Trước khi nghĩ đến lương, hãy là một nhân viên giá trị

Uyên Trinh/(Tuổi Trẻ)| 25/10/2017 21:30

“Hãy nghĩ làm gì cho công ty trước khi nghĩ đến lương” - bạn đọc bình luận khi nghe sinh viên Sài Gòn bày tỏ mức lương mơ ước.

Thương hiệu cá nhân và mức lương: tỷ lệ thuận

Ý kiến này không chỉ của một cá nhân mà nó gần như là ý kiến chung của rất nhiều người, nhất là những người đang ở vị trí quản lý. 

Đồng ý rằng đặt ra mức lương làm mục tiêu để rèn luyện, để trau dồi hướng đến là rất tốt. Việc này giúp cho các bạn sinh viên có định hướng từ đầu, có lộ trình và không ngừng nỗ lực để đạt đến.

Nhưng trong một số trường hợp, một sinh viên mới ra trường, là nhân tố mới trong guồng quay công việc đang chạy thì giai đoạn đầu của bạn là thích nghi, làm quen để phù hợp và học hỏi để tồn tại. 

Trước khi nghĩ đến lương, hãy là một nhân viên giá trị

Chưa đóng góp được gì nhiều cho thành quả tập thể thì không thể yêu cầu một mức lương cao.

Trong cuốn Để không bao giờ thất nghiệp (tác giả Vũ Thị Thu Hiền)- cuốn sách đúc rút kinh nghiệm sau nhiều năm làm việc với các nhà tuyển dụng trong khối doanh nghiệp trong và ngoài nước, có viết: Một hồ sơ tốt, một kết quả học tập tốt không đảm bảo cho bạn có công việc tốt, ổn định và đem lại mức lương như mong muốn. 

Theo tác giả - người trải qua gần 15 năm trong ngành nhân sự, sự khác biệt chính ở uy tín cá nhân, xu thế ngành hoặc tình hình thị trường. 

Điều mà tác giả nhấn đi nhấn lại rất nhiều lần và cho rằng nó quan trọng là xây dựng thương hiệu cá nhân trong công việc. Thương hiệu cá nhân và mức lương bạn nhận được tỷ lệ thuận với nhau.

Trước khi nghĩ đến lương, hãy là một nhân viên giá trị - Ảnh 2.

Đừng để người quản lý phải hồi hộp mỗi khi công việc về tay bạn.

Khẳng định vị trí cá nhân

Thương hiệu cá nhân bắt đầu từ việc bạn phải hoàn thành công việc chuyên môn thật tốt, phải trở thành một nhân viên "cứng" để người quản lý an tâm giao việc cho bạn. 

Trở thành một nhân viên trụ cột, khó ai có thể thay thế, một người uy tín và chuyên nghiệp. Đó là một nhân viên có giá trị.

Có một số bạn trẻ tự cho rằng mình có bằng đại học khá giỏi thì xã hội bắt buộc phải đối đãi tốt hơn những người khác, trả lương cao hơn, không được sai vặt, không được cho làm việc không đúng chuyên ngành. Nếu không đáp ứng được, họ sẵn sàng bỏ việc.

Nhưng cuộc đời là một sân chơi khác!

Bạn có thể có số điểm xuất sắc ở từng môn học nhưng bạn lại không hoàn thành công việc được giao, bạn đối xử thiếu chuẩn mực với đồng nghiệp, bạn không đem lại thành tích gì cho công ty trong khoảng thời gian dài mặc dù bạn có kỹ năng ngoại ngữ khá tốt, đầy đủ các kỹ năng mềm. 

Bạn nhất nhất đòi một mức lương cao nhưng lại không tự hoàn thiện mình, không nâng cao chuyên môn, không học hỏi đồng nghiệp?

"Bạn đứng thứ mấy trong lớp không quan trọng, nhưng phải thể hiện được đẳng cấp khi bước chân ra xã hội", Bill Gates từng nói vậy. Tôi cũng đọc được đâu đó câu nói đại ý rằng, tuổi trẻ quan trọng không nằm ở mức lương mà nằm ở trải nghiệm bản thân.

Bạn nên đón nhận tất cả những cơ hội đến với mình, dù nó không lương, nhưng bắt buộc công việc đó phải đem lại lợi ích cho mục tiêu cao hơn mà bạn đang hướng đến.

Khẳng định vị trí cá nhân, tạo dựng uy tín trong công việc được chứng minh bằng thành quả công việc. 

Đừng để người quản lý phải hồi hộp mỗi khi công việc về tay bạn. Đón nhận thành quả nhưng cũng dám chịu trách nhiệm khi có sự cố để đưa ra những giải pháp tốt hơn.

Một nhân viên có giá trị là một nhân viên biết đặt lợi ích công ty trên lợi ích cá nhân. 

Và một khi đã là một nhân viên có giá trị, thì ở bất cứ môi trường nào bạn cũng có thể tồn tại được. Lúc này mức lương không còn là vấn đề bạn quan tâm. 

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trước khi nghĩ đến lương, hãy là một nhân viên giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO