Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Xây dựng "Thành phố sáng tạo" góp phần phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội

Thu Hà| 11/02/2021 08:37

Năm 2020 là một năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Thủ đô và cả nước, cũng là năm Hà Nội kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ Thành phố Hà Nội. Người dân Thủ đô phấn khởi và kỳ vọng Nghị quyết của Đại hội sớm được hiện thực hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Người Hà Nội xung quanh những mục tiêu chiến lược phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội trong những năm tới.

Ủy viên bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Xây dựng

PV: Đại hội Đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ Thành phố Hà Nội thành công tốt đẹp đã tạo nên sức mạnh to lớn cổ vũ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Với quyết tâm nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII vào cuộc sống, đến nay Thành ủy Hà Nội đã có những chỉ đạo cụ thể gì, thưa đồng chí?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố cũng như chủ đề của Đại hội là: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, ngay sau Đại hội, Thành ủy đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, phân định nhiệm vụ của các thành viên Ban Thường vụ Thành ủy khóa XVII, ban hành Chương trình hành động toàn khóa để cụ thể hóa 5 định hướng, nhiệm vụ trọng tâm; 3 khâu đột phá; 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Theo đó, Thành ủy khóa XVII xây dựng và ban hành 10 chương trình công tác lớn; phân công trách nhiệm cụ thể với các đồng chí Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo 10 chương trình, chỉ đạo các cá nhân phụ trách tập trung xây dựng nội dung, kế hoạch triển khai để trình Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 3 cho ý kiến, hoàn thiện các chương trình để triển khai vào cuối quý I/2021. Thành ủy cũng tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị quyết Đại hội đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô để thực hiện và giám sát việc triển khai thực hiện… 

PV: Năm 2019 Thành phố Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, coi sáng tạo là nhân tố chiến lược cho phát triển bền vững, mở ra cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa với các thành phố sáng tạo toàn cầu. Vậy đồng chí cho biết Hà Nội đã triển khai những chương trình gì để khẳng định vị thế và phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo của mình?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: 11 thế kỷ qua, kể từ mùa thu Canh Tuất 1010, đức vua Lý Thái Tổ ban “Chiếu dời đô”, quyết định dời kinh đô Đại Việt từ Hoa Lư về định đô tại đất “Rồng bay”, Thăng Long - Hà Nội có thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, một vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài bốn phương, đã kiến tạo nên nhiều thành tựu rạng ngời trong lịch sử phát triển đất nước, đồng thời không ngừng bồi đắp các giá trị lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Kế thừa truyền thống đó, trong thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội đã được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình” và nay là “Thành phố sáng tạo” của thế giới.

Hà Nội chính là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố lịch sử, văn hóa với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đồ sộ, cơ sở hạ tầng phong phú cùng mạng lưới làng nghề thủ công truyền thống rộng khắp… Các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán đẹp của văn hóa Tràng An, xứ Đoài ngày càng được phát huy. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đã có những chuyển biến tích cực với nhiều nội dung hoạt động phong phú. Các mô hình gia đình văn hóa, làng, thôn, bản văn hóa, tổ dân phố và đơn vị văn hóa dần dần ổn định và tiếp tục phát huy vai trò tích cực, tăng cường giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội.

Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, Hà Nội từng bước cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thành phố sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống và đương đại của mình là hoàn toàn đúng đắn. Thành phố đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; định hướng đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế; và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

PV: Phát triển Thành phố sáng tạo sẽ dựa chủ yếu trên nền tảng của những giá trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế - xã hội. Và một trong những mục tiêu cam kết với UNESCO khi tham gia vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo là phải đặt văn hóa vào trọng tâm của các chiến lược phát triển của Hà Nội. Đồng chí có thể cho biết thêm về việc triển khai chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô trong thời gian tới?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Trong thời gian tới TP. Hà Nội sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xác định yếu tố phát triển văn hóa con người chính là nguồn lực nội sinh đột phá và quan trọng để phát triển bền vững Thủ đô. Phát triển kinh tế của Hà Nội cũng phải dựa trên nền tảng về văn hóa. Vì thế, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tập trung vào các lĩnh vực như: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. 

Khi thu nhập bình quân trên đầu người đạt 5000 USD/người thì đã có điều kiện lớn để phát triển văn hóa, mà tính bình quân đầu người của TP. Hà Nội ở mức xấp xỉ 5800 đô la Mỹ, vì thế không có lí do gì không tập trung đầu tư vào phát triển văn hóa. 

Nhằm khai thác các giá trị văn hóa và con người Hà Nội, Thành phố cũng đã có kế hoạch để sớm nâng tầm các giá trị di sản văn hóa thế giới của Hà Nội như gìn giữ và bảo tồn trung tâm Hoàng thành Thăng Long; hội Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn, 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám… để Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế. Thời gian tới thành phố cũng sẽ đăng cai các sự kiện về văn hóa, thể thao tầm cỡ khu vực và thế giới. Đây sẽ là dịp để quảng bá cho bạn bè thế giới về một thành phố năng động, sáng tạo, có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển và là điểm đến của các sự kiện quốc tế lớn. 

PV: Sự sáng tạo không chỉ có ở các cấp quản lý mà còn ở tầng lớp văn nghệ sĩ trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp… và người dân Thủ đô. Để huy động nguồn lực sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, Đảng bộ và chính quyền Thành phố đã có những giải pháp cụ thể nào để kết nối cộng đồng cùng chung tay vào công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Ngày nay nhiều thành phố trên thế giới thay vì tập trung vào các ngành công nghiệp cần nhiều tài nguyên thiên nhiên, dễ có tác động xấu tới môi trường, đã dần hướng tới nền công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa. Mục tiêu của họ là xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động sáng tạo, thu hút lực lượng lao động sáng tạo và tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Như vậy, muốn xây dựng và phát triển Thành phố sáng tạo thì phải biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, để từ đó xây dựng bản sắc riêng biệt và độc đáo.

Để phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Thủ đô, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, trong đó cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô về phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của sáng tạo, phát triển không gian sáng tạo, ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển Thủ đô trên nền tảng chuyển hóa các “nguồn lực văn hóa” thành “sức mạnh” góp phần phát triển bền vững Thủ đô. Từ đó lồng ghép sáng tạo trong tất cả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân sinh sống và làm việc ở Thủ đô Hà Nội cũng cần phát huy hơn nữa tính sáng tạo của mình trong mọi lĩnh vực, để sự sáng tạo trở thành chất liệu, động lực phát triển của mỗi cá nhân và của Thủ đô trong những năm tới. Cùng với đó, việc giáo dục trong các nhà trường, qua các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ về thương hiệu cao quý mà UNESCO đã trao tặng cho Thủ đô Hà Nội, từ đó tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức tự giác, trách nhiệm trước mỗi hành động, việc làm của mình để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế.

PV: Nhân dịp đầu xuân mới, đồng chí có nhắn gửi gì tới đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức - những người sáng tạo văn hóa nghệ thuật để góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô?

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố có đề cập vấn đề khai thác nguồn tài nguyên chất xám và phát huy tối đa trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố. Thiết lập một mạng lưới sáng kiến của Hà Nội để kết nối tất cả nguồn lực trí thức trong nước và quốc tế quan tâm đến Hà Nội, tôi rất hi vọng các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cùng tham gia tích cực vào chương trình này để phát triển nền công nghiệp văn hóa. 

Tổ chức UNESCO đã nhấn mạnh nếu định vị TP. Hồ Chí Minh là trung tâm về kinh tế và thương mại thì TP. Hà Nội phải định vị là trung tâm thiết kế sáng tạo thu hút nguồn nhân tài trên cả nước hội tụ. Vì thế thành phố đang tổng kết chủ trương, chính sách trọng dụng và thu hút nhân tài, có cơ chế chính sách đãi ngộ và đào tạo nhân tài với mong muốn tạo được đội ngũ tinh hoa trí thức đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Thủ đô. 

Trong nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội sẽ xây dựng một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Để việc xây dựng nghị quyết cùng chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy được sát thực và khả thi, Thành ủy sẽ tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. Tôi mong muốn đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, cống hiến cho nền văn học, nghệ thuật của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung những tác phẩm đỉnh cao, nhằm cổ vũ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, những tấm gương, hành vi đẹp trong cuộc sống bình dị hàng ngày; góp phần thực hiện tốt hai bộ quy tắc ứng xử với của thành phố, với phương châm “lan tỏa những điều tốt đẹp và dẹp bỏ những điều xấu”; Kiên quyết đấu tranh phê phán những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, chuẩn mực xã hội để Hà Nội trong mắt người dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế mỗi ngày một đẹp hơn.

Có thể nói đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô là tài sản vô giá không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước. Nhân dịp đầu xuân năm mới, thay mặt lãnh đạo Thành phố Hà Nội tôi xin chúc đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục sáng tạo, có nhiều tác phẩm hay, đậm chất nhân văn và mang tính nghệ thuật cao, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Thủ đô và đất nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Quận Tây Hồ: đối ngoại nhân dân góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về công tác đối ngoại của Thủ đô
    Chiều 28/3, Quận uỷ Tây Hồ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác đối ngoại nhân dân giai đoạn 2024 - 2025.
  • Trấn Bình Môn Kinh thành Huế như bị lãng quên
    Trấn Bình Môn là một cổng phụ trong 13 cửa của Kinh thành Huế nhưng ít người lui tới; như bị lãng quên, xuống cấp theo thời gian và tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai di dời dân để trả lại nguyên trạng cho di tích.
  • Phát động cuộc thi viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”
    Chiều 28/3, Báo Hà Nội mới tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Đây cũng là dịp tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về truyền thống văn hóa lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội của Thủ đô trên hành trình 70 năm xây dựng và phát triển.
  • Phú Thọ ra mắt tour du lịch "Về miền Di sản UNESCO ghi danh"
    Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Đặc biệt, dịp này, Phú Thọ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh”, lấy đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác.
  • Quý I năm 2024, Thành phố Hà Nội đã thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI
    Đây là thông tin được Chánh Văn phòng UBND Thành phố kiêm người phát ngôn UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ tại “Họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024”, diễn ra chiều 28/3 tại Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội.
  • Đêm nhạc đặc biệt tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff tại Hà Nội
    Vào 20h ngày 30/3, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra đêm nhạc tôn vinh nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff.
  • Giải Cống hiến 2024: Hòa Minzy là Nữ ca sĩ của năm, Đen Vâu lập cú đúp
    Tối 27/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải Cống hiến 2024. Đây là mùa giải Cống hiến lần thứ 18 được tổ chức và mùa thứ hai được mở rộng sang lĩnh vực thể thao, với hai hệ thống giải là giải Âm nhạc Cống hiến và giải Thể thao Cống hiến.
  • “Đào, phở & piano” - trọn vẹn tình yêu Hà Nội
    Từ cuối năm 2023, tín hiệu rất vui với điện ảnh trong nước khi những bộ phim cả tư nhân và nhà nước lần lượt ra rạp, tạo được hiệu ứng tích cực. “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một trong số đó. Phim được nhà nước đặt hàng, từng giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
  • Hà Nội và những gánh hàng rong...
    Khi nhắc về Hà Nội, trong vô vàn dáng hình hiện hữu, người ta không thể không nhắc tới những gánh hàng rong. Cùng Người Hà Nội hòa vào nhịp sống hối hả của 36 phố phường trên những gánh hàng rong...
  • Phố cổ của tôi
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Phố cổ của tôi của tác giả Nguyễn Duy Quý.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ: Xây dựng "Thành phố sáng tạo" góp phần phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO