Xay thóc giã gạo

Lê Bá Thự| 24/05/2018 08:50

Xay thóc giã gạo là công việc thường nhật của nhà nông và nhà tôi. Có xay thóc giã gạo thì mới có gạo ăn.

Xay thóc giã gạo

Cối xay thóc, hay còn gọi là cối xay lúa, là dụng cụ xay xát thông dụng ở làng tôi từ nhiều đời nay. Chức năng của cối xay là bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo. Cối xay thóc gồm hai thớt chồng vào nhau, thớt trên và thớt dưới, mặt thớt là một lớp dăm gỗ. Thớt trên bên trong trát đất, khoét thành hình chảo lõm để chứa thóc. Thớt trên có thể xoay tròn quanh một cái trụ gỗ gọi là ngõng cối, cắm chặt, nằm cố định ở giữa thớt dưới. Cối có hai tai gỗ hai bên, giữa tai khoét lỗ tròn để lắp tràng xay, hay tay quay. Tràng xay là một đoạn tre nhỏ, to như thân cây mía, dài chừng 1,5m, một đầu có móc để ngoắc vào lỗ tai cối xay, còn đầu kia là tay cầm hình chữ T để cho người xay thóc cầm vào vận hành cối xay. Tay cầm chữ T được treo cố định nhờ một sợi dây thừng. Cối xay được đặt trên chiếc giá tre có bốn chân choãi ra cho chắc. Tre được chẻ nhỏ thành nan để đan thân cối. Gỗ được cưa thành khúc ngắn rồi chẻ theo thớ dọc làm dăm cối. Đất sét nhào thật nhuyễn dùng để đắp phần mặt cối của cả thớt trên và thớt dưới. Khi phần mặt cối bằng đất sét đã được đắp nện bám chắc vào vỏ áo cối, gắn trục quay và tai cối, thì mới bắt đầu chêm dăm cối. Khi chêm phải chia mặt cối theo hàng lối và phải tạo thành chiều quay thuận của cối. Làm sao để lúc quay thớt trên của cối xay thì hạt thóc bị bóc trấu, trấu cùng hạt gạo được đẩy ra ngoài thớt, rơi xuống máng cối bao quanh thớt dưới, rồi qua cửa thoát chảy xuống chiếc thúng đặt bên dưới cối xay. Nếu máng cối quá đầy thóc đã xay thì phải dùng tay gạt thóc xuống chiếc thúng.  

Làng tôi xưa có mấy ông thợ đóng cối xay, nhưng mẹ tôi thường thuê cố Tuân làm việc này. Vì cố Tuân ở gần nhà tôi, cạnh xóm tôi, tay nghề khá, làm rất cẩn thận, chất lượng tốt, cối vừa bền vừa đẹp. Nhìn cố Tuân dùng vồ gỗ, tay thoăn thoắt đóng dăm, chêm dăm gỗ chuẩn xác vào mặt cối, tôi rất phục. Lắm lúc tay cố làm, miệng cố lẩm nhẩm hát. Tôi đứng bên cố thợ, vừa làm khán giả xem “màn trình diễn đóng cối xay”, vừa làm thính giả nghe hát, cho dù tôi không hiểu ca từ. Bữa trưa mẹ tôi nấu cơm mời cố Tuân ăn, bữa cơm đạm bạc. Một bát canh, bát dưa, đĩa trứng bác, bìa đậu rán là đủ. Cái quan trọng là phải có cút rượu nút lá chuối. Ngày trước cố Tuân là một trong những người giàu trong làng. Nhà ngói cây mít, đẹp, chạm trổ công phu. Trong cải cách ruộng đất cố Tuân bị quy là địa chủ. Một thời gian sau, nhờ có cuộc “sửa sai”  cố Tuân được trả lại nhà cửa. Nhưng toàn bộ ruộng đất bây giờ là của hợp tác xã nông nghiệp. Cố Tuân biết làm nghề đóng cối xay sau cải cách ruộng đất. Chẳng biết cố học nghề này ở đâu, hay do “cái khó ló cái khôn”, do khéo tay. Chỉ biết rằng bỗng nhiên trong làng xuất hiện một cố Tuân đóng cối xay có uy tín, có “thương hiệu”, nhất là đối với mẹ tôi. Mỗi chiếc cối xay cố Tuân đóng trong vòng hai ngày.  

Xay thóc giã gạo
Cối xay thóc nhà tôi đặt ở ngoài hè. Việc xay thóc mẹ tôi thường giao cho tôi. Mỗi lần tôi xay chừng một thúng thóc. Đổ thóc vào cối xay, hai tay nắm vào hai bên tràng quay, tôi kéo tràng quay về phía người mình rồi lại đẩy ngược trở lại, thớt trên quay tròn đều đều trên thớt dưới. Những hạt thóc vàng rủ nhau chui vào các kẽ dăm giữa hai thớt và khi được nghiền tróc vỏ lại đua nhau chui ra ngoài để chảy vào thúng đựng. Khi xay tiếng cối xay kêu ù ù. Dù nghe từ xa, là biết ngay tiếng cối xay, nhà đang xay thóc. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn nhớ tiếng xay thóc này, dù đã trên sáu mươi năm trôi qua. Có hôm thấy tôi thấm mệt, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, em gái tôi giúp tôi một tay. Và thế là tôi nắm một bên tràng quay, em gái tôi nắm một bên tràng quay, hai anh cùng xay thóc. Biết tôi ham xem chiếu bóng, tối nào có chiếu phim ở bãi chiếu ngoài trời Ngã Ba Chè thì chiều hôm đó, ngay sau khi tôi đi chăn bò về, mẹ tôi giao ngay cho tôi một thúng thóc rồi nói: Con mang xay chỗ thóc này đi, xay xong thì cho đi xem. Tôi lao ngay vào việc, chỉ một loáng là xay xong thúng thóc. Còn mẹ tôi ưng bụng. 

Mẹ tôi đem thóc đã xay làm tiếp công đoạn dần sàng để loại bỏ trấu, chỉ giữ lại hạt gạo. Và gạo này được đem đi giã cho trắng để ăn. Chày giã gạo gồm có: Một chiếc cối đá to, chôn xuống đất (nhà tôi thường mua cối đá Nhồi), chỉ để nhô lên trên mặt đất chút xíu, chung quanh đắp đất sét hoặc xây gạch làm thành cối. Một khúc gỗ to, nhà tôi thường dùng gỗ xoan, đường kính chừng 30cm, dài khoảng 2,8m, làm “cần chày” (cánh tay đòn của đòn bẩy). Một đầu cần chày lắp “mỏ chày”, là một khúc gỗ cứng, dài chừng 60cm, đường kính khoảng 20cm, đầu cuối đẽo tròn, nhẵn. Khi giã gạo mỏ chày được nâng lên rồi lại rơi tự do xuống giữa lòng cối, giã mạnh xuống cối gạo. Cách đầu cuối cần chày khoảng 70cm lắp một trục gỗ xuyên ngang (then gỗ chốt ngang), hai tai trục gỗ này gối vào hai trục đứng hai bên làm điểm tựa cho cần chày nâng lên hạ xuống (điểm tựa của đòn bẩy). Phần cần chày phía dưới trục là bàn đạp, hay bàn giã, được khắc thành nấc, đặt vừa bàn chân. Bên dưới bàn giã là một hố sâu, để chứa phần đuôi cần chày khi người giã ấn mạnh chân cho đuôi chày lún xuống hố. Hai bên đuôi cần chày, tức hai bên hố sâu, lắp hai tấm ván, gọi là “bàn cối” để cho người giã gạo đứng. Thực ra chày giã gạo chẳng qua là một chiếc đòn bẩy với hai cánh tay đòn không đều nhau. 

Khi vận hành cối giã gạo, người giã níu hai tay vào sợi dây treo trên mái nhà, một chân đứng trên bàn cối, chân kia đặt vào đuôi cần giã đạp mạnh cho đuôi cần giã lún sâu xuống hố, lúc này đầu chày được nâng lên cao rồi tự rơi xuống cối. Cứ giã đều đều như vậy một hồi lâu, chừng một giờ đồng hồ, đầu chày chà xát mạnh vào gạo, gạo xát hột nọ vào hột kia, tróc hết vỏ, vỏ nát thành cám, gạo trắng dần ra. Đuôi cần giã và bàn cối thường đủ chỗ cho 2, thậm chí ba người, đứng  giã gạo. 

Tôi thường giã gạo cùng với bố hoặc với mẹ. Tôi đứng trước bố đứng sau, hoặc tôi đứng trước mẹ đứng sau. Cũng có hôm tôi với bố đứng giã, còn mẹ tôi ngồi bên thành cối gạt gạo, đảo gạo trong cối cho gạo được trộn đều. Hôm nào chỉ hai mẹ con thì mẹ tôi thường bảo: “Mi đếm đủ 500 chày là xong mẻ gạo”. Quả đúng vậy, đủ số lượng mẹ tuyên bố, tôi bước lên phía cối thăm gạo và “gạo giã xong rồi trắng tựa bông”.  Có hôm việc giã gạo mẹ tôi giao cho chị Lài và tôi. Chị Lài là người giúp việc mà hồi đó gọi là “con ở”, “người ở” (bây giờ gọi là osin). Chị Lài mười lăm tuổi, người huyện Nông Cống. Tôi đứng trước, chị Lài đứng sau, hai chị em chân nhún đều, giã gạo. Chị Lài là người rất hay hát, thích hát, chị hát suốt ngày, vừa làm vừa hát. Miệng hát, tay làm. Tôi không hiểu chị học ở đâu mà thuộc được nhiều bài hát như vậy. Khi giã gạo chị Lài hát  hết bài nọ đến bài kia, hát cho đến khi giã xong cối gạo mới thôi. Chính nhờ có chị Lài mà hồi kháng chiến chống Pháp tôi thuộc rất nhiều bài hát, thuộc cho đến tận bây giờ. Chẳng hạn:  

Một đêm trong rừng vắng 
Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh. 
Một đêm trong rừng núi 
Có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng…

Hay bài:

Đường dài chập trùng, băng qua ngàn sương 
Ai đi qua bên đường dừng chân ghé qua đêm rừng 
Đường rừng còn dài, xa xa đồi mơ 
Đây con sông uốn mình đợi chờ khách qua. 
Dừng dừng mái chèo, cô em lại đây 
Cho tôi nhắn đôi lời hỏi về biên khu 
Đây đi vô trong Nam, đây đi ra ngoài Bắc 
Đường rừng xa lắc còn đi mấy ngày… 

Còn nhiều bài nữa, trên đây tôi chỉ kể hai bài làm thí dụ mà thôi. Khi chị Lài hát, tôi thường hát theo chị những đoạn tôi thuộc. Chẳng biết chị Lài có biết ai là tác giả của bài hát hay không, nhưng tôi thì hoàn toàn không biết. Tôi cũng không hề hỏi chị, ai là tác giả. Vì tuổi còn nhỏ, tôi chỉ hát nghêu ngao cho vui mà thôi, nhu cầu chỉ có thế, không cần gì hơn. Ngay cả đầu đề của hai ca khúc này hồi đó tôi cũng không biết, thực ra cũng chẳng cần biết mà làm gì. Mãi sau này, ra Hà Nội tôi mới biết, tiêu đề của hai ca khúc này là “Sơn nữ ca” và “Đường rừng”, tác giả là nhạc sĩ Trần Hoàn. 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Xay thóc giã gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO