Những nhịp cầu mến thương

Tạ Thị Thanh Hải| 02/01/2023 09:53

Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, tự bao giờ đã vương luyến hồn du khách bởi nét đẹp cổ kính với những danh lam thắng cảnh ghi dấu vàng son lịch sử như Văn miếu Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… Thành phố giữa lòng sông ấy còn được biết đến với những cây cầu, một gạch nối văn hoá - xã hội - kinh tế với các địa phương lân cận như một sự giao thoa diệu kì.

mua-thu-ben-ho-guom(1).jpg
Mùa thu bên Hồ Gươm

 Hưng Yên quê tôi là một tỉnh nhỏ giáp ranh với Hà Nội, cùng mạch nguồn văn minh sông Hồng huyền sử. Trước kia, cung đường gần nhất từ quê tôi lên Hà Nội phải đi đường đê sông Hồng, qua phà Khuyến Lương rồi lên Lĩnh Nam, Mai Động. Kỉ niệm thuở thiếu thời của tôi là những lần đạp xe theo chị gái đi lên tận chợ Mơ bán táo. Gió cuối đông hun hút thổi. Sông Hồng mênh mang sương giăng. Chiếc phà ì ầm qua lại hai bên bờ sông chuyên chở bao nhọc nhằn mưu sinh của người lao động, chất chứa bao ước mơ khát vọng hướng về Hà Nội phồn hoa. Chị em tôi đứng đợi phà giữa tiết trời lạnh giá rồi lại cùng nhau chật vật đẩy xe hàng xuống phà, cố giữ thật chắc để chiếc xe được thăng bằng. Hai chị em đẩy xe gọn vào gần mép phà, quan sát những xe hàng của những người cùng chuyến, tôi thấm thía nỗi vất vả của người dân quê. Trời rét buốt mà mồ hôi rịn trên những khuôn mặt đỏ bừng, những cánh tay gồng lên gân guốc. Lúc ấy, tôi nói với chị mình: “Ước gì có cây cầu bắc qua sông để đỡ phải đợi phà, dắt xe hàng lên xuống vất vả thế này chị nhỉ?”. Chị tôi bảo: “Từ nhà mình lên Hà Nội cũng có đường đi qua cầu nhưng xa hơn đường này em ạ”.

  Lần sau lên Hà Nội, chị dẫn tôi đi theo quốc lộ 5 rồi qua cầu Long Biên. Cung đường này đúng là xa hơn so với đi phà Khuyến Lương nhưng tôi lại có cảm giác nhẹ nhàng hơn. Đi đến đầu cầu Long Biên, tôi đã trông thấy tấm biển ghi tên nhà thầu Dayde’ &Pille’, năm khởi công và khánh thành cây cầu. Nhìn tấm biển sắt hoen rỉ nhuốm màu thời gian mà lòng tôi thầm ngưỡng mộ. Mới được biết đến cầu Long Biên qua những trang sách, những câu hát trữ tình, chỉ đến khi được đạp xe trên cây cầu thép có tuổi thọ hàng thế kỉ, nhìn xuống dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa đắp bồi bờ bãi trù phú nên thơ, tôi mới cảm nhận rõ ràng và tha thiết hơn tình yêu Hà Nội của mình. Cây cầu này đã ghi lại dấu ấn đặc biệt của Hà Nội trên những chặng thăng trầm của lịch sử dân tộc, những chứng tích đau thương của chiến tranh và cả không khí hào hùng của đoàn vệ quốc quân trở về tiếp quản Thủ đô.

cau-long-bien.jpg
Cầu Long Biên

  Năm tôi thi đại học, tôi được anh trai đưa đi Hà Nội bằng xe máy. Lúc đi qua cầu Chương Dương, nhìn về phía cầu Long Biên tôi chợt thấy bâng khuâng khó tả, vừa có cảm giác sung sướng hân hoan khi được chạy xe bon bon trên cây cầu hiện đại, lại có một chút rưng rưng hoài niệm về cây cầu thép cũ trầm mặc phía bên kia. Hà Nội không còn là miền lấp lánh xa xôi ngút ngát nữa mà bỗng như gần hơn. Chỉ cần đi qua cầu là được hoà mình vào dòng người xe tấp nập, là đến với vẻ đông đúc mà rất đỗi bình yên nơi phố cổ, cảm nhận được sự cổ kính nên thơ khi dạo quanh Hồ Gươm, thâu lượm cái không khí thoáng đãng mát lành nơi Hồ Tây lộng gió. Và sau chuyến đi ấy tôi vẫn âm thầm mơ ước về những cây cầu mới nối quê mình gần với Hà Nội hơn nữa.

  Hà Nội khởi sắc từng ngày. Biết bao tuyến phố mới được mở ra, biết bao công trình xây dựng mọc lên theo đà phát triển của Thủ đô. Bước sang thế kỉ 21, con đường vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì và hệ thống đường dẫn nối ra quốc lộ 5 được coi là một dự án lớn, là món quà của tình hữu nghị Việt –Nhật. Công trình có tầm quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ cho trục kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cầu Thanh Trì được khánh thành thông xe ngày 2/2/2007, là một trong những công trình trọng điểm hướng tới đại lễ “1000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Và với những người dân Hưng Yên quê tôi thì cây cầu có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là một cung đường ngắn nhất để mọi người đến được với Thủ đô. Cây cầu nối liền Hà Nội với Ecopark, một khu đô thị xanh bậc nhất miền Bắc được ví như “Singapo thu nhỏ”. Từ ngày có cầu Thanh Trì, nhiều người làm việc ở Hà Nội đã chuyển về Ecopark sinh sống để được tận hưởng bầu không khí trong lành thoáng đãng nơi đây. Cây cầu đưa những sinh viên quê tôi đến với Hà Nội, thắp lên bao ước mơ khát vọng nơi giảng đường đại học. Cây cầu khiến quãng đường từ quê lên Thủ đô được rút ngắn hơn, vợi bớt nỗi nhọc nhằn của những phận đời quê lên phố mưu sinh. Mỗi lần đi trên cầu Thanh Trì, nhìn xuống dòng sông Hồng đang lững lờ chảy, miệt mài bồi đắp phù sa, tôi lại bâng khuâng nhớ về những chuyến phà nhọc nhằn trong quá khứ để thấy Hà Nội phát triển diệu kì, quê hương mình cũng nhờ đó mà thay da đổi thịt.

cau-thanh-tri.jpg
Cầu Thanh Trì

Sau cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy được ra đời cũng được coi là một điểm nhấn quan trọng trong việc thay đổi diện mạo giao thông Hà Nội. Cầu Vĩnh Tuy chính thức được thông xe ngày 26 tháng 9 năm 2010, giữ kỉ lục là cây cầu rộng nhất Việt Nam tính đến thời điểm ấy. Cây cầu này cũng vinh dự được gắn biển “Công trình chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Cầu nối phố Minh Khai của quận Hai Bà Trưng với phố Đàm Quang Trung (Long Biên), góp phần giảm lưu lượng xe ô tô đi từ trung tâm thành phố về phía đông, giảm áp lực giao thông cho hai cây cầu Chương Dương và Thanh Trì. Và với người dân Hưng Yên quê tôi, từ khi có cầu Vĩnh Tuy, nhiều hoạt động giao lưu buôn bán cũng thuận tiện hơn; nhất là quãng đường đến với bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một bệnh viện lớn và uy tín của miền Bắc, đã gần hơn rất nhiều. Có người lái xe gọi đó là cây cầu “vượt thời gian” vì có biết bao bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời nhờ cung đường thuận tiện ấy. Mỗi nhịp dẫn của cây cầu như là một nhịp thở của những sinh mạng quý giá. Có người vượt qua được ranh giới mong manh thập tử nhất sinh trở về đã hết lời ngợi ca sự tiện ích của cây cầu huyết mạch này. Một công trình bề thế bởi bê tông cốt thép, ngỡ như một vật vô tri vô giác mà bỗng nhiên được thổi hồn kì diệu, trở thành mạch nguồn sự sống cho Thủ đô, hồi sinh biết bao trái tim tưởng chừng đã lỗi nhịp. Thật đáng yêu, đáng quý biết bao!

  Theo dòng chảy của thời gian, Hà Nội cứ thay da đổi thịt từng ngày. Mỗi lần đến với Hà Nội, tôi lại như người lữ khách lãng du, hoài niệm miên man về những cây cầu mình từng đi qua. Tôi cùng bạn bè mình cũng đã có cơ hội khám phá thêm những cây cầu bề thế như Thăng Long, Đông Trù, Nhật Tân… Và trong thời gian tới, sẽ có nhiều cây cầu mới bắc ngang sông Hồng như biểu tượng sinh động nhất về một Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại, phồn hoa nhộn nhịp mà ấm áp nghĩa tình. Những cây cầu ấy tựa như những cánh tay vững vàng đang dang rộng đón chào bạn bè khắp nơi về tụ hội. Và niềm hân hoan tự hào cứ lan toả thiết tha trong những trái tim yêu Hà Nội, đằm thắm như một bản tình ca nồng nàn.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Tạ Thị Thanh Hải. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Rong ruổi nỗi nhớ Hà Nội phố
    Khi ông trời kéo tấm màn mây đi ngủ, những thanh âm của ban ngày tạm lắng xuống. Dòng người thưa dần, tiếng còi xe cũng ngớt, đâu đó vang lên tiếng bước chân vội của những người đi làm về muộn. Giữa thành phố rộng lớn, không cần lắng lòng bạn cũng nghe thấy những tiếng rao đêm vang lên, vang xa, ngân dài từ đầu phố đến cuối phố nhẫn nại và chậm chạp như muốn đếm nhịp thời gian, đo không gian của đêm.
(0) Bình luận
  • Hà Nội và những người bạn
    Tôi từng công tác ở Hà Nội gần 20 năm về trước. Hồi ấy, tôi là một anh lính đi nghĩa vụ quân sự, cũng có cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ nên đơn vị tạo điều kiện cho ôn thi. Tôi thi trường học viện chính trị, thiếu nửa điểm, thủ trưởng động viên tôi ở lại sang năm thi tiếp. Tôi đã đắn đo rất nhiều nhưng cuối cùng quyết định ra quân.
  • Cột cờ Hà Nội
    Cơ quan tôi, trụ sở làm việc tại 28A đường Điện Biên Phủ. Ngay chân Cột cờ Hà Nội. Một địa danh, một biểu tượng vinh quang, niềm tự hào của người Hà Nội. Hàng ngày, mỗi buổi sáng sớm, từ nhà đến nơi làm việc, tôi đi qua đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên phủ…
  • Lang thang với vỉa hè Hà Nội
    Thỉnh thoảng khi bâng quơ một mình trên con đường đất ở ngoại thành tôi lại nghêu ngao câu hát: “… Hà Nội mùa này chiều không buông nắng/ Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô/ Quán cóc liêu xiêu một câu thơ…” như một cách tự nhiên, những khúc ca về Hà Nội cứ đi vào lòng tôi, thuộc ở hồn tôi và thôi thúc tôi dang rộng cánh tay của mình để ôm lấy Hà Nội.
  • Hà Nội trong tôi qua nhạc Trịnh
    Hà Nội dường như đâu chỉ là tình yêu và nỗi nhớ của riêng người Hà Nội. Ai đó, không phải người Hà Nội đã từng một lần dạo gót qua ba sáu phố phường (phố cổ), trên những con phố cũ (những phố được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XIX đến năm 1954, chủ yếu ở phía Đông và phía Nam hồ Hoàn Kiếm đến đường Đại Cồ Việt; phía Tây kéo đến phố Kim Mã)...
  • Hà Nội ơi!
    Tiếng chuông đồng hồ báo thức reo lên, tôi vội vàng nhớ ra sáng nay có cuộc hẹn ra sân bay đón người bạn từ Hà Nội vào có chuyến công tác ít ngày ở Sài Gòn. Kể từ khi ra trường chúng tôi như những cánh chim bay về muôn phương tìm cho mình nơi phát triển sự nghiệp  tương lai phía trước và chúng tôi bắt đầu những câu chuyện hàn thuyên bên quán cóc cà phê vỉa hè giữa lòng Sài Gòn và hòa vào tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm đã đánh thức trong tôi về một quá khứ Hà Nội nơi tôi đến.
  • Đi xa nhớ quán vỉa hè
    Ngồi quán trà đá của bà cụ trong con ngõ nhỏ trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội), thấy bà cụ thở dài, bảo quán của bà dạo này vắng khách quá. Trước kia, khi cơ quan nọ chưa chuyển trụ sở đi nơi khác, trong ấy tỏa ra quán của bà mỗi ngày khoảng 30 khách.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Chợ Đồng Xuân
    Chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất Hà Nội, và cũng là chợ có lịch sử ra đời sớm từ năm 1889.
  • Lễ hội Tri thức Nền tảng – Mở kho tàng thư
    Lễ hội Tri thức Nền tảng với chủ đề “Bức tranh xuất bản” do Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam tổ chức lần thứ nhất với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, các đơn vị phát hành sách cùng các hoạt động phong phú sẽ diễn ra từ ngày 24 – 31/3/2023 tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao quận Thanh Xuân, Hà Nội.
  • Tranh dân gian Đông Hồ trên sân khấu ballet
    Vở ballet “Đông Hồ” sẽ được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam công diễn phục vụ khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối  22 và 23/3/2023.
  • Xứ Đoài
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Xứ Đoài của tác giả Qúy Tháp
  • Nhà hát Tuổi trẻ kỷ niệm 45 năm thành lập
    Ngày 21/3, Nhà hát Tuổi trẻ thông báo chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm thành lập (1978-2023) với sự tham gia của các “thế hệ vàng”.
  • Trưng bày các giá trị, sản phẩm văn hóa tiêu biểu của Thăng Long-Hà Nội
    Sáng 21/3, trong khuôn khổ Hội thảo Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, không gian trưng bày các giá trị, sản phẩm văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội với nhiều sản phẩm đặc trưng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
  • Tổ chức Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc
    Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông mới đây đã ký ban hành Quyết định số 678/QÐ-BVHTTDL về việc tổ chức Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc.
  • Vở kịch “Sống mãi tuổi mười bảy” được công chiếu miễn phí
    Chiều 25/3 tới, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam tổ chức công diễn miễn phí vở kịch “Sống mãi tuổi mười bảy".
  • Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về”
    Tối 19/3, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” của các chiến sĩ bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội (3/1973-3/2023) diễn ra tại khu vực tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” - Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
  • Bí mật của đóa hồng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Bí mật của đóa hồng của tác giả Hữu Vi
Những nhịp cầu mến thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO