Xuân đến sớm với đồng bào vùng cao Lai Châu

Ninh Cơ| 09/01/2019 17:30

Đã thành thông lệ hàng năm, cứ vào dịp tết đến xuân về, báo Người Hà Nội cùng các nhà hảo tâm, các doanh nhân, doanh nghiệp lại đồng hành tổ chức Chương trình “Xuân ấm vùng cao - tình yêu Người Hà Nội”. Năm nay, trong hai ngày 3 - 4/1/2019, Ban tổ chức đã đến với Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu và xã vùng cao Căn Co, huyện Sìn Hồ, Lai Châu - địa phương vừa phải hứng chịu trận lũ lớn khiến cuộc sống người dân vốn đã thiếu thốn nay lại càng thêm khốn khó.

Xuân đến sớm với đồng bào vùng cao Lai Châu
Ban tổ chức và các thành viên trong đoàn " Xuân ấm vùng cao - Tình yêu Người Hà Nội" năm 2019.


Ấm lòng người trong gian khó

3 giờ sáng, dưới tiết trời mùa Đông gió rét kèm theo mưa phùn, đoàn công tác Chương trình "Xuân ấm vùng cao - Tình yêu người Hà Nội" năm 2019 với hơn 30 người đã có mặt đông đủ tại địa điểm cổng Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội để xuất phát lên với bà con vùng cao Tây Bắc. Đến gần trưa đoàn chúng tôi mới có mặt tại TP. Lai Châu. Đoàn dừng chân ăn cơm nhanh còn lên đường để tối kịp quay về lại thành phố.

Nhiều người biết một trong những trở ngại lớn nhất ở vùng cao là đường sá quá xấu. Nếu không thu xếp tốt thời gian có thể tối không quay ra kịp. Mặc dù đã nhiều lần trải nghiệm những cung đường vùng biên cương nhưng mỗi lần trở lại Tây Bắc trong đầu tôi lại vang lên ám ảnh câu: “Mưa rừng, bão biển”. Miền núi mà mưa thật đáng sợ, có khi vào được bản mà gặp một trận mưa phải đợi hàng tuần; đường khô ráo mới ra được…

Ấm tình người nơi bản cao vừa trải qua lũ dữ
Một đoạn đường ở Sìn Hồ bị nước lũ cuốn trôi đang được khắc phục

Đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nhưng chặng đường chưa đầy 50km từ TP. Lai Châu lên huyện Sìn Hồ đã khiến cả đoàn trầy trật suốt 05 giờ đồng hồ, tính cả thời gian đi từ Hà Nội, thì 14 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới tới nơi khi cả núi rừng đã bao trùm trong màn đêm. Đoạn đường bị sạt lở khắp nơi, quanh co, khấp khúc, có chỗ vừa đi vừa đợi máy san hố xong mới qua được. Trời tối sầm nhưng bà con vẫn đợi đông đủ trật tự tại trụ sở UBND xã Căn Co.

Xuân đến sớm với đồng bào vùng cao Lai Châu
Bà Nguyễn Minh Hà, PTGĐ Công ty Hoàng Hải Foreve, Bà Phạm Minh Hồng và bà Lương Tuyết Minh trao tặng quà cho bà con xã Can Co, Sìn Hồ, Lai Châu.

Xe vừa tiến vào, đồng chí Chủ tịch UBND xã Căn Co Phàn Quang Nhàn tất bật chạy ra xởi lởi cho biết: tết đến gần nhưng với nhân dân nơi đây cuộc sống hiện tại vẫn còn nhiều thiếu thốn lo từng cái ăn cái mặc, nào dám nghĩ gì đến tết!. Mùa xuân là mùa của hy vọng và yêu thương, sinh sôi nảy nở, mang đến bao điều khát vọng. Tết đến xuân về, lòng người rạo rực, ai cũng hướng đến tương lai ước mong.

Song, với nhiều người dân Căn Co chúng tôi, mùa xuân này không thể trọn vẹn. Mưa lũ vừa qua cướp đi tất cả, mang tới bao niềm đau vô hạn. Vào tháng 6 vừa rồi, trận lũ lịch sử tràn về cuốn phăng nhà cửa hoa màu, ruộng vườn và cả tính mạng người dân lương thiện. Nhiều gia đình bỗng chốc mất người thân, anh mất em, vợ mất chồng, con mất cha, nhà cửa tan hoang tiêu điều sơ xác…

"Mình ở bản Nà Cuổi, cách UBND xã gần nửa ngày đường đi bộ. Mình nghe cán bộ phổ biến hôm nay có đoàn công tác ở Thủ đô lên trao quà. Mình vui lắm, đi bộ từ đêm, chiều mới đến xã. Trận lũ vừa rồi cả nhà mất sạch, cuộc sống khó khắn lắm! May mà được nhà nước quan tâm chúng mình bớt khổ. Mình sẽ để dành tiền và quà hôm nay tết mang ra sử dụng cho mới" - Anh Phàn A Chẩn (40 tuổi) xã Căn Co chỉ tay vào phần quà vừa nhận được mà nói. Trong trận lũ hồi tháng 6 Phàn A Chẩn cũng bị thương nặng do nhà đổ sập đè lên người.   

Xuân đến sớm với đồng bào vùng cao Lai Châu
Lương y Đặng Huy Phòng  và đại diện công ty An Sinh trao tặng quà cho các em ở Trung tâm bảo trợ tỉnh Lai Châu

Đến tập trung từ rất sớm, ông Phản A Ngắm, chồng của bà Vàng Thị Họi (54 tuổi) ở bản Nà Cuổi, người cũng bị bỏ mạng trong cơn lũ ác vừa qua, nhớ lại: "Nhà mình buồn lắm, vậy là tết này không như mọi năm nữa, nhà mình đã mất đi một thành viên trong gia đình rồi. Cái trận lũ nó ác quá, nó lấy đi mọi thứ, người thân, nhà cửa, chó, gà và hoa quả… Đêm ấy dưới cơn mưa tầm tã, cả nhà đang ngủ thì cơn lũ ùa về, ngôi nhà bị trôi theo dòng nước.

Trên giường ngủ lúc đó có vợ mình và thằng Phàn A Đanh là con trai út mới 15 tuổi. Lũ đã cuốn theo Họi và chiếc giường ngủ đi xa hàng chục mét khiến vợ tử vong. May mà thằng con Phàn A Đanh kịp bám tay vào gốc cây nên giữ được mạng sống; bị thương rất nặng. Cả nhà có 3 người vì thằng Đanh còn nhỏ, ở với vợ chồng mình. Các con khác lớn rồi, lập gia đình đã đi ở riêng. Mình sẽ cố gắng vượt qua nỗi buồn ấy để đi làm kiếm tiền, đảm bảo cuộc sống cho thằng Đanh nữa chớ. Rất phấn khởi vì vẫn còn có cán bộ, có Đảng và Nhà nước lúc nào cũng chăm lo, hướng về đồng bào chúng mình mà" - ông Ngắm nhấn mạnh.

Xuân đến sớm với đồng bào vùng cao Lai Châu
Nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập báo Người Hà Nội và bà Dương Thị Thơm, Giám đốc, Công ty Minh Dung 666 trao tặng quà cho bà con xã Căn Co, Lai Châu.

Mắt rơm rớm lệ, ông Tẩn A Thảnh chồng của bà Tẩn Thị Đồn (52 tuổi) trú tại bản Nà Cuổi. Bà Đồn bị tử vong trong trận lũ vừa qua, ông Thảnh xúc động: Cuộc sống bình thường nhà mình vốn đã nghèo lắm rồi. Ấy vậy mà còn bị mưa lũ tàn phá lấy đi mọi thứ. May mà mình giữ được mạng sống để làm ăn nuôi con cái. Nhưng vợ của mình không còn nữa. Từ nay cuộc sống gia đình mình phải gánh vác thay vợ. Mình biết ơn báo Người Hà Nội và các nhà hảo tâm đã đến thăm động viên để mình có niềm tin vào cuộc sống, yên tâm làm lại cái nhà và gây dựng những gì đã mất…   

Ông Nhàn - Chủ tịch xã cho biết thêm: Trận lũ cuối tháng 6/2018 vừa rồi lớn nhất trong 50 năm qua. Mưa to kéo dài, tổng lượng mưa đo được trong 36 giờ ở Căn Co lên đến 439mm. Mưa xối xả gây lũ quét, đất đá sạt lở, huyện sìn hồ có 12 người chết; nhiều ngôi nhà bị ngập nước, hàng chục nghìn con gia cầm bị cuốn trôi, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt hư hỏng, giao thông ách tắc khiến địa phương bị cô lập… thiệt hại không sao kể xiết. Mỗi phần quà của bà con dưới xuôi chuyển lên mang bao nghĩa tình sâu đậm làm chúng tôi ấm lòng, tăng nghị lực vượt lên trở ngại nhanh chóng ổn định cuộc sống, nhất là khi tết đến đông về.

Ấm tình người nơi bản cao vừa trải qua lũ dữ
Sư thầy Thích Đàm Phúc - trụ trì Chùa Vân Tiên (Hải Dương) trao quà cho các con đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm xã hội tỉnh Lai Châu

Mái nhà chung những phận đời côi cút
Chia tay bà con xã Căn Co, sáng hôm sau đoàn công tác chúng tôi tiếp tục đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lai châu. Nơi đây đang nuôi dưỡng các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Có lẽ hôm nay sẽ là một trong những ngày rất vui với các em nhỏ tại Trung tâm vì có rất nhiều người lạ về thăm.

Ông Hoàng Gia Long, Giám đốc trung tâm thay mặt cán bộ nhân viên và các cháu đón nhận tình cảm từ đoàn thiện nguyện. Ông Long hướng ánh mắt về một em nhỏ đang thơ thẩn ngồi trong hội trường rồi nói với chúng tôi: Đấy là em Lò Thị Sính, năm nay đã 12 tuổi nhưng bị thiểu năng trí tuệ cứ đặt đâu là ngồi đấy, sinh hoạt tại chỗ. Các thầy cô trong trung tâm phải phân công nhau ra chăm sóc. Gia đình em hoàn cảnh rất khó khăn ở tận trong Séo Lèng, Sìn Hồ. Khi sinh con ra thấy con tật nguyền mà gia cảnh túng bấn, không có điều kiện đã gửi con vào trung tâm. Mỗi em nhỏ đến với trung tâm một cách khác nhau nhưng đều giống nhau là những mảnh đời côi cút, bệnh tật- ông Long nhấn mạnh.   

Xuân đến sớm với đồng bào vùng cao Lai Châu
Ông Trần Văn Hải, Giám đốc công ty Vận tải Đông Anh, Hải Dương và Bà Nguyễn Thị Hương, đại diện Công ty Thắng Yến trao quà cho các cháu nhỏ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm xã hội tỉnh Lai Châu
Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu được thành lập từ năm 2005 và chính thức đi vào hoạt động năm 2006. Tổng diện tích của trung tâm khoảng 1,5 ha, cơ sở vật chất 4 dãy nhà cho các trẻ mồ côi, khuyết tật; nhà công vụ; một số công trình để tăng gia chăn nuôi, sản xuất. Trung tâm là đơn vị công lập, trực thuộc sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Lai Châu. Có chức năng tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng và hướng nghiệp cho các đối tượng bảo trợ xã hội.

Hiện tại trung tâm đang nuôi dương, chăm sóc 120 cháu độ tuổi từ 6 đến 19 tuổi, trong đó có 80 cháu là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ và 40 cháu là trẻ khuyết tật. Các cháu là trẻ mồ côi được trung tâm liên kết với các trường học trên địa bàn làm thủ tục nhập học. Riêng đối với trẻ em khuyết tật, trung tâm có một đội ngũ giáo viên trực tiếp mở bốn lớp học tại trung tâm giảng dạy văn hóa và các kỹ năng sống cho các cháu. Ngoài hoạt động giáo dục, trung tâm cũng mở nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, cho các cháu tham gia các mô hình sinh kế: trồng rau, chăn nuôi lợn, gà... để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Nhờ có sự quan tâm của các cơ quan nên chế độ chính sách của các cháu đã được nâng lên khoảng 30.000đ/cháu/ngày.

Ấm tình người nơi bản cao vừa trải qua lũ dữ
Nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập báo Người Hà Nội trao giấy chứng nhận cho những doanh nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân đã đồng hành cùng Báo có nhiều đóng góp cho cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội

Nhà báo Đào Xuân Hưng- Tổng biên tập báo Người Hà Nội, Trưởng đoàn công tác, chia sẻ: Tiếp nối thành công của năm 2018, với tinh thần cho đi để nhận lại những nụ cười, báo Người Hà Nội tiếp tục thực hiện Chương trình “Xuân ấm vùng cao - Tình yêu người Hà Nội” năm 2019. Trong chuyến đi lần này, Ban tổ chức đã trực tiếp đến với bà con xã Căn Co, huyện Sìn Hồ và Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lai Châu để tận tay trao 200 phần quà, trị giá khoảng 200 triệu đồng gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm như gạo, chăn màn, quần áo, giày dép...

Những phần quà ý nghĩa đó hy vọng sẽ mang đến cho đồng bào đang còn khó khăn, em nhỏ khuyết tật chút tình cảm; giúp họ có thêm điều kiện đón một mùa xuân mới ấm áp hơn; động viên khích lệ họ khắc phục hoàn cảnh vươn lên trong cuộc sống. Đây là chương trình mang ý nghĩa thiện nguyện, kết nối những tấm lòng nhân ái cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cùng chung tay nhân rộng giá trị nhân văn, bồi đắp ước mơ, khát vọng sống cho những người nghèo. 

Xuân đến sớm với đồng bào vùng cao Lai Châu
Ông Nguyễn Minh Chiến, Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị cấp thoát nước H& C, Công ty An sinh bền vững Global và Nhà báo Đào Xuân Hưng trao quà cho lãnh đạo Trung tâm xã hội tỉnh Lai châu để gửi tới những cháu đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm nhưng không có điều kiện nhận quà trực tiếp

Tạm biệt các em nhỏ ở trung tâm ra về mà những ánh mắt trẻ thơ bần thần vẫn cứ đeo đẳng khiến chúng tôi day dứt mãi khôn nguôi. Mặc dù đã được nhiều tổ chức xã hội quan tâm, nhưng cuộc sống của các em nhỏ ở trung tâm nói riêng và người dân nơi miền biên cương địa đầu Tổ quốc nói chung vẫn còn nhiều vất vả. Họ đang cần lắm những ánh mắt yêu thương chan hòa đồng cảm, sự sẻ chia vơi bớt thiếu thốn để những mảnh đời cơ cực, dễ bị tổn thương có thêm hơi ấm vươn lên trong cuộc sống. Đấy cũng chính là ý nghĩa chủ đạo mang thông điệp nhân bản cao cả mà chương trình "Xuân ấm vùng cao - Tình yêu người Hà Nội" muốn phát tâm lan tỏa trong cộng đồng.

Xuân đến sớm với đồng bào vùng cao Lai Châu
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm với Ban giám đốc và các em tại Trung tâm Bảo trợ tỉnh Lai Châu.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức văn hóa Kinh Kỳ qua tranh truyện Hàng Trống
    Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo của đất và người Kinh kỳ xưa.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • “Một thời mạ Huế” - đậm sâu cảm xúc, suy tư về xứ Huế
    Tháng 3 này, Tủ sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm ấn phẩm mới là tập tản văn “Một thời mạ Huế” của tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà. Sách do Chibooks liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành.
  • Hà Nội xử phạt người bán hàng rong bán túi táo nhỏ giá 200.000 đồng cho du khách nước ngoài
    UBND phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) đã xử phạt người bán hàng rong liên quan tới sự việc 'chặt chém' 200.000 đồng một túi táo nhỏ đối với hai du khách Tây.
  • Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ngành công nghiệp và trí tuệ nhân tạo
    Chiều 18/3/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta công bố chương trình “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024”.
Đừng bỏ lỡ
Xuân đến sớm với đồng bào vùng cao Lai Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO