Trường Sa trong trái tim nghệ sĩ: Hát giữa biển khơi

Thanh Hiệp/NLĐ| 13/06/2019 07:55

"Giữa bốn bề chỉ có một màu xanh của biển nhưng trạm gác vẫn hiên ngang dưới ngọn cờ Tổ quốc. Tôi đứng hát nơi đây, lòng tự hào biết bao" - ca sĩ Thùy Trinh xúc động. Chỗ dựa cho ngư dân Phát biểu tại buổi tổng kết chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Thị Dung cho biết mỗi thành viên của đoàn công tác cảm nhận được mỗi điểm đảo là một cột mốc chủ quyền và là chỗ dựa cho ngư dân khi đánh bắt xa bờ.

Đoàn công tác số 7 lần lượt đi qua 4 đảo nổi và 6 đảo chìm của quần đảo Trường Sa. Khởi đầu chuyến hải trình, đoàn đến thăm đảo Song Tử Tây vào lúc sáng. Ngay từ khi mới tiếp cận đảo, hình ảnh khu đảo nổi đầu tiên gây cho chúng tôi cảm xúc thật mạnh mẽ. Ca sĩ Thùy Trinh xúc động: "Giữa bốn bề chỉ có một màu xanh của biển nhưng trạm gác vẫn hiên ngang dưới ngọn cờ Tổ quốc. Tôi đứng hát nơi đây, lòng tự hào biết bao".

Truyền lửa cho nghệ sĩ

Nghệ sĩ Cẩm Loan lần đầu đến với Trường Sa, cô hát bài ca cổ "Dòng sông quê em" của tác giả Huyền Nhung được các chiến sĩ hưởng ứng. Có không ít chiến sĩ đã ca theo bài vọng cổ khiến Cẩm Loan cứ nghẹn lời. Trong số đó hầu hết là con em của TP HCM, nhiều chiến sĩ thuộc các bài ca cổ "Tình đồng chí", "Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây", "Thư viết từ đảo xa"… Cẩm Loan nói: "Có đi mới hiểu Tổ quốc ta, nơi mỗi bước chân qua đều thắm đẫm mồ hôi, xương máu của cha ông. Bài ca cổ của miền Nam thân yêu cứ thế trĩu nặng những nỗi niềm và lòng kiêu hãnh".

Trường Sa trong trái tim nghệ sĩ: Hát giữa biển khơi - Ảnh 1.

Bà Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM và bà Triệu Lệ Khánh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, trao quà cho các ngư dân trên đảo Sinh Tồn

Mỗi năm, TP HCM đều tổ chức những đoàn công tác mang tình thương yêu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP gửi đến Trường Sa thân yêu và nhà giàn DK1. Và lần nào trong đoàn văn nghệ cũng có các nghệ sĩ sân khấu, mang ra đảo những bài hát âm hưởng dân ca và không thể thiếu bài vọng cổ.

"Để khẳng định chủ quyền biển đảo giữa sóng nước mênh mông, các chiến sĩ ngày đêm canh giữ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến đi đến với Trường Sa cho tôi nhiều chất liệu để tiếp tục sáng tác bài ca cổ và kịch bản cải lương, truyền ngọn lửa cho những ai chưa một lần đặt chân đến đây" - soạn giả Đăng Minh tâm sự sau chuyến đi tháng 3 năm nay.

Trong tiếng sóng biển có lời tâm sự

Ca sĩ Minh Thư được xem là ngôi sao của đoàn văn nghệ bởi cô nhận được quá nhiều tình cảm từ các chiến sĩ. Tâm sự về cuộc hải trình, Minh Thư chia sẻ cô thấm thía ý nghĩa câu nói của bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQ TP HCM, đó là mỗi người dân Việt Nam nên được đặt chân lên Trường Sa một lần để hiểu như thế nào về niềm tự hào của các chiến sĩ trẻ khi chung sức, chung lòng bảo vệ lãnh hải, biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. "Vì thế, lời ca tiếng hát chưa bao giờ vang lên giàu xúc cảm và đầy ý nghĩa như trong chuyến đi này" - Minh Thư bộc bạch.

Trường Sa trong trái tim nghệ sĩ: Hát giữa biển khơi - Ảnh 2.

Nụ cười của các chiến sĩ Trường Sa khi xem văn nghệ do các ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn

Và hình ảnh Minh Thư cùng với bà Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, Đại tá Nguyễn Trường Thắng - Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP HCM, bà Triệu Lệ Khánh tham gia các tiết mục văn nghệ, hát với các ca sĩ, nghệ sĩ và chiến sĩ Trường Sa thật đẹp trong suốt cuộc hải trình.

"Nhìn bà Dương Thị Minh Hương, mẹ của chiến sĩ Nguyễn Thành Hiệp (ở Hóc Môn), ôm con vào lòng, tôi ứa nước mắt. Hình ảnh đó sẽ mãi theo tôi trong sự nghiệp ca hát của mình" - Minh Thư không cầm được nước mắt.

Trường Sa trong trái tim nghệ sĩ: Hát giữa biển khơi - Ảnh 3.

Bà Dương Thị Minh Hương, mẹ của chiến sĩ Nguyễn Thành Hiệp, gặp lại con khi đến đảo Trường Sa

Biên đạo múa Phan Cường, lần thứ hai đến với Trường Sa, cho biết anh xúc động vô cùng khi cùng đoàn đến viếng đài Liệt sĩ Trường Sa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp hương Chùa Trường Sa và viếng mộ liệt sĩ. Sau chuyến đi, anh hiểu sự khắc nghiệt nhất ở biển đảo có lẽ là sự đơn độc. "Tôi nghe chiến sĩ Nguyễn Quang Thịnh (SN 1994; nhà ở phường 8, quận Gò Vấp, TP HCM) tâm sự trong ca trực, khi thấy một ánh đèn nhấp nháy của tàu ngư dân trên biển, đã khiến các chiến sĩ reo mừng như nhìn thấy đất liền. Và khi thấy những lá cờ Tổ quốc tung bay trên tàu của ngư dân, niềm tự hào của các chiến sĩ dâng trào nhiều cảm xúc. Từ câu chuyện này, tôi sẽ đưa vào những tác phẩm múa của mình để lột tả chân thật nhất tình cảm dành cho người lính biển Trường Sa" - anh nói.

Trường Sa trong trái tim nghệ sĩ: Hát giữa biển khơi - Ảnh 4.

Thắp nén hương tưởng nhớ các chiến sĩ đã ngã xuống trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc

NSƯT Vân Khánh đã một lần được đến Trường Sa, chị tâm sự: "Màu cờ Tổ quốc là màu máu của bao thế hệ đã ngã xuống nơi đầu sóng ngọn gió. Khi hát về Trường Sa, tham gia giao lưu các chương trình văn nghệ nói về Trường Sa, tôi đã kể thật nhiều về cuộc sống trên biển đảo. Nơi, ngày nay có những khu trạm xá với những trang thiết bị rất hiện đại, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho cư dân, chiến sĩ trên đảo và sẵn sàng ứng cứu mọi ngư dân trong các tình huống khẩn cấp. Tôi ứa nước mắt hạnh phúc khi nghe các cháu thiếu nhi hát bài "Ngày đầu tiên đi học" trong ngôi trường được đầu tư xây dựng rất khang trang ở nơi đây".

Trường Sa trong trái tim nghệ sĩ: Hát giữa biển khơi - Ảnh 5.

Vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu

Thông qua hình ảnh thu thập từ chuyến công tác, bằng tất cả tình cảm của mình, các nghệ sĩ đã đồng lòng tích cực tuyên truyền về Trường Sa thông qua những sáng tác, bài viết chan chứa tình cảm; tích cực kêu gọi, vận động các đoàn thể, nhân dân tham gia đóng góp cho Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc" của TP HCM. Chị Kim Hoa, Đội trưởng Đội Văn nghệ, hào hứng: "Mỗi năm đều có thêm nhiều nghệ sĩ mới đến với Trưởng Sa để nối liền những niềm vui, hát vang khúc quân hành đầy tự hào về biển đảo".

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa trong trái tim nghệ sĩ: Hát giữa biển khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO