Về quê đón Tết

Hoàng Khánh Duy| 14/02/2021 08:32

Về quê đónTết
Minh họa của Nguyễn Văn Đức

Ngoài sân nắng ấm.

Bà Tư bên sông đem mứt ra phơi cho đặng nắng, thấy Duyên vẫn còn ngồi thừ lừ trong nhà, bà Tư í ới gọi sang:

- Duyên, nắng giòn giã, sao không đem mứt ra phơi cho kịp khô trước Tết?
Duyên giật mình ngó qua sông “dạ” một tiếng ngọt xớt. Bà Tư nói trổng:

- Con nhỏ này, Tết nhứt tới nơi mà hồn nó để đâu đâu á!

Năm nào bà Tư cũng làm đủ món mứt, toàn những thứ bà tự trồng rồi hái xuống làm mứt. Chuối chín đem ép phơi khô sên thành kẹo chuối nhìn đen đen chứ thơm ngon đáo để. Đu đủ vừa mỡ gà đã hái, trộn với thứ nước đường thơm sền sệt chờ nắng ráo. Mẻ mứt gừng bà Tư chế biến từ cái giồng gừng trồng ở sau nhà mấy bận con gà bới ra bà đứng mắng mà Duyên cười nắc nẻ. Mấy công thức làm mứt bà Tư chỉ lại cho Duyên, bà Tư nói: “Tết nhứt thì phải làm mứt, nó mới có không khí Tết, chạy đi chợ mua thì ngày nào không là Tết?”. Duyên cười. 

Duyên đã bưng mẻ mứt của mình ra đặt trên cái giàn, chỗ có thể hứng trọn vẹn ánh nắng mặt trời. Sắp xuân, nắng vàng ấm áp. Mấy loài cây quanh nhà, cả cỏ dại cũng tươi tốt như đang đón chờ năm mới. Chiều hôm qua chồng Duyên đổ xăng vào trong máy cắt cỏ mượn được của ông Tư, định bụng cắt hết mớ cỏ dưới mé sông cho quang đãng. Nhưng Duyên ngăn: 

- Tết nhứt mà mình, để cho bọn nó ăn Tết!

Chồng Duyên cười mỉm:

- Em thiệt cổ hủ.

Duyên nói khẽ:

- Tội chúng!

Anh cười trước sự thương cảm của Duyên đối với bọn cỏ cây hoa lá, chỉ có mai vàng là Duyên vặt lá, còn lại để dành cho chúng ăn Tết, cây cũng có hồn, cũng biết khát khao, Duyên nghĩ vậy. 

***
Nhà Duyên nhỏ xíu, vách lá, nằm bên bờ sông. Con sông này chảy ngang qua xóm, uốn cong, chảy thẳng, đủ kiểu. Trải qua bao lần nước ròng nước lớn, sông đã chứng kiến những vui buồn trong cuộc đời của Duyên, chứng kiến bé Lam lớn lên mỗi năm đều khoe quần áo mới và tuổi mới. Nhà Duyên nghèo, hồi Duyên mới sinh bé Lam không thể đi làm được, mọi gánh nặng đổ xuống bờ vai của chồng Duyên. Anh là trụ cột gia đình. Bằng tình yêu sắt son và giấc mơ về một ngày nào đó vợ chồng con cái sẽ được sống một cuộc sống ấm no sung túc, anh đã nỗ lực kiếm tiền nuôi Duyên và con. Trong xóm ai thuê làm gì anh cũng làm, thấy anh cực Duyên ngăn nhưng anh bảo: “Làm gì cũng được, miễn tử tế”. Đêm Duyên nằm úp mặt vào ngực anh khóc thút thít khi nhận ra bàn tay anh đầy những vết sẹo của lúa cắt trong những lần đi gặt lúa mướn, của nhành cây cào trong những lần đốn củi, kéo cây… Anh hôn nhẹ lên trán Duyên. Dù nghèo nhưng anh vẫn thương yêu Duyên bằng một tình yêu đầy lãng mạn. Anh khe khẽ:

- Bây giờ vợ chồng mình nghèo, nhưng đất này vẫn nuôi dưỡng vợ chồng con cái của mình. Anh tin vợ chồng bên nhau làm lụng nhất định sẽ khấm khá. Tết này nhất định anh sẽ đưa mẹ con em về thăm quê.

Duyên gật đầu nhẹ nhàng. Trong vòng tay anh, Duyên luôn thấy mình được chở che, ấp ủ. Hồi anh và Duyên mới về đây sinh sống Duyên đã có cảm giác đất này là quê hương thứ hai của mình. Và rồi đây đích thực là quê hương thứ hai của vợ chồng Duyên. Từ trên đất phù sa màu mỡ này, vợ chồng Duyên sinh ra đứa con đầu lòng bằng tình yêu thương thắm thiết. Bé Lam chập chững tập đi chân chạm vào mặt đất, đất truyền tình yêu để con bé lớn lên sống nhân hậu chan hòa. Nhưng dẫu sao thì trong sâu thẳm tâm hồn Duyên vẫn còn một miền quê nữa. Nơi đó cách xa chỗ Duyên đang sống, phải đi mấy ngày bằng tàu hỏa mới tới được. Nơi đó có kí ức tuổi thơ, có kỉ niệm thuở Duyên còn để tóc dài chấm lưng từng chiều ra bến sông gội đầu bằng bồ kết và rồi gặp anh gánh lúa đi qua, trò chuyện hẹn hò mà nên duyên chồng vợ. Đời quả thật có những điều mình không thể nào ngờ được như chuyện Duyên lấy anh làm chồng, như chuyện hai vợ chồng đang ở đất Bắc xa xôi lại chọn đất Nam làm nơi sinh sống và rồi gắn bó như một phần máu xương khó có thể tách rời.

Vì thế, về quê chính là ao ước của Duyên.

Duyên thủ thỉ với chồng:

- Tết này túng thiếu. Đầu năm hạn mặn, cuối năm mưa lũ. Chưa năm nào cơ cực như năm nay.

Nghe Duyên nói, anh lặng im trong chốc lát rồi thở dài:

- Để anh cố gắng! Vợ chồng mình sống chân thành lương thiện, mong trời thương. Lâu rồi vợ chồng mình không đưa bé Lam về thăm ông bà.

Duyên cảm nhận được sự túng quẫn của năm nay. Hồi đầu năm một đợt hạn mặn khiến đất đai khô cằn nứt nẻ, lúa má chết sạch. Giữa năm, dịch Covid-19 khiến cả nước điêu đứng, có hơn mấy tháng vợ chồng con cái Duyên quanh quẩn từ trong nhà ra ngoài ruộng. Mọi thứ xáo trộn. Mảnh đất vừa qua đợt hạn mặn chỉ trồng được đậu, cà, nhưng cũng héo hon. Cuối năm, mưa miền sông tầm tã. Mưa kéo dài suốt cả tháng trời, nước dâng lên ngập khỏi mặt đất, lúa úng hết. Một chiều Duyên ngồi trên bờ ruộng rớt nước mắt khi thấy lúa xanh tơi tả, cũng may nước rút sớm nên cuối năm mót lại cũng được vài ba bao lúa nhưng chẳng đâu vào đâu. 

Mấy năm trước vợ chồng Duyên có về quê một lần. Lúc đó bé Lam còn nhỏ xíu. Ông bà ngoài quê thương vợ chồng Duyên, khuyên con đừng lang bạt xứ người nữa mà về quê ở luôn, gần họ hàng dễ sống. Ban đầu Duyên cũng mủi lòng, nhưng đã lỡ chọn đất này làm chốn gửi thân thì sao mà nỡ bỏ đất cho đành. Đất là đất tình, đất nghĩa, là những điệu hò văng vẳng trong đêm trăng trên dòng sông nhỏ, là xóm làng ân tình cưu mang vợ chồng Duyên từ hồi hai vợ chồng mới dọn vào Nam. Biết là “lá rụng về cội”, nhưng đó là chuyện của sau này, còn bây giờ thì vợ chồng Duyên vẫn còn lưu luyến, yêu thương cái xứ muỗi mòng đỉa vắt này. Duyên muốn bé Lam sẽ được lớn lên từ đây, sẽ là đứa con của đất quê, của ruộng đồng, sẽ sống ân nghĩa ân tình như những người dân quê lam lũ.

***
Giờ thì Duyên nhớ quê, nhớ đến rã rời, nhất là khi những cánh mai vàng đã bắt đầu khoe sắc. Sắp Tết, những cánh chim thiên di từ phương Bắc bay về phương Nam trú rét. Duyên ngồi nhìn những cánh thiên di mà lòng nhớ phương Bắc xa xôi. Duyên ước mình là cánh chim trời, khi nào muốn về Bắc thì chỉ cần vỗ cánh. Mứt gừng Duyên làm năm nay sao đắng quá, chắc Duyên đã bỏ ít đường, Duyên cắn một miếng, nhăn mặt và rồi trộn thêm đường để tăng độ ngọt. Đã lâu rồi Duyên không mua áo mới, áo chồng Duyên cũng vá chằng vá đụp. Chỉ có bé Lam là xúng xính thử áo mới rồi tí tửng đi khoe với bà Tư, bà cười: “Năm nay khốn đốn thế này mày có áo mới là may mắn rồi đó con”.

Những số báo cuối năm đã về với nhà thông tin của xóm. Dĩ nhiên là về muộn, số báo đó đã ra cách đây hàng tháng trời. Chồng Duyên đi làm về ngang qua nhà thông tin ghé mượn tờ báo về đọc chơi, anh với Duyên thuở nhỏ đều có đi học nên biết chữ, nhất là Duyên, thỉnh thoảng Duyên vẫn làm thơ vu vơ, xong đưa cho bé Lam đánh vần. Con bé kháu khỉnh khen: “Mẹ làm thơ hay thiệt!”, đúng kiểu mẹ hát con khen hay. Đêm Duyên ngồi đọc báo sau khi sên xong mẻ mứt dừa lá dứa màu xanh. Hôm nay Duyên nấn ná đọc tới trang cuối cùng. Những số báo gần Tết, Tết hoặc sau Tết luôn là những số báo hấp dẫn nhất. Mắt Duyên sáng lên, ở trang cuối người ta đăng tin về một cuộc thi viết dành cho người lớn với nội dung: Anh/ chị hãy chia sẻ cảm xúc của một người con xa xứ khát khao về lại quê nhà đón xuân sang. Đúng tâm trạng của Duyên. Duyên lấy quyển tập của bé Lam rứt ra trang giữa, ngồi bên song cửa, nghe gió sông lồng lộng thổi vào, Duyên bắt đầu viết những dòng đầu tiên để kịp gửi đi dự thi vì hạn nộp chỉ còn mấy ngày nữa thôi. Cảm xúc ùa về, nỗi nhớ, nỗi khát khao và hình bóng quê hương thân yêu đã đọng lại thành từng dòng viết tràn đầy tình cảm. Duyên viết một mạch đến khuya thì xong. Sáng hôm sau, Duyên mang ra bưu điện xã bỏ bài viết vào trong bao thư gửi đi với một hy vọng mãnh liệt.

Trưa hôm đó, chồng Duyên trở về nhà, mặt anh hớn hở lạ thường. Vừa đến bến sông anh đã í ới gọi vợ:

- Em ơi, ra đây, nhanh lên!

Duyên đon đả chạy ra, theo sau là bé Lam:

- Chuyện gì vậy anh? Nay cá nhiều hả? Đâu, để em xẻ khô cho kịp.

- Không, chuyện khác vui hơn nhiều!

Anh lấy trong túi ra một chiếc phong bì đưa cho Duyên, bên ngoài phong bì đề mấy chữ: “Gửi Nguyễn Ngọc Duyên - thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi chia sẻ cảm xúc của người xa xứ”. Duyên run run mở phong bì ra. Trong phong bì là ba vé tàu khứ hồi từ Nam ra Bắc. Duyên vỡ òa ôm bé Lam, nước mắt Duyên bật ra thành từng dòng - giọt nước mắt của hạnh phúc. 

- Anh ơi, vậy là chúng mình được về quê ăn Tết rồi! Chúng mình được gặp lại người thân rồi!

Chồng Duyên nắm lấy tay vợ:

- Ừ! Vé tàu này cùng với số tiền anh đã dành dụm được trong suốt một năm qua, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để vợ chồng con cái mình có một cái Tết sung túc.

Duyên ngạc nhiên hỏi tiếp:

- Mình còn tiền dành dụm nữa hả anh?

- Còn chứ! Anh định cho em bất ngờ, nhưng sẵn đây thì anh nói luôn. Vui lên em nhé! Chúng mình sẽ được đón Tết trên quê hương thân yêu!

Duyên ngả đầu vào vai anh. Nếu không có bé Lam ở đó thì Duyên đã hôn lên má anh một cái thật sâu đậm để anh biết rằng Duyên cần anh như thế nào!

***
Đêm hôm ấy, vợ chồng Duyên và bé Lam dọn dẹp đồ đạc để về quê đón Tết. Những đêm cuối năm thường lạnh hơn, trong ngôi nhà nhỏ, vợ chồng con cái quây quần bên nhau lại thấy ấm áp vô cùng. Duyên lặng người đi trong chốc lát. Anh ngồi trên vạc xếp mấy thứ quà quê phương Nam mang ra Bắc biếu bà con: cá khô hứng nắng phương Nam giòn giã, gói mứt Duyên làm, hũ mắm thính và ba khía muối Duyên gói cẩn thận qua mấy lớp bọc nilon… tất cả đều mang tấm lòng của những người con phương Nam ra Bắc, là cả tâm tình, yêu thương và khát vọng trở về thăm nơi cắt rốn chôn nhau của vợ chồng Duyên.

Ngồi bên mẹ, tay vân vê chiếc áo mới sắm hôm theo mẹ đi chợ tỉnh, bé Lam lí nhí:

- Về quê xa không mẹ, đi mấy ngày mới tới?

Chắc con bé đã quên, vì hồi bé Lam được về quê lần đầu thì Lam còn bé xíu. Duyên nhìn con, vuốt mấy sợi tóc phất phơ trước vầng trán của con, nói khẽ:

- Xa lắm, ban đầu đi xe đò, sau đó đi tàu hỏa, cuối cùng là đi bộ - Duyên trêu - Chuẩn bị ngồi ê ẩm cả mông đó chứ háo hức nghen con!

Bé Lam hí hửng:

- Vui mà, con mong được về quê lâu lắm rồi!

- Ừ - Duyên đáp - Mẹ cũng vậy, quê là tất cả của mẹ!

Gió sông thổi vào trong nhà, gió mang theo hương xuân ngan ngát. Mùi Tết là một mùi gì đó rất riêng, không hẳn là mùi của bông mai, của mứt, của quần áo mới… mà là một mùi của mọi mùi hòa lẫn lại thơm tho lạ thường và khiến Duyên nhớ thương về một miền đất xa ngái trong hồi tưởng tươi đẹp.
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Về quê đón Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO