Vạn niên thanh

Nguyễn Xuân Hải| 04/10/2021 10:24

Tác phẩm tham gia Cuộc vận động sáng tác VHNT về lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH

Truyện ngắn:

                                     VẠN NIÊN THANH

                                           Tác giả: Nguyễn Xuân Hải

  Là xong cái áo, Thanh bước nhanh ra ngoài hiên chờ Tứ đến. Đang là giữa hè.  Đêm đã buông mà không khí bên ngoài vẫn nóng còn hầm hập. Thảng hoặc cũng có ngọn gió làm đung đưa mấy nhành lan và lẵng vạn niên thanh treo trước nhà. Giò lan là do An mang về sau một cuộc đổi chác với cậu bạn học. Còn lẵng vạn niên thanh là do Kim tặng cho hai chị em Thanh trước khi ra trường...

      Mấy tháng trước, bố mời Tứ đến nhà ăn cơm.Khi theo Thanh ra hiên, bị mấy ngọn vạn niên thanh quệt vào mặt, Tứ bảo: Ném “cái thứ cỏ rả” này đi. Anh hứa sẽ đầu tư cho em vài chậu lan đột biến thế chỗ! Tứ còn khoe bố anh ta là “tay to”, đang thu lãi lớn trong giới chơi lan đột biến ...

     Toàn bộ chuyện của Tứ và Thanh đã bị An, cậu em 11 tuổi đang ngồi học trong phòng nghe được. Tứ về rồi, An tuyên bố: Lẵng vạn niên thanh là của anh Kim tặng ,không thể ném đi được. Thanh chống chế: Nhưng thêm vài chậu lan treo trước cửa phòng,càng đẹp mà. Hồi đi rừng Cúc Phương, chị đã  mê mẩn vì vẻ đẹp của một khóm phi điệp đang trổ hoa trên cây chò chỉ... An  hạ giọng: Em cũng nhìn thấy mấy khóm lan rừng ở nhà thằng bạn do bố nó cõng từ tận nơi đóng quân về .Nó bảo: Lan rừng dễ chăm hơn lan đột biến. Nếu chị nhận lan của ông Tứ thì ở nhà mà chăm chứ em chịu...

   Vì sự phản đối ấy của An mà việc “đầu tư” lan của Tứ cho Thanh không thành. Nhưng rồi, một chiều An bỗng mang về một khóm phi điệp treo bên cạnh lẵng vạn niên thanh. An bảo là chiều theo ý thích của chị và cũng do lòng thơm thảo của thằng bạn thân .

     Trong khi Thanh còn đang vẩn vơ nhớ chuyện cũ  thì An từ dưới bếp lên. Nó đứng giữa phòng khịt khịt mũi rồi hỏi:

   -Chị vừa là quần áo  phải không?

   - Phải, nhưng tôi rút phích cắm bàn là ra khỏi ổ điện rồi “ông cảnh sát em” ạ.

   - Chị là quần áo đi với ông “lan đột biến” phải không?

  - Là do bố nhờ chị đến nhà Tứ để nhận một bản phụ lục hợp đồng gì đó thôi. Lát nữa ông ấy sẽ đến đón. “Cụ non” định phán xét gì đây?

  - Em không dám phán. Nhưng em không thích ông Tứ tí nào.

  -Thế trong số bạn trai của chị, em thích ai nhất.

  -Thích nhất vẫn là anh Kim.

  -Nhưng chị không thích thì sao?

  -Chị nói dối. em biết thừa là chị có thích. Chỉ vì sợ bố nên chị nói thế thôi...

   An nói đúng. Thực ra trong trái tim của Thanh, hình ảnh Kim vẫn có một chỗ rất riêng. Thanh gặp anh ở quán của mẹ vào một chiều thứ bẩy năm trước. Anh đi cùng một một đám sinh viên phòng cháy. Trường của họ cách nhàThanh vài trăm mét nên khách hàng chủ yếu của quán nhà vẫn là những tốp sinh viên như thế. Chiều ấy mẹ đi chợ, nhờ Thanh trông quán. Đám sinh viên gọi trà chanh. Từ những câu chuyện lan man của đám khách, Thanh lọc ra được những thông tin chính như sau: Họ vừa được tăng cường chữa cháy ở một khu rừng phòng hộ. Chuyện gian khổ, hiểm nguy họ chỉ đá đưa đôi chút còn hầu hết thời lượng là dành cho việc bình phẩm một cô sơn nữ xinh đẹp nào đó. Vãn chuyện, họ kết luận: Năm sau ra trường, thằng nào được phân về đội phòng cháy trên ấy cố tìm lại nàng, may ra...

    Đúng lúc đó An từ trên nhà chạy xuống. Nó chìa ra trước mặt Thanh một tờ giấy và nói: Chị giải giúp em bài toán.

  Thanh liếc nhanh đề toán rồi xua tay: Chị đang bận, để tối. An nằn nì: Cái phiếu học thêm cô cho còn bài văn tả cây phượng nữa. Sáng mai là hạn nộp rồi. Thanh gắt: Đã bảo để tối. Không nói nhiều!

   Nghe chị quát, An rớm nước mắt.

   Chuyện của chị em An được Kim theo dõi khá chăm chú. Nhìn vẻ tội nghiệp của An, Kim bảo nó: Em mang ra đây ,may ra anh giúp được.

   An nhìn Thanh dò ý rồi cầm đề toán ra đưa cho Kim. Kim lướt qua và nói:

   -Đây là dạng toán tỷ lệ. Em phải vẽ sơ đồ ra thế này.

   Vừa nói Kim vừa nhúng ngón tay vào cốc nước vạch sơ đồ lên bàn rồi đọc luôn kết quả. An suýt xoa: Anh siêu thế! Kim mỉm cười: Siêu gì đâu. Hồi trước anh từng giúp cô em gái nên nhớ thôi.

   Tối hôm ấy, trong bữa cơm An nói với mẹ về Kim.Mẹ nghe xong thì gợi ý: Con Thanh hay phải đi xa, hôm nào mẹ có lời nhờ anh Kim thỉnh thoảng ra kèm toán cho em. An vui ra mặt.

   Mấy tháng sau, Thanh đi thực tập xa về, đã nghe tiếng Kim giảng bài cho An ở trên nhà vọng xuống. Mẹ nói nhỏ: Cái thằng nom thế mà khi kể chuyện cũng hùng hồn ra phết. Hôm trước, sau buổi học, em An gạ kể chuyện công an bắt cướp. Kim bảo, chuyện bắt cướp người ta đã dựng cả trăm tập phim. Nhưng chuyện chiến đấu với giặc lửa cũng ly kỳ không kém. Em An nằn nì anh ấy kể. Anh ấy nghĩ một lát rồi tường thuật lại vụ máy bay Mỹ ném bom xuống kho xăng Đức Giang hè 1966. Nghe anh ấy kể chuyện mà mẹ đã bật khóc. Con biết không, cái ngày cháy kho xăng năm ấy bà ngoại mới sinh mẹ được một tháng trong khi ông ngoại đang là bộ đội cao xạ chốt trên cầu Long Biên săn máy bay Mỹ... Khi mẹ lớn, bà thường kể lại rằng, từ sân thượng nhà phía bên này sông, nhìn những cột lửa khổng lồ cuộn lên từ phía Đức Giang và một góc trời Gia Lâm đen kịt vì khói mà lòng bà nóng như lửa đốt. Lo cho ông, lo cho Thủ đô mình! Nhưng rồi ông ngoại con cũng trở về... Bà hỏi tin máy bay ném bom trúng cầu Long Biên. Ông ngoại lặng đi rồi nghẹn ngào: Quả bom rơi cách trận địa pháo 12ly7 của anh không xa. Một chiếc xe chữa cháy trên đường sang Đức Giang bị trúng bom. Hai chiến sỹ công an đã anh dũng hy sinh. Lúc ấy bà ngoại chưa thể biết hết ngọn ngành việc dập lửa cứu xăng diễn ra thế nào. Chỉ đến khi nghe Kim kể lại, mẹ mới hình dung được phần nào sự dũng cảm và tài trí của những người lính cứu hỏa. Mẹ không thể nhớ hết tình tiết và số liệu Kim dẫn ra mà chỉ nằm lòng con số 23 triệu trong số 25 triệu lít xăng trong các kho đã được bảo vệ an toàn. Rồi giọng mẹ chùng xuống: Nếu như 23 triệu lít xăng ấy bốc cháy thì Hà Nội mình sẽ thế nào ...

       Trong khi mẹ vàThanh đang trò chuyện thì Kim và An từ trên gác bước xuống. Nhìn thấy Thanh, An nhanh nhảu: Ban nãy anh Kim hỏi thăm chị đấy. Kim ấp úng: Là mấy lần ra đây không thấy Thanh, nên hỏi thôi mà. Thanh trêu: Ngoài ra không có ý gì khác, đúng không “thầy”? Kim không biết trả lời thế nào. An phải đỡ: Chị hỏi thế, ai mà trả lời được. Kim không nói gì, chỉ chào mọi người rồi về trường. An tỏ ý không vui.

   Tối hôm ấy, nó xét nét Thanh đủ điều. Trong khi Thanh đang ở trong phòng tắm, nó từ bếp lên càu nhàu: Chị lại quên tắt quạt rồi. Thanh nói vọng ra: Thì tắt giúp đi. Nó đáp: Không, phải để chị tự tắt cho mà nhớ .

    Tắm xong, ra ngoài, thấy An đứng ngoài hiên và quạt vẫn chạy, Thanh trêu: Hôm nay sao cậu em khắt khe với chị thế. Nó dõng dạc: Chị đã nhiều lần quên tắt quạt trước khi rời phòng rồi. Tốn tiền điện của mẹ chỉ là chuyện nhỏ. Nguy cơ dẫn đến cháy nhà mới là chuyện lớn. Thanh cười: Thôi đi ông cụ non. Quên tắt quạt thì làm sao cháy nhà được? An nói thật rành rọt: Có đấy, vào một đêm hè năm 1994, vụ cháy thiêu rụi toàn bộ chợ Đồng Xuân, nguyên nhân chỉ vì một chủ sạp hàng quên tắt một cái quạt... Thanh ngạc nhiên: Thật thế á? An đáp: Thật mà! Chính anh Kim mới kể cho em. Anh ấy còn tỏ ý lo cái cầu thang xuống tầng một bị mẹ để quá nhiều hàng, khi xảy ra cháy sẽ rất khó thoát hiểm. Thanh cau mày: Đúng là ông “lính lửa”. Nhìn đâu cũng thấy nguy cơ cháy. Mẹ nhà mình hơi bị mê tín. Biết được “cái lo”ấy của Kim chắc “cắt cầu” với ông ấy luôn. An chống chế: Nhưng em vẫn chưa nói điều này với mẹ. Chị cũng đừng nói nhá. Thanh nghĩ ngợi một lát rồi tiếp: Suy cho cùng anh ấy nói cũng đúng. Một số vụ hỏa hoạn dẫn đến chết người rất thương tâm chủ yếu vẫn là lối thoát hiểm. Rồi Thanh chốt: Cái chính là vì nhờ có Kim mà việc học toán của em tốt hẳn lên. Chị chấp nhận việc bảo vệ ông thầy này. Nhưng rồi An vẫn bắt chị gái phải xin lỗi Kim vì câu nói ban chiều. Thanh bàn: Xin lỗi vì một câu đùa thì vô duyên quá. Chi bằng, nhân chuyến đi thực tập tốt nghiệp vừa rồi, mấy bài của chị được đăng, có nhuận bút, sau buổi học tới, chị mời hai thầy trò đi Bờ Hồ ăn kem...

   Chẳng biết An nói những gì với Kim nhưng tối thứ bẩy tuần sau đó, anh nhận lời cùng chị em Thanh đi Bờ Hồ chơi. Khi hai chị em về đến nhà thì bố vừa từ công trình ghé nhà. Bố nghe mẹ nói kết quả học tập của An  thì tỏ ý phấn khởi lắm. Nhưng khi nghe nói An học toán của một sinh viên phòng cháy và hai chị em vừa đi chơi với anh ta về thì bố không nói gì nữa và lặng lẽ bỏ lên phòng... Hôm sau trước khi đi công trình xa, bố dặn:

  - Thằng An không học thêm nữa. Còn con Thanh cũng tập trung vào việc thi ra trường, không được đi chơi với ông “lính cháy” nữa. Nhớ đấy!

     Bố đi rồi, Thanh gặng hỏi mãi, mẹ mới thổ lộ: Năm trước bố gặp rắc rối với bên phòng cháy. Thực ra, lỗi không phải do bố thiết kế mà do bên thi công. Họ làm ẩu, cắt bớt cầu thang thoát hiểm một khu nhà.Mấy năm sau khu nhà xảy ra hỏa hoạn, có người chết, mấy ông thi công phải đi tù ,nhưng bố cũng bị gọi lên, gọi xuống vì liên đới...

   Tưởng chỉ dặn như thế là đủ, nào ngờ bố còn lo xa hơn. Một lần gặp Tứ  đến xin làm đại diện phân phối mấy sàn của tòa chung cư bố đang xây, thấy anh ta nói năng vừa tai, ngoại hình vừa mắt nên có ý “nhắm” cho Thanh. Rồi bố mời Tứ đến nhà ăn cơm. Tứ đến nhà, tiếp xúc với Thanh vài giờ đã “bện” luôn... Anh ta xin số điện thoại của Thanh và ngày nào cũng gọi đến. Thanh lọc ngay ra từ những lời tán tỉnh đà đưa củaTứ giả nhiều hơn thật nên không hề rung động .

   Nhưng từ sau khi Tứ đến nhà, những buổi gặp Kim của chị em Thanh cũng thưa dần. Lấy cớ vào năm học mới, mẹ bảo Kim không phải ra nhà kèm riêng cho An nữa. Nhưng với An, Kim không chỉ là thần tượng mà còn như người anh cả...

  Thấm thoắt, đã đến ngày Kim ra trường. Trước ngày đi nhận công tác ở một huyện ngoại thành, Kim ra nhà chào tạm biệt. Thanh đi công tác. Mẹ đi chợ. Chỉ có An ở nhà. Kim mang đến hai chiếc bình chữa cháy đã bọc kín và một lẵng vạn niên thanh do anh tự trồng tặng chị em An... Đi công tác về nghe An kể lại chuyện Kim tặng quà, Thanh bật cười và trêu: Mẹ mà biết ông Kim tặng bình chữa cháy, khéo “đốt vía” vài lần không chừng. An nghệt mặt ra rồi lí nhí: Anh ấy lo cho cả nhà mình, sao mẹ nỡ làm thế.Em sẽ dấu thật kín để mẹ không biết.

    Chuyện Kim tặng quà cũng đã qua gần một năm rồi Tháng trước, tình cờ Thanh có được một tờ báo đăng về một vụ chữa cháy rừng kèm minh họa là ảnh một người lính cảnh sát chữa cháy ngồi dựa lưng vào một gốc cây. Gương mặt của anh  đen nhẻm vì ám khói. Riêng đôi mắt và nụ cười của anh vẫn ánh lên vẻ điềm tĩnh lạ thường. Người phóng viên đã chú thích bức ảnh kèm bài viết là: “Gương mặt người chiến thắng giặc lửa”. Thanh mang tờ báo về và nói với An: Chị thấy người trong ảnh có vẻ giống anh Kim. An hân hoan: Cái miệng cười kiểu này, hàm răng trắng này, cả đôi mắt hiền hiền này, em đoán chắc là anh Kim. Rồi nó xin bằng được tờ báo ấy.

  Hôm nay, thấy Thanh chờ Tứ đến đón nó có vẻ buồn... Nó vặn hỏi vài câu rồi mân mê mấy nhành vạn niên thanh đang trổ ngọn. Dưới đường có chiếc tắc xi dừng bánh. Nhìn ba người từ tắc xi bước ra, nó thốt lên: Ơ, sao lại là thằng Lương bạn em nhỉ? Có cả mẹ và em gái nó nữa. Nói đoạn, nó nhảy chân sáo xuống đón khách. Thanh xem đồng hồ rồi vào thay quần áo xuống nhà...

   Mẹ con Lương đến là để tặng quà cho An. Như lời người mẹ “trình bày” mở đầu câu chuyện là: Suốt đời hai đứa con của chị phải mang ơn cứu mạng của An...

   Thì ra nhà của chị nằm kề bên ngôi nhà bị hỏa hoạn tối hôm trước mà báo chí đã đưa tin. Ngọn lửa đã làm một hai chết, hai người bị bỏng nặng và toàn bộ tài sản trong ngôi nhà bị thiêu rụi.Lửa từ ngôi nhà ấy cháy lan sang nhà chị trong lúc chị đi trực, chỉ có 2 anh em Lương ở nhà...

   Người mẹ kể những chi tiết rợn người về đám cháy qua tường thuật lại của bà con dân phố rồi nghẹn ngào: Nhờ có cháu An bày cách thoát hiểm khi có cháy và chiếc bình cứu hỏa cũng do cháu An cho mà hai con tôi thoát nạn, ngôi nhà của chúng tôi cũng cầm cự được cho đến khi lực lượng phòng cháy thành phố đến cứu thoát...

   Nghe chuyện của khách, mẹ vô cùng ngạc nhiên còn Thanh thì hiểu ngay ra. Cô hỏi An: Cách thoát hiểm khi có cháy là do anh Kim bày cho em đúng không? An lí nhí: Dạ, nhưng là mỗi khi học xong anh Kim mới bày. Thanh lại hỏi: Còn cái bình chữa cháy, anh Kim tặng chị, em mang cho bạn, đúng không? An cãi: Anh Kim nói tặng cả hai chị em nên một chiếc là của em. Chiếc của chị vẫn còn  ở gầm cầu thang. Lương chen ngang: Không phải cho mà là em đổi khóm lan lấy cái bình. Em gái Lương tiếp lời anh: Kèm hai cái kẹo mút nữa. Khi em mút kẹo, anh An bày cho anh Lương cách rút chốt, cầm bình, bấm nút dí vào lửa. Rồi anh An còn bắt em đi lấy khăn nhúng nước phủ lên đầu, lên mặt nữa... Tối hôm cháy nhà, chúng em cũng làm đúng như anh An bày cho...

   An nhìn mẹ Lương vẻ bối rối. Lát sau nó phân bua: Cô ơi, cháu không muốn nhà cô cháy đâu. Chỉ là một lần bạn Lương cho cháu ra hiên xem lan, thấy tàn tro đốt vàng mã từ nhà hàng xóm bay sang, cháu sợ nhà cô cháy, lại không muốn chị Thanh cháu nhận lan đột biến của ông Tứ  nên nghĩ ra việc đổi hòa thế thôi.

  Mẹ nghĩ ngợi một lát rồi nói với khách: Thì ra là thế! Nhưng theo ý tôi, cái ơn mà chị vừa nói chính là của bên phòng cháy chữa cháy và anh Kim mới đúng ...

  Trong khi khách và mẹ bàn tiếp chuyện cám ơn, Thanh xin phép lên nhà. Cô điện thoại hoãn cuộc hẹn với Tứ rồi ra hiên đứng. Những nhành vạn niên thanh vẫn đung đưa trong gió. Bất giác Thanh tự hỏi: Anh ấy tặng vạn niên thanh là có ý gì nhỉ? Rồi Thanh tự trả lời: Loài cây quen kham khổ, đầy sức sống và xanh đến vạn năm cơ mà...
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Giới thiệu gần 100 hiện vật, hình ảnh, tài liệu quý của văn hóa Đông Sơn
    Sáng 18/4/2024, tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Tiếng vọng”. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 2024 và kỷ niệm 100 năm nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam.
  • Chiến thắng Điện Biên phủ được tái hiện qua tranh cổ động
    Ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).
  • Di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển
    Sáng 17/4, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật...
  • Ra mắt Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp
    Chiều 17/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp đã làm lễ ra mắt và thông tin Báo cáo chỉ số khởi nghiệp quốc gia năm 2024.
  • Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ XI năm 2024
    Lễ hội năm nay có hơn 200 gian hàng, gồm: gian hàng bánh dân gian, gian hàng ẩm thực, gian hàng OCOP và đặc sản vùng miền. Đồng thời, Lễ hội thu hút hơn 100 nghệ nhân đến từ các vùng miền cả nước tham gia tranh tài và trình diễn làm các loại bánh dân gian.
Đừng bỏ lỡ
Vạn niên thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO