Úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa bão: Vẫn chưa hết nỗi lo

Hanoimoi| 05/08/2019 07:51

Từ đầu mùa mưa bão năm 2019 đến nay, Hà Nội đã hứng chịu nhiều trận mưa lớn, mà mới nhất là đợt mưa do hoàn lưu cơn bão số 3, gây úng ngập cục bộ tại một số tuyến phố nội đô. Đến thời điểm này, mùa mưa bão mới đi qua 1/3 chặng đường và nỗi lo úng ngập cục bộ vẫn thường trực. Chủ động ứng phó, chống úng ngập khu vực nội thành, đưa nước thoát về các nguồn tiêu nhanh nhất có thể là yêu cầu cấp thiết được thành phố đặt ra trong thời gian tới.

Úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa bão: Vẫn chưa hết nỗi lo
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội sử dụng máy bơm chuyên dụng để xử lý úng ngập tại phố Thái Hà trong đợt mưa bão cuối tuần qua. Ảnh: Huy Thành

Khổ vì úng ngập

Những trận mưa lớn xảy ra cuối tháng 7, đầu tháng 8-2019 khiến phố Trương Định (quận Hoàng Mai) và một số ngõ tại khu vực này bị úng ngập, tràn vào cả nhà dân. Ông Nguyễn Văn Thành (ngõ 389 Trương Định) cho biết: "Lâu lắm rồi, nhà tôi mới bị mưa ngập. Cũng may là lúc nước tràn vào gia đình có người ở nhà nên kịp thời di chuyển đồ đạc lên cao... Chắc từ nay mưa to, phải chủ động việc “chạy” ngập".

Trong khi đó, tại phố Hoa Bằng (quận Cầu Giấy), mặc dù ở sát sông Tô Lịch, nhưng bà Phạm Thị Thắm (ngách 5, ngõ 54 phố Hoa Bằng) chia sẻ: "Nhiều năm nay, mỗi khi trời mưa lớn, gia đình tôi lại sống chung với úng ngập. Có ngày ngập đến 2 lần, nước tràn vào nhà, sâu đến 20cm. “Thích ứng” với tình trạng này, tại tầng 1 gia đình tôi đã phải thay đồ đạc. Khổ nhất là có bể nước ngầm, mỗi lần nước rút lại phải thau rửa".

Đánh giá về thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng - Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, hiện hệ thống thoát nước của Hà Nội mới được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu vực nội thành thuộc lưu vực các sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét với diện tích 77,5km2, có thể giải quyết được tình trạng úng ngập cho những trận mưa cường độ 300mm/2 ngày. Tại các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước nên còn tình trạng úng ngập cục bộ khi có mưa lớn.

Hơn nữa, hiện một số trạm bơm tiêu chính và các công trình đầu mối kèm theo như kênh dẫn, kênh xả, hồ điều hòa,... chưa được đầu tư xây dựng; sông Nhuệ và hệ thống kênh xả, kênh dẫn về các trạm bơm chưa được cải tạo, nạo vét... Đây là những nguyên nhân chính chưa bảo đảm được công tác thoát nước.

"Với các trận mưa có lưu lượng 50-100mm/2 giờ, ở các tuyến phố chính khu vực nội đô vẫn tồn tại 16 điểm úng ngập. Cùng với đó là một số điểm ngập cục bộ tại các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận; trên đường gom Đại lộ Thăng Long (hầm chui ngã ba Thiên đường Bảo Sơn - Vành đai 3,5 đường Lê Trọng Tấn) và một số vị trí hầm chui dân sinh...", ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.  

Đưa nước thoát nhanh về các nguồn tiêu

Theo ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội), trong mùa mưa những năm qua, trung bình Hà Nội đón nhận lượng mưa khoảng 1.600-1.700mm/mùa.

Từ đầu năm 2019 đến ngày 3-8, Hà Nội đã đón nhận lượng mưa 771,4mm với gần 86 ngày mưa. Trong khi đó, mùa mưa bão năm nay mới đi qua hơn 1/3 chặng đường, nên đơn vị vẫn chủ động mọi phương án xử lý các tình huống úng ngập nếu xảy ra. 

Úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa bão: Vẫn chưa hết nỗi lo
Công nhân tổ cơ giới số 4 Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội nạo hút tuyến cống trên phố Hào Nam (quận Đống Đa). Ảnh: Bá Hoạt

Cũng để chủ động giảm các điểm úng ngập cục bộ, bảo đảm thoát nước nhanh nhất về các nguồn tiêu tại khu vực nội thành, với các trận mưa có cường độ ≤ 100mm/2 giờ (đối với hệ thống cống), ≤ 310mm/2 ngày (đối với toàn bộ hệ thống); UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 160/KH-UBND (ngày 23-7) với các giải pháp cụ thể.

Theo đó, các phần việc bao gồm: Nâng cấp Trung tâm Điều hành hệ thống thoát nước của Công ty Thoát nước Hà Nội; hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có; kiểm soát, giữ mực nước đệm trên hệ thống cống, kênh mương, hồ điều hòa; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo, khắc phục sự cố hệ thống thoát nước...

Là đơn vị chủ lực đảm trách nhiệm vụ thoát nước của thành phố, ông Võ Tiến Hùng cho hay, từ đầu năm, Công ty Thoát nước Hà Nội đã nạo vét 19.000m3 bùn cống ngầm (chiều dài khoảng 280km), 82.200m3 bùn mương sông, bảo đảm dòng chảy thông thoáng. Đập Thanh Liệt ra sông Nhuệ, cụm công trình đầu mối Yên Sở, cụm công trình Bắc Thăng Long - Vân Trì, các hồ điều hòa, trạm bơm cục bộ đều được vận hành đúng quy trình, bảo đảm mực nước khống chế trên hệ thống theo quy định... Bên cạnh đó, lắp đặt 44 máy đo mưa, 40 máy đo mực nước tự động trên lưu vực 5 sông, hồ...

Với các điểm thường xuyên xảy ra úng ngập, công tác ứng trực khi mưa đã được đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng vị trí. Cụ thể là chuẩn bị sẵn sàng các xe phun nước phản lực, xe bơm di động công suất 1.800m3/giờ và các tổ máy bơm... Các điểm có nguy cơ úng ngập cục bộ tại ngõ ngách với những trận mưa cường độ 50-100mm/2 giờ cũng được đơn vị theo dõi để xử lý úng ngập trong thời gian nhanh nhất.

Ông Hà Thanh Tùng, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, bảo đảm thoát nước, chống úng ngập, Ban Duy tu đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát công tác duy tu, bảo đảm lòng cống rãnh thông thoáng; giám sát các vị trí có nguy cơ úng ngập để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Đơn vị cũng đôn đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cải tạo hồ Linh Quang; cải tạo thoát nước mương Vĩnh Tuy, Lạc Trung... phục vụ thoát nước đô thị...

Làm việc với Công ty Thoát nước Hà Nội, mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đánh giá cao sự chủ động của các đơn vị trong việc thực hiện các giải pháp thoát nước mùa mưa năm 2019; đồng thời yêu cầu phải bảo đảm thoát nước nhanh nhất về nguồn tiêu, chống úng ngập, trên cơ sở chủ động đối phó với các trận mưa theo từng tình huống cụ thể, kể cả những trận mưa vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước. Vận hành an toàn phương tiện, thiết bị hiện có để chống úng ngập, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiệt hại do úng ngập gây ra...

Với các biện pháp đồng bộ kể trên, hy vọng mùa mưa bão năm nay Hà Nội sẽ hạn chế được úng ngập cục bộ ở khu vực nội thành.

Ứng phó với ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, những ngày cuối tuần qua, Công ty Thoát nước Hà Nội đã triển khai 100% lực lượng ứng trực, với hơn 2.300 cán bộ, công nhân viên; 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới. Ngày 3-8, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, gây úng ngập nhiều tuyến phố như: Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoa Bằng, Đại lộ Thăng Long... Công tác tổ chức ứng trực, xử lý úng ngập đã được triển khai đồng bộ, như: Vớt rác tại miệng thu, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước tại các vị trí ngập, phối hợp hướng dẫn giao thông; vận hành hết công suất các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Cổ Nhuế... để hạ mực nước trên toàn hệ thống. Đến trưa 4-8, ở các tuyến phố nội thành nước cơ bản đã rút hết, giao thông đi lại bình thường.

(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Infographic] Chuỗi sự kiện "Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai"
    Chuỗi sự kiện “Ươm mầm tri thức – Kiến tạo tương lai” là chương trình ý nghĩa được UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp các nhà xuất bản, nhà sách, các đơn vị, cá nhận hoạt động trong cùng lĩnh vực tổ chức thường niên, nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, chào mừng kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024).
  • Hà Nội tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024
    Tại Hà Nội, mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - năm 2024 là sự kiện Hội Sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”, kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024) được tổ chức vào 09h30 ngày 17/4/2024 tại Phố Sách Hà Nội.
  • Giới thiệu 70 tác phẩm mỹ thuật với chủ đề “Đường lên Điện Biên”
    Nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), vào ngày 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức khai mạc triển lãm “Đường lên Điện Biên”.
  • Ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
    Cách đây 70 năm, quân và dân ta đã tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đó là thắng lợi của sức mạnh “toàn dân đánh giặc”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 70 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay...
  • Hà Nội: Sôi nổi Liên hoan cán bộ thư viện Toàn quốc tuyên truyền văn hóa đọc
    Chiều ngày 16/4, tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Đống Đa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ tổng duyệt Liên hoan cán bộ thư viện Toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) với chủ đề “Điện Biên – Vang mãi bản hùng ca”.
Đừng bỏ lỡ
Úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa bão: Vẫn chưa hết nỗi lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO