kiềng đều bằng những mối hàn. Mọi bộ phận đều tối giản thế, nên cách dùng bếp này cũng rất dễ. Trấu đổ  khoảng giữa vỏ và lõi bếp, củi nhóm cho vào giữa lõi tròn, củi cháy trên lớp đế cuối, không quá xa nồi, khe nhỏ bắt lửa sang trấu, rất nhanh, trấu lên lửa đượm. Khi trấu thành tro thì chọc, tro theo khe hở giữa hai lớp bếp rơi xuống nền sẽ có chỗ đổ vào lượng trấu mới. Muốn tăng tốc thì cho thêm củi vào trong lõi tròn của bếp. Loại bếp này nhóm dễ và đun nhanh, trẻ con khi đun thường không biết tiết kiệm chọc cành cạch khi trấu chưa cháy hết, nên tốn trấu hơn người lớn đợi trấu cháy hết mới chọc tro xuống rất nhiều. Nhưng nói chung là cơm canh chín và bầy biện tươm tất, nên cũng không bị mắng. Cái bếp trấu thật hữu dụng, nhiều đứa nhà đun rơm nóng mướt mải cũng vẫn thường ao ước được đun bếp trấu như con nhà thoát ly…

Giờ đây, những bếp này chả mấy người còn nhớ, không vì trấu, có lẽ tôi cũng đã quên. Tôi nhớ trấu là vì đương mùa trồng màu, những chân ruộng bên sông quê tôi, người ta đang phủ trấu cho rau màu mùa này. Bao mùa qua tôi đã không đun bếp trấu, không rắc trấu và ủ trấu mỗi vụ màu. Rồi tôi lại nhớ ngày nắng bốc nắm trấu ra cọ sanh chảo sạch bong.  Nhớ chị tôi lấy chồng bên bãi  vẫn xếp  vài chục trứng gà vào trấu cho khỏi vỡ đem sang biếu bố mẹ và thêm thắt vào bữa ăn cho lũ em đang tuổi lớn. Cất trứng vào chạn xong, tôi đổ trấu ra vườn, chẳng có gì mà đàn gà cũng bới tung. 

Tôi nhớ xưa, nhớ sợi bồ hóng bám vào cái xảo trên gác bếp đung đưa khi gió bấc, tôi nấu xong, vùi bếp khi than lửa đỏ rực, than trấu xao xao mãi mới tắt. Lúc ấy, tôi thường ước mơ bao điều, đến lạ. Có điều tôi đã nắm trong tay, cất giữ, có bao điều  đã tuột trôi. Biết làm sao, tôi thường tin vào số phận. 

Tôi lại nhớ câu thơ ai đó viết “mùa hạ lặn vào trong vỏ trấu”… Rõ là tôi cũng thấy thế, nên vẫn gửi theo mùa vài chuyện riêng chung, mà chẳng hề sợ rằng hai vỏ trấu quá nhỏ bé không đủ cất giữ hay là hai vỏ trấu ấy không tìm thấy để mà lắp vào với nhau.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO