Xao xuyến tháng tư

Mai Hoàng| 18/04/2019 15:32

Tháng ba dùng dằng với cái rét nàng Bân kéo theo nồm ẩm, với những bông gạo đỏ tươi và chùm hoa sầu đông tím lịm. Tháng tư nối gót theo sau, chạm ngõ bằng những vốc nắng vàng ươm.

Xao xuyến tháng tư
Tháng ba dùng dằng với cái rét nàng Bân kéo theo nồm ẩm, với những bông gạo đỏ tươi và chùm hoa sầu đông tím lịm. Tháng tư nối gót theo sau, chạm ngõ bằng những vốc nắng vàng ươm. Nắng xới lên những miền ấm áp, lung linh từng tán lá bàng xanh ngắt và dịu dàng trong mùa mới tinh khôi.
Tháng tư thật khó diễn tả hết những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến khi khoảnh khắc giao mùa vừa đến. Đó là sự giao thoa giữa hai miền xuân và hạ. Xuân dịu dàng tươi rói quyện hạ tinh nghịch, hạ đầy sức sống. Đi giữa tháng tư, mới hay lòng ta cũng rộn ràng theo đất trời, cỏ cây và hoa lá. Thật kỳ diệu! Chỉ một chút nắng tháng tư thôi, vạn vật dường như càng thêm nhựa khí mà bừng lên xanh ngời, vươn cao vun vút. Vườn của mẹ những cà, những đỗ, những khoai, vừng… đều hứa hẹn một mùa bội thu. Mấy chậu hoa mùa xuân còn sót lại, bông nào bông nấy nở bung biếc, cánh thắm mời gọi ong bướm đến dập dờn lượn chơi. 
Tháng tư nhắc nhớ những người yêu hoa về những bông loa kèn trắng muốt. Màu trắng gợi thương từ bông hoa của đồng nội, tinh khiết đến ngỡ ngàng. Hoa loa kèn như thiếu nữ mười sáu e ấp, dịu dàng làm duyên, dẫu trong bao nhiêu màu hoa sang chảnh thì loa kèn vẫn không bị lu mờ. Sự bình dị, thanh tao của hoa theo người đi muôn nẻo dẫu là ở phố hay ở quê. Loa kèn rung rinh, gật đầu mỉm cười trên các mẹt, quang gánh của các bà, các mẹ, rong ruổi theo những bước chân tảo tần đi khắp mọi ngõ ngách của phố. Hình ảnh in sâu đậm trong ta về người mẹ yêu thương cũng một thời từng như vậy. Mẹ đã đánh đổi tuổi xuân, gánh không biết bao nhiêu mùa loa kèn để lo cho ta ăn học. Lòng càng trân trọng hơn những mùa loa kèn bung biếc, những miền nhớ dịu ngọt và cũng đầy biết ơn với đấng sinh thành. 
Tháng tư là mùa xà cừ đổ lá và mùa bằng lăng bắt đầu chớm nụ. Tuổi học trò ai mà chẳng đôi lần nao nao khi hạ sắp sang và mùa cuối cấp sắp tàn. Ngược thời gian ta thấy bóng hình của mình bé nhỏ, tay trong tay bè bạn đi giữa hàng xà cừ đổ lá, mơ màng về một miền xa xa. Cánh bằng lăng đầu mùa rụng xuống, khẽ khàng ta xếp hình cánh bướm cho vào trang lưu bút học trò. Nước mắt hoen mi khi chợt nhận ra tất cả chỉ còn là ký ức, cánh bằng lăng ngả màu trên giấy trắng cũng ố vàng. Nhưng cũng thật hạnh phúc khi cuộc đời ta được trải nghiệm năm tháng ấy. Bây giờ thành người lớn, thèm quá rồi một lần được trở lại trường xưa trong mùa xà cừ đổ lá và mùa bằng lăng chớm nụ. Bạn bè ơi có nhớ những năm tháng xưa?
Tháng tư chẳng thể nào không chộn rộn khi nhớ về năm xưa lịch sử hào hùng, một tháng tư của thống nhất, của niềm vui đoàn kết, của sự tự hào lòng dân người con đất Việt. Mỗi tháng tư sang thương bà mái tóc bạc trắng, mắt rưng rưng khi nghĩ về người con của mình đã ngã xuống đổi lấy hòa bình thống nhất đất nước. Những ngõ nhỏ, phố dài, phố ngắn, từ đồng ruộng cho tới bản làng đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, âm thanh, những khúc nhạc hành tiến hùng tráng như: “Tiến về Sài Gòn”, “Bài ca thống nhất”... Đất nước Việt đã trải qua bao lần chia cắt, lòng ta vẫn thiết tha sắt son, khắc ghi trong mình ấm nóng dòng máu Việt, vẫn thầm gọi thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”.
Tháng tư cũng chỉ vỏn vẹn ba mươi ngày thôi, nhưng đó là tháng ngày nhớ thương da diết, con tim bồi hồi rung động. Cảm ơn nhé, tháng tư vì tất cả những dịu ngọt, ký ức dịu dàng đã đọng lại trong ta. Lòng ta đương phơi phới hướng về tương lai, về một mùa hạ sẽ rạng ngời, sống động đang chờ đợi ở phía trước... 
(0) Bình luận
  • Phượng tím vắt ngang trời thương nhớ
    Đến Đà Lạt vào ngày nắng chói, đôi mắt chị dõi tìm loài hoa gieo thương nhớ, phượng tím. Đà Lạt mùa nào sắc đó, đều là những loài đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Mùa dã quỳ vàng hoang hoải, mùa cỏ hồng bềnh bồng như mây, mùa hoa ban trắng tinh khôi, mùa anh đào ngọt ngào trong trẻo. Với chị, lưu luyến nhất vẫn là mùa phượng tím. Mùa này phượng rải sắc tím ngăn ngắt khắp đất cùng trời, gợi lên trong lòng xiết bao lưu luyến.
  • Phù sa đời cha
    Cha trầm lành như đất, tôi là con gái nhưng lại đáo để, nghịch ra trò. Vậy mà hai cha con lại bện nhau như hình với bóng.
  • Dáng quê
    Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng; là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay dáng cha đang lom khom cày ruộng. Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.
  • Những mùa xuân nối tiếp
    Mùa xuân vẫn về qua cây cầu vắt ngang sông. Một khúc sông rộng đủ để những chuyến đò ngang bối rối, chênh chao. Khi không còn chở đò nữa, bóng người lái đò cứ thế xa dần, mờ dần phía cuối con đê. Bến đỗ, nẻo về ngoằn ngoèo, xa tít tắp. Ai đó còn gọi với: thầy ơi, u ơi. Chiếc lá rơi vào chiều lỗi hẹn. Quê và những mùa xuân nối tiếp làm xao động tấm chân tình.
  • Bà ngoại của tôi
    Bà ngoại tôi có dáng người gầy gầy, lưng bà hơi còng, tóc bà xen kẽ sợi đen, sợi bạc. Khuôn mặt bà nhiều nếp nhăn, nhưng khi bà cười, gương mặt bà vô cùng phúc hậu.
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Giới thiệu gần 100 hiện vật, hình ảnh, tài liệu quý của văn hóa Đông Sơn
    Sáng 18/4/2024, tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Tiếng vọng”. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 2024 và kỷ niệm 100 năm nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam.
  • Chiến thắng Điện Biên phủ được tái hiện qua tranh cổ động
    Ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).
  • Di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển
    Sáng 17/4, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật...
  • Ra mắt Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp
    Chiều 17/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp đã làm lễ ra mắt và thông tin Báo cáo chỉ số khởi nghiệp quốc gia năm 2024.
  • Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ XI năm 2024
    Lễ hội năm nay có hơn 200 gian hàng, gồm: gian hàng bánh dân gian, gian hàng ẩm thực, gian hàng OCOP và đặc sản vùng miền. Đồng thời, Lễ hội thu hút hơn 100 nghệ nhân đến từ các vùng miền cả nước tham gia tranh tài và trình diễn làm các loại bánh dân gian.
Đừng bỏ lỡ
Xao xuyến tháng tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO