Trĩu nặng một chữ "tình"

Xuân Hùng| 03/08/2021 14:59

(Đọc “Khúc tình ca người lính” của Nguyễn Hồng Minh, NXB Quân đội nhân dân, 2021)

Trĩu nặng một chữ

Thằng sốt rét ôm lấy ấm 
thằng gầy
Đi phá bom cánh tay giơ 
giành trước
Pháo đạn găm lấy thân mình 
che lửa
Sống chết nhường nhau 
chẳng ai nghĩ đến mình…

Những ký ức một thời lửa đạn, những kỷ niệm không thể nào phai, hay những thổn thức cõi lòng mà “gần cả cuộc đời” người lính ấy đau đáu trăn trở để viết nên những vần thơ dạt dào lắng đọng về đồng đội, về tình yêu, về quê hương Kinh Bắc thân thương…

Nguyễn Hồng Minh từng tâm sự: “Bản thân tôi coi thơ như khoảng lặng cuộc đời, là niềm vui, là nỗi đau trăn trở khi viết về đồng đội, những chị em thanh niên xung phong đã hy sinh hoặc thương tật trong chiến trường ác liệt. Thơ tôi như một sự tri ân với đồng đội, sau hòa bình còn gặp nhiều vất vả trong cuộc sống đời thường…”. Bởi vậy mà khi nói về thơ, anh “hồn nhiên” cho rằng:

Câu thơ là gió mát
Rừng sém cây nhú chồi
Vượt đạn bom khói lửa
Vầng trăng chung lứa đôi

Câu thơ mang hương lúa
Dòng sông chớp cánh cò
Đêm nằm mơ cánh võng
Đi suốt mùa Trường Sơn...

Là người lính một thời dọc ngang trên những cung đường huyền thoại Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ dốc Ba Thang, ngầm Ta Lê trên tuyến đường 20 Quyết Thắng cho đến đèo Phu La Nhích ở đất bạn Lào… rồi lại vinh dự đi trong đoàn quân tiến thẳng vào dinh Độc Lập giữa giờ phút thiêng liêng của ngày 30 tháng tư lịch sử, hơn ai hết Nguyễn Hồng Minh đã trải qua những vinh quang và đau đớn, những mất mát, hy sinh mà chính anh và những người đồng đội của mình đã phải gửi lại nơi cửa ngõ Sài Gòn để đổi lấy cuộc sống hôm nay. 

Dẫu rằng, những ngày tháng vinh quang mà khốc liệt ấy đã trôi qua gần nửa đời người nhưng Nguyễn Hồng Minh vẫn khôn nguôi nghĩ về đồng đội, về những “con người huyền thoại” đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc thân yêu. Và, trong trái tim của người lính Trường Sơn năm nào, một chữ “tình” luôn trĩu nặng, để từ đó vọng lên những thổn thức dạt dào mà thắm đượm, để những “khúc tình ca người lính” được cất lên.

Nhắc đến chữ “tình” trong thơ chống Mỹ, chắc hẳn nhiều người còn nhớ những cái tên rất đỗi thân quen như: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Thỉnh, Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy, Anh Ngọc… và rất nhiều những tên tuổi khác đã tạo dựng “tượng đài thi ca đồ sộ” mang dáng vóc thời đại lịch sử của một dân tộc và đậm tính nhân văn sâu sắc: “Đi trong rừng anh nói với em/ Nói với những ai mai sau sẽ hỏi/ Về những vùng rừng không dân/ Nơi bao người đi qua hầu hết tuổi thanh xuân” (Phạm Tiến Duật); rồi:“Yêu em yêu cả khoảng trời/ Sương giăng buổi sớm, nắng đời chiều hôm/ Tháng tư giông chuyển bồn chồn/ Hạt mưa vây ấm nỗi buồn cách xa…” (Nguyễn Khoa Điềm); hay: “Cái chiến hào tha thiết ở trong tôi/ Xanh thăm thẳm lưng đèo giao thừa tới/ Người con gái cõng mình qua đạn xối/ Tình yêu thầm, kín lại lối giao liên…” (Hoàng Nhuận Cầm)… Chữ “tình” ở đây không đơn thuần chỉ là tình yêu trai gái, mà nó mang nặng tâm thế của một thời lửa đạn sục sôi. Chữ “tình” như một điều gì đó vừa thiêng liêng cao cả, lại vừa chất chứa và bình dị. Nó là sự hun đúc của tâm hồn người chiến sĩ cầm bút...

Đọc thơ của Nguyễn Hồng Minh, ta cũng dễ dàng nhận ra cái “tình” rất thật thà, gần gũi, mang nặng sự đa cảm của tâm hồn. Nguyễn Hồng Minh viết: 

Điều anh muốn nói với em
Không ba lô nào chứa nổi…
Mang nỗi nhớ cồn cào nỗi nhớ
Ở hai đầu ta gửi cho nhau…

Những câu thơ bình dị, thật thà mà gần gũi như được thốt ra từ chính trái tim của người lính Trường Sơn năm xưa. Những tâm sự mà mỗi người lính một thời mang vào chiến trận muốn gửi tới người mình yêu quả thật “không ba lô nào chứa nổi”. Tình yêu da diết cồn cào, để nỗi nhớ chất chồng lên nỗi nhớ, và để đến cuối cùng, người lính phải tự xoa dịu lòng mình bằng những tưởng tượng về nhau: “Ở hai đầu ta gửi cho nhau”. Câu thơ khiến ta chợt nhớ đến những nỗi thiết tha mà nhà thơ Dương Soái đã nói hộ người lính nơi biên cương xa xôi, gửi gắm những nỗi niềm về người mình yêu thương ở tận cuối sông Hồng. Họ đã gửi cho nhau nỗi nhớ bằng những biến chuyển của không gian, của thời tiết, của “gió mùa Đông Bắc”… và của cả những “vụ mới nơi quê hương”…

Nếu trước đây, nhà thơ Nguyễn Mỹ làm nức lòng người đọc bằng “cuộc chia ly màu đỏ” đầy nước mắt khát khao và hừng hực niềm tin, thì nay cũng viết về “những cuộc chia ly”, Nguyễn Hồng Minh lại đem đến cho người đọc một “cuộc chia ly màu tím” đầy lãng mạn và đồng điệu. Không rực rỡ, cháy bừng bừng như “Cái màu đỏ như màu đỏ ấy” của Nguyễn Mỹ, mà ngược lại, nó mộc mạc, thắm đượm như lời người con gái của miền quan họ khi tiễn người yêu lên đường ra mặt trận:“Em biết anh vào nơi gian khổ/ Bom đạn rập rình chẳng tránh một ai/ Chiến tranh đâu ngày một ngày hai…”, với một sự thấu hiểu chiến tranh có phần cụ thể và sâu sắc. Để rồi đến cuối cùng, cô đi đến quyết định: “Em cùng anh vượt qua chông gai/ Trút lửa hờn vào đầu ngọn súng/ Bằng tình yêu lứa đôi cháy bỏng…”. Một tình yêu sục sôi cháy bỏng đã tiễn nhau đi bằng “Cuộc chia ly tím màu chung thủy”, để rồi mãi mãi về sau, trong tâm hồn họ vẫn luôn “Vọng bài ca bất diệt tình yêu”…

Lại một lần nữa xin được nhắc đến lời tự bạch của Nguyễn Hồng Minh: “Tôi vốn sinh ra không phải để làm thơ, nhưng cuộc kháng chiến của dân tộc đã giúp tôi được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều lứa tuổi. Cuộc sống đã cho tôi nhiều trải nghiệm, đặc biệt là những năm tháng sống - chiến đấu ở Trường Sơn và mặt trận B2…”. Là một người lính, Nguyễn Hồng Minh đã từng được nếm trải những đắng cay ngọt bùi trong cuộc sống. Anh “đến với thơ như tiếng lòng tri ân”, để bộc bạch những trăn trở, những đau đáu mà mình từng ấp ủ… Bởi thế, dù thơ anh mới phần nào chạm được vào vỉa tầng của thế giới thi ca nhưng vẫn khiến người đọc cảm nhận được sự ấm áp, bình dị và gần gũi như chính cái “chất” của người Kinh Bắc vốn “trọng chữ tình”. Hãy xem anh “tả thực” bằng thơ cái ngày cả nước sục sôi lên đường ra mặt trận thì rõ: “Ai không tin ngày chúng tôi ra trận/ Thằng thiếu cân nhét đá túi quần/ Đo chiều cao kiễng cẳng nhón chân/ Tuổi mười sáu khai thành mười tám…”. Hay khi anh miêu tả cảnh sống ở chiến trường của những cô gái Trường Sơn: “Chúng em ở đây soi chải đầu bằng nước/ Bom đạn rung gương vỡ rạn rơi/ Quý nhất ở đây vải xô, bồ kết/ Chút xà phòng chuyện “con gái” anh ơi”. Và cách Nguyễn Hồng Minh khắc họa hình ảnh những cô gái mở đường: “Cô gái Trường Sơn/ Bám trụ bên đường/ Xe anh thông/ Ngày mai vào tuyến lửa/ Nơi trọng điểm màu xanh không còn nữa/ San hố, đắp đường, xẻ núi, đắp sông…/ Bàn tay gầy, vết chai tháng năm/ Cơn rét rừng nước da đen sạm/ Tóc rụng đầu giấu dưới vành khăn/ Quà gửi em chiếc khăn rằn/ Vài lá hương nhu/ Nắm bồ kết, cây trồng trước ngõ…” đúng là “sự thật thà trong thơ” mà chúng ta rất hiếm gặp hôm nay…

Thơ viết về chiến tranh, nhiều người thường tụng ca những tấm gương anh dũng, sự cao cả, cao thượng hay những điều lớn lao như niềm tin chiến thắng, như sự hy sinh không màng đến tuổi thanh xuân… Còn Nguyễn Hồng Minh lại khác, anh chỉ đơn giản, mộc mạc và tỉ mỉ về những câu chuyện “bếp núc” tưởng chừng như vụn vặt ở đời. Nhưng, đằng sau những điều giản dị tưởng chừng như vụn vặt ấy, lại tràn đầy niềm tin: “Chiến thắng hôm nay từ những điều nhỏ nhất/ Bởi các em là: Cô gái Trường Sơn”… 

Đọc Khúc tình ca người lính của Nguyễn Hồng Minh, bên cạnh những câu thơ giữa mịt mùng lửa đạn Trường Sơn, người đọc dễ dàng lại bắt gặp một “Nguyễn Hồng Minh - một tình yêu chất chứa mọi tình yêu”. Bởi xen lẫn giữa không gian khốc liệt của chiến trường là một giọng điệu thiết tha trĩu nặng quê hương, những da diết với bạn bè, đồng đội: 

Quá nửa đời người
Suốt thời trai trẻ
Anh không quên
Câu quan họ quê mình…

Là một người lính sinh ra ở vùng quê quan họ thắm đượm tình người, với Nguyễn Hồng Minh, quê hương luôn hiện hữu trong thẳm sâu ký ức. Đó là nơi mà luôn có những:“Cay cay khói bếp buổi chiều/ Mẹ ngồi lửa hắt liêu xiêu bóng buồn/ Mặt trời xế tắt hoàng hôn/ Gù gù… gà mẹ gọi con về chuồng”; là nơi “Bếp nghèo bện khói rạ tuôn/ Mà lòng ấm áp tình thương quê nhà…”. Những hình ảnh mang đậm bản sắc quê hương quan họ ấy luôn chất chứa và ám ảnh anh như sự níu kéo tâm hồn mỗi người với quê hương. Cái tình quê mà dẫu con người có đi xa “Hơn nửa đời người” vẫn “Dùng dằng ai ơi câu quan họ/ Đi hết cuộc đời mà chẳng đến nơi”…

Đơn giản vậy thôi nhưng có lẽ cũng đã đủ để ta suy ngẫm, bởi với Nguyễn Hồng Minh, những khắc khoải cuộc sống, những nếm trải đường đời đã đem lại cho anh một vốn sống vô cùng phong phú. Anh có được cái triết lý của lẽ đời, những lớn lao đều bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Và những điều tưởng chừng như vụn vặt lại chính là sự trải nghiệm được chắt lọc bởi cõi lòng đau đáu, trĩu nặng một “khúc tình ca”…

Còn nhiều lắm từ Khúc tình ca người lính mà chỉ khi đọc và suy ngẫm ta mới có thể cảm nhận được. Đến với thơ là để trải lòng mình. Thơ như sự tri ân, tri ân quê hương, tri ân bạn bè, tri ân đồng đội, và có cả tri ân cuộc đời…
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trĩu nặng một chữ "tình"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO