Tú Xương

Tú Xương| 12/07/2019 22:41

Có đất nào như đất ấy không? Phố phường tiếp giáp với bờ sông. Nhà kia lỗi phép con khinh bố, Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.

Tú Xương

Đất vị hoàng

Có đất nào như đất ấy không?
Phố phường tiếp giáp với bờ sông.
Nhà kia lỗi phép con khinh bố, 
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.
Keo cú người đâu như cứt sắt,
Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng.
Bắc nam hỏi khắp người bao tỉnh:
Có đất nào như đất ấy không?

Tự cười mình 
(I)
Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành,
Mắt thời thao láo, mặt thời xanh.
Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó,
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh!
Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ,
Rượu chè trai gái đủ tam khoanh
Thế mà vẫn nghĩ rằng ta giỏi,
Cứ việc ăn chơi, chẳng học hành.

Đi hát mất ô

Đêm qua anh đến chơi đây,
Giầy chân anh dận, ô tay anh cầm.
Rạng ngày, sang trống canh năm,
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ.
Hỏi ô, ô mất bao giờ,
Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa,
Chỉn e rầy gió mai mưa,
Lấy gì đi sớm về trưa với tình?

Quan tại gia

Một ngọn đèn xanh, mấy quyển vàng,
Bốn con làm lính, bố làm quan.
Câu thơ, câu phú, sưu cùng thuế,
Nghiên mực, nghiên son, tổng với làng.
Nước quạt chưa xong, con nhảy ngựa,
Trống hầu vừa dứt, bố lên thang
Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ,
Đem chuyện trăm năm giở lại bàn. 

Áo bông che đầu

Ai ơi, còn nhớ ai không
Trời mưa một mảnh áo bông che đầu.
Nào ai có biết ai đâu
Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ,
Kẻ về khóc trúc than Ngô một mình.
Non non, nước nước, tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ.

Gửi ông thủ khoa Phan *

Mấy năm vượt bể lại trèo non,
Em hỏi thăm qua, bác hãy còn.
Mái tóc Giáp Thìn đã nhuộm tuyết,
Điểm đầu Canh Tý chửa phai son.
Vá trời gặp hội mây năm vẻ,
Lấp bể ra công đất một hòn.
Có phải như ai mà chẳng chết?
Giương tay chống vững cột càn khôn.
.................................................................
(*) Ông thủ khoa Phan tức Phan Bội Châu

Nhớ bạn phương trời

Ta nhớ người xa cách núi sông,
Người xa, xa lắm, nhớ ta không?
Sao đang vui vẻ ra buồn bã!
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng.
Lúc nhớ, nhớ cùng trong mộng tưởng,
Khi riêng, riêng cả đến tình chung,
Tương tư lọ phải là trai gái,
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng.

Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu *

Nhà nước ba năm mở một khoa
Trường Nam thi lẫn với trường Hà,
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọc quan trường miệng thét loa.
Cờ kéo rợp trời quan sứ đến.
Váy lê quét đất mụ đầm ra
Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!
.................................................................
(*) Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu 1897

Giễu người thi đỗ 

Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,
Nó đỗ khoa này có sướng không?
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng!

Mai mà tớ hỏng

Mai mà tớ hỏng tớ đi ngay
Giỗ tết từ đây nhớ lấy ngày.
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín,
Thi không ăn ớt thế mà cay!
Sách đèn phó mặc đàn con trẻ,
Thưng đấu nhờ trông một mẹ mày.
“Hẩu lố”, “Méc xì” thông mọi tiếng (*),
Chẳng sang Tàu cũng tếch sang Tây.
.................................................................
(*) “Hẩu lố”: tiếng Tàu Quảng Đông, có nghĩa là được, tốt; “Méc xì’, tiếng Pháp, có nghĩa là cảm ơn.

Ngày xuân bỡn làng thơ

Ngày ba tháng tám thấy đâu mà (*)
Sao đến ngày xuân lắm thế a?
Ý hẳn thịt xôi lèn chặt dạ,
Cho nên con tự mới thò ra?
(*) Nam Định có tục lệ: Phần lớn những người làm thơ đi làm ăn khắp quanh năm. Cuối năm đều về ăn tết, lập “Tao đàn” để xướng họa, người qua lại rất đông, ta thấy vậy không nhịn được cười mà làm bài này. (Tiểu dẫn trong vị thành gia cú tập biên chép lười Tú Xương – Trích theo sách Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Văn Huyền.

Đêm buồn

Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn,
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn,
Ngao ngán tình chung cơn gió thoảng,
Nhạt nhèo quang cảnh bóng giăng suông.
Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện,
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng.
Ngủ quách sự đời thây kẻ thức,
Chùa đâu chú trọc đã hồi chuông.

Ông cò

Hà Nam danh giá nhất ông cò,*
Trông thấy ai ai chẳng dám ho.
Hai mái trống toang đành chịu giột,
Tám giờ chuông đánh phải nằm co.
Người quên mất thẻ, âu trời cãi,
Chó chạy ra đường, có chủ lo.
Ngớ ngẩn đi xia ** may vớ được,
Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to***.
.................................................................
(*) Ông cò: cũng gọi là ông cẩm (từ chữ Pháp Commissaire dọc chại ra: viên chức Pháp đứng đầu cảnh sát ở thành phố.
(**) Đi xia: đi đại tiện
(***) Kiếm ăn to: nghĩa đen là bắt phạt nặng. Nghĩa ẩn dụ ý sâu cay: vớ được đám đi xia bậy bạ, ông cò chén đẫy.

Thề với người ăn xin

Người đói thì ta cũng chẳng no;
Cha thằng nào có, tiếc không cho!
Họ đày đọa mãi dân cày cuốc,
Ai xét soi cho cảnh học trò.
Mong được cơm no cùng áo ấm,
Gặp toàn nắng lửa với mưa gio.
Miếng ăn đến miệng là thưa kiện.
Lúa rũ chân đê chửa được vò.

Gần Tết than việc nhà

Bố ở một nơi, con một nơi,
Bấm tay tháng nữa hết năm rồi.
Văn trường ngoại hạn quan không chấm,
Nhà cửa giao canh nợ phải bồi.
Tin bạn hóa ra người thất thổ,
Vì ai nên nỗi quyển đâm vôi,
Ba mươi mốt tuổi đà bao chốc,
Lặn suối trèo non đã mấy hồi. 

Mùa nực mặc áo bông

Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông,
Tưởng rằng ốm nặng hóa ra không.
Một tuồng rách rưới con như bố,
Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng.
Đất biết bao giờ sang vận đỏ?
Trời làm cho bõ lúc chơi ngông!
Gần chùa gần cảnh ta tu quách,
Cửa Phật quanh năm sẵn áo sồng.
................................................................
(*) Thơ tuyển rút từ tập Tú Xương Thơ và đời, NXB Văn học 1996
(0) Bình luận
  • Chiến sỹ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiến sỹ Điện Biên của tác giả Vũ Lan Phương.
  • Mùa xuân Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Mùa xuân Điện Biên của tác giả Nguyễn Địch Long.
  • Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước tượng đài chiến sĩ Điện Biên của tác giả Lương Sơn.
  • Âm vang Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Âm vang Điện Biên của tác giả Vũ Nhang.
  • Chiếc xe thồ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Chiếc xe thồ Điện Biên của tác giả Nguyễn Đình Quý.
  • Lớn lên từ Điện Biên
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Lớn lên từ Điện Biên của tác giả Nguyễn Quốc Lập.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tú Xương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO