Xem 'sổ đỏ' khu phố Tây xưa ở Hà Nội

Trinh Ngyễn/Thanhnien| 22/06/2017 16:03

Nhờ các tư liệu địa chính, nhóm nghiên cứu của PGS-TS Phan Phương Thảo đã kể những câu chuyện, những hình dung về Hà Nội khi người Pháp biến nó thành Paris thu nhỏ.

Xem 'sổ đỏ' khu phố Tây xưa ở Hà Nội
Phố Lê Thánh Tông xưa


“Gọi là tài liệu địa chính hay còn gọi là địa bạ thời cận đại, nó như “sổ đỏ” bây giờ”, bà Thảo nói.
PGS-TS Phan Phương Thảo đã mất nhiều năm để tìm tư liệu lưu trữ ở Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội. Đó là những bằng khoán điền thổ lưu trữ từ thời Pháp thuộc. “Đó chính là những ghi chép trung thực, mang tính hệ thống vì được triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn thành phố Hà Nội, về từng ngôi nhà, con phố với đầy đủ các loại hình nhà tạm, nhà gác, sân, vườn, không gian… Việc khai thác khối tư liệu này trên quy mô cả khu vực hoàn toàn cho phép phục dựng lại diện mạo khu phố Pháp nửa đầu thế kỷ 20”, bà Thảo chia sẻ. Bà hiện là Phó chủ nhiệm bộ môn lý luận sử học, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. 
Xem 'sổ đỏ' khu phố Tây xưa ở Hà Nội - ảnh 1
Trong cái ngăn nắp của khu phố Tây, mỗi một ngôi nhà là một cuộc đối thoại với đường phố. Không ngôi nhà nào giống ngôi nhà nào cả. Mỗi một ngôi nhà đều thể hiện chân dung của người chủ ngôi nhà với đường phố mà người ta định cư
Xem 'sổ đỏ' khu phố Tây xưa ở Hà Nội - ảnh 2
KTS Phạm Huy Ánh, Viện Nghiên cứu kiến trúc quốc gia

Những nghiên cứu này mới đây đã được xuất bản thành cuốn Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính. Sách do NXB Hà Nội và Công ty Nhã Nam xuất bản. Nhóm nghiên cứu gồm bà Thảo, PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ, TS Đào Thị Diến, TS Tạ Hoàng Vân, Th.S Nguyễn Thị Bình đã công bố các chuyên đề trong sách, qua đó quá trình hình thành và diện mạo khu phố Tây hiện ra rõ ràng.
“Phải nói, đây là một khảo cứu công phu về tư liệu, có ích với người nghiên cứu kiến trúc và đô thị”, GS-KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, nói.
Một Paris thu nhỏ
Khu phố Tây, theo PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ, là thuật ngữ dùng để phân biệt với khu phố cổ Việt - Hoa truyền thống. Cũng theo ông Hỷ, khu phố Tây ở Đông Nam hồ Hoàn Kiếm được coi là khu phố Tây đầu tiên. Khu phố Tây ở phía tây thành Hà Nội được coi là khu phố Tây II, hình thành sau khu đầu tiên 10 năm.
Trong những năm hình thành khu phố Tây, Hà Nội chứng kiến những cuộc chỉnh trang đường phố, nhà cửa. Trước đó, theo ông Hỷ, đa phần các phố là đường đất, không có vỉa hè, thường lầy lội lúc trời mưa và bụi bặm khi trời nắng. Nhà ống, mặt tiền hẹp, lòng nhà sâu, có nhiều nhà lợp gianh cản trở giao thông, chưa kể thường xuyên gây hỏa hoạn. “Trong hồi ký của mình, Công sứ Bonnai kể lại rằng năm 1883 ông đã đề nghị Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ bắt các cửa hiệu phải lùi mái hiên lại cho lối đi thoáng rộng. Ông cũng ra lệnh cho viên cảnh sát trưởng bắt các tù nhân lao động khổ sai san bằng các mặt đường, đào rãnh thoát nước, lát vỉa hè và rải gạch đá lòng đường. Không có kinh phí riêng, Bonnai đã sai phá hủy những ngôi nhà gạch bị quân Cờ Đen đốt cháy dở ở phố Nhà Chung và bên bờ hồ Hoàn Kiếm, lấy gạch ngói vụn để rải mặt đường cho 150 phố ngõ của Hà Nội”, ông Hỷ viết.
Cuốn sách cũng cho biết: “Năm 1932, Hội đồng thành phố quyết định cải tạo các khu phố bị ô nhiễm, mà vấn đề mấu chốt, theo biên bản phiên họp tháng 8.1932 là cần phải nghiêm cấm làm các nhà bằng gianh trong thành phố”.
Quá trình thay đổi Hà Nội còn được mô tả qua từng địa điểm rất cụ thể. Chẳng hạn, có thể đọc được bờ hồ Hoàn Kiếm đã thay đổi ra sao, đặc biệt là dưới thời của Paul Bert làm Tổng Trú sứ. Nếu như trước đó, ven bờ hồ còn là nơi phụ nữ ra đấy, ngồi xổm trên ván cầu ao để rửa rau vo gạo thì sau đó một cuộc chỉnh trang lớn đã diễn ra. Suốt những năm 1891 - 1892, nhà cầm quyền đã giải tỏa các khu nhà lá ven hồ. “Đầu 1892, những ngôi nhà cuối cùng trong diện giải tỏa ở phố Hàng Khay đổ sụp xuống như những lâu đài bằng quân bài dưới nhát cuốc của đội phá hủy... Hầu như công chúng đã có thể hoàn toàn đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, giữa những vườn trồng các loại cây thảo mộc nhiệt đới”, sách viết.
“Các tác giả đã biến những tư liệu thành cuộc sống sinh động. Quá trình hình thành Hà Nội từ một làng thành một đô thị và quy hoạch đẹp đẽ như mục tiêu người Pháp đặt ra lúc bấy giờ - một Paris thu nhỏ”, KTS Phạm Huy Ánh, Viện Nghiên cứu kiến trúc quốc gia, nói.
Những kỹ thuật quản trị đô thị
Song điều mà ông Ánh thích thú nhất ở cuốn sách lại là việc nó đã hé lộ kỹ thuật quản trị đô thị của người Pháp ở Hà Nội xưa. Chẳng hạn, nó cho biết, người Pháp đã quy hoạch diện tích hồ ra sao, tạo lập quy chuẩn các khu nhà trọ cho công nhân với chỗ đi vệ sinh, thu lấy phân thải theo đúng quy định như thế nào… “Ngày 4.6.1934, thành phố ban hành nghị định buộc ông Nguyễn Văn Ký phải phá dỡ trong thời hạn 8 ngày ngôi nhà của mình ở số 54 và 56 phố Riquier (Nguyễn Du), bao gồm: ngôi nhà chính ở mặt phố, ngôi nhà phụ thẳng góc, bếp và WC. Lý do: ngôi nhà đe dọa bị sụp đổ. Nếu ông Ký không đồng ý, thì trong vòng 8 giờ, phải cử chuyên gia của mình đến tranh biện với đại diện thành phố”, một câu chuyện trong sách viết.
Xem 'sổ đỏ' khu phố Tây xưa ở Hà Nội - ảnh 3
“Tất nhiên, mỗi biện pháp cụ thể chỉ đúng trong thời đại đó và ngày nay chủ nhân của thành phố cũng khác đi. Nhưng người ta vẫn có thể học ở đó cách tiếp cận vấn đề, làm sao để đi đến đồng thuận trong quản lý đô thị. Chẳng hạn, có thể thấy bài học rằng cuộc chơi của thành phố cũng phải là cuộc chơi của toàn thể cư dân thành phố. Người ta nhìn thấy, thị trưởng gửi thư trả lời thắc mắc của từng người dân, tranh luận về từng vấn đề. Đây là một cuộc đối thoại của người quản trị thành phố và cư dân thành phố để họ cùng nhau xây dựng khung cảnh thành phố có trật tự. Nghĩa là rất dân chủ”, ông Ánh nói.
Cũng theo ông Ánh, có thể tìm thấy bài học về việc rất cần phát triển các kiến trúc có cá tính hài hòa về tổng thể, chứ không phải chỉ nhà san sát giống hệt nhau, hay từng nhà thì đẹp mà cả khu thì xấu. “Trong cái ngăn nắp của khu phố Tây, mỗi một ngôi nhà là một cuộc đối thoại với đường phố. Không ngôi nhà nào giống ngôi nhà nào cả. Mỗi một ngôi nhà đều thể hiện chân dung của người chủ ngôi nhà với đường phố mà người ta định cư”, ông Ánh nói. Quả thật, trong cuốn sách, các kiểu kiến trúc đã được mô tả khá cụ thể.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Điện Biên Phủ - nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật
    Sáng 19/4, tại Điện Biên, Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
  • Đấu xảo Hà Nội Vang bóng một thời
    Cách đây 78 năm, đúng vào ngày 1/5, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra cuộc mít tinh khổng lồ với trên 25.000 người tham gia. Địa điểm này khi xưa được mang tên Đấu xảo - một công trình tráng lệ và đồ sộ, mang tầm vóc quốc tế.
  • Vẽ tiếp bức tranh về “Văn minh trà Việt”
    Hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5000 năm của người Việt đã được tác giả Trịnh Quang Dũng phác thảo sinh động trong cuốn sách “Văn minh trà Việt”. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành vừa trình làng bạn đọc đúng vào dịp Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 – 2024.
  • Vì sao phân khu Tài Lộc được ví như “mỏ vàng” trên đảo Vũ Yên?
    Nằm ngay cửa ngõ của Thành phố Đảo Hoàng Gia Vinhomes Royal Island, lại sở hữu nhiều lợi thế hiếm nơi nào có được, phân khu Tài Lộc được xem là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn, hội tụ đầy đủ các yếu tố đầu tư sinh lời, kinh doanh thuận lợi.
  • Mảng xuất khẩu của Vinamilk khởi sắc nhờ các thị trường chủ lực
    Mảng xuất khẩu của Vinamilk năm 2023 tăng về cả doanh thu và số thị trường, kết quả quí I/2024 dự báo tích cực. Bên cạnh sự đóng góp lớn từ các thị trường chủ lực truyền thống, nhiều thị trường mới đã được khai phá.
Đừng bỏ lỡ
Xem 'sổ đỏ' khu phố Tây xưa ở Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO