Văn Cao: Đóng góp vào thơ đương đại

Vũ Quần Phương| 10/11/2019 07:51

Ông họ Nguyễn, Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng. Quê gốc: xã Liên Ninh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Văn Cao: Đóng góp vào thơ đương đại

Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài. Trước cách mạng, ở tuổi hai mươi, ông đã là một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc trữ tình đầy ý vị lãng mạn thanh khiết, sang trọng, kỳ ảo, cả trong giai điệu lẫn lời ca: Thiên thai, Trương Chi, Suối mơ, Buồn tàn thu, Cung đàn xưa… Ông vốn là một họa sĩ nhiều tìm tòi tiên phong trong nét, trong màu, trong bố cục. Chỗ gặp nhau của nhạc và họa nơi ông là cách cảm thụ hiện thực của tâm hồn, là cách tâm hồn đọc vào trí tuệ, đọc vào mối tương quan triết học của tạo vật. Cách cảm thụ ấy bộc lộ khá rõ và dễ chứng minh hơn khi ta tìm vào mảng nghệ thuật ngôn ngữ - tìm vào thơ.

Với thơ, Văn Cao có một cách đi riêng so với các nhà thơ đồng hành. Trừ mấy bài đầu, viết năm 1941, có chịu ảnh hưởng của cảm xúc Thơ Mới. Từ bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, viết năm 1945, ông đã tạo ra một giọng thơ khác lạ. Khác lạ ở chỗ gọn và sắc. Lời gọn và ý sắc. Các hình ảnh liên tiếp xuất hiện như những biểu tượng ôm chứa nhiều cấp ý nghĩa đời sống. Ý nọ bồi đắp cho ý kia, không dựa vào ý mạch lạc hay sự nối liền của văn phạm ngôn ngữ. Chất liệu thơ ông như gạch xếp lên nhau mà thành công trình, không cần vôi vữa. Ông không nói ý mình vào bài thơ, ông để hình ảnh, đúng hơn là những biểu tượng, tự lên tiếng. Nhận ra được tiếng nói của hình ảnh trong thơ ông không phải lúc nào cũng dễ, nhưng người đọc, ngay lúc khó nhận, vẫn mơ hồ cảm được nỗi lòng tác giả, thái độ tác giả. Đó là nhờ sức tạo ấn tượng của hình ảnh. Thơ ông rất tạo hình. Ông dùng bố cục của tạo hình mà diễn đạt tâm trạng:

Tất cả tình yêu khát khao hy vọng
Bốc lên trong lòng
Rơi xuống những giọt nướt mắt

Chúng ta thấy được những gì? Thấy: tình yêu, khát vọng - thấy bốc lên, rơi xuống. Bốc lên thành hy vọng. Rơi xuống thành nước mắt. Cách diễn đạt ấy tạo nên tính hàm súc trí tuệ cho thơ Văn Cao. Cũng là đóng góp của Văn Cao vào việc làm mới câu thơ đương đại. Thủ pháp này chưa có ở Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Hàn Mặc Tử, cũng chưa có ở Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên trong phong trào Thơ Mới. Ở Văn Cao những cảm nhận có tính tình cảm đều được gạn lại, cô đọng vào tinh chất có tính khái quát do vậy tình cảm kết tinh thành trí tuệ, gợi mở vào triết học. Bài Thu cô liêu trong cảm hứng chung còn hơi hướng của Thơ Mới, nhưng trong từng câu, từng ý thì cách cảm có nhiều khác biệt, nhiều cân nhắc chữ nghĩa, hình ảnh - cốt sao dung lượng hàm súc và ý tưởng mới mẻ:

Thu cô liêu
Tịch tiêu
Cô thôn chiều

Trong tập thơ Văn Cao vừa xuất bản có dấu hoa thị chú thích: tịch tiêu chứ không phải tịch liêu. Tịch có năm nghĩa, ở đây chắc lấy nghĩa yên lặng. Tiêu có tới bảy nghĩa, ở đây chắc dùng nghĩa mất đi. Nhưng không tra từ điển thì người đọc qua hai âm thanh tịch tiêu cùng với sự cộng hưởng ý nghĩa của câu trên đó và câu dưới đó, cũng cảm nhận được ý nghĩa gần sát với dụng ý của tác giả. Bài thơ này được phổ nhạc, nhiều ca sĩ hát nhầm thành tịch liêu, vì tịch liêu là tiếng phổ biến còn tịch tiêu là do Văn Cao tạo nên. Đây là ví dụ cho thấy sự kỹ tính trong ngôn ngữ thơ của Văn Cao. Nhưng để độc giả đọc nhầm thì e sự kỹ tính ấy cũng có phần cầu kỳ. Trong giai đoạn sau, sự cầu kỳ trong ngôn ngữ thơ Văn Cao mất dần. Ông hạn chế sử dụng từ Hán Việt để dùng từ thuần Việt, từ dễ hiểu. Nhưng sự tinh tế thì ông luôn phát huy. Đọc Văn Cao thấy khó, không phải khó về từ mà khó về sức ôm chứa sâu và rộng của câu thơ. Sâu rộng cả về ý và cả sâu rộng về tình. Bài thơ Đôi bạn, tặng Nguyễn, nói hai người tri kỷ: Chúng tôi nói như không nói/ Im lặng nói nhiều hơn. Họ thuộc từng lớp bụi trên cái bàn nơi gặp nhau hàng ngày, họ quen với căn phòng ít khi được dọn dẹp, với đống đồ vật ngày càng cũ nát. Và thời gian thì cứ phủ lên, làm mờ dần mọi vật, kể cả họ. Đến mức hình như họ không còn trông thấy nhau, không biết những chuyện riêng của nhau. Nhưng hai dòng thơ cuối, nó là một ý tách hai dòng:

Chúng tôi hai người
Một bóng…

Sức chứa của những chi tiết trong bài, đi từ hẹp đến rộng, gợi nhiều nghĩ ngơi, chia sẻ nhiều chiêm nghiệm và đều sâu nặng tình đời. Ấn tượng của thơ đi từ hình ảnh vật lý, Hai người một bóng, một tư duy hình tượng. Chứ không phải đi từ nghĩa của chữ Ta với mình tuy hai nhưng một kiểu Tản Đà nói chuyện với ảnh, là tư duy khái niệm. Tác động của tư duy khái niệm không trực tiếp vào giác quan bằng tư duy hình tượng.

Bài thơ dài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc viết năm 1945 và trường ca Những người trên Cửa biển năm 1956, ghi nhận hai mốc thành tựu trên một hướng tìm mới của Văn Cao. Ông đã ra khỏi khí quyển của Thơ Mới. Ra khỏi cảm xúc, ra khỏi tư tưởng và điều đáng nói là ra khỏi cách thể hiện của Thơ Mới trong cả cách làm câu và cách dựng bài. Một hơi thơ rắn khỏe, gọn và chắc. Sắc gọn như vũ khí. Chiếc xe bò chở xác người chết đói, từ ranh giới địa ngục trần gian vào địa ngục âm ti:

Bánh nghiến nhựa đường kêu sào sạo
- Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực

Nếu bài viết năm 1945 còn quẩn những Hán tự, phảng phất hơi hướng một hồn xưa đất lạ Mang mang thở dài hồn đất trích thì bài năm 1956 toàn bộ là tiếng nói của thường ngày mà vẫn sâu nặng tình và ý:

Những bóng cò trắng như giấc mộng
Đưa võng đời tôi những buổi chiều 
dĩ vãng
Sáng trưa u ú còi tầm
Đêm dài nghe mưa dầm dãi
Tôi không có quê hương

Hướng tìm ở thơ Văn Cao là không để tác giả nói chõ vào thơ mà để hình tượng thơ tự nói. Người đọc cũng phải tự mà nghe ra. Phải khám phá để nghe ra:

Buổi sáng nay cả phố phường 
như mở hội
Mọi con người đeo mặt nạ đi chơi
Hội hoá trang hay sao mà đi chơi cũng phải đeo mặt nạ. Chắc không phải, bởi:

Ô kìa
Nước mắt mồ hôi
Sao chảy ra trên từng mặt nạ

Hình tượng không nói để ta nghe, hình tượng chỉ tồn tại để ta nghĩ. Đọc Văn Cao là đọc vào cái tứ của bài thơ, nó đụng vào sức khái quát, nó đòi phẩm chất trí tuệ của người đọc.

So với giai đoạn những năm bốn mươi, thơ Văn Cao sau này ngày càng giản dị trong cách nói và sâu sắc trong việc đời. Ông nhận ra những bó hoa chất ngất mừng thành công có thể chất thành nấm mộ chôn con người thành công ấy. Ông quan sát ở các quán bia Hà Nội thời bao cấp, bài thơ viết năm 1967, người ta uống rỗng những thùng bia/ Uống đến hết một ngày đang hết/ Uống đến hết một năm sắp hết mà người ta còn liếm môi. Và ông phát hiện: người ta xếp hàng không phải vì thèm bia mà vì thèm sống, thèm đám đông, đám đông ở bên ngoài đi lại và đám đông ở bên trong đông đặc. Thèm đến phải liếm môi. Phát hiện ấy là phát hiện của lòng yêu đời sâu sắc, chống lại cô đơn. Văn Cao có đặc tính chung của những nghệ sĩ thực tài là yêu đời thấm thía. Vất vả cực khổ đến mấy vẫn thấy đời người thật đáng yêu, con người bao giờ cũng hay lắm. Con người ngủ trong căn nhà chật nhưng lại có giấc mơ của những ngôi sao và những ngôi sao nhấp nháy trên kia là đang kể chuyện giấc mơ của một con người. Ông lại nói: gương mặt sáng trong và bình lặng của con người đặt trên cỏ thì làm xanh lại cỏ, đặt trên núi thì làm mềm nét núi.

Văn Cao có một chùm thơ về đám bạn bè nghệ thuật, đa số viết vào năm 1967: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân, Nguyễn Sáng, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng… Ông vẽ chân dung tâm hồn từng người, nhưng chủ yếu ông tìm ra nét đặc thù của cả một lớp người ấy trong giai đoạn lịch sử ấy. Các bức chân dung thường ít nét nhưng lên được tinh thần.
Với Bùi Xuân Phái là dãy phố, phố Phái:

Không người ở
Không số nhà
Không tên phố
Nhưng người đưa thư vẫn tìm đến được.

Người ta tìm đến được Bùi Xuân Phái vì ông không lẫn vào ai. Một đặc trưng của nghệ thuật qua cách cảm nhận và thể hiện của Văn Cao, vừa sâu sắc vừa dễ hiểu. Lại rất đặc trưng Bùi Xuân Phái.

Có một bài thơ, Văn Cao viết năm 1970, gợi một thích thú lặng lẽ. Ấy là bài Người đi dọc biển. Biển vừa qua đêm, bãi cát tinh khôi không dấu chân người. Nếu biển là biểu tượng của cuộc đời và người đi dọc biển ấy là một nghệ sĩ thì chắc hẳn anh không phải than thở như có người đã từng than thở: ta sinh ra quá muộn mọi sáng tạo thiên hạ đã làm cả rồi. 

Một nhận xét cuối: Những bài thơ Văn Cao gần như những lời độc thoại. Tác giả nói về đời mình với chính mình. Nói với mình nên chẳng cần dài, chỉ cần ấn tượng. Nhờ ấn tượng mà nhớ được, không phải nhớ do vẫn nên chẳng cần vần. Không vần dễ hơn có vần. Nhưng cái khó, rất khó ấy là tạo ấn tượng cho câu thơ.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Sáng 19/4, tại Điện Biên, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Vì sao phân khu Tài Lộc được ví như “mỏ vàng” trên đảo Vũ Yên?
    Nằm ngay cửa ngõ của Thành phố Đảo Hoàng Gia Vinhomes Royal Island, lại sở hữu nhiều lợi thế hiếm nơi nào có được, phân khu Tài Lộc được xem là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn, hội tụ đầy đủ các yếu tố đầu tư sinh lời, kinh doanh thuận lợi.
  • Mảng xuất khẩu của Vinamilk khởi sắc nhờ các thị trường chủ lực
    Mảng xuất khẩu của Vinamilk năm 2023 tăng về cả doanh thu và số thị trường, kết quả quí I/2024 dự báo tích cực. Bên cạnh sự đóng góp lớn từ các thị trường chủ lực truyền thống, nhiều thị trường mới đã được khai phá.
Đừng bỏ lỡ
Văn Cao: Đóng góp vào thơ đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO