Ba ngày một vòng Đông Bắc Hà Giang

Du ký của Nguyễn Hữu Sơn| 05/04/2018 09:18

Đầu tuần, ông bạn Phi Hùng gọi điện rủ đi Hà Giang. Mấy ngày? Đi ba ngày, hai đêm. Thế là mờ sáng thứ sáu, 5 người chúng tôi lên đường.

Ba ngày một vòng Đông Bắc Hà Giang
Dừng chân và chụp hình tại ruộng hoa tam giác mạch ở Hà Giang. Ảnh: Trường.
Phải trưa chặt mới tới Hà Giang. Theo kế hoạch, từ Hà Giang chúng tôi đổi xe. Ấy tức là để lại xe nhà và thuê xe của công ty du lịch. Lái xe trên này thạo đường thạo lối, như thế sẽ an toàn hơn mà anh em thì được toàn tâm ngắm đất ngắm trời. Vừa lên xe thấy có anh hướng dẫn áo xường xám buông dài, dáng vẻ lậm lừ, giọng nói nhát gừng thì đúng kiểu người vùng cao. Chuyện trò một lúc rồi mới biết anh ta tên Trường, gốc Thái Bình, theo anh trai lên đây từ nhỏ. Ban đầu làm thợ nề, dần dà học xong đại học rồi chuyển sang ngành điện, lúc rảnh rỗi kiêm thêm hướng dẫn viên cho các đoàn du lịch.

Sang đến đất huyện Quản Bạ, cửa ngõ thị trấn Tam Sơn và cũng là điểm mở đầu đến vùng đất của vua Mèo – cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi dừng lại thăm Núi Đôi, mường tượng như đôi trái đào tiên nên còn gọi là núi Cô Tiên. Không phải đến được tận nơi, không phải trèo lên núi mà chỉ là vọng ngắm từ xa. Xe dừng lại bên trạm Cổng Trời. Từ đây có lối đi mấy chục bậc đá lên một mỏm núi cao, từ đó trông xuống Núi Đôi nằm giữa thung lũng. Xa xa thấp thoáng những ngôi nhà và cánh đồng lúa xanh thẫm. Phía bên kia Núi Đôi là con đường nhựa mờ ảo trong nắng chiều. Cảnh tượng thật kỳ vĩ, thần tiên, hư ảo.

Chiều tà. Chúng tôi đến thị trấn Tam Sơn rồi tranh thủ lên làng Năm Đăm, xã Quản Bạ. Bây giờ mới rõ có xã Quản Bạ thuộc huyện Quản Bạ. Đường vòng vèo ngược núi mà được trải nhựa êm ru, rộng rãi. Đường vắng, thỉnh thoảng gặp đôi ba anh chị Tây đi xe máy hoặc thong dong đi bộ. Ba bề bốn bên là núi đá trọc, núi cỏ in vút trên nền trời cao. Ô tô vào đến trạm chế thuốc nam nằm giữa bản, đặc biệt là nơi cung cấp loại lá tắm thuốc cho khắp các vùng miền. Chúng tôi vào thăm mấy nhà nghỉ (homestay) được ghi nhận đạt chuẩn quốc tế. Chủ yếu nhà trình tường đất, mái ngói ống. Nghe nói mỗi nhà người Dao Chàm nơi đây đều có loài chim yến đến làm tổ. Trước làng cũng có cánh đồng và khóm đa to lắm. Những đống rạ lô xô giữa cánh ruộng. Đàn trâu lãng đãng gặm cỏ. Khung cảnh yên ả như ngàn năm rồi vẫn thế. Cuộc sống cõi tiên hồ cũng thế này chăng?…

Trên đường về chúng tôi qua thăm cơ sở dệt của nghệ nhân Vàng Thị Mai ở Lùng Tám. Nơi bày bán và sản xuất sơ sài, tựa như điểm gia công của một gia đình. Gian ngoài bày đủ loại mũ, khăn, áo, váy, túi xách, ví… Chị Mai chừng ngoài năm mươi, đậm đà, bình dị, hoạt bát, nhanh nhẹn, vui vẻ, thân thiện. Chị đưa cho xem quyển tạp chí Forbes gần như đã nát cả bìa có ảnh của chị - người được tôn vinh trong số 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam trong năm. Nghe nói chị từng đi nước ngoài, tôi hỏi: “Chị đã đi bao nhiêu nước?”. Chị nói nhanh: “Đã đi qua hai mươi tám nước rồi”... Dọc đường về, từng lúc lại thấy vạt tam giác mạch đang nở trắng. Xa bên kia ngược lối Bát Đại Sơn với trùng trùng những núi và núi. Chạnh nghĩ, đời mình chắc chẳng bao giờ có dịp bước chân đến đấy…

Sáng sớm hôm sau chúng tôi dậy sớm, ăn sáng xong rồi vượt huyện Yên Minh lên Đồng Văn, đi qua các điểm xã Vần Chải, Lũng Thầu, Phố Cáo, Sủng Là, Xả Phìn, Lũng Táo, Má Lé rồi ngược lên đỉnh Lũng Cú. Nguyên nghĩa Lũng Cú là “thung rồng”. Mấy năm trước tôi đã lên trên này. Đến năm nay thấy đường dẫn lên núi rộng hơn, người đến đông hơn nhiều. Các anh bảo vệ, các cô soát vé tíu tít chào anh Trường. Các cô trang phục Mông cải cách nhưng toàn những tên Vương Hồng Thúy, Mỹ Linh, Kim Huệ và đều học hành, bằng cấp đủ đầy. Trên đường dốc, ngay phía bên trái thấy có hộp kính bảo vệ di chỉ hóa thạch bọ Ba thùy, lại ghi rõ là cách mấy trăm triệu năm. Hình như nó rất nhỏ, tôi nhìn mãi chỉ thấy lờ mờ lẫn trong thớ đá. Mới biết dân địa chất, khảo cổ học chuyên nghiệp thật. Chú Trường tiếp câu chuyện hài, đại khái có vị khách hỏi cô hướng dẫn: “Sao biết con bọ này cách mấy trăm triệu năm”, thì cô bảo: “Chắc chỉ khoảng mười năm là cùng. Vì cô trưởng phòng cháu bảo khi cô ấy đến đây mới thấy nói có con bọ này. Cô ấy về hưu được ba năm. Vậy cháu đoán chắc chỉ mười năm thôi”… 

Vượt 389 bậc đá vừa chạm tới chân cột cờ với độ cao 1700 mét. Qua mấy năm, khu sàn có vết nứt nên phải tu sửa, chỉnh trang, thấy xi măng, tấm đá ngổn ngang. Dù sợ độ cao từ mấy năm nay nhưng vẫn gắng lên đỉnh tháp. Nhìn lên, trời lồng lộng cao xanh. Bên này là bản Séo Lủng, Thèn Ván. Nhìn rõ ao Mắt Rồng tương truyền nước không bao giờ cạn. Thẳng phía trước thấy công nhân đang tất bật bạt núi xây chùa và khu du lịch sinh thái tâm linh. Bên kia là dòng sông Nho Quế và anh bạn láng giềng. Lúc xuống, các cô hướng dẫn chỉ cho biết, mấy nhánh lá xanh hoa vàng kia là lá ngón, độc lắm đấy. Lần đầu nhìn thấy lá ngón... 

Sau bữa cơm trưa ở nhà hàng gần Lũng Cú, chúng tôi đến thăm bản văn hóa du lịch sinh thái Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Lả. Đường trong bản nhỏ hẹp đã được cấp phối bê tông. Phía trên, hoa tam giác mạch đầu mùa chúm chím một màu trắng thanh khiết. Ai xuống ruộng chụp ảnh thì 10 ngàn đồng. Muốn chụp cảnh cô gái gùi hoa hay là tự mình gùi hoa, hay là chụp ảnh chung đều được, cũng 10 ngàn nhé. Xuôi xuống phía dưới là ruộng hoa hồng. Ngỡ như lạc vào vườn hồng ở một nước nào bên trời Âu. Dọc lối đi dân bản bán đủ loại đồ ăn vặt: khoai, sắn, bánh rán, bánh hấp, mía, xúc xích, thịt nướng. Lại có món bánh tam giác mạch. Nghe nói món bánh này mới được sáng tạo từ hồi tam giác mạch được trồng đại trà. Cuối mùa, bà con thu hoạch hạt rồi xay giã, chế biến, gần như hạt kê, hạt vừng. Món bánh độc đáo, không rõ mùi vị nhưng là đặc sản tam giác mạch. Lạ miệng. Ai cũng ăn cho biết. Nhiều người mua cả túi to về làm quà. Đến đây ai cũng vào thăm nhà ông Mùa Súa Páo, kiểu nhà trình đất bao quanh ba mặt sân, tường rào đá, nơi được chọn cảnh quay phim Chuyện của Pao (Giải Cánh diều vàng, 2005). Cụ Páo người nhỏ nhắn, vui chuyện, nói tiếng Kinh khá, tuổi ngoài bảy mươi mà thật khó đoán. Cụ bà đưa rót chén rượu, tiếng Kinh câu được câu chăng, ra dấu mời uống. Tôi hỏi cụ ông: “Cuộc sống thế nào?”. Cụ cười tươi: “Tốt lắm rồi. Vui lắm rồi”…

Từ Lũng Cẩm đi một thoáng đã tới dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức (1865-1947) ở xã Sà Phìn. Thôi, chẳng cần kể những chuyện ly kỳ về dòng họ Vương, về kiến trúc khu nhà phong thủy, về những bậc đá và hàng thông trăm tuổi, tôi đi lên tầng hai, thăm một lượt các gian nhà, vòng xuống tầng một ngắm kho chứa thuốc phiện, nơi ở của bà ba, bà tư, bà năm. Ở giữa sân, chị Vương Thị Chở đang hướng dẫn, thuyết minh và trả lời mọi người. Chị Chở nói tiếng Kinh vẫn còn lơ lớ, thần thái đậm chất người Mông, giọng thuyết minh đầy nhiệt huyết, đăm đắm nỗi niềm tưởng vọng cha ông. Được biết chị đây là chắt nội, đời thứ tư cụ Vương, tôi tò mò hỏi thêm về tên hai ngọn núi cao vút sau nhà thì chị bảo: “Không có tên gì đâu. Nhưng mà cao lắm, linh thiêng lắm...”. Tôi lại hỏi thêm: “Tôi hỏi câu này, nếu không phải xin chị bỏ qua. Thực chất thì việc gọi người Mông là người Mèo có sao không?”. Chị cười bảo: “Chẳng sao đâu. Gọi thế nào cũng đúng, cũng được cả”. Ấy, có người qui kết nói đồng bào yêu cầu nhất thiết phải gọi thế này, không được gọi thế kia. Lần này tôi thật lòng hỏi cho ra nhẽ.

Chiều muộn, chúng tôi ngược lên thị trấn Đồng Văn. Sau bữa cơm tối, anh em rủ nhau qua thăm phố cổ. Tất cả đã phố hóa. Khu chợ rộng rãi nay đã chia ô, chia lô. Điện sáng. Đèn lồng xanh đỏ nhấp nháy. Quán cà phê kiểu mới tràn ra mặt phố. Ba gian “Cà phê phố cổ” chật người. Nhìn ngược lên là trái núi cao, thấy ghê ghê, cứ ngỡ như có thể ập xuống ngay được. Có lẽ đấy cũng chính là nét thú vị của cảnh quan Đồng Văn.

Sáng chủ nhật, đoàn xuôi theo đường Hạnh Phúc sang huyện Mèo Vạc. Đoạn đường chỉ chừng hai chục cây số, chủ yếu thuộc đất huyện Mèo Vạc, được cho là cheo leo, hiểm trở nhất Việt Nam. Cách đi thế này là thuận chiều. Đi từ Hà Giang qua Vị Xuyên, Yên Minh, ngược Quản Bạ, Đồng Văn rồi đổ đèo sang Mèo Vạc, xuôi xuống Yên Minh rồi về thành phố. Như thế là khép một vòng đông bắc Hà Giang. Đường đi trên núi trên mây. Nhìn ngang một bên khe thăm thẳm, phải nói là đứng tim, nín thở, chẳng dám nghĩ ngợi gì nữa. Thực ra thì đường đủ rộng, lái xe lại có kinh nghiệm đi đường núi nên yên tâm lắm. Xe dừng lại trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng cho mọi người ngắm nhìn dòng Nho Quế rồi selfie. Ấy thế mà bên kia sông Nho Quế còn có ba xã của ta nữa đấy. Đường núi quanh co, khuất khúc, thoải dần, thấp dần rồi về đến thành phố. Lại cơm trưa, đổi xe rồi xuôi Hà Nội…

Ba ngày hai đêm đường núi. Trập trùng núi đá. Lãng đãng hoa tam giác mạch đang vào mùa. Lại tiếc vì còn bao nhiều vùng đất mình chưa bước đến. Còn những Bát Đại Sơn, Cán Tỷ, Phó Bảng, Khau Vai, Xín Cái, Sơn Vĩ… Còn cả mấy huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần ở phía Tây nữa… 
(0) Bình luận
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
  • Ký ức xương rồng
    (Làm sao em nhớ Mưa ngoài song bay… T.C.S)
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Ba ngày một vòng Đông Bắc Hà Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO