Vạn Phúc: An toàn khu năm xưa - làng du lịch hôm nay

NhípongHanoi| 19/08/2019 14:36

Làng lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) - làng nghề, làng du lịch nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, trước Cách mạng Tháng Tám từng là An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và hôm nay, làng cách mạng đang vững bước trong tiến trình phát triển với vai trò một điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội.

Góp phần không nhỏ cho cách mạng thắng lợi

Trước Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), Vạn Phúc đã được chọn làm An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ. Trong những năm 1939-1941, dù địch khủng bố gắt gao, Vạn Phúc đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ cơ quan của Xứ ủy, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng nh­ư: Nguyễn Văn Cừ, Tr­ường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt... Đến tháng 4-1943, Báo Cứu Quốc - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh chuyển về Vạn Phúc. Đặc biệt trong thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa (cuối tháng 7-1945), An toàn khu Vạn Phúc đư­ợc giao nhiệm vụ đón đoàn cán bộ trong toàn xứ tập trung ở địa phương để đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào, Tuyên Quang. Và, tối 17-8-1945, Xứ ủy Bắc kỳ đã họp khẩn cấp tại Vạn Phúc, quyết định khởi nghĩa giành chính quyền.

Vạn Phúc: An toàn khu năm xưa - làng du lịch hôm nay
Di tích “Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Vạn Phúc” - điểm tham quan thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Bá Hoạt

Theo lời kể của cụ Nguyễn Thực, cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, 93 tuổi ở khối Quyết Tiến (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) thì Vạn Phúc có vị trí địa lý thuận lợi, người dân giàu lòng yêu nước và có nghề dệt lụa phát triển. Hơn nữa, trong làng có nhiều thợ dệt từ các nơi đến làm thuê, khách đến mua hàng nên khi cán bộ cách mạng về hoạt động sẽ thuận lợi hơn... Và có thể nói: An toàn khu Vạn Phúc đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông, Hà Nội và cả Bắc kỳ.

Đặc biệt, năm 1946, người dân Vạn Phúc vinh dự đón Bác Hồ về ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Văn Dương. Tự hào được công tác tại Di tích "Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Vạn Phúc", chị Ngô Thị Minh Tâm cho biết: Bác Hồ ở đây từ ngày 3-12 đến 19-12-1946. Vào ngày 18 và 19-12-1946, Bác đã chủ trì hội nghị mở rộng của Ban Th­ường vụ Trung ương quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nư­ớc. Hội nghị đã thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Người khởi thảo.  

Làng nghề - làng du lịch 

Làng Vạn Phúc bây giờ đã trở thành phường, nhưng khung cảnh của làng quê cách mạng năm xưa vẫn vẹn nguyên với cây đa, mái đình, với những con người cần cù, hồn hậu. 

Ngôi nhà cụ Nguyễn Văn Dương từng đón Bác về ở và làm việc năm xưa được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Từ năm 2017, thành phố Hà Nội triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Khu di tích "Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Vạn Phúc". 18 hộ dân đã tự nguyện chuyển tới nơi ở mới phục vụ giải phóng mặt bằng, mở rộng di tích. Chùa Vạn Phúc và nhiều “địa chỉ đỏ”... cũng được Nhà nước gắn biển ghi danh địa điểm lưu niệm cơ sở cách mạng, cơ sở cách mạng kháng chiến…

Giàu truyền thống cách mạng lại có nghề dệt lụa phát triển cùng lịch sử, Vạn Phúc có thế mạnh riêng để vững bước phát triển cùng Thủ đô và đất nước. Gia đình bà Nguyễn Thị Hà (con gái cụ Nguyễn Văn Dương) vẫn duy trì nghề cha ông truyền lại. Xưởng dệt và cửa hàng Phúc Thành Silk của gia đình luôn rộn tiếng thoi đưa và khách đến giao dịch. “Người dân Vạn Phúc mãi mãi ghi nhớ lời Bác dạy. Mỗi thế hệ trong các gia đình đều phát huy truyền thống của làng cách mạng, làng nghề, xây dựng quê hương giàu mạnh”, bà Nguyễn Thị Hà tâm sự.

Theo Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Dự, hiện nay trên địa bàn phường còn hơn 100 hộ làm nghề dệt, mỗi năm sản xuất 1,2-1,5 triệu mét lụa các loại, doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài dệt lụa, nhiều gia đình còn có cửa hàng kinh doanh mặt hàng này. Mỗi năm, Vạn Phúc thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan, mua sắm…

Làng lụa - An toàn khu năm xưa, nay đã rõ nét một điểm du lịch có sức hút với du khách trong và ngoài nước. "Hiện nay, phường Vạn Phúc đang hình thành các tuyến phố đặc trưng, như: Phố lụa, phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh - đồ xưa... tạo nên một điểm du lịch làng nghề hấp dẫn. Vạn Phúc đang có nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển hướng mục tiêu dân giàu, phường mạnh, xứng đáng với truyền thống cách mạng son sắt của làng An toàn khu năm xưa”, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Dự tự hào chia sẻ.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Vạn Phúc: An toàn khu năm xưa - làng du lịch hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO