Ước mơ

Trương Quốc Toản| 20/08/2020 11:50

Ước mơ
Minh họa của Nguyễn Văn Đức

Từ đám tang Thuận trở về Minh Thông phải vào ngay ca trực. Những cung  đường này anh đã qua bao nhiêu lượt, con đường nhỏ hai bên vỉa hè cây sao giao tán như những đôi tình nhân khẽ tựa đầu vào nhau, lá đan vào nhau thành vòm trời trên đầu xanh ngắt những chiếc lá mơn mởn sau cơn mưa. Những quả sao rơi xuống đường như những vì sao lạc. Minh Thông rẽ qua lối khác, con đường bằng lăng tím thẫm rực rỡ nắng hè chạy dài xuống mé sông. Cánh hoa mỏng manh như cánh chuồn chuồn lay lay trong gió. Minh Thông chạy xe tuần tra qua những lối quen thuộc. Anh nhớ cũng thời điểm này năm ngoái anh chở Thuận đi tuần tra trên tuyến đường này, lúc đó Thuận đã mang trong mình mầm bệnh ngặt.

*
- Chào anh!

Minh Thông đang tập trung nhìn dòng xe cộ lưu thông qua ngã tư. Đang giờ cao điểm nên lưu lượng xe qua lại khá đông.

- Chào anh! Người phụ nữ kiên trì lặp lại 

Minh Thông nhìn sang, người phụ nữ lam lũ đội nón lá ngập ngừng muốn hỏi điều gì mà còn ngần ngại.

- Dạ! Chị cần gì? Minh Thông hỏi trong khi mắt vẫn tập trung quan sát dòng xe qua lại tấp nập.

- Tôi muốn thưa với anh một việc. Người phụ nữ tiếp lời. Nhưng có lẽ bây giờ anh đang bận làm nhiệm vụ nên ngày mai sau giờ cao điểm tôi lại đến đây.

Một chiếc xe dừng không đúng vạch quy định và một chiếc rẽ trái khi đèn đỏ, Minh Thông thổi còi cho dừng phương tiện để xử lý. Khi quay lại thì người phụ nữ  đã đi rồi.

Minh Thông lấy làm lạ người phụ nữ ấy cần gì nếu hỏi đường hay đi lạc chắc đã hỏi ngay rồi, nếu anh đang bận rộn có thể nán lại để nhờ hỗ trợ. Giữa hai người mới gặp nhau lần đầu có chuyện gì để nói với nhau.

*
Cuộc hội thoại sáng hôm sau chỉ vỏn vẹn năm phút. Người phụ nữ vội vã đi mà Minh Thông cũng lo tất bật làm nhiệm vụ. Vấn đề người phụ nữ nhờ giúp lần đầu tiên anh gặp trong hơn hai mươi năm làm nghề này. Chưa có một tiền lệ nên anh không biết phải trình bày thế nào để lãnh đạo đơn vị biết và có hướng hỗ trợ nhưng không trái quy định, bởi dù gì ngành anh đang công tác luôn phải tuân thủ theo nguyên tắc. Ánh mắt người phụ nữ ấy nhìn Minh Thông như van lơn, khẩn cầu. Người mẹ ấy đang rất khổ tâm không biết nên làm gì và tình mẫu tử thiêng liêng cuối cùng đã tiếp thêm cho người mẹ sức mạnh để vượt qua nỗi ngại ngần mà giãi bày cùng với Minh Thông.

*
- Chào con! Minh Thông bắt chuyện trước.

- Con chào chú Minh Thông! Thằng bé nhanh mắt gọi tên theo bảng tên trên ngực áo đồng phục.

- Chú vào đây thăm con. Mẹ con đã nói với chú về ước mơ của con. Con ráng uống thuốc đều đặn và làm theo lời bác sĩ để mau hết bệnh.

Minh Thông đưa tay xoa đầu bé chợt thấy xót xa quá đỗi. Căn bệnh quái ác hành hạ đứa bé chưa đầy mười tuổi xanh xao và tóc rụng từng mảng lớn nham nhở  sau bốn lần xạ trị nên gia đình buộc phải cạo tóc cho bé để nhìn đỡ xót hơn.

Thằng bé đưa tay chạm vào bộ đồng phục Minh Thông đang mặc. Bé nói con tên Thuận. Lần đầu tiên con được chạm vào bộ đồng phục cảnh sát giao thông. Minh Thông đội mũ kê pi lên đầu bé. Thằng bé cười híp mí. Dường như bệnh tật trong một thời khắc tạm lắng, cơn đau về thể xác được xoa dịu.

Người mẹ quay đi giấu giọt nước mắt đang lăn dài từ đôi mắt trũng, quầng mắt thâm nhưng trong ánh mắt chị chợt rạng rỡ như tia nắng vừa lóe lên sau cơn mưa dầm.

*
Đêm trở về đơn vị sau những giờ tuần tra cùng đồng đội, Minh Thông cảm thấy được động viên rất nhiều vì cũng có người dành thiện cảm và yêu mến nghề anh. Anh nhớ hoài ánh mắt thằng bé nhìn trìu mến và trân quý. Ánh mắt bé làm anh vơi đi cảm giác buồn chất chứa nhiều năm qua từ lúc mới bước vào nghề năm hai mươi ba tuổi. Không biết thằng bé đó yêu thích công việc anh ở điều gì? Bộ đồng phục ngành màu nắng, mũ kê pi trang nghiêm đi xe phân khối lớn? Hay có thể dừng phương tiện vi phạm luật giao thông để xử lý?  Ở độ tuổi của thằng bé chắc  chỉ  nghĩ được vậy mà thôi. Bé còn quá nhỏ để  hình dung hết về cái nghề bé ước mơ, một nghề rất vất vả chứa đựng cả những hiểm nguy  và rủi ro đang chực chờ rình rập.

Những sáng đi làm sớm, những buổi trở về nhà muộn, lễ tết thường xuyên vắng nhà cũng là chuyện hết sức bình thường nếu làm công việc  này. Có tin báo ùn tắc giao thông là phải có mặt ngay để kịp thời xử lý. Rồi những vụ tai nạn giao thông xảy ra vào những giờ khuya cũng phải có mặt nhanh chóng tại hiện trường  để tác nghiệp.

Anh không mong cậu bé Thuận hiểu tường tận nghề của anh. Thằng bé còn ở độ tuổi hồn nhiên. Được sống đúng lứa tuổi của mình là điều hết sức quý rồi. Anh không mong gặp những đứa trẻ già trước tuổi  vì chỉ có những ai có thân phận đặc biệt mới buộc phải già trước tuổi.

*
Minh Thông chạy vào bệnh viện thăm  bé Thuận, trưa mẹ bé gọi báo bệnh bé trở nặng, muốn gặp chú Minh Thông. Dạo này công việc ở cơ quan khá nhiều nhưng với những người bệnh như Thuận thì lần gặp gỡ nào cũng có thể là lần gặp sau cùng. Do đó Minh Thông tranh thủ lúc tan ca trực ghé qua.

- Vì sao con thích làm cảnh sát giao thông? Minh Thông hỏi.

- Con nói chú nghe chú đừng buồn. Bé Thuận nhìn Minh Thông dò xét thái độ và khi thấy Minh Thông gật đầu cười cậu bé mới tiếp lời.

Thuận say sưa kể hồi trước nghe một số người nói với nhau cảnh sát giao thông phức tạp lắm, con không biết phức tạp là sao nhưng con cũng không thích các chú theo họ. Rồi có lần con bị mệt ba chở con và mẹ đi vào viện cấp cứu. Lúc đó con đau quá nhưng đường kẹt xe, ba con bị kẹt ở giữa đường, không thể nhích tới nhích lui gì được hết. Mẹ con kêu con ngồi ôm ba thật chặt để mẹ tìm cách. Lát sau thấy có chú cảnh sát giao thông tới phụ ba mẹ con đưa con ra ngoài để chú cảnh sát giao thông khác chở tới bệnh viện. Nhờ vậy mà con được đưa vào viện kịp thời và an toàn.

Minh Thông cười. Thương thằng bé hồn nhiên, trong trẻo quá mà mang chứng bệnh nan y. Người mẹ đã giấu thằng bé là nó có thể ra đi bất cứ lúc nào, bé còn quá nhỏ để hiểu như thế nào là cái chết. Minh Thông cũng ủng hộ cách làm của gia đình.

- Chú ơi! Chết có đáng sợ không? - Minh Thông nhìn bé Thuận sửng sốt.

- Con biết con không còn sống được bao nhiêu lâu.

Hóa ra thằng bé không hồn nhiên vô tư như mọi người vẫn nghĩ về nó. Nó nói người bạn cùng phòng cùng chứng bệnh vừa mới mất hôm qua.

- Chú ơi! Con muốn được một lần mặc trang phục cảnh sát giao thông như chú cùng đi tuần tra với chú qua những con đường về đêm.

- Vì sao lại là ban đêm con? Minh Thông tò mò hỏi lại.

Con muốn giữ cho những người đi làm về khuya như ba của con cảm giác được bình yên. Họ đã quá vất vả và mệt mỏi cả ngày. Ba con kể có lần đi bán bánh giò, bánh chưng, bánh gai về khuya có kẻ xấu cứ bám theo. Ba con lo lắm, tiền bạc không có nhiều nhưng lỡ bị cướp xe sẽ không còn phương tiện làm ăn. Ba con đang lo thì may quá có mấy chú cảnh sát giao thông tuần tra đêm. Ba con vọt xe lên nói chuyện với mấy chú. Mấy chú dẫn ba con về đến đầu hẻm. Mấy chú còn dặn ba con lần sau tránh về trên tuyến đường vắng vào ban đêm.

*
Minh Thông chở Thuận trong bộ đồ cảnh sát giao thông tí hon đi tuần tra. Sau một tuần mẹ bé, bác sĩ điều trị và Minh Thông ký tên vào bức thư gửi cho công an tỉnh. Ban Giám đốc công an tỉnh đã giao phòng Cảnh sát giao thông dựng “hoạt cảnh”  trong đó có cảnh đi tuần tra vào ban đêm như nguyện vọng của bé đã ghi trong thư. Bộ đồ cảnh sát bé mặc đã được chỉnh lại thật vừa vặn.

Xe tuần tra qua các con đường lớn rồi rẽ qua các con đường nhỏ. Thuận mải mê nhìn theo hành động của Minh Thông để thực hiện các hiệu lệnh cho chuẩn xác. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy cảnh sát giao thông tí hon tuần tra nhưng khi biết đó là “hoạt cảnh” nên tươi cười vẫy chào khi xe tuần tra đi qua. Người mẹ đi theo xe phía sau nhìn ánh mắt con rạng rỡ. Chị vui cùng niềm vui con trẻ nhưng bất giác nghĩ đến một ngày đứa con mà chị đã đấu tranh giành giật cho con từng hơi thở xa chị mãi, nước mắt chị rơi không ngừng.

*
Minh Thông rẽ vào những con đường vắng trong lòng thành phố, anh thấy nhớ lần chở Thuận đi tuần qua lối này, nhớ con kể câu chuyện về những người bán dạo về đêm gặp kẻ xấu rình rập. Anh cảm thấy yêu cái nghề của mình mà quên đi những lúc buồn tủi khi bị hiểu lầm. 

- Làm cảnh sát giao thông chắc giàu lắm. Minh Thông nhớ người bà con xa hỏi trong lần anh về quê vợ ăn giỗ.

- Dạ. Trong ngành em lương theo cấp hàm và thâm niên được quy định rõ ràng. Minh Thông cố gắng trả lời lịch sự câu hỏi cà khịa của người bà con xa.

- Nghề của chú cần gì lương, đọc báo thấy hoài. Người hỏi vẫn không “buông tha”.

Minh Thông biết ý họ ngầm nói ngành anh có tiêu cực. Anh im lặng. Im lặng không phải vì đuối lý mà không tiện giải thích vì những lúc trà dư tửu hậu giải thích cũng không hiệu quả mà có khi có dẫn đến tranh cãi rồi xô xát. Rõ ràng điều họ phản ánh cũng đúng chứ không hoàn toàn sai nhưng đó là số ít trường hợp mà  báo chí đã đưa tin, hệt như thau gạo trắng ngần có lẫn một vài hạt thóc hay bông cỏ. Rõ ràng xét về tương quan lực lượng, số lượng hạt gạo trắng nhiều hơn rất nhiều lần so với số lượng thóc và bông cỏ nhưng người ta vẫn phàn nàn gạo này lẫn thóc và bông cỏ.

Vẫn còn một số người chưa thật thiện cảm với người cảnh sát trong trang phục màu nắng dù họ chưa từng gặp gỡ hay tiếp xúc. Họ có cảm giác đầu tiên không thiện cảm như cảm giác của bé Thuận lần đầu nghe nói về ngành. Minh Thông và nhiều đồng nghiệp không thể nào gặp từng người một để mà giải thích. Nhưng những nỗ lực hoàn thành tốt công việc dù thầm lặng không ngừng nghỉ của anh và những người cùng nghề rồi  cũng sẽ có người nhìn nhận  đúng và khách quan hơn. Đó cũng là khi những hạt thóc và bông cỏ - những gam màu tối - bị  loại  dần ra khỏi bức tranh trong sáng tinh khôi.

*
Khi xe tuần tra qua nhà Thuận, ngôi nhà chìm trong đêm yên tĩnh. Có lẽ ba mẹ bé đã ngủ vùi vì mệt nhoài sau mấy ngày tang lễ Thuận. Minh Thông  dừng lại nhìn vào nhà, bất giác đưa tay chào theo điều lệnh và nói nhỏ vọng vào trong “Ngủ ngon nhé người “đồng đội” thân thương!”
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ước mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO