Vụ lăng mộ bị đập phá: Xuất hiện nhóm đối tượng quăng xăng phóng hỏa khu vực tang lễ

Phụ Nữ News| 13/10/2019 07:56

Trong khi gia đình đang tổ chức tang lễ lần 02 cho mẹ tại vị trí lăng mộ bị đập phá tại Khu Ao cây Trôi, thôn Kim Hồ, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội, một nhóm đối tượng lạ xuất hiện nhổ cờ tang, quăng xăng phóng hỏa đốt khu vực đang diễn ra tang lễ

Quăng xăng phóng hỏa khu tang lễ

Sự việc chính quyền huyện Gia Lâm đưa người, máy xúc đập phá mồ mả, phá hoại tài sản của nhiều hộ dân liền kề tại Khu Ao cây Trôi, thôn Kim Hồ, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội không có trong quyết định cưỡng chế, thu giữ nhiều tài sản có giá trị vật chất, tinh thần… không lập biên bản đã được báo chí phản ánh, dư luận lên án.

Sau đó, gia đình đã làm đơn tố giác về hành vi có dấu hiệu xâm phạm mồ mả của UBND huyện Gia Lâm đồng thời tiến hành quây rào B40 quanh khu vực lăng mộ bị phá để bảo vệ hiện trường đồng thời treo cờ tang tiến hành tổ chức tang lễ lần thứ 02 cho cụ Lê Thị M. – người mẹ của công dân Hoàng Minh Tiến mới mất cách đây 8 tháng.

Ngày 30/9/2019 trong thời gian để tang, tổ chức tang lễ cho cụ Lê Thị M. một nhóm đối tượng lạ mặt đã xuất hiện gần hàng rào B40 khu vực lễ tang, một trong số người thuộc nhóm đối tượng đã có hành vi nhổ cờ tang. Khi bị người dân phát hiện và biết người dân đang ghi hình, nhóm đối tượng lạ đã dừng hành vi nhổ cờ tang và nhanh chóng rời khỏi hiện trường.

Vụ lăng mộ bị đập phá: Xuất hiện nhóm đối tượng quăng xăng phóng hỏa khu vực tang lễ

Nhóm đối tượng lạ có hành vi tiếp cận khu vực tang lễ để nhổ cờ tang (ảnh người dân cung cấp).

Hôm sau ngày 1/10/2019 vẫn trong thời gian tang lễ, nhóm đối tượng lạ tiếp tục xuất hiện gần vị trí hàng rào B40, một người “lạ” mặt đã lén lút đổ xăng vào khu vực gia đình đang tổ chức tang lễ bất ngờ châm lửa đốt cháy cờ tang và khu vực làm tang lễ lần 2 cho cụ Lê Thị M.

Vụ lăng mộ bị đập phá: Xuất hiện nhóm đối tượng quăng xăng phóng hỏa khu vực tang lễ

 Lửa cháy do đối tượng lạ mặt đổ xăng phóng hỏa khu vực diễn ra tang lễ của người dân (ảnh cắt từ Clip).

Vì xung quanh vị trí tổ chức tang lễ ngổn ngang nhiều vật liệu dễ bắt lửa nên chỉ trong phút chốc ngọn lửa đã nhanh chóng lan rộng đến khu vực hàng rào, đốt cháy cờ tang và bao trùm xung quanh khu vực diễn ra tang lễ khiến những người trong gia đình, những dân xung quanh hốt hoảng tìm cách khống chế ngọn lửa không để ngọn lửa tiếp tục lan rộng.

Một số gia đình gần khu vực đó không giấu khỏi sự sợ hãi, bàng hoàng kể lại cho biết khi đang ở trong nhà họ ngửi thầy mùi khói cháy và bất ngờ khi phát hiện ngọn lửa bùng cháy ngay phía sau nhà không rõ nguyên nhân. Ngay khi phát hiện và nhận thấy sự “hung hãn” từ ngọn lửa do người “lạ” mặt “mang tới”, nhiều hộ dân đã “bỏ của chạy lấy người” và nhanh chóng sơ tán trẻ em, người già ra khỏi khu vực đám cháy có thể lan tới để bảo vệ tính mạng. Rất may ngọn lửa đã được khống chế ngay sau đó và không có tổn thất về người, tài sản.

Ông Hoàng Minh Ph. – con trai cụ Lê Thị M. cho biết “Mẹ tôi – cụ Lê Thị M. mất mới đầy 8 tháng, mồ chưa yên mả chưa đẹp, xương cốt còn nguội lạnh thì ngày 18/9/2019 đã bị nhóm đối tượng lạ vào đập phá lăng mộ khiến mồ mả bị động, nơi yên nghỉ của mẹ bị phá nát. Trong lúc gia đình quây rào bảo vệ hiện trường và tổ chức tang lễ lần 02 cho cụ thì nhóm đối tượng lạ gồm những người giống nhóm đối tượng đã phá hoại tài sản của gia đình, lăng mộ cụ ngày 18/9/2019 đã tiếp tục kéo đến nhổ cờ tang, châm xăng, phóng hỏa đốt khu vực làm tang lễ lần 02 của cụ”.

Vụ lăng mộ bị đập phá: Xuất hiện nhóm đối tượng quăng xăng phóng hỏa khu vực tang lễ

Người đã khuất phải chết đến 02 lần khi mới đầy 8 tháng  - hình ảnh lăng mộ bị đập phá tan nát và lễ để tang lần thứ 2 của cụ Lê Thị M. (Ảnh Quang Minh).

Ông Ph. bức xúc cho hay, đây là hành vi coi thường pháp luật khi thực hiện hành vi có chủ ý để phá hủy hiện trường vụ việc đập phá mồ mả, tài sản… gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh khu vực, gây khó khăn trong quá trình cơ quan đang tiến hành điều tra và hơn hết là xâm phạm nghiêm trọng đến tín ngưỡng, tâm linh của người Việt cũng như sự tôn nghiêm của luật pháp.

Đáng chú ý, ông Ph. cho biết nhiều người trong nhóm đối tượng lạ không che mặt và thay vì rời khỏi “hiện trường” khi bị phát hiện thì nhóm đối tượng trên đã chủ động đứng lại, tập trung một chỗ để thăm dò gia chủ và chỉ rời đi khi thấy có nhiều người dân trong khu vực quan sát, ghi hình và nhận thấy không thể tiếp tục công cuộc… “rút cờ tang”. Tuy nhiên sau đó gia đình và người dân đã ghi hình được một người “lạ” mặt đã lén lút đổ xăng vào khu vực gia đình đang tổ chức tang lễ bất ngờ châm lửa phóng hỏa đốt cháy cờ tang và khu vực làm tang lễ.

Sự việc đã được gia đình làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xác minh làm rõ danh tính nhóm đối tượng cũng như hành vi nhổ cờ tang, tự ý có chủ đích phóng hỏa gây nguy cơ hỏa hoạn, nguy cơ thiệt hại về người và tài sản cũng như có dấu hiệu xâm phạm mồ mả, hài cốt theo điều 319 BLHS.

“Truy cùng đuổi tận”!?

Như trước đó báo chí đã phản ánh về Quyết định cưỡng chế số 2941 đối với hộ gia đình ông Hoàng Minh T. được ban hành dựa trên chuỗi hành vi, số liệu có dấu hiệu sai phạm, lập khống.

Tại bản đồ đo đạc theo Quyết định 108 của TAND thành phố Hà Nội ngày 30/7/2019 cho thấy huyện Gia Lâm có dấu hiệu lập khống số liệu hồ sơ đo đạc khi đưa thêm diện tích của 02 hộ liền kề vào biên bản, hồ sơ đo đạc để “cáo buộc” người dân lấn chiếm đất công; huyện Gia Lâm có dấu hiệu xâm phạm nơi ở trái pháp luật khi tự ý đưa người vào diện tích của 02 hộ liền cạnh để đo đạc khi chưa có thông báo, chưa được sự đồng ý của chủ nhà.

Vụ lăng mộ bị đập phá: Xuất hiện nhóm đối tượng quăng xăng phóng hỏa khu vực tang lễ

Quyết định xem xét thẩm định tại chỗ của TAND thành phố Hà Nội (Ảnh Quang Minh).

Cũng tại bản đồ đo đạc của TAND thành phố Hà Nội cũng đã thể hiện trong diện tích hơn 300m2 của ông Hoàng Minh T. có sự hiện diện của lăng mộ bà Lê Thị M. và sự việc đã được thông báo đến UBND huyện Gia Lâm tuy nhiên thay vì kiểm tra, xem xét thì UBND huyện Gia Lâm lại cho rằng người dân “bày trận giả” đồng thời phủ nhận về tính pháp lý của bản đồ đo đạc do TAND thành phố Hà Nội đưa ra với bởi do đơn vị… tự mời đo đạc(?) để kiên quyết thực hiện nội dung trong Quyết định cưỡng chế ban hành dựa trên chuỗi số liệu có dấu hiệu bị lập khống đã bị người dân, báo chí phản ánh nhiều lần trước đó.

Vụ lăng mộ bị đập phá: Xuất hiện nhóm đối tượng quăng xăng phóng hỏa khu vực tang lễ

Bản đồ đo đạc của TAND thành phố Hà Nội cho thấy diện tích đất của ông Hoàng Minh T. là 300m2 và có sự hiện diện của lăng mộ cụ Lê Thị M. (Ảnh Quang Minh).

Theo ghi nhận của PV tại buổi cưỡng chế, đoàn cán bộ huyện Gia Lâm đã có hành vi thu giữ nhiều tài sản có giá trị vật chất, tinh thần cùng với nhiều tài sản khác trên lăng mộ cụ Lê Thị M. mà không lập biên bản. Sau đó đưa máy xúc đập phá toàn bộ công trình, tài sản trên diện tích 691m2 và hậu quả nhãn tiền là khiến lăng mộ cụ Lê Thị M. bị phá tan nát. Đáng nói khi người dân bày tỏ mong muốn được lấy lại hài cốt của người mẹ quá cố mới mất được 8 tháng thì ngay lập tức bị khước từ để tiếp tục công cuộc đập phá.

Không dừng lại việc đập phá lăng mộ, thu giữ nhiều tài sản không lập biên bản, trong nội dung Quyết định cưỡng chế chỉ có chủ thể là hộ gia đình ông Hoàng Minh T. nhưng đoàn cán bộ vẫn đưa người, máy móc xâm phạm nơi ở của 02 hộ dân liền kề là hộ ông Hoàng Minh Ph. và hộ ông Hoàng Th. để đập phá, tháo dỡ các công trình của 02 hộ gia đình dù không có tên trong Quyết định cưỡng chế.

Vụ lăng mộ bị đập phá: Xuất hiện nhóm đối tượng quăng xăng phóng hỏa khu vực tang lễ

Đoàn cán bộ huyện Gia Lâm thu giữ nhiều tài sản trên lăng mộ bà Lê Thị M. (Ảnh cắt từ Clip).

Về phía 02 hộ gia đình bức xúc cho biết “Hộ chúng tôi không có tên trong quyết định cưỡng chế nhưng vẫn bị huyện Gia Lâm đưa người, máy móc xâm phạm nơi ở để đập phá công trình, tài sản… Đây là hành vi có dấu hiệu sai phạm, lợi dụng chức vụ quyền hạn để hủy hoại tài sản người dân”.

Quay trở lại sự việc lăng mộ bị xâm phạm, gia đình đã quây rào để bảo vệ hiện trường cũng như tổ chức tang lễ lần thứ 02 cho người mẹ quá cố và gia đình đã “cõng” nhiều đơn thư “cầu cứu” đến các cơ quan chức năng để tìm công lý. Tuy nhiên phía UBND huyện Gia Lâm dù chưa đưa người xác minh, làm rõ các đơn thư, phản ánh của người dân thì ngày 1/10/2019 UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản giao UBND xã Lệ Chi và các phòng, ban, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế ngay trong thời gian gia đình, người dân tổ chức tang lễ lần 02 cho người đã khuất sau sự việc lăng mộ bị đập phá, hài cốt bị lộ thiên.

Phía gia đình cho biết, từ việc huyện Gia Lâm tự ý cắt rào để đưa người xâm phạm nơi ở của công dân rồi tiến hành đo đạc, kiểm tra, đưa số liệu “giả ảo” vào hồ sơ đo đạc cho đến hành vi thu giữ tài sản không lập biên bản, đập phá mộ phần của người mẹ mất chưa đấy 8 tháng, đến nay trong khi chưa làm rõ hành vi có dấu hiệu xâm phạm mồ mả và trong thời gian gia đình đang tổ chức lễ tang tại vị trí lăng mộ bị đập phá thì UBND huyện Gia Lâm lại có thông báo sẽ tiếp tục cưỡng chế.

Gia đình nói “Đây là sự “truy cùng đuổi tận” đối với gia đình chúng tôi và là việc làm phản cảm, thiếu cái lý, thiếu tình người của huyện Gia Lâm. Tôi khẩn thiết cầu cứu các cơ quan các cấp vào cuộc xác minh sự việc để tìm lại công lý cho gia đình cũng như đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Nếu sai gia đình tôi xin thượng tôn pháp luật, chấp hành quy định”.

Cũng liên quan đến việc người dân phản ánh huyện Gia Lâm xâm phạm mồ mả, trao đổi với báo chí ông Lê Anh Quân – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã gằn giọng ngay khi PV đề cập nội dung và ông Quân đã sử dụng những ngôn từ thiếu văn hóa, không phù hợp với cương vị Đảng viên, Chủ tịch huyện khi xưng hô, gọi người dân với giọng hằn học là “thằng, nó”.

“Cái thằng đó vừa ăn cướp vừa la làng. Thằng cha đấy ở Lệ Chi và nó bày trận giả để vụ họa cho huyện Gia Lâm. Sự việc nó đã làm đơn gửi đi các nơi rồi” – Trích lời ông Lê Anh Quân nói.

Vụ lăng mộ bị đập phá: Xuất hiện nhóm đối tượng quăng xăng phóng hỏa khu vực tang lễ

Ông Lê Anh Quân – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm gọi người dân bằng “thằng –nó” và cho rằng người dân “bày trận giả” khi báo chí liên hệ về việc người dân phản ánh xâm phạm mồ mả (Ảnh: Nguồn Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lâm)

Dư luận cho rằng, chưa cần nói đến năng lực, trình độ giải quyết công việc mà chỉ cần  bàn đến thái độ trong giao tiếp, cách xưng hô với người dân của ông Lê Anh Quân – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm với cương vị là lãnh đạo, người đứng đầu, là “quan phụ mẫu”  đã thấy có vấn đề… Vậy phải chăng người làm “quan” như ông Quân tự cho mình cái quyền trình thượng coi thường người dân đi ngược lại những quy tắc ứng xử của người cán bộ, đảng viên!?

Vụ lăng mộ bị đập phá: Xuất hiện nhóm đối tượng quăng xăng phóng hỏa khu vực tang lễ

Ông Nguyễn Văn Lưu – Chủ tịch UBND xã Lệ Chi với phát ngôn “tao – mày” và gằn giọng đuổi, không làm việc với phóng viên khi đề cập nội dung người dân phản ánh và vì phóng viên để… đầu trọc (Ảnh Quang Minh).

Cùng sự việc, trước đó vị Chủ tịch UBND xã Lệ Chi – ông Nguyễn Văn Lưu cũng từng bị người dân, báo chí phản ánh về thái độ, văn hóa ứng xử không phù hợp khi sử dụng những ngôn từ “mày – tao” khi làm việc với người dân, phóng viên. Thậm chí có những hành vi xúc phạm, thậm chí đuổi phóng viên không làm việc với báo chí khi đề cập đến nội dung sự việc người dân phản ánh cùng với lý do vì phóng viên để… đầu trọc. Sự việc đã được báo chí phản ánh nhiều lần nhưng đến nay phía huyện Gia Lâm vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào về sự việc trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Rẻ hơn taxi, tiện hơn xe buýt: Xe điện VinFast “gây sốt” với chính sách “khủng”
    Với chi phí trả góp chỉ từ 176.000 đồng/ngày, rẻ hơn nhiều so với di chuyển bằng taxi và riêng tư, tiện lợi hơn xe buýt, các mẫu xe điện thông minh của VinFast đang tạo nên làn sóng “chốt đơn” để được hưởng chính sách ưu đãi tốt chưa từng có.
  • Những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc của đồng chí Nguyễn Lương Bằng
    Nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (2/4/1904-2/4/2024), tạp chí Người Hà Nội xin gửi tới bạn đọc về những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Vụ lăng mộ bị đập phá: Xuất hiện nhóm đối tượng quăng xăng phóng hỏa khu vực tang lễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO