Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là động lực và mục tiêu phát triển doanh nghiệp

Nguyễn Đăng| 08/11/2018 18:05

Sáng 8/11/2018, tại Hà Nội báo Người Hà Nội phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp” lần I năm 2018. Diễn đàn với chủ đề “Doanh nhân, doanh nghiệp tiên phong đổi mới vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước”. Đây là một hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10/11.

Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là động lực và mục tiêu phát triển doanh nghiệp
Quang cảnh diễn đàn Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp (Ảnh: Thanh Sơn). 
Về dự diễn đàn có các vị đại biểu, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa 12,13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội; GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch hội đồng khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam; ông Đào Ngọc Thịnh, Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Lao động Thương binh & Xã hội; TS. Lê Hồng Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân; ông Nguyễn Phúc Nguyên, Vụ phó Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ; GS.TS Nguyễn Chí Mì, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội; ông Trần Xuân Hà, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt; PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội; ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam.
Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là động lực và mục tiêu phát triển doanh nghiệp
Ban điều hành diễn đàn xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp lần thứ 1 năm 2018 (Ảnh: Thanh Sơn).

Về phía Ban tổ chức chương trình có các đồng chí, TS. Nguyễn Việt Xô, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội, Trưởng ban tổ chức; TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội, đồng Trưởng ban tổ chức; Nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Báo Người Hà Nội, đồng Trưởng ban tổ chức cùng nhiều diễn giả uy tín hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong và ngoài nước, các cơ quan thông tấn báo chí truyền thông về dự và đưa tin. 

Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là động lực và mục tiêu phát triển doanh nghiệp
Nhà báo Đào Xuân Hưng – Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, Trưởng ban tổ chức diễn đàn phát biểu.

Phát biểu tại diễn đàn, Nhà báo Đào Xuân Hưng - Tổng biên tập báo Người Hà Nội, Trưởng ban tổ chức nhấn mạnh: “Văn hóa vừa là mục tiêu cũng vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Ban tổ chức mong muốn thông qua diễn đàn bồi đắp thêm khái niệm về văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân; làm sáng rõ hơn vai trò của doanh nhân, bản lĩnh của doanh nhân, vai trò văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước. Diễn đàn cũng là nhịp cầu nối để doanh nhân, doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cơ hội giao thương”.

Phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh. Trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp thành công nhờ phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp. Ở nước ta không ít doanh nghiệp đã có những thay đổi nhất định từ nhận thức đến hành động trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Nhiều doanh nghiệp luôn chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng và đã khẳng định được bản sắc cũng như uy tín của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp; chưa quan tâm đến nhân tố văn hóa trong kinh doanh, đạo đức trong kinh doanh; chưa phát huy được sức mạnh nội lực tổng hợp của doanh nghiệp. 

Diễn đàn “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp” lần I năm 2018 đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia uy tín, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nhân, doanh nghiệp và đại diện các nhãn hiệu, thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp. Tại diễn đàn, các tham luận và ý kiến phát biểu tập trung nêu bật vai trò, vị trí của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân; sự cần thiết cũng như những giải pháp đặt ra trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân trong bối cảnh hiện nay.

Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là động lực và mục tiêu phát triển doanh nghiệp
Tiến sĩ Nguyễn Việt Xô, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Thanh Sơn).

Tại diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Việt Xô, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội nhấn mạnh, trong một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn, là một tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, vùng miền địa lý, tư tưởng văn hóa… chính sự khác nhau này tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, buộc các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển phải liên tục tìm tòi những cái mới, sáng tạo và thay đổi cho phù hợp thực tế.

"Vậy làm thế nào để doanh nghiệp trở thành nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người, làm gia tăng nhiều giá trị của từng nguồn lực con người đơn lẻ, góp phần vào sự phát triển bền vững. Mặt khác, xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp còn là một yêu cầu tất yếu của chính sách phát triển thương hiệu vì thông qua hình ảnh văn hóa doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp...”, Tiến sĩ Nguyễn Việt Xô nói.

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Quang Lợi phát biểu, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là yếu tố bề mặt như diện mạo doanh nghiệp, các hoạt động văn hóa hay sự chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động... hơn thế, nó còn thấm sâu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh với các mối quan hệ nội tại và bên ngoài; giữa doanh nhân doanh nghiệp với đối tác và với các cơ quan chức năng, chỉ đạo, quan lý nhà nước. Nền kinh tế nước ta muốn hội nhập sâu rộng phải là nền kinh tế thị trường hiện đại dựa trên trí tuệ, khoa học, công nghệ, pháp luật, đạo đức, triết  lý sản xuất của doanh nghiệp và lối sống, ứng xử của doanh nhân...

Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là động lực và mục tiêu phát triển doanh nghiệp
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu (Ảnh: Thanh Sơn).

"Cộng đồng doanh nghiệp cho đến mỗi doanh nghiệp không chỉ phấn đấu xây dựng được đội ngũ hùng hậu những nhà kinh doanh có tâm, có tài để tạo ra những thương hiệu sản phẩm uy tín không chỉ tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn tạo ra sức mạnh kinh tế cho đất nước. Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp phải góp phần tạo nên tâm hồn, khí phách và bản lĩnh của lớp doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới... ", nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến thì cho rằng: Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, tri thức thì khó đứng vững được. Văn hóa doanh nghiệp - yếu tố quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp vì thế đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng và duy trì hệ văn hóa đặc thù của doanh nghiệp mình để phát huy được năng lực và thúc đẩy đóng góp của tất cả mọi người vào việc đạt mục tiêu chung. Thông qua hình ảnh có văn hóa của doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu và tín nhiệm của doanh nghiệp đó với thị trường. Văn hóa doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt nhấn mạnh, xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp rất quan trọng và cần thiết, văn hóa doanh nhân gắn liền với văn hóa doanh nghiệp và hòa trộn lẫn nhau. Nếu một doanh nhân thiếu văn hóa thì cũng không thể có một doanh nghiệp có văn hóa.

Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là động lực và mục tiêu phát triển doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt phát biểu (Ảnh: Thanh Sơn).

"Văn hóa doanh nhân lấy giá trị cốt lõi là đạo đức kinh doanh, trách nhiệm của người lãnh đạo với các cổ đông, tập thể cán bộ nhân viên, khách hàng, đối tác, gia đình và  xã hội. Giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là mục tiêu phấn đấu, phương châm hoạt động, triết lý kinh doanh, nhận diện thương hiệu và các nguyên tắc về quản trị, điều hành, nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp và với bên ngoài. Văn hóa doanh nghiệp là kim chỉ nam mà tất cả các thành viên thuộc doanh nghiệp phải tuân thủ thực hiện và phải được thường xuyên rà soát điều chỉnh hoàn thiện các hướng dẫn cụ thể để phát triển văn hóa nhằm phù hợp với hiện tại, tương lai và đạt được mục tiêu lâu dài của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không nhất thiết là ngay sau khi thành lập phải xây dựng ngay văn hóa doanh nghiệp, mà nên tùy thuộc vào sự ổn định về tầm nhìn, mục đích, mục tiêu kinh doanh, sản phẩm kinh doanh, định hướng thị trường, quy mô doanh nghiệp và ý chí của tập thể lãnh đạo để nghiên cứu xây dựng văn hóa mang bản sắc của doanh nghiệp mình. Văn hóa doanh nghiệp cũng có thể thay đổi, nhưng nên tránh thay đổi toàn diện và luôn cần điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp hơn...", ông Thắng nói.

Cùng với quan điểm đó, ông Vũ Văn Thuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Vinsmile Travel cho rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình tổng thể chứ không phải chỉ là việc đưa một giá trị một cách đơn lẻ rời rạc. Đó là cả một quá trình chứ không phải chỉ trong một thời gian ngắn với sự đóng góp của nhiều người chứ không riêng gì ai. Đối với doanh nhân để phát triển văn hóa doanh nghiệp cần phải duy trì và phát huy những phẩm chất tốt và những tư tưởng đúng đắn. Mỗi doanh nhân cần có ý thức xây dựng những mô hình hiệu quả góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế và tạo nên tính cân đối trong đời sống xã hội.

"Với riêng Vinsmile Travel, hiện nay, chúng tôi đang là một trong những công ty được đánh giá có sự tin cậy cao của khách hàng. Dù tuổi đời còn trẻ (thành lập năm 2017) song công ty đã có nhiều khách hàng tìm đến và hợp tác về du lịch. Hơn thế nữa phản hồi của khách hàng đều rất tốt về các sản phẩm du lịch cũng như những nét đẹp về văn hóa của đội ngũ cán bộ, nhân viên của Vinsmile Travel...", ông Thuấn nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức đã ghi nhận, biểu dương đội ngũ lãnh đạo – những doanh nhân vàng tiên phong đổi mới sáng tạo và tôn vinh mô hình văn hóa doanh nghiệp tiêu biểu năm 2018 như: Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không, Tập đoàn GELEXIMCO – Công ty Cổ phần, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thủ Đô, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico), Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội…

Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là động lực và mục tiêu phát triển doanh nghiệp

Ông Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (bên trái ngoài cùng) và TS. Nguyễn Việt Xô, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội tặng kỷ niệm chương cho các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu (Ảnh: Thanh Sơn).

Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là động lực và mục tiêu phát triển doanh nghiệp

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch hội đồng khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội (bên phải ngoài cùng) và ông Đào Ngọc Thịnh, Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Lao động Thương binh & Xã hội tặng kỷ niệm chương cho các doanh nhân, doanh nghiệp tại diễn đàn (Ảnh: Thanh Sơn).

Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là động lực và mục tiêu phát triển doanh nghiệp
Nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Báo Người Hà Nội (bên trái ngoài cùng) và ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tặng kỷ niệm chương cho các đơn vị, doanh nhân tiêu biểu (Ảnh: Thanh Sơn).

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức văn hóa Kinh Kỳ qua tranh truyện Hàng Trống
    Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo của đất và người Kinh kỳ xưa.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Hà Nội xử phạt người bán hàng rong bán túi táo nhỏ giá 200.000 đồng cho du khách nước ngoài
    UBND phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) đã xử phạt người bán hàng rong liên quan tới sự việc 'chặt chém' 200.000 đồng một túi táo nhỏ đối với hai du khách Tây.
  • Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ngành công nghiệp và trí tuệ nhân tạo
    Chiều 18/3/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta công bố chương trình “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”.
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là động lực và mục tiêu phát triển doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO