Văn học thời kỳ Đại Cồ Việt và tinh thần lập quốc, khai quốc

Nguyễn Hữu Sơn| 17/05/2018 09:39

Ngay dưới thời phong kiến, các bộ sách sử và thư tịch quan trọng như Thiền uyển tập anh, Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư đều ghi nhận sự hiện diện chính thể nhà nước Đại Cồ Việt tồn tại trong suốt 86 năm (968 - 1054), trải qua ba triều đại (Đinh, Tiền Lê và một phần thời Lý) gắn với bảy đời vua (Đinh Tiên Hoàng, Đinh Phế Đế (968 - 990) - Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Ngọa Triều (980 - 1009) - Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông (1009 - 1054)…

Ở đây cần suy nghĩ thêm về sự cắc cớ, định hình, gián đoạn rồi chuyển động, tiếp nối, phát triển của chính thể nhà nước gắn với quốc hiệu Đại Cồ Việt trên hầu hết các dấu mốc lịch sử trọng đại, trên cả hai trục thời gian và không gian: xưng đế và khẳng định quyền độc lập dân tộc, dời đô và xác lập kinh đô mới, thay đổi ba triều đại và bảy đời vua cho một quốc hiệu, vừa bao trọn hai triều đại Đinh – Tiền Lê vừa lấn sang hai triều vua đầu thời Lý, vừa hiện diện trong cách hình dung “Thế kỷ X – Những vấn đề lịch sử” (Khúc, Ngô, Đinh – Tiền Lê) vừa phân khúc theo qui ước Đinh – Tiền Lê… Rút cuộc, toàn cảnh chính thể nhà nước gắn với quốc hiệu Đại Cồ Việt được GS. Trần Quốc Vượng nhấn mạnh trong tương quan không – thời gian Hoa Lư – thế kỷ X (Đinh – Tiền Lê) và Thăng Long – thế kỷ XI (Lý)…

Văn học thời kỳ Đại Cồ Việt và tinh thần lập quốc, khai quốc
Tinh thần lập quốc, khai quốc được phát huy trong tác phẩm Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ (974 - 1028)
Đặt trong mối quan hệ liên ngành lịch sử - văn hóa, việc duy danh “văn học thời kỳ Đại Cồ Việt” chính là để chỉ nền văn học trải suốt 86 năm (968-1054). Sau cả ngàn năm Bắc thuộc và tròn 30 năm khởi động, đây là thời kỳ văn học phát triển trong xu thế độc lập dân tộc, vừa xác lập nền móng vừa tạo lập những sắc thái riêng được định danh bằng “nền văn học mở đầu những truyền thống lớn của văn học viết”, “nền văn học nhân bản Phật giáo”, “Tam giáo đồng nguyên”... 

Với một tiêu chí không quá khắt khe, sự định vị tác giả văn học thời kỳ Đại Cồ Việt dừng lại ở khả năng sáng tác một số câu thơ, một bài thơ, một đoạn văn, một lời đối thoại cho đến vài bốn bài thơ. Có thể kể đến các tác giả tiêu biểu: Đỗ Pháp Thuận (915 - 990), Khuông Việt Ngô Chân Lưu (933 - 1011), Định Hương (? - 1050), Nguyễn Vạn Hạnh (? - 1018), Lý Thái Tổ (974 - 1028), Viên Chiếu (999 - 1090), Lý Thái Tông (1000 - 1054)…

Tinh thần lập quốc, khai quốc

Chủ đề nổi bật trên hết, trước hết của văn học thời kỳ Đại Cồ Việt là tinh thần lập quốc, khai quốc. Vượt qua các giai đoạn bản lề của việc nhấn mạnh vai trò phiên thuộc tiết độ sứ và xưng vương đã tiến đến xưng đế và khẳng định nước Nam, trời Nam, “Nam thiên”, “Nam quốc”, “các đế nhất phương”.

Khi được vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước ngắn dài, Đỗ Pháp Thuận (915 - 990) đã trả lời bằng một bài thơ ngũ ngôn:

Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.

(Vận nước như mây quấn,
Trời Nam giữ thái bình.
Vô vi nơi điện các,
Chốn chốn dứt đao binh)

Có thể nói bài thơ Vận nước được viết bằng chữ Hán theo thể ngũ ngôn tuyệt cú Đường luật chỉ có 20 chữ, hết sức súc tích, ngắn gọn nhưng đã bộc lộ đầy đủ tình cảm, ý thức trách nhiệm của sư Pháp Thuận trước nhà vua và hiện tình đất nước. Câu kết của bài thơ Chốn chốn dứt đao binh thực chất cũng chính là câu trả lời cho vấn đề "vận nước", khẳng định cơ sở vững bền của vận nước trước sau cũng phải dựa trên nền tảng hòa bình, ổn định, thống nhất đất nước. Bài thơ mang tính chính luận mà vẫn có sức sống lâu bền chính bởi đã đề cập đến vấn đề lớn lao của cả một dân tộc, khơi gợi hứng thú và mối quan tâm cho mọi người dân nước Việt.

Văn học thời kỳ Đại Cồ Việt và tinh thần lập quốc, khai quốc
Xu thế nhập thế và xuất thế được hiện diện và góp phần làm nên giá trị nội dung căn bản của nền văn học thời kỳ Đại Cồ Việt.
Tiếp nối dòng thơ dấn thân nhập thế là bài từ Vương lang qui (Chàng Vương trở về) trong cuộc xướng họa thi ca với sứ giả nhà Tống Lý Giác của Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu (933-1011), diễn ra năm 987. Đến nay đã có nhiều tiểu luận tìm hiểu văn bản và phân tích nội dung tư tưởng của bài từ này. Trên phương diện tâm thế sáng tạo, chúng tôi cho rằng lời lẽ bài từ không hẳn là "mềm yếu, quá nhún nhường" mà thiên về cách đánh giá của Phan Huy Chú: "Nhà Tiền Lê tiếp đãi sứ nhà Tống, tình ý và văn thơ rất là chu đáo. Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài mà quốc thể được thêm tôn trọng làm cho người Bắc phải khuất phục"…

Có thể nói tinh thần lập quốc, khai quốc tiếp tục được phát huy, khẳng định trong việc xác lập quyền độc lập, tự chủ và từng bước xây dựng, kiến tạo thể chế vương triều và nền tảng kinh tế, xã hội riêng. Điều này thể hiện rõ qua tác phẩm Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ (974 - 1028) với kế hoạch dời đô, xác lập kinh đô mới. Từ bài học kinh nghiệm trong quá khứ, vua Lý Thái Tổ có được tầm nhìn toàn diện, tổng hợp về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, giao thông... để chọn đất định đô: “Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”… Rõ ràng đây là sự phân tích thấu đáo, suy xét thận trọng, đối sánh cả với quá khứ, hiện tại và tương lai, từ đó xác định được địa điểm dựng đô tối ưu cho đất nước muôn đời con cháu...

Một hiện tượng khác nữa cần nhấn mạnh là vua Lý Thái Tông (1009 - 1054) dưới thời kỳ Đại Cồ Việt còn để lại khá nhiều bài văn chiếu với các tác phẩm tiêu biểu như Bình Nùng chiếu (Chiếu đánh dẹp họ Nùng), Đáp quần thần thỉnh tiến vị hiệu (Đáp lời quần thần xin dâng thêm tôn hiệu), Xá thuế chiếu (Chiếu xá thuế)… Trên tư cách vị hoàng đế, Lý Thái Tông đã bước đầu thể hiện mối quan tâm đến hình luật, xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền và mở rộng bờ cõi. 

Đề cao các biểu tượng văn hóa truyền thống 

Bên cạnh dòng mạch chủ đề lập quốc, khai quốc, văn học thời kỳ Đại Cồ Việt tiếp tục đề cao các biểu tượng văn hóa truyền thống, hệ thống huyền thoại dựng nước, giữ nước và phát huy tinh thần nhân bản Phật giáo. Điều này tạo nên sự phối hợp, giao thoa, đan xen, chuyển hóa linh động ngay với từng tác giả, từng thể loại đương thời cũng như ở tác phẩm được kết tập vào giai đoạn sau. Ở đây xin dẫn trường hợp thiền sư Vạn Hạnh (? - 1018). Bên cạnh những bài thơ sấm ký, Nguyễn Vạn Hạnh còn để lại một bài tứ tuyệt Thị đệ tử (Bảo đệ tử) đặc biệt sâu sắc, có thể xếp loại kiệt tác:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

(Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông)
(Ngô Tất Tố dịch)

Đến với bài thơ, trước hết cần đặt thi phẩm này trong toàn cảnh kiểu truyện tiểu sử  thiền sư, trong văn cảnh nhà sư làm ngay trước khi qua đời và tính chất một bài thơ - thi tụng - thơ Thiền - kệ thị tịch... Trên hết, đây là bài kệ do Vạn Hạnh đọc trước khi qui tịch và được Thiền sư giải thích rõ thêm về bản chất sự tồn tại cái bản  ngã "không lấy chỗ trụ mà trụ", "chẳng lấy chỗ vô trụ mà trụ"... Xét cho cùng, Phật giáo cũng chỉ là một cách nhìn, một cách hình dung về đời người và thế giới con người với tất cả những tham - sân - si - ái - ố - hỷ - nộ, bình đẳng cùng quan niệm và những cách giải thích khác nhau của tất cả các dòng phái triết học và tôn giáo khác trên cõi đời này. Theo Thiền sư Vạn Hạnh, khi còn có tấm thân và được làm một bóng chớp, làm một giọt sương treo trên đầu ngọn cỏ giữa cõi đời này, con người cần phải biết quí từng phút từng giây. Thời gian rồi sẽ qua đi, đối diện với mọi lẽ thịnh suy, con người càng cần biết làm chủ chính mình, đạt đến "nhậm vận", an nhiên tự tại trước mọi thăng trầm thế sự. Sống một ngày là lãi một ngày. Sống một ngày là thêm niềm vui và hạnh phúc cho chính mình và cho cõi người. Có thể đó là thông điệp Thiền sư Vạn Hạnh gửi đến mọi chúng sinh trên cõi đời này...

Trên nền tảng chủ đề lập quốc, khai quốc, cả hai xu thế - tâm thế - ngã rẽ hướng về thực tại và tâm linh, cộng đồng và cá nhân, nhập thế và xuất thế đều đã hiện diện sâu sắc và làm nên giá trị nội dung căn bản của nền văn học thời kỳ Đại Cồ Việt. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Văn học thời kỳ Đại Cồ Việt và tinh thần lập quốc, khai quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO