Từ trong tôi một tiếng người

Đặng Huy Giang| 06/06/2017 08:22

Có mặt trong 20 tập thơ in chung. Xuất bản 10 tập thơ riêng. Tuần nào cũng có tác phẩm mới. Đã nhận 8 giải thưởng về thơ, trong đó có năm giải Nhất, một giải Nhì (không có giải Nhất), một giải Ba (không có giải Nhất). Một giải do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Hội Nhà văn đồng tổ chức. Một giải do báo Người Hà Nội tổ chức. Một giải do Bộ Giao thông - vận tải và Hội Nhà văn đồng tổ chức… Đó là những gì tóm lược và cốt yếu về quá trình sáng tác thơ và quá trình được mùa thơ của nhà thơ Đặng Cương Lă

Từ trong tôi một tiếng người


Theo tôi, đó là sự “vượt mình” rất đáng chú ý, nhất là đặt trong trong điều kiện đời sống càng ngày càng không thích hợp với thơ và những mảnh đất màu mỡ dành cho thơ ngày một eo hẹp dần. Đó là cuộc độc hành mang nặng chất tự thân trong hành trình tới đích có tên là “cô đơn”. Đó cũng còn  là cuộc đồng hành hiếm hoi, say mê, bền bỉ với thơ của một người nhiệt huyết, say cháy, ưa khám phá, tìm tòi và hầu như lúc nào cũng dồi dào suối-nguồn-cảm-xúc.

Cổ nhân dạy: “Nói là gieo, nghe là gặt”. Và độc giả đã “gặt” được gì sau những gì thuộc về “gieo” (hay nói đầy đủ hơn là “lời gieo”) của nhà thơ Đặng Cương Lăng trong tập thơ này?

Mở đầu “Giọt đời”, Đặng Cương Lăng có một chùm thơ 5 bài có liên quan đến giọt. Đó là “Giọt đời”, “Giọt thương”, “Giọt yêu thương”, “Giọt buồn” và “Giọt”. Nếu như ở “Giọt đời”, Đặng Cương Lăng còn lật xoay câu hỏi: 

Giọt gì nuôi ta lớn
Thành giọt đời hôm nay? 
Thì đến “Giọt”,  thái độ và cách hành xử của anh đã rõ: 
Giọt vui mở cửa
Giọt buồn cài then
Giọt thương chất chứa
Giọt tình lên men.

Từ thái độ và cách hành xử ấy, Đặng Cương Lăng “chuyển làn” sang đề tài tình yêu ở “Gửi I” và “Gửi II”. Anh muốn gửi “đốm lửa” cốt để “đêm bớt lạnh”, để  “ngày bớt xa” và muốn gửi “sự sống” cốt để “dịu xoa kiếp người”. Anh đã hướng vào chính mình mà viết về tình yêu theo một cách diễn đạt khác với mong ước muôn thủa mà vẫn có nét khác:

Cho một ngày, anh gặp em
Cùng nhau san sẻ mà thêm chúng mình.

Chỉ có anh gặp em (hoặc em gặp anh) và cùng san sẻ mới thành, mới ra chúng mình, mới thêm chúng mình được. Đọc hai câu thơ này, tự dưng tôi lại nhớ đến một câu thơ thật hay của nhà thơ lớn người Pháp Aragông: Nhắc đến mình, ai cũng bảo lứa đôi. Trong tình yêu mà được trở thành chúng mình, được gọi là lứa đôi, thiết tưởng chẳng còn gì lý tưởng hơn!

Về đề tài này, Đặng Cương Lăng còn trở đi, trở lại nhiều lần qua “Đâu rồi tiếng guốc?”, “Mồ côi”, “Kiếp sau”, “Anh xin là mùa đông”, “Đong bằng nước mắt”, “Cảm tác về bức tranh hoa hồng”, “Con sông chảy và em”…

Anh nhớ tình yêu như nhớ một kỷ niệm thật riêng: Chiều nay, thẫn thờ/ Đâu rồi, tiếng guốc? Anh nhớ tình yêu như nhớ những gì thuộc về vĩnh cửu: Người đi, ngày ta đến/ Liệu có còn kiếp sau? Anh nhớ tình yêu như nhớ những gì thuộc về vô tận và đặc biệt hấp dẫn: Muốn ôm con sông chảy/ Mà rộng dài quá thôi/ Em có là sông ấy/ Để anh theo suốt đời? Anh coi một khi “trái tim không em” thì cũng là lúc “tình yêu đã hết”. Rồi cũng từ đó, anh hình dung ra hậu quả của nó giống như rừng không còn cây, biển không còn cá. Ấy cũng là lúc rừng đã chết và biển đã chết. Từ đây, có thể rút ra: Tình yêu tồn tại được chính là nhớ sự sống và sức sống diệu kỳ của nó. Anh cũng cho rằng: Cái khó nhất trong tình yêu chính là chinh phục một trái tim thuộc về một trái tim. Bởi thế mà anh hạ bút: Mặt trời đã khuất đầu non/ Bắt em thì dễ/ Nhưng còn trái tim?

Ở một mảng thơ khác, ý thức công dân và trách nhiệm xã hội của Đặng Cương Lăng bừng thức, như là một phần con người anh. Trong “Tổ quốc”, anh ý thức được rằng: Tổ quốc sinh ra ta từ đất và nước/ Ta lớn lên cũng từ đất và nước/ Khi ngã xuống cũng trở về đất – nước…/ Khi Tổ quốc bịt bùng giông tố/ Mẹ mơ con thành Phù Đổng mỗi ngày. Anh cũng luôn tâm niệm: Cả đời tôi/ ôm nặng nghĩa tình/ nhân – chia – cộng – trừ cùng đất nước.

Bên cạnh ý thức công dân, trách nhiệm xã hội là triết lý cuộc sống. Những bài: “Thơ hai câu”, “Kiểm chứng”, “Hỏi”, “Vượt lên đố kỵ”, “Không đề”, “Hấp dẫn”… có thể được coi là những minh chứng sinh động. Anh cho rằng: Cũng như  cây, người cũng cần giông bão cuộc đời kiểm chứng; sự đố kỵ chính là sự níu kéo nhau xuống thấp; sự giả dối, sự đặt điều sinh ra những trống không, trống rỗng; từng hấp dẫn chúng ta  chính là “những gì khó mà lý giải”…

Riêng “Lũ” được coi là một tứ thơ độc đáo được khai thác theo lối “nghịch lý thuận chiều” hoặc ngỡ như “nghịch lý” mà lại “thuận chiều”. Trong thực tế, không ai mong lũ, vì lũ có lũ ống, lũ quét luôn đe dọa tài sản và tính mạng. Vì thế mà trong một số bản tin thời tiết thường được cảnh báo: “Cần hết sức đề phòng… ở những nơi cơn bão đi qua”. Từ đó suy ra: “Ở những nơi giông tố đi qua/ Lũ là kẻ thù của con người không đong đếm được”. Nhưng ở miền Tây Nam Bộ, không có lũ thì không có phù sa tái tạo nên những cánh đồng màu mỡ, cho nên “đồng bằng sông Cửu Long cần hơn bao giờ hết/ Vô hình trung, lũ là bạn của người”. Từ xuất phát này, Đặng Cương Lăng đã bay cao hơn và khúc chiết hơn:

Cuộc sống đôi khi cũng vậy thôi
Cần những cơn lũ tình người
……………………………….
……………………………….
Tôi cầu mong lũ tình em ào ạt
Xóa đi những đập chắn vô hình…
Còn “Nhập nhòa” là tứ thơ được viết ra như để lay thức từ trong tâm tưởng:
Ngỡ đưa ta
đụng cửa thiền
Tiếng chuông lay động
nỗi niềm còn vương
Vui như khói
Buồn như sương
nhòa trong trời đất
con đường
và tôi…

Đọc “Giọt đời”, tôi bắt gặp mấy câu thơ, gần như là ý thức thường trực trong con người thơ Đặng Cương Lăng. Đây là hai câu trong “Hóa thân”: Nhưng hóa thân thành người/ Hỏi vì sao khó thế?. Đây là một câu trong “Từ trong…”: Từ trong ta một tiếng người. Cả ba câu đều có chữ người. Và tôi hiểu: Làm người đã khó, làm người tử tế còn khó hơn nhiều. Và chắc chắn, tiếng người còn ngân vang và ám ảnh Đặng Cương Lăng.

Xuất phát từ đó, tôi nghĩ tập thơ này có thể mang một cái tên thứ hai: Giọt người.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Từ trong tôi một tiếng người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO