Từng bước triển khai hiệu quả các giải pháp hướng tới Thành phố thông minh

Trần Ninh Cơ (thực hiện)| 05/02/2018 14:59

Một mùa xuân mới lại đến với niềm vui và vận hội mới. Đứng trước không ít thách thức, nhưng năm qua kinh tế Hà Nội vẫn phát triển ổn định và là "điểm đến" hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế. Trong những thành công này, có sự đóng góp không nhỏ của ngành thông tin và truyền thông - lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống xã hội, sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước. Trước thềm năm mới, phóng viên báo Người Hà Nội đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Kỳ - Giám đốc Sở Thông


PV: Tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP. Hà Nội, một trong những nội dung của kỳ họp là xem xét thông qua Tờ trình điều chỉnh mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, hướng đến mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Thành phố thông minh. Ông đánh giá thế nào về vai trò của việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ IoT (Internet of things - Internet kết nối vạn vật) trong quá trình xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố thông minh?

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ: Hà Nội đã điều chỉnh Chương trình mục tiêu Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được HĐND Thành phố thông qua là xây dựng Thành phố thông minh. Trong năm 2017, Thành phố đã xác định mục tiêu hình thành Trung tâm Điều hành thông minh Thành phố Hà Nội. Với vai trò là Trung tâm Điều hành thông minh của Thành phố, Trung tâm này sẽ kết nối hạ tầng thông tin số, IoT, tích hợp và xử lý các luồng thông tin từ các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, hình thành các hệ thống thông tin, khai thác, phân tích dữ liệu và cung cấp thông tin trực quan hỗ trợ chính quyền Thành phố ra quyết định kịp thời, chính xác góp phần triển khai xây dựng thành công Chính quyền điện tử và tạo nền móng xây dựng Thành phố thông minh. Đồng thời, xác định mục tiêu triển khai một số thành phần cơ bản của Hệ thống Giao thông thông minh, Hệ thống Du lịch thông minh.

Theo dự báo của các chuyên gia, tới năm 2021, dự kiến trên thế giới sẽ có khoảng 28 tỉ thiết bị kết nối trong đó có 15 tỉ thiết bị kết nối IoT. Hiện nay, IoT ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: Quản lí chất thải, quản lí đô thị, quản lí môi trường, mua sắm thông minh, quản lí các thiết bị cá nhân, đồng hồ đo thông minh, tự động hóa ngôi nhà,… Những sản phẩm IoT đóng vai trò quan trọng trong quá trình Hà Nội triển khai các hệ thống thông minh nói trên. Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp của Hà Nội chủ động nghiên cứu, có những sáng kiến hữu ích về IoT ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực mà Thành phố đang quan tâm triển khai để xây dựng Thành phố thông minh.

PV: Nghĩa là việc xây dựng Hà Nội thành Thành phố thông minh cần sự chung tay của các doanh nghiệp. Vậy, Hà Nội cần làm gì để hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ: UBND Thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông cùng với các cơ quan, sở, ngành khác của Hà Nội xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia xây dựng Thành phố thông minh, những định hướng lớn trong cơ chế chính sách Hà Nội sẽ ban hành bao gồm:

Đưa ra một kế hoạch tổng thể với tầm nhìn bao quát, đặc biệt là nhanh chóng triển khai các thành phần cơ bản của Thành phố thông minh gồm hạ tầng kỹ thuật (hạ tầng mạng băng rộng, hệ thống các cảm biến, hệ camera giám sát…), các cơ sở dữ liệu cốt lõi, Trung tâm điều hành tập trung, được thiết kế theo hướng mở để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sáng tạo;

Công bố rộng rãi chiến lược, kế hoạch, chương trình hàng năm của Thành phố trong xây dựng và phát triển Thành phố Hà Nội thông minh;

Đề ra cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia cung cấp các giải pháp ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Thành phố, cho áp dụng thử, khi sản phẩm hoàn thiện Thành phố có thể mua, thuê hoặc tài trợ một phần kinh phí bù đắp chi phí nghiên cứu khoa học;

Khuyến khích các nhà khoa học, tri thức trẻ nghiên cứu các phát triển các ý tưởng, sản phẩm ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Thành phố, thông qua cơ chế đặt hàng, hoặc tiếp nhận các ý tưởng thông qua các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, Thành phố tài trợ kinh phí cho quá trình nghiên cứu từ ý tưởng thành sản phẩm ứng dụng.

PV: Hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh cho nên năm 2017, Hà Nội xác định là năm đột phá căn bản về CNTT. Vậy xin ông cho biết, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu này chưa và cụ thể là những điểm nhấn nào?

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ: Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng Ban chỉ đạo Ứng dụng CNTT Thành phố và sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hiệu quả trong việc triển khai, ứng dụng CNTT của toàn Thành phố.

Nền tảng của chính quyền điện tử Thành phố từng bước được củng cố, hoàn thiện giúp cho bộ máy chính quyền Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; đảm bảo giao dịch giữa Thành phố với công dân và các tổ chức được cải thiện, nâng cao chất lượng.

Thành phố đã kết nối mạng diện rộng (WAN) tới các sở, ban, ngành, 30 UBND quận, huyện, thị xã và 584 UBND xã, phường, thị trấn. Thành phố Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội, hiện đang khai thác hiệu quả để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố. Hà Nội là Thành phố đầu tiên triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Trong năm 2017, hệ thống đã được triển khai ứng dụng tại 2.752 trường học; có hơn 250.000 gia đình tham gia với trên 6,3 triệu lượt truy cập vào Cổng tuyển sinh đầu cấp trực tuyến; Tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến năm 2017 của cả 3 cấp đạt 70,68%, tăng gần 26% so với năm 2016. Thành phố đã triển khai thí điểm hệ thống sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử cho các trường học trên địa bàn Thành phố. Hà Nội cũng là Thành phố đầu tiên triển khai diện rộng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho nhân dân và hệ thống quản lí tầm soát ung thư sớm trên địa bàn Thành phố. Đã thiết lập được 878.888 hồ sơ sức khỏe điện tử, cập nhật thông tin 114.998 mẫu xét nghiệm tầm soát ung thư sớm.

Thành phố đã triển khai, lắp đặt thí điểm 200 thiết bị thông minh tại các hộ gia đình phục vụ công tác thông tin cơ sở, thay thế hệ thống đài truyền thanh tại 04 phường thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy. 

Các hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế về CNTT của Thành phố được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp lớn trên thế giới, mang lại nhiều kinh nghiệm trong công tác định hướng, triển khai phát triển CNTT của Thành phố.

Từng bước triển khai hiệu quả các giải pháp hướng tới Thành phố thông minh

PV: Như vậy có thể nói năm qua ngành TT&TT Thủ đô đã đạt nhiều thành tích đóng góp to lớn cho toàn ngành và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Để tiếp tục có nhiều kết quả tốt hơn nữa, tạo bước chuyển biến rõ nét để xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh, xin ông cho biết nhiệm vụ cần làm ngay trong năm 2018 của ngành là gì?

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ: Nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện:

Tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Ban chỉ đạo CNTT các cấp, gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với công tác cải cách hành chính;

Hoàn thành Khung kiến trúc, Kiến trúc Chính quyền điện tử; xây dựng Kiến trúc công nghệ thông tin Thành phố thông minh của Thành phố Hà Nội. 

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành; Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động điều hành nội bộ; Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 55% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ công chức, tập trung việc đào tạo sử dụng phần mềm dùng chung, dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo các đơn vị khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng khi được triển khai; 

Đảm bảo an toàn thông tin đối với hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của Thành phố;

Hình thành Trung tâm Điều hành thông minh Thành phố Hà Nội và triển khai một số thành phần cơ bản của Hệ thống Giao thông thông minh, Hệ thống Du lịch thông minh theo lộ trình.

PV: Trước thềm năm mới, một năm ý nghĩa khi khởi đầu cho rất nhiều những dự định mới, ông có lời gửi gắm gì tới báo Người Hà Nội nói riêng và toàn thể đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô nói chung?

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ: Trong niềm vui chung của đất nước vào xuân, tôi rất vui mừng được biết rằng, trong năm qua, báo Người Hà Nội đã có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực mang tính bản lề, cơ bản đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Tôi cũng tin tưởng rằng đó sẽ là nền tảng quan trọng, vững chắc, đưa tờ Báo đại diện cho hơn 3000 văn nghệ sĩ Thủ đô tiếp tục có những thành quả to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển Thủ đô hằng nghìn năm văn hiến. Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, qua báo Người Hà Nội, tôi gửi lời chúc tới toàn thể văn nghệ sĩ Thủ đô một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Từng bước triển khai hiệu quả các giải pháp hướng tới Thành phố thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO