Từ yêu thơ trở thành cây bút bình thơ

Nguyễn Xuân Lạc| 16/07/2020 07:41

Khoảng hơn mười năm trở lại đây, trên nhiều tờ báo, cái tên Nguyễn Thị Thiện thi thoảng lại xuất hiện dưới những bài viết ở mọi chủ đề, nhiều nhất là về giáo dục và những bài bình thơ ngắn gọn, nhẹ nhàng gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc. Không chỉ bình thơ của các thi sĩ đã thành danh: Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Anh Xuân, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy…, chị còn tham gia các câu lạc bộ thơ để tìm ra những hạt vàng - thơ mang hương sắc riêng của một vùng thơ “giếng nước đá ong” và “mây trắng xứ Đoài”.

Từ yêu thơ trở thành cây bút bình thơ

Vốn là giáo viên Văn, sau là Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Thạch Thất (huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội), khi nghỉ hưu chị có bài thơ Không đề: “Ba tư năm quá vạn ngày/ Chở bao nhiêu chuyến đò đầy sang sông/ Viết bao viên phấn đã mòn/ Nay trang giáo án vẫn còn ngẩn ngơ...” Quãng đời dạy học của chị khép lại nhưng một quãng đời mới lại mở ra vì đã có những trang bình thơ viết tiếp vào đó. Đến nay, chị đã trình làng 3 tập bình thơ khá đầy đặn của NXB Hội Nhà văn là: Trang thơ - trang đời (quý II - 2018); Tình quê - tình người, tập 1 (quý I - 2019), Tình quê - tình người , tập II (quý III - 2019). Mỗi tập có trên dưới 30 bài bình thơ. Chị đã đến với thơ và trở thành cây bút bình thơ ra sao? 

Yêu thơ từ những ngày còn là cô sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi về dạy ở trường Trung học phổ thông Thạch Thất, chị lại tiếp tục nhen nhóm, thắp sáng ngọn lửa yêu thơ trong trái tim mình và truyền ngọn lửa ấy cho các thế hệ học sinh mà chị yêu mến. Không rời được duyên nợ với thơ. Chị lặng lẽ tìm những bài thơ hợp với lòng mình viết ra lời bình và gửi cho các báo. Năm này qua năm khác, như con ong chăm chỉ, chị đã đem lại được chút mật ong - thơ cho đời. Có phải vì thế mà tập bình thơ đầu tay của chị đã mang cái tên có ý nghĩa Trang thơ - trang đời. Từ “trang đời” mà có “trang thơ”. “Trang thơ” không chỉ phản ánh mà còn làm đẹp thêm “trang đời”, giúp thêm sức mạnh cho “trang đời” tiếp bước. Người bình thơ là cầu nối để đem thơ đến với đời, với cuộc sống.  

Chủ đề xuyên suốt cả ba tập bình thơ của chị lại nằm trong tựa đề của 2 tập thơ: Tình quê - tình người (tập I và tập II). “Tình quê” ở đây là tình quê hương, cái dải đất đá ong vùng Thạch Thất chị từng gắn bó gần cả cuộc đời với mây trắng và những “nước giếng trong in bóng sao trời”, với cả cái tiếng nói nằng nặng đáng yêu “Tiếng ai như tiếng xứ Đoài/ Ăn cơm thì ít ăn khoai thì nhiều” (ca dao)... Từ trái tim yêu quê tha thiết chị đã có những lời bình thật xúc động đối với những bài thơ viết về quê hương mình: Quê hương yêu dấu, Mạch nguồn đất mẹ (Nguyễn Thị Thu Hà); Cổng làng (Bùi Văn Ân), Chợ quê huyền thoại (Nguyễn Hoàng Kim Oanh), Chợ Chàng hoài niệm (Nguyễn Văn Hòa), Hội làng (Nguyễn Xuân Điểm), Quê hương Việt Nam (Nguyễn Đình Thi), Yêu lắm quê hương (Hoàng Thanh Tâm), Phú Thọ quê mình (Trần Thị Phượng)… 

Từ “tình quê” mà có “tình người”. Tình quê là mảnh đất tốt tươi để nảy sinh tình người cao đẹp. Đó là tình người bình dị, thuần hậu, sâu nặng của những con người chân quê. Từng sinh ra và lớn lên ở làng quê, trải qua thời con gái rồi làm vợ, làm mẹ và nay đã lên bà, chị đồng cảm và thấu hiểu những người phụ nữ nông thôn với cuộc sống lam lũ, bình dị và vẻ đẹp thầm lặng giàu đức hy sinh của họ. Khi bình thơ viết về những người vợ và nhất là những người mẹ, bởi chị từng là người vợ người mẹ trong cuộc đời nên chị đã tìm thấy hình bóng của mình ở những người vợ, người mẹ trong thơ. Nếu ở người vợ là sự đồng cảm sâu sắc thì ở người mẹ là lòng biết ơn và ngưỡng mộ khôn cùng. Lời bình của chị về người vợ thường bình dị, chân thành (bài Em về làm dâu nhà anh của Khánh Nguyên). Nhưng có khi lại đau xót đầy sẻ chia, đồng cảm (bài Nói với anh của Lê Thanh Xuân)... Còn bình về người mẹ thì lời văn bao giờ cũng thiết tha, sâu nặng tình mẫu tử. Trong ba tập bình thơ, chị đã chọn bình tới 20 bài thơ về mẹ: những người mẹ ở làng quê, những người mẹ chiến sĩ, ở miền Bắc, miền Nam, ở khắp cả nước, mỗi người một vẻ đẹp và tất cả đã tạo nên chân dung NGƯỜI MẸ VIỆT NAM trong thơ, trong cuộc đời. Tiêu biểu như: Tết này nhớ mẹ (Nguyễn Trọng Tạo), Mẹ ra Hà Nội (Lê Đình Cánh), Lòng mẹ ngày con đi lấy chồng, Qua hàng trầu nhớ mẹ (Nguyễn Thị Mai). Xin được lấy ra vài dẫn chứng cụ thể để minh họa. Đây là những lời bình về bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (Nguyễn Duy) nặng sâu tình mẫu tử khi tác giả cảm nhận: “Từ lời ru, mẹ truyền dạy cho con những bài học đầu đời về tình yêu quê hương đất nước, về ơn nghĩa, đạo lý ở đời. Hay nhất, thần tình và kết tinh cô đọng nhất giá trị bài thơ là hai câu: “ta đi trọn kiếp con người/ cũng không đi hết những lời mẹ ru”. Cho dù sống đến hết cuộc đời, tác giả cũng như mỗi chúng ta không đi hết, không thấu hiểu trọn vẹn được những triết lý nhân sinh hàng ngàn đời được đúc rút trong lời ru của mẹ”. 

Bên cạnh đó, tác giả đã mạnh dạn bình những bài thơ “gai góc”, cảm hứng là những hoàn cảnh éo le ngang trái trong cuộc sống đời thường để góp thêm một tiếng nói cảm thông, một hồi chuông cảnh tỉnh mang ý nghĩa nhân văn. Với bài thơ Hai chị em của Vương Trọng, tác giả nói rõ: “Bài thơ tái hiện cảnh tượng bi kịch của một gia đình tan vỡ... Tác giả không lý giải vì sao, do đâu bố mẹ ra tòa mà để hai đứa trẻ ngây thơ không biết mới là hợp lý, mới là sự cao tay trong nghệ thuật: “Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa/ Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý/ Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký/ Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa./ Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa/ Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ”. Điệp ngữ “Nó biết đâu” đặt ở đầu hai khổ thơ càng nhấn mạnh sự vô tư, hồn nhiên của con trẻ. Những điệp từ phủ định “chẳng phải” và “đối mặt” nói lên sự thật chia cắt, ly tán phũ phàng:“Đứa còn mẹ thì thôi không còn bố/ Hai chị em rồi sẽ mất nhau…”. Còn gì thương tâm hơn sự chia lìa giữa tay - chân của cùng một cơ thể? Còn gì đau xót hơn sự tan đàn xẻ nghé? Bài thơ là hồi chuông gióng lên hối hả, cảnh tỉnh sâu sắc những cặp vợ chồng vì thiếu sự thấu hiểu và nhẫn nhịn nhau, chỉ vì tự ái ích kỷ cá nhân quá lớn mà ra tòa ly hôn, để lại bao đau thương và bi kịch cho mọi người, nhất là những đứa con thơ”. Những dẫn chứng trên cho thấy nỗ lực của người bình thơ xuất phát từ trái tim yêu thơ của chị. 

Điều đáng nói là ở tập bình thơ thứ hai và thứ ba, “Tình quê - tình người”  được mở rộng và phong phú hơn tập đầu vốn chỉ bó hẹp trong quê hương xứ Đoài và những con người ở làng quê Thạch Thất. Đã có thêm nhiều cảnh, tình đa dạng, nhiều gương mặt mẹ mới hơn, khái quát hơn ở nhiều vùng miền trên đất nước của Đồng Đức Bốn, Nguyễn Ngọc Oánh, Đoàn Thị Lam Luyến, Bằng Việt, Phạm Đình Ân... lại có sự góp mặt của người bố (3 bài) người con (4 bài) và cả người yêu với những tình khúc hay nhất: Tự hát của Xuân Quỳnh Những mùa trăng mong chờ của Lê Thị Mây, Người đàn bà đang yêu của Nguyễn Thị Hồng Ngát. Tất cả đã làm cho tình người thêm giàu có, cao đẹp, từ đó mà lay động, đánh thức cái tình người trong mỗi chúng ta trỗi dậy, cùng sống với những nhân vật trong thơ. Ngòi bút bình thơ của chị đã cố gắng làm được điều đó để thành cầu nối giữa THƠ với ĐỜI. Mong sao những bài bình thơ tiếp theo của chị tiếp tục là những cầu nối nhiều hương sắc giúp THƠ đi vào CUỘC SỐNG.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Từ yêu thơ trở thành cây bút bình thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO