Vì em thương anh

Thu Đình| 27/02/2020 13:51

Sen… Sen! Hình như anh kia mới vào làm bảo vệ ở xí nghiệp may mình thì phải? Mà tao để ý, sao thấy anh ấy lúc nào cũng đeo khẩu trang?

Vì em thương anh
Minh họa của VŨ KHÁNH
- Sen… Sen! Hình như anh kia mới vào làm bảo vệ ở xí nghiệp may mình thì phải? Mà tao để ý, sao thấy anh ấy lúc nào cũng đeo khẩu trang?

- Chắc anh ấy muốn bảo vệ sức khỏe thôi Trang à! Sen xuề xòa.

- Chứ không phải anh ta sợ mọi người nhìn thấy khuôn mặt mình đẹp quá hả? Dáng người cao ráo thế kia mà. Hay là…! 

- Hay là sao…?

- Có khi nào khuôn mặt anh ấy bị dị tật gì không? Tao nghĩ những người đeo khẩu trang thường xuyên thế kia thường là tự ti, mặc cảm về khiếm khuyết cơ thể nào đó…

- Chỉ là phỏng đoán của mày thôi. Thôi, bọn mình về đi. 

- Để tôi dắt xe ra cho! Thấy Sen và Trang lóng ngóng tìm mọi cách lấy xe ra giữa những hàng xe sít sát nhau, Phong bước lại, niềm nở bảo.

- Dạ. Cảm ơn anh. Phiền anh… Trong khi Trang lấm lét nhìn Phong thì Sen lại vui vẻ. Cô thoải mái hỏi thăm Phong:

- Anh mới vào làm bảo vệ ở đây à?

- Vâng. Tôi… tôi mới bắt đầu công việc ở đây. Tôi tên Phong. Năm nay 25 tuổi. Còn hai cô?

- Em là Sen. Còn đây là Trang, bạn cùng phòng và cùng xí nghiệp may với em. Bọn em ít hơn anh 1 tuổi.

- À… ừ…! 

- Rất vui vì được làm quen với anh! Sen quay lại nói với một câu làm Phong  thấy rổn rảng trong lòng. Lâu lắm rồi, Phong mới có cảm giác vui như thế. Những ngày đầu tiên làm bảo vệ ở xí nghiệp may thế này là ổn. Phong nghĩ rồi bước tới từ từ kéo cánh cửa cổng lại sau khi người công nhân cuối cùng đã ra về. Anh yên tâm nghĩ rằng sẽ chẳng có ai nhìn thấy khuôn mặt xấu xí của mình nên nhẹ nhàng cởi chiếc khẩu trang đang đeo ra cho thoải mái. Cánh cổng chưa kịp đóng thì bỗng từ bên ngoài Sen hớt hải chạy vào:

- Chờ em một chút… Sen bất ngờ chạy vào khiến Phong luống cuống. Anh nhìn Sen rồi tức thì ngượng ngùng quay đi, giọng ấp úng:

- Em vào đi…! Sau phút bối rối, Sen vui vẻ trở lại:

- Dạ… em bỏ quên túi đồ ở nhà xe. Sen chạy vào một lát rồi chạy ra với túi ni lông màu trắng, bên trong là tất tay, khẩu trang, cái ví nhỏ và cả chùm chìa khóa phòng trọ. Thấy Phong đã đeo khẩu trang trở lại, Sen nhẹ nhàng:

- Có phải vì thế mà anh…

- Tôi… Biết Phong khó nói, Sen chào Phong rồi rảo bước ra phía Trang đang đứng chờ ngoài cổng. 

Suốt đoạn đường về nhà trọ, Sen vẫn không ngừng nghĩ về Phong, về gương mặt của anh. Môi trên hở sứt, hai cánh mũi bành rộng, xương mũi to bè, đầu mũi cụp xuống, hàm trên móm, xương cằm lẹm. Gương mặt với những khiếm khuyết ấy dễ khiến người mới gặp khó có chút cảm tình. Nhưng với Sen, đó là điều bình thường. Con người ta vốn chẳng mấy ai toàn 

thiện toàn mỹ. Được thứ này mất đi thứ khác. Dù mới gặp và nói chuyện với Phong dăm ba câu, Sen nhận ra ở Phong sự thiện lành đáng quý. Sen ngồi sau xe bạn chở, bao suy nghĩ mông lung về Phong cứ trôi đi trong im lặng. Sen không nói cho Trang biết điều bí mật của Phong vì nghĩ đó là chuyện cần giữ kín và có lẽ Phong cũng muốn thế. 

Phong ngồi thừ trong phòng bảo vệ, đôi mắt đăm chiêu nghĩ ngợi khiến khuôn mặt anh càng sụ xuống, trông đến tội nghiệp. Từ sau khoảnh khắc khuôn mặt mình bị người trong cơ quan nhìn thấy, lòng Phong lại ngập tràn xấu hổ, thẹn thùng. Cảm giác mặc cảm, tự ti lại được thể ùa về. Phong đưa tay lên sờ soạng khuôn mặt mình. Vẫn là khuôn mặt xấu xí ấy. Cả khuôn mặt bỗng xô lại, nhăn nhó. Phong vò đầu bứt tóc. Cảm giác đau khổ cứ thế gặm nhấm, choáng ngợp không thể nói thành lời.

Phong vốn sinh ra ở một làng quê nghèo, quanh năm ba mẹ chỉ làm bạn với cuốc cày, với rơm rạ, bùn đất. Ba mẹ Phong có hai người con. Chị gái đầu thì bình thường, còn Phong thì lại bị dị tật hở hàm ếch. Phong đã được vá môi hàm ếch trong một chương trình từ thiện khi mới 6 tháng tuổi nhưng kết quả chẳng được như mong muốn. Từ mẫu giáo lên tiểu học rồi đến cấp hai, Phong đều trở thành tâm điểm để các bạn đồng trang lứa chọc ghẹo, kỳ thị. Càng lớn, Phong càng sống khép mình và không muốn giao lưu với bất kỳ ai vì mặc cảm, tự ti. Thương con trai khiếm khuyết, ba mẹ Phong chỉ còn biết an ủi, động viên. 

Học hết lớp 9, Phong nghỉ học ở nhà phụ giúp ba mẹ làm nông. Mỗi khi ra khỏi nhà, Phong không quên đeo khẩu trang che kín vì sợ mọi người nhìn thấy sẽ xì xầm bàn tán, chê bai. Cuộc sống của Phong cứ thế trôi đi trong nỗi buồn tủi. Một ngày, Phong mạnh dạn nói với ba mẹ:

- Con sẽ lên thành phố xin việc làm.

- Nhưng… Giọng bà Dung, mẹ của Phong vừa nghe con nói đã sững sờ, lo lắng.

- Không sao mẹ ạ. Con lớn rồi. Với lại, người ta học cao, lành lặn thì làm việc lớn, việc khó. Còn con… con chỉ xin làm những công việc nhẹ, việc dễ, việc phù hợp với mình thôi. Chứ ở quê, cũng vất vả lắm! Phong trấn an mẹ bằng những suy nghĩ thành thật.

- Con nó nói đúng đấy mình ạ. Không thể vì sự khiếm khuyết của bản thân mà chán nản buông xuôi, đầu hàng số phận được. Phải mạnh mẽ như thế chứ! Ông Tùng nhìn vợ rồi nhìn con trai, đôi khóe mắt hạnh phúc đến rưng rưng. Thực ra, chưa khi nào Phong thôi nghĩ rằng mình bất hạnh. Chỉ có điều, Phong không muốn ba mẹ mãi suy nghĩ, mãi buồn vì mình. Thế nên, Phong quyết định lên thành phố. Nghĩ lại, Phong cũng không hiểu vì sao lúc ấy mình lại mạnh mẽ đến vậy.

- Anh Phong! Sen dúi vào tay Phong tờ giấy gấp tư trước khi rảo bước theo Trang vào xưởng may. Phong hết sức ngạc nhiên. Anh ngờ ngợ hình như Sen muốn nói điều gì đó thầm kín với mình. Chờ cho mọi người đã ổn định vào ca làm, Phong vào phòng trực và mở tờ giấy ra xem. Những nét chữ nắn nót, vuông vắn được ghi trên tờ giấy học sinh:

“Anh Phong! Em biết anh không tự tin khi vô tình để em thấy được khiếm khuyết trên gương mặt anh. Nhưng anh đừng ngại gì cả. Em không vì biết anh như thế mà xem thường anh. Mỗi người một vẻ. Huống hồ đó lại là dị tật bẩm sinh chẳng ai mong muốn. Bất kể khi nào cần tâm sự hay giúp đỡ gì, anh cứ nói em. Thế nhé anh! Em Sen”.

Sen có dáng người đậm và hơi thấp. Đổi lại, cô có gương mặt bầu bĩnh, trắng trẻo và dễ thương. Vì gia đình đông anh chị em nên Sen quyết định nghỉ học khi mới vừa học xong lớp 9 để lên thành phố làm công nhân may. Sen xởi lởi, dễ gần, sống rất tình cảm. Sen quen Trang từ khi cả hai vừa đặt chân lên thành phố,  cùng xin vào một xí nghiệp may. Cả hai ở chung phòng trọ và rất quý mến nhau. 

- Sen… chờ đã!

- Dạ… Sen quay lại, Phong liền đặt vào tay cô mảnh giấy học sinh cũng được gấp tư. Phong vẫn đội chiếc mũ phớt, khẩu trang vẫn đeo che kín miệng, nhưng Sen vẫn nhận ra vẻ bẽn lẽn, ngượng ngùng của anh. Sen mỉm cười, khẽ gật đầu nhìn Phong rồi tạm biệt anh ra về.

Sen bất ngờ và xúc động khi đọc được câu chuyện Phong kể liền mạch trên bốn mặt giấy kín mít chữ. Vì miệng hở hàm ếch mà từ khi còn là một đứa trẻ mẫu giáo, Phong đã bị bạn bè “bùm” chơi, đến khi học tiểu học cũng phải ngồi rúm ró cuối lớp. Có lần, Phong còn bị lũ bạn trêu chọc bằng cách đeo cái vành chậu sắt đã hỏng, xỉn màu đen đúa nhặt bên đường trong tràng cười hỉ hả của mọi người… Phong còn kể về ba mẹ, về ước mơ của chính mình. Điều khiến Sen trân trọng chính là ao ước cháy bỏng của Phong: “Em biết không, anh ước mình có một phép màu kỳ diệu. Đó là một sớm mai thức dậy, đứng trước gương, anh sẽ thấy khuôn mặt mình được như những người bình thường khác. Và anh sẽ không bao giờ phải đeo khẩu trang kín mít suốt ngày nữa. Anh biết đây chỉ là mơ ước xa vời và viển vông. Thực tình, với điều kiện và hoàn cảnh hiện tại, có lẽ sẽ chẳng bao giờ anh thực hiện được ước mơ ấy!”. Đọc đi đọc lại câu chuyện Phong kể, Sen lại ngồi nắn nót từng chữ trên trang giấy để đáp lời… Cứ thế, Phong và Sen dần hiểu nhau, chia sẻ với nhau, nhận ra tình cảm dành cho nhau qua những lá thư viết tay mỗi ngày. 

- Alo! Em là Sen phải không? Em là người đã gửi thư tay vào địa chỉ của tôi đúng không?

- Dạ… 

- Tôi là bác sĩ Bình đây! Tôi rất xúc động về câu chuyện của Phong trong bức thư em viết. Chúng tôi đã bàn bạc và đi đến quyết định sẽ gặp Phong. Chúng tôi sẽ phẫu thuật miễn phí để giúp Phong lấy lại gương mặt bình thường! Chủ nhật này, em và Phong hãy đến địa chỉ… để chúng ta cùng trao đổi một số vấn đề liên quan nhé!

- Dạ… dạ… Em cảm ơn bác sĩ… Cảm ơn bác sĩ rất nhiều ạ! Sen vỡ òa sung sướng vì sau khoảng thời gian dài chờ đợi thì lá thư cô viết cũng đến được tay bác sĩ Bình, người được biết đến là bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng có tâm, có tài. Qua những câu chuyện đẹp về ông được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua lời kể của nhiều người, Sen đã mạnh dạn thử viết một bức thư kể về chuyện của Phong gửi cho ông. Thế mà một phép màu thực sự đã đến với Phong.

Sen phải vận động, thuyết phục mãi Phong mới cùng mình đi gặp bác sĩ Bình. Câu chuyện của cả ba người kéo dài suốt buổi sáng chủ nhật với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Cuối cùng, Phong được xí nghiệp tạo điều kiện cho nghỉ một thời gian để tiến hành cuộc phẫu thuật.

- Sen… Sen… Có người muốn gặp mày! Nhanh lên… Nhanh lên! Trang hớn hở chạy vào phòng giục Sen ra trước cửa phòng trọ. Sen vội vàng bước ra. Trước mặt cô là một chàng trai cao ráo, khuôn mặt đẹp hài hòa cùng nụ cười tươi rói. Sen cứ thế ngờ ngợ nhìn người đang đứng trước mặt mình, vẻ bối rối.

- Sen… Là anh… Phong đây…!

- Anh… anh Phong! Anh… anh đã thay đổi thật rồi. Khuôn mặt của anh… Sen ngắm khuôn mặt của Phong và vô cùng ngạc nhiên vì nó đã được phẫu thuật lại lành lặn chẳng khác người bình thường. Sen mỉm cười nhìn Phong, nước mắt cô chực trào vì mừng cho anh. 

- Sen! Anh đã nghe bác sĩ Bình kể lại tất cả mọi chuyện. Nhờ có em mà anh mới được gặp một lương y như bác ấy. Nhờ có em mà một phép màu kì diệu đã đến với anh. Em…! Tại sao em lại…? Giọng Phong nghẹn lắng. Đôi bàn tay anh nắm chặt lấy tay Sen vẻ ngượng ngùng, run run xúc động. Để yên tay mình trong đôi tay ấm nồng của Phong, hai má Sen cứ thế ửng hồng. Rồi Sen bẽn lẽn nhìn Phong, mỉm cười khẽ nói:

- Vì em thương anh!
(0) Bình luận
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
  • Tin vào nắng
    Cuối giờ chiều, Diệp gọi cho cô về số máy cơ quan, vừa kịp “Alô” đã nghe đầu kia choe chóe: “Mày còn chết gí ở đấy à? Tuần sau tao cưới rồi, đang túi bụi đưa thiếp mời đây. Mày phải về từ hai hôm trước còn giúp các cụ tiếp khách ở nhà.” Diệp lúc nào cũng thế, cứ ào ào như đi đánh trận. Cầm tấm thiệp được thiết kế khá cầu kỳ, tên chú rể là Biền - không nằm trong số những người quen cũ.
  • Người anh trai bé nhỏ
    Câu chuyện này tôi được nghe kể từ người bác sĩ phẫu thuật từng có thời gian dài làm việc tại một bệnh viện của thị trấn nhỏ cách thành phố Pskov 100km. Câu chuyện đã làm cho tôi xúc động đến tận đáy lòng. Tôi sẽ cố gắng kể lại nó sao cho gần với nguyên gốc nhất.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức văn hóa Kinh Kỳ qua tranh truyện Hàng Trống
    Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo của đất và người Kinh kỳ xưa.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Hà Nội xử phạt người bán hàng rong bán túi táo nhỏ giá 200.000 đồng cho du khách nước ngoài
    UBND phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) đã xử phạt người bán hàng rong liên quan tới sự việc 'chặt chém' 200.000 đồng một túi táo nhỏ đối với hai du khách Tây.
  • Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ngành công nghiệp và trí tuệ nhân tạo
    Chiều 18/3/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta công bố chương trình “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”.
Đừng bỏ lỡ
Vì em thương anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO