Nhà thơ Thanh Tùng với ký ức một thời hoa đỏ

Nguyễn Việt Chiến| 04/01/2020 10:45

Tôi nghĩ mỗi một nhà thơ đích thực, nổi tiếng đều tìm thấy miền đất ký thác của thơ mình trong cuộc đời sáng tạo của riêng họ dẫu hành trình thơ mở ra ở nhiều miền sống khác nhau, nhiều thể tài khác nhau, nhiều giai đoạn khác nhau, nhiều thi tầng khác nhau.

Tôi nghĩ mỗi một nhà thơ đích thực, nổi tiếng đều tìm thấy miền đất ký thác của thơ mình trong cuộc đời sáng tạo của riêng họ dẫu hành trình thơ mở ra ở nhiều miền sống khác nhau, nhiều thể tài khác nhau, nhiều giai đoạn khác nhau, nhiều thi tầng khác nhau. Và, điều tôi muốn nói tới chính là chất thơ của những miền sống đã làm nên một đặc trưng phổ quát, một định hình ngôn thi, một định tính phong cách… của miền thi ca ấy. Như thể nhiều năm qua, dư luận văn học thường nhắc tới chất thơ Hà Nội, chất thơ xứ Đoài, chất thơ Kinh Bắc rồi chất thơ Hải Phòng, chất thơ miền Trung Thanh - Nghệ - Tĩnh, chất thơ Bình Định - Phú Yên đến chất thơ xứ Huế, chất thơ Sài Gòn, chất thơ Nam Bộ…

 Với tuyển thơ “Còn đây một thời hoa đỏ” của cố nhà thơ Thanh Tùng vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành, qua 159 bài thơ trong tập, tôi cho rằng cái phong vận của người thơ tài hoa ấy có hai nét nổi bật đẫm chất thơ - chất sống Hải Phòng đó là sự phóng khoáng trong nhịp điệu thi ca và sự phiêu bạt trong cảm xúc và suy ngẫm. Trong đời thơ của mình, Thanh Tùng đi khá nhiều nơi, viết về nhiều miền đất khác nhau nhưng thành phố Hải Phòng của một “Thời hoa đỏ” vẫn là một miền thi ca giàu chất sống lãng mạn dữ dội và ký thác tâm tưởng nhiều nhất đối với ông. Trong bài thơ “Hải Phòng - muối của đời tôi” Thanh Tùng chia sẻ:

Tôi để lại Hải Phòng giàu có của tôi
Bước ra cửa là rơi vào trái tim bè bạn
Cùng ngọn gió tươi mặn chát của biển khơi
Với tôi ngày nào cũng Tết
Tôi đã mang thơ trải khắp con đường
Thơ có máu của những ngày bom đạn
Dồn lên cùng ngọn lửa lò nung
Chắt ra từ giọt rượu đêm
Quán vắng bạn bè khật khưỡng…
Rồi:

Tôi đã làm thơ từ sau xe bò chở gạch
Đến quảng trường nổi gió lúc nửa đêm
Tiếng ghi-ta ngập ngừng ven bờ sông Lấp
Rồi bay lên sóng sánh ánh sao trời 
Hải Phòng ơi ai cũng đã an ủi tôi
Bằng cách yêu của thợ
Đến vỉa hè cũng nóng lên mời gọi
Trong những ngày tưởng không đứng lên được nữa
Hải Phòng ơi tôi đã tan vào Người
Trong ngổn ngang mãnh liệt
Để hôm nay dù ở nơi nào
Cũng không nhạt nhẽo
Vì Người là muối của đời tôi

 Qua những câu thơ trên, có thể nói, thơ Thanh Tùng là thứ thơ đậm đặc chất sống, tươi rói chất sống mà cũng trầm luân chất sống, mặn mòi chất muối của Hải Phòng. Hơi thở đời sống cần lao nhọc nhằn, lấm láp của thành phố những tháng năm ấy cứ hiện lên trong thơ ông những nỗi niềm trở trăn, day dứt:

Thành phố gầy như ngực mẹ tôi
Tôi không dám mạnh chân sợ mặt đường long nhựa
Không dám cả cười buông thả
Sợ bao vết thương bom đạn vẫn chưa lành
Bờ sông khúc khuỷu hoang sơ
Nham nhở cỏ xanh tràn mép phố
Những em gái thập thò sau khung cửa
Ánh mắt như màu rượu lâu ngày…
(Trở về)  

Hải Phòng lưu dấu ký ức tháng năm trong trái tim nhà thơ không chỉ là “Tiếng búa khắc vào hồn phố nhỏ/Cùng mộng mơ lảng vảng cuối con đường” cùng với “Những giọt mồ hôi từng hát lên trong suốt/ Những lưng thợ đã bết mãi vào nhau” mà thành phố quê hương còn thắp lên một tình yêu không bao giờ nguôi cũ trong đời thơ phiêu bạt của ông:

Tôi có thể lại yêu thêm lần nữa
Với trái tim nặng trĩu nhọc nhằn
Bao nhiêu xanh tôi đã để lại cho màu liễu bên bờ hồ 
Tam Bạc
Máu đã bừng lên mỗi sớm nơi đây
Tôi vẫn khát những mặt hè như cậu bé ngày xưa
Những tên phố rộn lên trong tôi niềm say lang bạt
Rồi mai đây ở bất cứ nơi nào
Tôi cũng chỉ thấy mình chen chân trên đường Cầu Đất
Hoa bằng lăng tím đến dại khờ 
(Hải Phòng lúc ra đi)

Có thể nói trái tim nhà thơ như một bảo tàng trữ tình của những hình ảnh kỷ niệm thân thương về  một dĩ vãng Hải Phòng, cũng là nơi chất chứa những xúc động yếu đuối mà chân thành khi ông phải chia tay thành phố trước một chuyến đi rất xa về phương trời khác:

Mới biết mình yếu đuối nhường nào khi phải ra đi
Nếu tôi không vội nghiến răng thì cơn gió 
cũng làm cho nhàu rối
Mới thèm làm sao những em thơ nhởn nhơ quanh 
những gốc bàng già điềm tĩnh
Những cô gái bước đi như hôn lên mặt hè
Cả những người thợ đang tất bật áo quần bê bết mỡ dầu
Tất cả nhìn tôi với tự hào và thương hại
Tôi hiểu từ đây tất cả là của họ từ nhành cây ngọn cỏ đến vệt mưa xám xịt đã cất giữ của tôi bao dĩ vãng.

Rồi sau những khoảnh khắc yếu đuối phút chia tay, Thanh Tùng chợt nhận ra trong cuộc đời phiêu dạt của mình những câu thơ xa xót, những câu thơ phiêu bạt của một người thơ luôn đau đáu một tình yêu máu thịt với thành phố quê hương với những liên tưởng đầy ám ảnh:

Chỉ lát nữa thôi tôi sẽ trắng tay
Cái đồng hồ nhà ga như khuôn mặt viên quan tòa 
nghiêm khắc
Những cánh cửa nhà ga cũng cương quyết mở ra rồi
Tiếng còi tàu bàng hoàng như tiếng thét chính hồn tôi
Tôi rối lên ôm vào tất cả
Hết thứ này lại thêm thứ nữa
Như người khuân vác tham lam
Tôi xin xỏ, giằng co rồi thương lượng
Để mai trên quê người không quá cô đơn
(Ở ga Hải Phòng)

Đa phần những bài thơ trong tập “Còn đây một thời hoa đỏ” của nhà thơ Thanh Tùng đều nằm trong mạch chảy ngầm của những tiểu - tự - sự với giọng thơ trầm buồn, giầu chia sẻ, khơi gợi và gần gũi, thân thiết với con người. Thanh Tùng đã nâng nghệ thuật thi ca thành một cách viết tự thân giàu phẩm cách thi sĩ, nó giản dị, hồn nhiên và tươi nguyên như chính hơi thở đời sống xung quanh đã được ông đưa vào thơ theo cách giàu cảm xúc nội tâm nhất, điều mà không phải nhà thơ nào cũng có được.

Có lẽ về mặt kỹ năng viết, Thanh Tùng là một trong những bậc thầy của thơ trữ tình tự do mà bài thơ “Thời hoa đỏ” là một dẫn liệu bên cạnh những bài thơ đặc sắc khác của ông. Ở những bài thơ như thế, nhịp điệu dài ngắn của câu thơ lại phụ thuộc vào nhạc điệu nội tại của những tâm sự mà nhà thơ muốn gửi gắm, muốn chuyển tải như trong một bài thơ viết về “Hà Nội ngày trở về” của ông đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc:

Hà Nội ơi tôi đã cất giữ người cẩn thận
Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhầu máu 
vẫn âm thầm chảy
Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân
Mỗi khi tôi thấy mình xơ xác
Tôi lại về đánh cắp
Dẫu một chút bóng đêm trên đường phố Khâm Thiên
Dẫu một mảnh lá vàng còn ướt nước hồ Gươm
Tôi rung lên mỗi khi chạm tới bóng cửa ô
Như được chạm vào vai gầy áo mẹ
Tôi bé nhỏ và tôi vẫn thế
Trái tim luôn xao động
Như bên trong đầy ắp sóng Hồ Tây
Vội vã trở về, vội vã ra đi
Chẳng kịp nhận ra từng mặt phố…
(Hà Nội)

Trong bài viết ngắn này về thơ Thanh Tùng, tôi muốn phác họa đôi nét cái chất sống - chất thơ Hải Phòng trong nhiều bài thơ của ông để thấy thành phố cảng của cần lao, phóng khoáng nơi ông sinh ra và lớn lên đã ngấm vào máu thịt, vào từng hơi thở của thi ca ông với nhiều nỗi đời, nỗi người trong gian khó, nhọc nhằn nhưng vẫn vượt lên bền bỉ một chất sống mãnh liệt của những con người không chịu cúi đầu, không chịu thua cuộc và luôn gắn bó, thủy chung với quê hương:

Tôi vẫn tin có một ngày trở lại
Bao già nua trút ở ngoại ô
Để lại chạy với bàn chân tinh khiết
Phố Hàng Cau rồi phố Hàng Song
Những đường phố trong như nước mắt
Sông Đào lại chảy vào tôi nguồn mơ mộng
Những cánh buồm nâu đã viết lên tôi nỗi buồn thứ nhất
Tôi lang thang vá víu đã nhiều
Bao nhiêu gió chẳng làm đỡ khát
Bao nhiêu nắng chẳng làm mặn lại
Chỉ quê hương đau đáu vẫn còn xa
(Quê hương)

Theo tôi, sở dĩ thơ Thanh Tùng có một sức sống ngôn ngữ giàu cảm xúc, giàu chiêm nghiệm và ý tưởng mới lạ trong thi ca là do phẩm chất thi sĩ khá đậm đặc, mãnh liệt mang dấu ấn phong cách của tài năng ông với những câu thơ đã chạm vào được mạch nguồn sâu sa và tươi mới của đời sống con người, đời sống thiên nhiên, đời sống quê hương. “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh/ Chẳng cho lòng ta nguôi/ Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày qua/ Em hát một câu thơ ngày cũ/ Cái say mê một thời thiếu nữ/ Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ…”. Những câu thơ giản dị, trong suốt này ngân vang trong tâm tưởng người đọc những cung bậc tình yêu về một miền sống, miền thương yêu nơi mỗi chúng ta đã từng đi qua và luôn khát khao trở lại. Trong hành trình thơ của Thanh Tùng không thể không nói tới thơ tình, đây là một mảng thơ đặc biệt ghi dấu ấn sâu lắng và nồng nhiệt của một tâm hồn thi sĩ cháy bỏng yêu thương và luôn tụng ca cái đẹp nơi ông mà bài thơ “Thời hoa đỏ” đã đọng lại như một trong những bài thơ tình hay nhất của thi ca đương đại Việt Nam.

Sau những năm dài đầy biến động và sống hết mình cho thi ca, một trong những bài thơ cuối cùng Thanh Tùng viết trước khi giã biệt cuộc đời gian truân và giàu mộng mơ thi sĩ của ông là bài “Khi nhà thơ đi xa” với những câu thơ dự cảm đầy tâm trạng: “Anh đã đi xa/ Chỉ còn những câu thơ ở lại/ Những câu thơ tê tái/ Chạy như lá khô/ Viền tang trên trán phố chiều nay”. Tôi như thấy trong bài thơ này, Thanh Tùng đã viết về chính mình, về một nhà thơ đã sống một cuộc sống không dễ dàng gì trong những tháng năm lao khổ đầy biến động cùng với bạn bè, với thành phố Cảng quê hương. Ông lo lắng, nếu thành phố ấy thiếu một người thơ như ông thì lấy “Ai đi đón mùa thu ngoài đồng nội?/ Ai vẽ lối cho mùa xuân trở lại?/ Ai cãi cho lũ trẻ cầu bơ?/ Ai nâng lên cánh hoa vừa rụng?/ Trời thấp xuống không gian chật chội/ Đàn ai từng giọt âm thầm”. Nhà thơ với nỗi lo của trái tim nhân hậu trước khi ngừng đập đã quặn lên nỗi đau đầy xúc động và ngậm ngùi khi chợt nhận ra: “Đời chỉ dành anh chỗ xót xa/ Anh vẫn ghìm từng câu thơ một/ Trận chiến này hụt sức/ Anh vẫn cần cho phía ngày mai/ Anh đã đi xa/ Gió nói thế và hoa nói thế/ Có mang thơ vào cõi xanh xa”.

Có thể nói, với bài thơ trên, trước lúc ra đi, Thanh Tùng vẫn như thấy mình còn cần cho cuộc chiến “chống lại cái ác và cứu rỗi cái đẹp” ngày mai như một tráng - sĩ - thơ giàu chất sống phóng khoáng, phiêu bạt và thấm đẫm chất Hải Phòng nơi thi ca ông.
(0) Bình luận
  • Hoàng tử & Công chúa Ngủ
    Công chúa Ngủ đang ngon giấc trên một chiếc giường đầy hoa, có nắp đậy bằng pha lê. Nàng xinh đẹp, phúc hậu và thông minh, tuy vậy cái sắc đẹp, cái phúc hậu và cái thông minh đang ngủ cùng nàng. Nàng đã tồn tại, song nàng ngủ li bì, cho nên coi như không có nàng. Chỉ có sắc đẹp của nàng hiện lên qua nắp pha lê trong suốt, nhưng đó không phải là nét ưu trong tính cách của nàng.
  • Bóng làng nơi đáy ao
    Ở làng Chiện này, cách đây năm mươi cái tết, người đàn ông nào vào tuổi ngũ tuần, thì được làng tặng con cá chép ao Sen. Ao Sen là ao chung của cả làng, có ý nghĩa quan trọng với cả cộng đồng. Ông Nền giờ đã ngoài sáu mươi, sau khi rời quân ngũ về đã làm liền hai khóa chủ tịch xã. Còn hơn nửa năm nữa, ông chỉ mong kết thúc nhiệm kì để được nghỉ ngơi.
  • Đào bích ngược ngàn
    Đã là ba mươi tháng Chạp. Cây đào phai già bên con dốc từ trạm y tế xã Mường Va lên Trạm biên phòng 19 đã khoe những bông đầu tiên. Không ai biết cây đào đã bao nhiêu tuổi. Chỉ biết rằng trên cái gốc vâm váp sần sùi của cây là vết tích của những cành to bằng cánh tay người đã bị gãy do thời gian, là mấy cành nhỏ còn vết dao chặt do cái thú chơi cành cắm lọ của mấy người miền xuôi năm trước và cả cái cành lả thế hoành duy nhất và đẹp nhất vào cuối năm ngoái.
  • Khát vọng người lính trẻ
    Tôi tìm gặp Nho bên bờ sông. Nho đang ngồi xếp bằng, cúi mặt, tay xé mấy cọng lục bình. Nho buồn rười rượi.
  • Cô Hardy  của chúng tôi
    Tôi bắt đầu cuộc sống là một đứa trẻ không có khả năng học tập. Tôi từng bị chứng rối loạn cảm nhận còn được gọi là chứng khó đọc. Một đứa trẻ mắc chứng khó đọc thường học khá nhanh từ ngữ nhưng nhìn nhận chung không như những người khác.
  • Cô giáo dạy văn
    Cô Mậu là giáo viên dạy văn lớp chúng tôi. Cô ở độ tuổi trung niên, người hơi đậm, giọng khàn, mắt sắc, ít cười. Gần đến giờ kiểm tra viết, chúng tôi thường căng não hơn dây đàn bởi phải thực hiện một trong hai điều: Thứ nhất là phải thuộc lòng những bài cô cho chép để trả chữ (việc này khó). Thứ hai là tìm “kế”.... thoát điểm thấp dẫu không thể thuộc lòng (việc này khó hơn việc thứ nhất).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khám phá dáng hình của đất qua các sản phẩm gốm yakishime
    Triển lãm “Yakishime – Dáng hình của đất” giới thiệu nghệ thuật làm gốm Nhật Bản sẽ diễn ra từ ngày 4/4 đến ngày 20/4/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
  • Cuốn sách mà người yêu nhạc không thể bỏ lỡ
    Nhạc jazz đã có hành trình như thế nào ở Việt Nam? Ai là những người Việt chơi jazz ở Việt Nam? Có thật là họ chơi jazz hay không? Jazz Việt là gì? Và quan trọng hơn cả, ai là người khai sinh ra jazz Việt? Cuốn sách “Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội” sẽ thỏa mãn bạn đọc những băn khoăn trên.
  • Đóng góp của văn nghệ sĩ nhìn từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam”
    “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (Đề cương), ngay từ khi ra đời đã cho thấy tầm nhìn và giá trị của nó đối với văn hóa Việt Nam nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Sự tác động, ảnh hưởng cũng như tính thời sự của Đề cương là một nghiên cứu đáng xem xét trong lịch sử đất nước, vừa mang tính chính trị vừa mang đậm giá trị văn hóa đất nước. Song, cũng từ đó để thấy rõ vai trò đóng góp của văn nghệ sĩ qua từng giai đoạn lịch sử đất nước.
  • Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia
    Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật sẽ cùng với hệ thống di tích, nhà tưởng niệm của tỉnh là những địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng, văn hiến cho thế hệ trẻ, góp phần bồi đắp tâm hồn, cốt cách người Hưng Yên. Đồng thời khu lưu niệm kết nối các điểm du lịch, trở thành nguồn lực phát triển của địa phương.
  • Bố mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú Hà Nội học sinh mới được dự thi vào lớp 10 công lập
    Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024 diễn ra các ngày 10 và 11/6. Thí sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào trường công lập phải làm ba bài thi gồm ngữ văn, ngoại ngữ và toán.
Đừng bỏ lỡ
  • Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam: Điểm tham quan miễn phí dịp cuối tuần
    Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tái hiện toàn cảnh bức tranh thiên nhiên Việt Nam, sự sống của các loài động thực vật qua 3,6 tỷ năm. Đây không chỉ là điểm tham quan thú vị và hấp dẫn đối với các em nhỏ, các bậc phụ huynh trong những dịp cuối tuần mà còn là nơi cung cấp rất nhiều tư liệu quý giá.
  • Hà Nội dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ
    Đó là thông tin tại Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý I/2023 do Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP. Hà Nội tổ chức ngày 31/3/2023.
  • Góc nhìn văn hóa - Số 20
    Kem Tràng Tiền là một thương hiệu rất riêng của Hà Nội. Nằm ở số 35 phố Tràng Tiền (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm), hơn nửa thế kỷ qua, cửa hàng kem tại đây đã trở thành điểm đến quen thuộc, một nét văn hóa của người dân Thủ đô và là món ăn yêu thích của nhiều khách du lịch khi đến với Hà Nội. Cùng NHN "thưởng thức" kem Tràng tiền trong Góc nhìn văn hóa số này.
  • Khu di tích thành Cổ Loa
    Khu di tích Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, cách nội thành Hà Nội 18km.
  • Phát động Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản 2023
    Tạp chí Heritage (Tổng công ty Hàng không Việt Nam) vừa chính thức phát động Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản 2023.
  • “BON BON +84” - Số 06: Nhà tù Hoả Lò – Chiến tích hào hùng của dân tộc
    Đất nước Việt Nam ta đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử với những cuộc chiến tranh lớn, nhỏ, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Cùng với đó là rất nhiều những di tích lịch sử còn tồn tại cho đến ngày nay. Một trong số những chiến tích hào hùng của dân tộc đó là “Nhà tù Hỏa Lò”, nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”.
  • Sắc xuân
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Sắc xuân của tác giả Nguyễn Đăng Độ
  • Hà Nội: Giao ban công tác tuyên giáo thành phố quý I/2023
    Sáng 30/3, thực hiện chương trình công tác năm 2023, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo thành phố quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2023.
  • Tổ chức triển lãm ảnh "Các di sản thế giới của Việt Nam và Lào"
    Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) sẽ chủ trì, phối hợp Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển lãm ảnh "Các di sản thế giới của Việt Nam và Lào". Triển lãm diễn ra từ ngày 20 - 30/4/2023.
  • Chương trình dự kiến Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12
    Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Hiệp hội các địa phương Pháp, thành phố Hà Nội chủ trì tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 từ ngày 13 - 15/4/2023.
Nhà thơ Thanh Tùng với ký ức một thời hoa đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO