Văn Ký - Người nhạc sĩ còn mãi với thời gian

Diệu Ân| 11/11/2020 17:06

Văn Ký - Người nhạc sĩ còn mãi với thời gian
Nhạc sĩ Văn Ký

1. Nhạc sĩ Văn Ký sinh năm 1928 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nhà đông anh em nên khi Văn Ký lớn hơn một chút bà nội đã đón cậu vào huyện Hà Trung, Thanh Hóa ở cùng. Những năm tháng tuổi thơ được đắm mình trong màu xanh của thiên nhiên, của cánh đồng, rừng cây, thảm cỏ đã thấm vào tâm hồn, trở thành những ký ức tươi đẹp để rồi sau này đã trở thành chất liệu cho những sáng tác của Văn Ký như một lẽ tự nhiên. 

Năm Văn Ký 15 tuổi, ông lại được chú ruột là Vũ Văn Đàm đón vào huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa nuôi và cho đi học. Là người thích sách nên chú thường nhờ Văn Ký đọc cho mình nghe. Chú có rất nhiều sách báo tiến bộ của Pháp, rồi cả những bộ truyện dã sử của Trung Quốc. Chính công việc này đã trang bị những kiến thức đầu đời cho Văn Ký, tạo cho ông thói quen thích đọc sách từ nhỏ.

Nhạc sĩ Văn Ký kể lại, hồi ấy chú Đàm còn giao cho ông đem sách báo ra chợ Nông Cống bán dạo. Một hôm, có một người đàn ông trung niên mua sách báo xong liền bắt quen và mời cậu vào quán uống nước. Văn Ký hào hứng nhận lời, và hôm đó cậu đã được nghe rất nhiều câu chuyện về lòng yêu nước về trách nhiệm của người thanh niên phải bảo vệ đất nước. Những lần sau Văn Ký ra chợ đều gặp và người đàn ông ấy còn đưa cho Văn Ký đọc nhiều tài liệu tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh, những tờ báo cách mạng bí mật. Sau này khi đã thân thiết, người đàn ông đó nhờ Văn Ký tập hợp thanh niên trong địa phương để lập tổ Việt Minh ở thị trấn Nông Cống và giao cho ông làm tổ trưởng.

Tham gia phong trào Việt Minh từ khi 15 tuổi, bị địch bắt, tra tấn rất dã man nhưng Văn Ký vẫn một lòng trung thành bảo vệ tổ chức. Ra tù, ở tuổi 18 Văn Ký đã được kết nạp Đảng và được giao làm huyện đội trưởng huyện Nông Cống khi mới tròn 20 tuổi. 

2. Năm 1948, Văn Ký được bổ sung vào Trung đoàn 77 của Thanh Hóa. Ông được đích thân Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị Trung đoàn cử đi học lớp Văn hóa Văn nghệ ở Liên khu IV bởi ngay từ khi làm chỉ huy du kích ở huyện Nông Cống chàng thanh niên Văn Ký không chỉ được biết đến với tài huấn luyện giỏi mà còn là một cây văn nghệ có tiếng. Với Văn Ký, đây là một sự khởi đầu cho ông bước tiếp vào cuộc đời người cán bộ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Nhạc sĩ Văn Ký chia sẻ, người thầy dạy âm nhạc đầu tiên cho ông là nhạc sĩ Lê Yên và nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Những nốt nhạc guitar đầu tiên Văn Ký được học cũng là nhờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương chỉ dạy.

Tốt nghiệp khóa học, Văn Ký được đưa về đơn vị văn nghệ khu IV (cơ quan đóng quân ở Nghệ An). Ngay sau đó ông được cử đi vào Bình Trị Thiên công tác cùng với nhạc sĩ Minh Hiến và Hải Châu. Trong suốt những ngày tháng ở Bình Trị Thiên, họ vừa tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng vừa sáng tác biểu diễn qua các vùng địch hậu. Chỉ có ba anh em biểu diễn cả một đêm, hết biểu diễn, liên lạc lại đưa đến một vùng đất khác. Thời kỳ này Văn Ký có sáng tác bài “Bình Trị Thiên quân khởi” được nhân dân đặc biệt ưa thích vỗ tay nhiệt liệt và truyền miệng hát. Tiếp đó ông còn cho ra đời nhiều bài hát cổ động nhân dân như: “Tình hậu phương”, “Dân công lên đường”, “Lời mẹ già”.

Năm 1953, Văn Ký được rút về Hội Văn nghệ Liên khu IV. Ông theo sát các đoàn dân công để sáng tác và biểu diễn, cổ vũ đoàn người trùng điệp. Bài ca của ông đã được hàng ngàn người đón nhận. Ông mượn nhịp điệu của dân ca mà “hò dô” như kéo đoàn người đi lên, thổi vào họ niềm say mê, tin tưởng vào cách mạng. Năm 1954, ông được trưởng đoàn Ca múa nhạc khu IV cử đi dự Đại hội văn công toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. 2 tiết mục (nhạc cảnh “Dân công lên đường” và nhạc cảnh “Lúa thoái tô”) tại hội diễn của đoàn được đánh giá cao và nhận được giải thưởng của ban tổ chức. Và tài năng của Văn Ký đã lọt vào “mắt xanh” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát lúc đó là Trưởng Ban tổ chức trù bị Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông đã trao đổi với Trần Hữu Thung - Chủ tịch Hội Văn nghệ khu IV để xin Văn Ký về Hà Nội tham gia Ban trù bị thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Văn Ký về Hà Nội năm 1954 và cuộc đời sáng tác của ông từ đây gắn với Hà Nội. Cũng năm đó, tại Đại hội của Hội Nhạc sĩ  Việt Nam lần thứ nhất, nhạc sĩ Văn Ký được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng với các nhạc sĩ tên tuổi như: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Trần Hoàn, Nguyễn Đức Toàn... Gắn bó với Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ ngày đầu thành lập, Văn Ký là người có đóng góp không nhỏ cho Hội cả trong vấn đề tổ chức cũng như thúc đẩy hoạt động sáng tác. 

3. Hơn 70 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Văn Ký đã có trên 400 tác phẩm gồm cả ca khúc, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng... Ông đã vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001), Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huy chương khác. Nói đến nhạc sĩ Văn Ký không thể không nhắc đến những ca khúc đã đi cùng năm tháng như: “Bài ca hi vọng”, “Nha Trang mùa thu lại về”, “Tây Nguyên bất khuất”, “Trời Hà Nội xanh”, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”.  “Bài ca hi vọng” được ông sáng tác năm 1958 cho đến nay vẫn nằm lòng trong trái tim công chúng. Ông kể, khi sáng tác bài này xong ông hát cho vợ mình nghe, vợ ông nhận xét bài hát hay, hợp tình với bà con miền Nam. Nhưng khi ông mang bản nhạc đến Nhà xuất bản Âm nhạc thì Ban biên tập lại yêu cầu sửa lại vì cho rằng bài hát lãng mạn quá không phù hợp với giai đoạn cách mạng lúc đó. Văn Ký bảo ông không thể sửa được nốt nào rồi mang bản nhạc về sau đó gửi cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Giám đốc của Đài là Trần Lâm sau khi hội ý với nhạc sĩ Phạm Tuyên lúc đó là Trưởng ban Âm nhạc của Đài đã đồng ý và giao cho Văn Ký là người trực tiếp dàn dựng. 

Khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi “Bài ca hi vọng” với phần thể hiện của ca sĩ Khánh Vân - một giọng ca rất trong sáng và khá nổi trội thời đó, Văn Ký hết sức xúc động. Cũng bởi lẽ qua bài hát ông đã gửi được lời tự sự chân thành, gửi được niềm hi vọng, niềm tin tất thắng đến với mọi người. Bài hát đã xuyên qua song sắt vào tận nhà tù đế quốc, rất nhiều các chiến sĩ cộng sản đã cùng hát lên niềm hi vọng, đốt cháy lên niềm tin ở Đảng, tin vào Bác Hồ, tin vào chính mình. 

Với riêng Hà Nội, dù sáng tác của Văn Ký không nhiều nhưng ông cũng rất thành công với hai ca khúc “Trời Hà Nội xanh” và “Hà Nội mùa xuân”. Ông từng tâm sự, ông đã phải dồn nén cảm xúc rất lâu, để cho tâm hồn thật sự sâu lắng, thăng hoa rồi mới viết những ca khúc này. Trong bài “Trời Hà Nội xanh”, Văn Ký đã đánh động vào trái tim người Hà Nội:

...Ta chưa quên những 
ngày đêm mịt mù bão lửa
Đêm pháo hoa anh lại gặp em
Trời Điện Biên, 
Hà Nội chiến thắng...

Văn Ký cũng khéo léo lồng vào bài hát những điểm rất Hà Nội đó là “hồ Gươm xanh soi bóng nước sông Hồng” và “hoa đào Hà Nội”. Lời ca nghe mãi vẫn không chán nhất là những người Hà Nội đi xa, càng nghe càng nhớ, càng thêm yêu Hà Nội. Ca khúc “Trời Hà Nội xanh” đã được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt 1, giải thưởng Hồ Gươm - Hà Nội và đã được Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội sử dụng nhiều năm như đài hiệu chính thức.

Đề tài sáng tác của Văn Ký khá đa dạng và đều được bắt nguồn từ cuộc sống, chiến đấu, sản xuất của nhân dân. Ông sử dụng nhiều thể loại khác nhau, thế mạnh của ông là ca khúc và đỉnh cao của ông là “Tổ khúc  K’ Nhi” loại hình âm nhạc giao hưởng được thế giới công nhận. Tuy Văn Ký sáng tác nhanh, nhiều nhưng không mang tính thời vụ. Ông có tầm nhìn xa, khả năng khái quát, điển hình hóa cao vì vậy ca khúc của ông “đọ sức” được với thời gian, sống mãi cùng năm tháng.

Có thể nói cả đời gắn bó với âm nhạc, phần thưởng quý giá nhất đối với Văn Ký đó là những tác phẩm của ông đi được vào lòng công chúng. Cũng có lúc ông thốt lên: “Bà Trầm (vợ của nhạc sĩ Văn Ký) lấy tôi khổ quá vì tôi ít thời gian dành cho gia đình”. Nhưng nếu ông quá để tâm vào cơm áo gạo, tiền thì làm sao có thể sáng tác!

4. Không chỉ là một nhạc sĩ tài năng mà Văn Ký là một con người rất khiêm nhường, đức độ và nhân hậu. Ông sống dung dị hòa đồng, đặc biệt ông có tính hay “cho qua” những gì không đáng nhớ. Giới văn nghệ sĩ miền Nam “mê” Văn Ký vì ông là người hiểu họ, trân trọng và biết phát huy tài năng của họ. Các bạn Việt Kiều cũng “phải lòng” Văn Ký vì nghe ca khúc của ông thấy hiện lên bóng dáng quê hương. 

Nhắc đến Văn Ký, tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng được làm việc cùng ông trong CLB Hỗ trợ tài năng văn học nghệ thuật (gọi tắt là LAAP) ở Hà Nội do nhà thơ Thúy Bắc làm chủ nhiệm. CLB quy tụ nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo… thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu với các tác giả trẻ với các nhà thơ, nhà văn tên tuổi. Ngoài công việc, nhạc sĩ Văn Ký còn hướng dẫn cho các hội viên câu lạc bộ tập yoga. Ông rất vui vẻ, thân thiện, hòa đồng và cũng rất lạc quan. Có nhiều lần chúng tôi đùa vui: “Anh Văn Ký ơi, năm nay anh bao nhiêu tuổi rồi?”, ông lại hóm hỉnh: “Anh làm gì có tuổi”.

Tết vừa rồi, tôi và nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng đến thăm ông, lão nghệ sĩ vẫn vui vẻ chuyện trò, ông còn phổ nhạc 2 bài thơ của Hoàng Kim Đáng. Cứ nghĩ sẽ còn có nhiều lần được gặp ông; cứ nghĩ ông sẽ còn có ngày được bước lên sân khấu để đón nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (Giải thưởng mà giới chuyên môn đánh giá Văn Ký rất xứng đáng được trao tặng), thì ngày 26/10 tôi bất ngờ nghe nhạc sĩ Phạm Tuyên báo tin ông mất. Thật bùi ngùi xiết bao. Văn Ký lìa xa cõi tạm ở tuổi xưa nay hiếm (92 tuổi), nhưng đã để lại bao tiếc thương trong lòng người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và công chúng yêu nhạc. Ông ra đi nhưng tác phẩm của ông thì vẫn trường tồn như sức sống của “Bài ca hi vọng”…
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Văn Ký - Người nhạc sĩ còn mãi với thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO