Trọn một đời đam mê nhịp trống

HNMCT| 14/06/2020 09:23

Hà Đình Hào là một trong số ít nghệ sĩ trống được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Vốn thích chơi kèn nhưng ông nghe lời anh trai - nhạc sĩ, nghệ sĩ đàn accordion Hà Đình Hùng: “Trong nhà đã có hai em thổi kèn rồi thì chú chuyển sang đánh trống cho thành ban nhạc”.

Ông “chấp nhận” tìm thầy học trống, và thanh âm đầy sôi động của nhạc cụ này đã mê hoặc Hà Đình Hào, để rồi khi thành công ông lại tiếp tục lan tỏa niềm đam mê này tới hai người con trai của mình: Nghệ sĩ trống Hà Đình Huy, Hà Huy Hoàng.
Trọn một đời đam mê nhịp trống

1. Nghệ sĩ Hà Đình Hào xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở phố Hàng Bông (Hà Nội). Cha ông tuy theo nghiệp kinh doanh nhưng rất mê ca hát. Chính lời ru của cha qua những ca khúc như Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã “ăn vào máu” của cậu bé Hào. Năm lên 7 tuổi, cậu được người chú ruột là nhạc sĩ Hà Đình Thau (tức nhạc sĩ Từ Linh) và người bạn, người anh em thân thiết “như hình với bóng” của chú là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn dạy những nốt nhạc đầu tiên. “Khi ấy nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Từ Linh đã dạy tôi “ngón đàn” piano mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Được gần gũi hai người nhạc sĩ tài danh khiến tôi quyết một lòng theo âm nhạc”, nghệ sĩ Hà Đình Hào nhớ lại.

Một điều đặc biệt nữa ở gia đình ông là cả bốn anh em đều là nghệ sĩ. Ngoài cố nhạc sĩ, nghệ sĩ đàn accordion Hà Đình Hùng, ông còn hai người em cũng nổi tiếng không kém, đó là nhạc sĩ, NSƯT kèn trumpet Hà Đình Cường từng là giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và cố nghệ sĩ thổi kèn trumpet và đánh trống Hà Đình Hiệp từng công tác tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật rồi lấy vợ cũng là nghệ sĩ (vợ ông - nghệ sĩ Thúy Cần từng công tác tại Đoàn Kịch nói Hà Tây, nay là Đoàn kịch 3 Nhà hát Kịch Hà Nội) và sinh ra hai người con là nghệ sĩ trống, đó là điều mà Hà Đình Hào luôn cảm thấy tự hào. Con trai lớn Hà Đình Huy (sinh năm 1976) từng phụ trách bộ gõ của Đoàn Ca múa Bộ đội Biên phòng và Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, hiện là thành viên ban nhạc Jazz quốc tế, đồng thời là giáo viên âm nhạc tại Trường quốc tế UNIS tại Hà Nội. Người con trai thứ hai - nghệ sĩ Hà Huy Hoàng (nghệ danh Hoàng Kẹ, sinh năm 1982) từng là thành viên ban nhạc Đồng Đội đình đám và hiện công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Hai nghệ sĩ Hà Đình Huy, Hà Huy Hoàng từng giành Huy chương Vàng Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.

Nói về việc gia đình có 4 nghệ sĩ, trong đó có 3 nghệ sĩ trống, nghệ sĩ Hà Đình Hào tâm sự, ông không hề động viên, khuyến khích các con theo nghề của mình, nhưng không hiểu sao các con của ông say mê nghề đánh trống. Để rồi, nhiều lần 3 cha con cùng biểu diễn trên một sân khấu, mang lại sự thú vị cho khán giả và tất nhiên là niềm tự hào của ông. Đó là những lần biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia phục vụ đại biểu Việt kiều từ các nước về họp tại Việt Nam, khi ấy bố thì đánh trống định âm, con trai lớn (Huy) đánh trống nhạc nhẹ còn con trai thứ hai (Hoàng) lại chơi trống pecusion. Rồi cũng có lần 3 bố con cùng biểu diễn ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam hay ở Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

2. Hà Đình Hào không được đào tạo bài bản về trống nhưng gặt hái rất nhiều thành công. Năm 1980, tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, ông đệm cho hai tiết mục đơn ca của NSND Trung Đức và sau đó, một tiết mục đã được trao Huy chương Vàng. Cũng trong hội diễn ấy, phần solo bộ gõ do ông phụ trách đệm cho kịch múa Sơn Tinh, Thủy Tinh cũng đã giành Huy chương Vàng. Đặc biệt, trong chương trình khám phá âm nhạc giới thiệu tính năng và âm thanh của từng loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng biểu diễn liên tục từ tháng 9-2003 đến tháng 4-2005 tại 23 tỉnh, thành phố trong cả nước, ông đã độc tấu trống định âm bằng kỹ thuật mang tính ngẫu hứng, sự sáng tạo về phong cách biểu diễn khiến khán giả thích thú, bất ngờ.

Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, ông đã đệm trống thành công những tác phẩm múa có giá trị nổi tiếng ở Việt Nam như: Huyền sử chiêng đồng, Những cô gái Chăm, Ngày xuân trên bản H’Mông, Huyền thoại mẹ, Huyền tích Trường Sơn, Hồng hoang. Đó là những tác phẩm đã giành huy chương trong các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc của NSND Đoàn Long, NSND Công Nhạc, NSƯT Bằng Thịnh. 

Ngoài biểu diễn, ông còn tham gia giảng dạy, sáng tác ca khúc và diễn xuất. Một số ca khúc của ông hiện vẫn được phát trên đài phát thanh như: Tình người xứ Lạng, Hát về Phú Xuyên quê hương tôi, Sáng mãi Việt Nam... Ông còn có công đào tạo nhiều nghệ sĩ thành công trong nghệ thuật như Phạm Xuân Hải (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Hoa Mai, nay là Nhà hát Cải lương Hà Nội), Nguyễn Văn Dũng (Đoàn Ca múa các dân tộc tỉnh Hòa Bình), Trần Văn Khánh (Đoàn Nghệ thuật Binh chủng Tăng thiết giáp) và từng tham gia công tác giảng dạy bộ môn trống tại khoa Nghệ thuật - Cung Thiếu nhi Hà Nội...

3. Trọn đời theo trống, giờ đây nghệ sĩ Hà Đình Hào vẫn chưa hết trăn trở với bộ môn nghệ thuật này. Ông bảo, đã theo đánh trống là xác định vất vả từ đầu tiết mục đến cuối và trong cả chương trình cũng vậy, ít khi được ngơi tay. Nghệ sĩ trống lúc nào cũng đến sớm để lắp trống và căn chỉnh âm thanh, còn khi kết thúc chương trình thì về sau cùng. Nếu hợp đồng chơi với ban nhạc nhỏ thì từ nhà đến điểm diễn ông thường tự đi bằng xe máy, tự khuân đồ lên sâu khấu và tự lắp. “Nghệ sĩ trống thường chịu thiệt thòi như ít được giới thiệu với khán giả”, ông tâm sự.

“Nếu kéo đàn accordion thì có thể nghỉ đôi chút, kèn có thể nghỉ vài đoạn nhưng trống là phải đánh từ đầu đến cuối để giữ nhịp, vì thế, nếu không có sức khỏe tốt thì khó có thể biểu diễn được”, ông bảo vậy. Nghĩa là ông “khoe khéo” sự dẻo dai vì giờ đây, ở tuổi 71, ngày ngày nghệ sĩ Hà Đình Hào vẫn có đủ sức khỏe và tâm huyết để đi biểu diễn ở bất kỳ nơi nào cần mình. Không chỉ để kiếm thêm thu nhập, ông bảo đó cũng là cách để người nghệ sĩ đỡ quên nghề.

NSƯT Hà Đình Hào sinh năm 1949 tại Hà Nội, quê gốc ở Yên Mỹ, Hưng Yên. Hiện ông là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong suốt hơn 40 năm biểu diễn trống, ông đã giành được nhiều Huy chương Vàng cho phần đệm trống trong các vở kịch múa Kể chuyện huyền sử chiêng đồng tại Hội thi Ca múa nhạc dân tộc năm 1992, kịch múa Huyền thoại mẹ tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, kịch múa Đất nước tại Liên hoan Kịch múa toàn quốc lần thứ nhất năm 1997, ca khúc Lá đỏ do NSND Trung Đức thể hiện tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980. Ngoài ra, ông cũng đã cùng dàn nhạc kèn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam giành giải Nhất tại Liên hoan Kèn toàn quốc năm 1994.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trọn một đời đam mê nhịp trống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO