Lên chùa ăn giỗ

Nguyễn Trọng Văn| 08/11/2022 11:31

Mới sáng, tiết giữa thu sương mù bảng lảng, đã râm ran tiếng người gọi nhau. Tôi lững thững đi, cảm giác thanh mát bao trùm, níu tay một “già” tóc trắng, áo nâu, miệng cười hỉ hả, tôi hỏi “Sớm nay các già đi đâu mà vui thế?”. “Già” dừng lại, miệng vẫn cười hỉ hả “Chúng tôi lên chùa ăn giỗ”. Hơi ngạc nhiên vì xưa nay người ta chỉ nói “Ra đình ăn cỗ hội làng” hay “Đến nhà ông B ăn cỗ giỗ họ” hoặc đơn giản là “Nhà bà C hôm nay kỵ nhật cụ cố” chứ có khi nào nghe nói “Lên chùa ăn giỗ đâu?”.

2-2-.jpg

Mà thực ra đúng là hôm nay người dân làng Cầu, người dân mấy tổ dân phố ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên rủ nhau ra chùa ăn giỗ thật. Nhác thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, “Già”, có tên là Dung, vội giải thích “Hôm nay nhà chùa làm giỗ Cụ Chùa. Chúng tôi ra chùa góp nhau làm cỗ giỗ Cụ”.

Thì ra “Cụ Chùa” như mọi người nói chính là “Sư cao”, vị sư trụ trì chùa Cầu Bây cách đây cũng dễ hơn bảy mươi năm. Bà Dung lại giải thích thêm “Chùa hồi đó có hai vị sư nữ. Vị sư nữ trụ trì có dáng người thanh thanh nên dân làng gọi là “Sư cao” để phân biệt với vị sư nữ kia, gọi là sư thấp”. Vui và chân thật thế đấy, người làng bao giờ cũng có cách gọi vừa thể hiện sự tôn kính lại vô cùng quen thân. Cách gọi nghe cứ như vẫn còn đâu đó, cách gọi nghe thấy gần gũi làm sao, không trịnh trọng, không xa xôi.

Chùa Cầu Bây thuộc làng Thạch Cầu Bây, xã Thạch Bàn xưa. Chành chạnh nhắc thầm cái tên làng mà thấy như ngỡ sắp không còn cả trong ký ức. May mà vẫn còn có những người làng biết cách để giữ tên làng, biết lối để giữ nếp làng xưa. Đó là dân họp bàn nhau, người góp của, kẻ góp công. Làng trùng tu để giữ lại chùa. Vậy là tôi hỏi thăm ngõ dẫn vào chùa. Chùa dù được mang tên mới là “Thiên Phúc Tự” đọc cho nó sang nhưng người thì cứ tên cũ của làng mà thưa - chùa Cầu Bây.

Chùa Cầu Bây có hơn ba trăm năm tuổi và có lẽ là một trong những “ngôi chùa làng Bắc Bộ” đúng nghĩa nhất. Chả là từ hồi xửa hồi xưa chùa làng thường nhỏ và thấp. Chùa lại khiêm tốn nằm ở cuối làng, lọt thỏm giữa vườn rau cùng hoa trái, khuất lấp dưới tán nhãn, tán muỗm xum xuê cành lá, chập tối là chin chít tiếng dơi bay. Chả là từ hồi xửa hồi xưa chùa làng thường ở chỗ giáp với chân đồng, kề bên thửa khoai, cạnh ao rau muống. Người làng xưa thường vốn kiệm lời nên không muốn phô trương. Chốn ấy chỉ dành cho những ai thiện lòng mà tìm đến. Người làng xưa nhu lành nên không thích vẽ với. Chốn ấy chỉ dành cho những ai thực tâm mà tìm tới. Người làng xưa chân chất nên chẳng so đo chẳng nghĩ thiệt hơn. Chốn ấy chỉ dành cho những ai không màng ganh ghét mà tìm đến. Người làng xưa sống kín mình nên chẳng thích giao du. Chốn ấy chỉ dành cho những ai thịnh tình tìm đến.

Tôi đứng ngẩn người ngay trước cổng chùa Cầu Bây chợt lòng hờn tỵ. Một đoạn tường rào cao hút đầu người ngăn cách vườn chùa với con đường trải nhựa đã được đánh biển tên ngõ phố. Tường rào bằng gạch xây còn chưa kịp trát được trổ một lối rộng chừng cánh tay giang để làm cổng vào chùa. Sáng nay cổng chùa chừng như khem khép, chiếc cổng có khung làm bằng ống sắt, phần trên cánh cổng được hàn hoa sắt cho trong ngoài dễ nhìn qua nhìn lại, phần đáy cổng bưng tôn mỏng tang, cổng ngữ vầy chắc chỉ để báo đây chốn tâm linh nên cần yên tĩnh.

Đã sang thu, vậy mà ngó vào thấy chùa Cầu Bây chừng như vắng tĩnh. Chùa làng có khác? Người làng có khác? Tuyệt nhiên không thấy cảnh kẻ tới người lui, áo quần trịnh trọng, nghi ngút khói hương, rổn rang tiếng mõ tiếng chuông. Người làng xưa vốn tính khiêm nhường mà lại vô cùng thấu đáo, ở làng cứ tới đầu tuần hay ngày rằm các già, các vãi mới nhỏ nhẹ rủ nhau “lên chùa”. Lên chùa mà như về với cõi thường nên chẳng cần ồn ã. Lên chùa là lên với chốn tịnh không để hồn bằng lặng. Lên chùa là lên với chốn lánh người mà để lòng người thư thả. Lên chùa là lên với chốn xuân dung mà để thả lòng được bữa thưởng hoa hít gió. Lên chùa là để tạm xa những khắc những giờ lo toan vất vả mà mong cho mình gạt nhẹ buồn đau. Thế mới có câu “vãng cảnh chùa”.

Người đón tôi là một sư cô, bà đã gầy lại như nhỏ thêm dù đã mặc bộ cánh nâu mấy lớp phòng trừ cái lạnh cuối năm, mới thoáng trông đã thấy toát lên vẻ thanh bần thường nhật. Người đàn bà đã ngoài sáu mươi này quê huyện Thanh Hà ở mạn Hải Dương. Bà rời quê đi “ở chùa” Cầu Bây cũng đã ba mươi năm. Hồi đầu lên đây chùa còn khiêm nhẹ. Xã Thạch Bàn hồi đó từng có ý định cấp cho nhà chùa 2 sào ruộng nước, ý là để sư già (nhà sư già này đã ở chùa từ trước cách mạng và cho tới năm 1991 thì mất, hiện mộ được táng tại vườn chùa) cùng sư trẻ cấy hái nuôi nhau nhưng chẳng hiểu sao ruộng xã cho thì nghe nói mãi mà vẫn chưa thấy mặt. Mà chuyện đó đâu nghe nói các sư đâu có bận tâm. Từ thuở xa xưa chùa làng đã thế, có ruộng thì sống bằng nghề ruộng, không ruộng dựa vào vườn, thì nhờ tình nghĩa xóm thôn. Ăn đáng bao nhiêu, có khoai ăn khoai, có sắn ăn sắn, không khoai không sắn thì ăn quả ăn hoa. Giàu thì khó chứ sống thanh đạm có khó gì đâu.

Tôi nhìn ra sân chùa, nắng thu vàng nhẹ. Dậy lên mùi hương của hoa, mùi thơm của bưởi của cam. Sư Nga kể tiếp: “Hồi trước cách mạng, năm đó đúng là năm xảy ra nạn đói năm “bốn nhăm” khủng khiếp. Cô Đàm Thị Nghĩa năm đó đâu cũng mới ba mươi. Người đàn bà quê gốc làng Vòng (Từ Liêm) thảo thơm hương cốm chẳng hiểu lẽ gì mà quy y cửa phật. Cô thành sư cô trụ chùa Cầu Bây cũng từ dạo đó. Một bữa sư cô Đàm Nghĩa, pháp danh của cô Nghĩa, dân làng Cầu Bây thân mật gọi là Sư Nghĩa hay sau này gọi “cụ Cao”, sang Chợ Đường Cái bên Hưng Yên chơi. Sư Nghĩa gặp một gia cảnh một mẹ và ba con nheo nhóc, nghe nói ở tận Thái Bình, đang đói lả chờ chết. Sư Nghĩa động lòng mà vội nhận đứa trẻ có cơ còn sống nhất mang về chùa nhận làm con nuôi. Đứa trẻ ấy Sư Nghĩa đặt tên là Kỳ, Kỳ có nghĩa là kỳ diệu với hy vọng sự kỳ diệu sẽ cho đất sống. Nhà sư cho cậu bé tên Kỳ được mang họ Thích của Nhà Phật. Những năm đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, chú tiểu Thích Thanh Kỳ nằng nặc đòi sư cô cho mình được “bỏ chùa” để đi bộ đội. Anh Kỳ, người của chùa Cầu Bây trở thành người chiến sĩ Vệ quốc quân. Trong một trận đánh ngăn quân Pháp càn qua sông Đuống chiến sĩ Thích Thanh Kỳ đã anh dũng hy sinh.

Tôi lại dảo mắt nhìn vườn cây trong khuôn viên chùa. Gió thu man mác. Tôi nhắm mắt mà hình dung ra hình bóng anh bộ đội Thích Thanh Kỳ trước lúc ngã xuống còn cố lục trong túi áo ngực mình lấy ra mảnh vải cà sa mà sư cô Thích Đàm Nghĩa đã trao cho ngày anh “lên đường” với mong muốn mảnh vải ấy sẽ là “lá bùa” chở che anh vượt qua khốn khó. Nhưng đạn thù như kẻ vô tình, anh Vệ quốc quân trẻ tên là Kỳ cùng bao đồng đội của mình đã lấy máu mình vẽ lên ánh sao vàng soi sáng tương lai.

Tôi trộm nhìn sư cô Thích Đàm Nga, bà đã mấy chục năm nay dõi theo bóng hình sư cô Thích Đàm Nghĩa để cố lòng làm những việc nghĩa nhân. Chùa mang tên làng Cầu Bây hiện có ba vinh dự lớn. Thứ nhất là chùa cùng đình làng Cầu Bây tạo nên cụm “Di tích lịch sử kháng chiến” rất đỗi tự hào của làng Cầu. Thứ hai là “chú tiểu” Thích Thanh Kỳ tức cậu bé không rõ mẹ cha, không tường quê quán, không cả danh xưng lại suýt bị “chết đói” năm Ất Dậu về làm “con nuôi nhà chùa” được truy phong Liệt sĩ. Thứ ba là sư cụ Thích Đàm Nghĩa được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và được truy tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một danh hiệu chưa từng có tiền lệ và độc nhất vô nhị, đó là một vị sư vốn chẳng chồng con, vốn không họ mạc với liệt sĩ mà chỉ là người có công dưỡng dục. Đất nước không bao giờ quên những người đã đổ máu xương cho độc lập tự do của Tổ quốc. Đất nước đã ghi nhận công lao dưỡng dục của những người đã trọn lòng cho nghĩa phải.

Một làn gió heo may chợt tới, cảm giác se se. Tôi những tưởng từ tận đâu đâu những lời thầm thì đang âm thầm vọng lại. Chùa làng Cầu bây đang độ hướng xuân, nói là hướng xuân cũng bởi lẽ ngôi chùa khiêm nhường này đã được các cấp đồng ý chủ trương nâng cấp cho xứng với “tinh thần” mà ngôi chùa này đã mấy chục năm lặng lẽ toả hương. Vâng, hương hoa ngọc lan trong vườn chùa đang dịu ngọt lan tỏa. Tôi thấy lòng mình bỗng thênh thênh “Chùa làng còn thì tên làng còn. Tên làng còn thì nhân nghĩa mãi còn”. Rồi tâm nhủ lòng “Chùa làng chính là hồn của làng”.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Trọng Văn. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Hà Nội ơi trong trái tim ta
    Tôi sinh ra trên đất Thái Bình, mười tám tuổi theo gia đình vào Đồng Nai sinh sống. Hồi học đại học ở Sài Gòn, sống trong ký túc xá bạn bè tứ xứ lúc đó mới có ý thức rõ về vùng, miền, về quê hương xứ sở. Tôi yêu quý, bênh vực cho Đồng Nai, Thái Bình cũng chẳng khác gì đám bạn ngợi ca mảnh đất dằng dặc miền Trung, Tây Nguyên hay miền Tây Nam bộ, đó cũng là lẽ thường tình, như con cái có chê cha mẹ nghèo hèn, xấu xí bao giờ.
  • Ấm áp tình người Hà Nội
    Nghĩ đến Thăng Long - Hà Nội, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, từ thẳm sâu thời gian, ký ức miên man về ân tình người Hà Nội trong tôi lại bừng dậy, tuôn trào. Cảm xúc thúc giục tôi mỗi lần ra Hà Nội phải giành chút thời gian, lúc thì tạt ngang qua Bến Nứa bằng xe xích lô đạp, hòa vào dòng người và xe cộ; lúc thì tản bộ lang thang dọc phố Thợ Nhuộm mà ngày xưa cảm giác như nó dài hun hút.
  • Người Hà Nội gốc – cớ sao cứ mãi đi tìm?
    Hai mươi năm rời xa Hà Nội. Hai mươi năm chưa trở lại Hà Nội. Hà Nội tưởng chừng ngủ yên bất chợt ùa về mỗi khi khẽ chạm vào miền ký ức. Hà Nội trong tôi thuở ấy là vần thơ tài hoa của thi sĩ Nguyễn Đình Thi: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/Những phố dài xao xác hơi may/Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
  • Hà Nội và những người bạn
    Tôi từng công tác ở Hà Nội gần 20 năm về trước. Hồi ấy, tôi là một anh lính đi nghĩa vụ quân sự, cũng có cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ nên đơn vị tạo điều kiện cho ôn thi. Tôi thi trường học viện chính trị, thiếu nửa điểm, thủ trưởng động viên tôi ở lại sang năm thi tiếp. Tôi đã đắn đo rất nhiều nhưng cuối cùng quyết định ra quân.
  • Cột cờ Hà Nội
    Cơ quan tôi, trụ sở làm việc tại 28A đường Điện Biên Phủ. Ngay chân Cột cờ Hà Nội. Một địa danh, một biểu tượng vinh quang, niềm tự hào của người Hà Nội. Hàng ngày, mỗi buổi sáng sớm, từ nhà đến nơi làm việc, tôi đi qua đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên phủ…
  • Lang thang với vỉa hè Hà Nội
    Thỉnh thoảng khi bâng quơ một mình trên con đường đất ở ngoại thành tôi lại nghêu ngao câu hát: “… Hà Nội mùa này chiều không buông nắng/ Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô/ Quán cóc liêu xiêu một câu thơ…” như một cách tự nhiên, những khúc ca về Hà Nội cứ đi vào lòng tôi, thuộc ở hồn tôi và thôi thúc tôi dang rộng cánh tay của mình để ôm lấy Hà Nội.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Cuốn sách mà người yêu nhạc không thể bỏ lỡ
    Nhạc jazz đã có hành trình như thế nào ở Việt Nam? Ai là những người Việt chơi jazz ở Việt Nam? Có thật là họ chơi jazz hay không? Jazz Việt là gì? Và quan trọng hơn cả, ai là người khai sinh ra jazz Việt? Cuốn sách “Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội” sẽ thỏa mãn bạn đọc những băn khoăn trên.
  • Đóng góp của văn nghệ sĩ nhìn từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam”
    “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (Đề cương), ngay từ khi ra đời đã cho thấy tầm nhìn và giá trị của nó đối với văn hóa Việt Nam nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Sự tác động, ảnh hưởng cũng như tính thời sự của Đề cương là một nghiên cứu đáng xem xét trong lịch sử đất nước, vừa mang tính chính trị vừa mang đậm giá trị văn hóa đất nước. Song, cũng từ đó để thấy rõ vai trò đóng góp của văn nghệ sĩ qua từng giai đoạn lịch sử đất nước.
  • "Phố Hàng Đàn"
    Phố Hàng Đàn thực chất là phố Hàng Quạt ngày nay.
  • Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam: Điểm tham quan miễn phí dịp cuối tuần
    Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tái hiện toàn cảnh bức tranh thiên nhiên Việt Nam, sự sống của các loài động thực vật qua 3,6 tỷ năm. Đây không chỉ là điểm tham quan thú vị và hấp dẫn đối với các em nhỏ, các bậc phụ huynh trong những dịp cuối tuần mà còn là nơi cung cấp rất nhiều tư liệu quý giá.
  • Hà Nội dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ
    Đó là thông tin tại Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý I/2023 do Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP. Hà Nội tổ chức ngày 31/3/2023.
  • Góc nhìn văn hóa - Số 20
    Kem Tràng Tiền là một thương hiệu rất riêng của Hà Nội. Nằm ở số 35 phố Tràng Tiền (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), hơn nửa thế kỷ qua, cửa hàng kem tại đây đã trở thành điểm đến quen thuộc, một nét văn hóa của người dân Thủ đô và là món ăn yêu thích của nhiều khách du lịch khi đến với Hà Nội. Cùng NHN "thưởng thức" kem Tràng tiền trong Góc nhìn văn hóa số này.
  • Khu di tích thành Cổ Loa
    Khu di tích Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, cách nội thành Hà Nội 18km.
  • Phát động Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản 2023
    Tạp chí Heritage (Tổng công ty Hàng không Việt Nam) vừa chính thức phát động Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản 2023.
  • “BON BON +84” - Số 06: Nhà tù Hoả Lò – Chiến tích hào hùng của dân tộc
    Đất nước Việt Nam ta đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử với những cuộc chiến tranh lớn, nhỏ, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Cùng với đó là rất nhiều những di tích lịch sử còn tồn tại cho đến ngày nay. Một trong số những chiến tích hào hùng của dân tộc đó là “Nhà tù Hỏa Lò”, nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”.
  • Sắc xuân
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Sắc xuân của tác giả Nguyễn Đăng Độ
Lên chùa ăn giỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO