Văn học Nghệ thuật Thủ đô: 10 năm sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Đặng Thủy| 03/08/2020 08:13

Từ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho đến nay đã vừa tròn 10 năm. Trong suốt 10 năm ấy, văn học nghệ thuật (VHNT) Thủ đô đã có những bước chuyển gì đáng ghi nhận và cần có thêm những giải pháp nào để phát huy giá trị trong giai đoạn tới - đó cũng là những vấn đề đã được các văn nghệ sĩ Thủ đô bàn thảo tại buổi tọa đàm “Thành tựu Văn học nghệ thuật Thủ đô 10 năm sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức mới đây.

Văn học Nghệ thuật Thủ đô: 10 năm sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội phát biểu đề dẫn tọa đàm - Ảnh: ĐT
Những nỗ lực đáng ghi nhận

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khẳng định, trong suốt 10 năm qua kể từ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, VHNT Thủ đô đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận: “Bên cạnh khuynh hướng tiếp tục phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng sử thi và tầm khái quát mới là sự phát triển mạnh khuynh hướng quan tâm đến nhiều khía cạnh cuộc sống đời thường của con người, làm phong phú hơn và làm sâu thêm chủ nghĩa nhân văn của VHNT hôm nay. VHNT đã trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh hoàn thiện con người, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, nhạy bén và mạnh dạn phơi trần, lên án, tố cáo cái xấu xa, độc ác, đen tối, các biểu hiện biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống của con người”.

Tiếp nối giai đoạn trước, sức sống mãnh liệt và tính đa dạng của các thành tựu VHNT được minh chứng qua nhiều tác phẩm được trình làng ngay sau đó. Điểm qua các tác phẩm được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô năm 2012, năm 2016 và 2018 có thể thấy rõ những mạch nguồn của VHNT vẫn tiếp tục được tỏa lan. 

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ nhận định, thành tựu văn học 10 năm qua gắn liền với hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội. Hội đã tập hợp, tạo điều kiện cho nhà văn hướng về chất lượng tác phẩm, nâng cao uy tín công tác chuyên trách để ngày càng có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Hằng năm, Hội đều tổ chức xét và trao giải thưởng cho tác giả và tác phẩm văn học, nghiên cứu phê bình văn học và văn học dịch. Quan trọng nhất là Hội phát hiện và tạo đà cho các tài năng.

NSNA Đặng Đình An cho rằng, hào khí Thăng Long - Hà Nội đã lan tỏa trong cuộc sống nhiếp ảnh Thủ đô. 10 năm qua Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức hơn 40 cuộc triển lãm ảnh lớn nhỏ. Đề tài các cuộc thi phong phú hơn. Tuy vẫn gắn với Thủ đô, nhưng các đề tài đi sâu khai thác nhiều khía cạnh trong cuộc sống, tạo nên sự khám phá mới, cách thể hiện mới. Các đề tài như “Hà Nội đổi mới và phát triển”, “Vẻ đẹp người Hà Nội”, hay “Áo dài trong đời sống văn hóa Việt”, rồi “Phố phường Hà Nội” đã làm cho không gian sáng tác ảnh được mở rộng, phong phú hơn. 

Văn học Nghệ thuật Thủ đô: 10 năm sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Đông đảo các văn nghệ sĩ 9 hội chuyên ngành đến tham dự buổi tọa đàm - Ảnh: ĐT

Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội bên cạnh các hội thảo chuyên đề còn tổ chức thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa dân gian và đã được ra mắt dưới dạng sách. Hội Âm nhạc Hà Nội với lực lượng hội viên đông đảo cũng đã sáng tác nhiều ca khúc về đề tài Hà Nội, về cuộc sống đương đại, đặc biệt là tổ chức chương trình “Tình yêu Hà Nội” hằng năm gây được tiếng vang lớn. Hoạt động sáng tác và triển lãm của Hội Mỹ thuật Hà Nội phát triển mạnh mẽ sau 10 năm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hội duy trì thường niên triển lãm “Mỹ thuật Thủ đô” thu hút nhiều thế hệ họa sĩ tham gia, góp phần đưa nghệ thuật đến với công chúng…

Có thể nói, trong 10 năm gần đây các sáng tác (về văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh, sân khấu, múa…) cũng như các công trình sáng tạo (điện ảnh, kiến trúc, văn nghệ dân gian…) đều được các văn nghệ sĩ Hà Nội tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, dành tâm huyết và suy nghĩ sâu sắc, với hoài bão lớn và ý thức trách nhiệm công dân cao, để biến các ý đồ và dự thảo của bản thân dần hóa thành hiện thực. 

Còn đó những băn khoăn

Theo NSND Trần Quốc Chiêm, bên cạnh những thành tựu, sự nghiệp phát triển VHNT của Thủ đô vẫn còn không ít hạn chế. “Tuy số lượng tác phẩm ngày càng tăng, nhưng chưa có nhiều tác phẩm dám đi thẳng vào hiện thực, còn thiếu vắng các tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, tác động mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng. Chưa có nhiều tác phẩm mang tính cách tân, sáng tạo và thể hiện khuynh hướng sáng tác mới. Hoạt động nghiên cứu, phê bình, lý luận VHNT chưa làm tốt nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ, định hướng thị hiếu công chúng; chưa đủ sức cổ vũ các sáng tạo có giá trị, né tránh phê phán những biểu hiện sai trái, lệch lạc, thẩm định tác phẩm còn thiếu chính xác. Nghệ thuật truyền thống vẫn còn phải mỏi mắt chờ khán giả. Hàm lượng chất xám trong các tác phẩm điện ảnh còn hạn chế, văn học thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, âm nhạc chưa đủ sức vươn ra ngoài biên giới. Kinh phí đầu tư cho hoạt động VHNT tuy tăng hằng năm nhưng vẫn ở mức thấp.” - NSND Trần Quốc Chiêm trăn trở.

Từ góc nhìn của người làm sân khấu, PGS.TS Trần Trí Trắc thừa nhận 10 năm qua, sân khấu Thủ đô đa phần vẫn hướng tới những đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại, chiến tranh cách mạng, nước ngoài và dựng lại “vở cũ” làm cho các nhà lý luận phê bình gọi là “xu hướng hoài cổ”. Ông đặt câu hỏi: “Phải chăng sau 10 năm Đại lễ, nghệ thuật sân khấu Hà Nội đã già nên hay nói về chuyện ngày xưa, hay nhìn về quá khứ cũ kỹ? Làm cho khán giả chỉ thấy nếp sống ngày xưa, đạo lý quá khứ bất biến và trang phục, tập quán của thời phong kiến, thời cách mạng xa vắng…” 

Nhà văn Thái Kế Toại - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Hà Nội cũng chỉ ra những bất cập trong lĩnh vực điện ảnh của Thủ đô. Theo ông: “Trong thời đại phát triển mới của đất nước lẽ ra Hà Nội phải có một đời sống văn hóa điện ảnh sôi động, hiện đại, Hà Nội phải có một nền công nghiệp điện ảnh có vai trò đầu tầu đối với đất nước và khu vực; lẽ ra điện ảnh Hà Nội phải có những hãng phim lớn có sức mạnh cạnh tranh, có khả năng sản xuất những bộ phim lớn về lịch sử, con người Hà Nội trong công cuộc chiến đấu và xây dựng Thủ đô hàng ngàn năm qua… nhưng tiếc rằng những điều ấy chỉ mới là mơ ước của những người làm điện ảnh Hà Nội”.

Giải pháp nào để phát huy giá trị?

Tùy từng lĩnh vực của VHNT, mà các giải pháp đặc thù cũng được các đại biểu tập trung nhấn mạnh. PGS.TS Trần Trí Trắc bày tỏ niềm mong ước sân khấu Hà Nội có thêm nhiều vở về cuộc sống hôm nay - cuộc sống đổi mới trong cơ chế thị trường, định hướng XHCN, hội nhập quốc tế. Nói cách khác đó là sự nhập cuộc của nghệ sĩ vào cuộc sống mới để có tác phẩm mang âm hưởng của thời đại.

Nhà thơ Trần Quang Quý - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng rất cần những chính sách, cơ chế đầu tư khuyến khích như tạo điều kiện để các nhà văn tham gia nhiều hoạt động của Thành phố; có chính sách đầu tư chiều sâu, đặt hàng tác phẩm trong các thời kỳ; nâng cao giá trị các giải thưởng sức khuyến khích các nhà văn tham gia các cuộc thi văn học Thủ đô như Hải Phòng và một số tỉnh đã làm…; đặc biệt là việc tập hợp, bồi dưỡng về phẩm chất và chuyên môn nghề, khích lệ các nhà văn trẻ. 

Theo nhà văn Thái Kế Toại, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ từ quan niệm, tư duy về vai trò của điện ảnh đối với đời sống đô thị Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế; cần đầu tư cho hạ tầng cơ sở vật chất điện ảnh Hà Nội, cho các sáng tác điện ảnh về Hà Nội, các nghệ sĩ điện ảnh đang sống và làm việc tại Hà Nội. “Trước hết cần phải đầu tư cho một hãng phim của Hà Nội có đủ sức lực tầm vóc quy tụ, xây dựng kế hoạch, phối hợp, động viên các đơn vị điện ảnh Trung ương và các ngành quân đội, công an thực hiện các ý tưởng sáng tác về Hà Nội. Bên cạnh đó cũng cần đầu tư tích cực hơn nữa cho các đề tài điện ảnh về Hà Nội từ khâu kịch bản đến việc động viên khuyến khích những tác phẩm có thành công về đề tài Hà Nội. Thành phố cần chỉ đạo mối quan hệ hợp tác tốt hơn giữa các đơn vị sản xuất phim và Đài PTTH Hà Nội như phối hợp sử dụng kịch bản và phim điện ảnh để tăng cường chất lượng phát sóng hoặc huy động chất xám của các nghệ sĩ điện ảnh trong nội bộ Hội Điện ảnh Hà Nội” - nhà văn Thái Kế Toại đề nghị.

Với hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa vốn trông cậy rất nhiều vào khả năng sáng tạo của các cá nhân và nguồn kinh phí xã hội hóa, vấn đề đặt ra cho VHNT là khó khăn trong việc tìm các mạnh thường quân và ứng dụng thành tựu công nghệ một cách hiệu quả... Đây cũng là điều mà NSND Trần Quốc Chiêm trăn trở. 

Chặng đường 10 năm đã đi qua, nhìn nhận lại những thành tựu cũng như những hạn chế của VHNT Thủ đô cũng là để chuẩn bị cho một hành trình mới. Sau cuộc tọa đàm này, những ý kiến, tham luận của các văn nghệ sĩ cũng sẽ được BCH Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tập hợp để đề xuất, kiến nghị với UBND Thành phố Hà Nội và các cấp các ngành liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho văn học nghệ thuật, cho văn nghệ sĩ để họ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa con người Thủ đô, có thêm nhiều tác phẩm xứng tầm… 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức văn hóa Kinh Kỳ qua tranh truyện Hàng Trống
    Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo của đất và người Kinh kỳ xưa.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Hà Nội xử phạt người bán hàng rong bán túi táo nhỏ giá 200.000 đồng cho du khách nước ngoài
    UBND phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) đã xử phạt người bán hàng rong liên quan tới sự việc 'chặt chém' 200.000 đồng một túi táo nhỏ đối với hai du khách Tây.
  • Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ngành công nghiệp và trí tuệ nhân tạo
    Chiều 18/3/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta công bố chương trình “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”.
Đừng bỏ lỡ
Văn học Nghệ thuật Thủ đô: 10 năm sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO