Bài 1: Văn nghệ sĩ Thủ đô hòa mình vào dòng chảy lớn lao của lịch sử (*)

NSND Trần Quốc Chiêm| 30/05/2018 09:43

LTS: Để nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, báo Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới độc giả những bài viết sâu sắc xoay quanh vấn đề này của NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, tập hợp trên 3400 hội viên của 9 Hội chuyên ngành, có những tên tuổi hàng đầu giới trí thức văn nghệ sĩ cả nước, là lực lượng hoạt động VHNT hùng hậu, bền bỉ, sáng tạo ra nhiều tác phẩm và công trình có uy tín, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa và tinh thần của Thủ đô.

Bài 1: Văn nghệ sĩ Thủ đô hòa mình vào dòng chảy lớn lao của lịch sử (*)
Các giải thưởng VHNT của Hội giữ được uy tín khá cao, động viên kịp thời các tác phẩm có chất lượng của cả 9 chuyên ngành.
Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội thực hiện Nghị quyết 23 trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội vừa hoàn thành các hoạt động sôi nổi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 – 2010), 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 – 2010). Thủ đô và cả nước cũng đang phấn đấu nhằm đạt nhiều thành tựu trong dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô (1954 - 2014) và 70 năm thành lập nước (1945 – 2015). Thành phố cũng vừa hoàn thành Đề án quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn tới 2050, sau khi đã mở rộng địa giới hành chính ra hết Hà Tây (2008), tạo nên hai vùng văn hóa liền kề: Thăng Long và Xứ Đoài (và một phần đất Sơn Nam Thượng), là các vùng đất địa linh nhân kiệt, gắn bó, bổ trợ cho nhau, mở ra nhiều sắc thái phong phú, đa dạng hơn cho VHNT.

Nhìn lại sáng tác trong các năm qua, cái chung và cái riêng trong mỗi nghệ sĩ được phản ánh khá trung thực và hài hòa trong công việc sáng tạo; các đề tài lịch sử và đề tài hiện đại được đề cập khá toàn diện và trải rộng ra nhiều khía cạnh; nhiều tác phẩm đã được đầu tư  tâm huyết để vươn tới tầm khái quát, đúc kết được từng sự kiện lớn hoặc từng  giai đoạn lịch sử. Vì thế, có thể nói, các sáng tác của văn nghệ sĩ Hà Nội giai đoạn vừa qua đã gắng bắt nhịp được với những động thái đổi mới và hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước, thấm đẫm hơi thở thời đại, hòa mình vào dòng chảy lớn lao của lịch sử với ý thức chủ động và tích cực. Việc chủ động dấn thân vào các đề tài hiện đại, khám phá các mối quan hệ phức tạp nhiều chiều trong xã hội đang biến động lớn hôm nay là xu thế đáng khích lệ trong giới VHNT.  

Về hình thức sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ, trong 10 năm qua, Hội Liên hiệp và các Hội chuyên ngành rất quan tâm đúc rút kinh nghiệm chuyên môn, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học có ý nghĩa, phân tích các khuynh hướng mới trong văn học – nghệ thuật, đưa công tác lý luận phê bình VHNT trở thành trọng tâm đáng chú ý, có chiều sâu tư duy. Các hội viên phân tích nhiều mặt qua các cuộc hội thảo tổng hợp và chuyên đề… để tìm ra những yếu tố cách tân đích thực đáng biểu dương, mạnh dạn phê phán các xu hướng tìm tòi phô diễn hình thức. Chúng ta từ lâu đã vượt qua lối nghĩ một chiều, ít dám đề cập và phê phán mặt trái  xã hội. Nhưng không có nghĩa là đảo chiều mọi nhận định, để những gì trước đây được ca ngợi thì đều là công thức, là bảo thủ và đề cao khía cạnh ngược lại. Xu thế phiến diện này dù manh nha trong một số loại hình nghệ thuật đã bị Hội chúng ta phê phán và uốn nắn kịp thời. 

Việc biểu dương và tôn vinh các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân nhân dân và ưu tú… đều được quan tâm, đơn cử như các chương trình biểu diễn “Tình yêu Hà Nội” đều kỳ của Hội Âm nhạc Hà Nội hoặc các hình thức tôn vinh của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đối với hội viên cao tuổi, có nhiều thành tựu với việc nghiên cứu văn hóa Thủ đô.

Các cuộc trao đổi chuyên môn, giao lưu với các Hội kết nghĩa (Hà Nội - Huế - Sài Gòn và 5 vùng đất kinh đô xưa: Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Huế), các trại sáng tác có quy mô rộng rãi được mở chung với các Hội bạn ở các tỉnh miền núi hoặc ven biển, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Tây Nguyên… đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Nhiều cuộc trao đổi có nội dung sâu sắc trên những đề tài nóng bỏng về Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Văn học, Sân khấu, các giá trị văn hóa dân gian, nghệ thuật múa cổ, điện ảnh hiện đại, nghệ thuật kiến trúc dân tộc cổ điển và đương đại… đều có cái nhìn thấu đáo và cách đánh giá tổng hợp, khai thác khá sâu trên lý luận, đối chiếu sinh động với thực tiễn, đóng góp cho việc nâng cao trình độ sáng tác của hội viên cũng như cách nhìn cập nhật vào các vấn đề của văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên cách tổ chức nhằm đạt hiệu quả cao cho các hoạt động này cũng cần được rút kinh nghiệm, để không rơi vào hoạt động giao lưu trên bề nổi, mà cần mở ra đầy đủ ý nghĩa và tác dụng.

Các biện pháp tổ chức đầu tư, bảo trợ, tài trợ cũng như vận dụng thế mạnh của chế độ đầu tư “đặt hàng”, ký hợp đồng mua sản phẩm đối với những công trình và tác phẩm xuất sắc, đã được vận dụng hiệu quả, có “trông giỏ bỏ thóc”, nhằm thúc đẩy và phát huy xứng đáng  thế mạnh của các đề tài có chất lượng. Quán triệt những vấn đề này đòi hỏi những chuyển biến chủ động, quyết liệt hơn trong cách làm của Ban Chấp hành và các Hội đồng nghệ thuật từng Hội chuyên ngành cũng như Hội Liên hiệp.

Các giải thưởng VHNT của Hội giữ được uy tín khá cao, động viên kịp thời các tác phẩm có chất lượng của cả 9 chuyên ngành. Hai năm một lần, giải thưởng VHNT Thủ đô được trao cho tác phẩm của 9 Hội thành viên. Trung bình mỗi đợt, Hội Liên hiệp VHNT tôn vinh từ 18 đến 25 tác phẩm xuất sắc. Các giải thưởng đã xét thưởng trong 5 năm qua có giá trị và có uy tín cả ngoài xã hội. Các giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô và Triển lãm Nhiếp ảnh Thủ đô hàng năm đều có chất lượng khá và đều tay. 

Việc đầu tư sáng tác chủ yếu là đầu tư mở các trại sáng tác cho 9 ngành được đẩy mạnh, thu hút đông đảo hội viên. Có 2 trại sáng tác đa ngành của Hội Liên hiệp được tổ chức ở Nha Trang và Đà Lạt với trên 50 lượt hội viên, có sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Thành ủy. Với ý thức nâng cao hiệu quả đầu tư cho các trại sáng tác của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hội đã cải thiện chất lượng dự trại sáng tác, duyệt đề cương đi trại chặt chẽ hơn, quan tâm thiết thực hơn đến tác động của trại sáng tác đến từng hội viên và thành quả có được sau khi kết thúc trại. Việc đi thực tế của các Hội ngày càng đa dạng, vận dụng biện pháp xã hội hóa, tạo ra nhiều chuyến đi bổ ích. Cần chú ý hơn đến cách tổ chức kết hợp nhiều lợi ích khi đi tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, thành tựu mỗi địa phương… qua các chuyến đi, để tạo hiệu quả cao hơn.

 Việc liên kết giữa Hội với các cơ quan thành phố trong việc tổ chức các hoạt động chung đã tạo ra nhiều khởi sắc, như đợt phát động sáng tác chung giữa Hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Ban Tuyên giáo về đề tài “Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”, thu lượm nhiều kết quả và đã trao nhiều giải thưởng cho các tác giả và tác phẩm xứng đáng. Hoặc việc phối kết hợp giữa Hội Nhiếp ảnh với Công an Thành phố tổ chức sáng tác và mở cuộc thi ảnh “Vì nhân dân phục vụ, vì Thủ đô bình yên”, trong 3 năm đã trao giải thưởng cho nhiều tác phẩm xuất sắc. Cần duy trì sự cộng tác thường xuyên hơn trong khâu phối hợp chung này để tạo ra hiệu quả cao hơn.  

Ngoài ra, Hội tham gia tích cực vào các công việc tư vấn, phản biện cho Thành phố, thẩm định các Đề án, tham gia xét duyệt và thực hiện các chương trình văn hóa nghệ thuật lớn, góp ý kiến qua Hội đồng nghệ thuật thành phố về các công trình làm đẹp Thủ đô, hoặc chỉnh trang đô thị, quy hoạch kiến trúc như:

- Tiếp tục công tác tìm tòi và phục hồi các vốn văn hóa cổ của Thủ đô (các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, vốn văn nghệ dân gian), có kiến nghị sâu sát và cụ thể về kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. 

- Tham gia vào Hội đồng tư vấn và biên soạn “Tủ sách 1000 năm Thăng Long”  trong dự án dài hạn của NXB Hà Nội (riêng tủ sách về VH-NT đã chiếm đến 1/4 số đầu sách, với thời gian biên soạn và nghiệm thu lâu dài, trên dưới 10 năm, từ 2008 đến 2018). 

- Tham gia vào Ban Chỉ đạo và Ban biên soạn (cùng Ban Thi đua thành phố) tủ sách “Người tốt, việc tốt” xuất bản đều đặn vào dịp 10 -10 hàng năm.

- Làm tốt công tác phối hợp với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành TW đóng trên địa bàn trong việc xét các giải thưởng, tổ chức kỷ niệm, hội thảo, các triển lãm, các trại sáng tác chung, cũng như đóng góp ý kiến vào các văn bản của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các kiến nghị về chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ… để trình lên các Bộ, các ngành TW.

Có thể khẳng định rằng, với vị trí của một Hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp có quy mô hoạt động khá lớn và khá đa dạng, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội luôn giữ vững tính định hướng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, vươn tới các giá trị nhân văn chân chính trong hoạt động sáng tạo, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn chiến đấu và xây dựng Thủ đô đang lớn mạnh và đổi mới từng ngày. Hội đã thường xuyên trau dồi việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, quan tâm gìn giữ và xây dựng lối sống người Hà Nội, phong cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phục vụ cho mục tiêu phát triển Thủ đô toàn diện và bền vững. Nhiều hội viên của Hội đã được vinh danh là “Công dân ưu tú Thủ đô”, bên cạnh các giải thưởng chuyên môn của các tổ chức trong nước và quốc tế trong sự nghiệp VHNT. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp cũng như Ban Chấp hành 9 Hội chuyên ngành đã nỗ lực rất lớn trong việc định hướng và tổ chức sáng tác cho hội viên, tổ chức các cuộc liên kết hoạt động và giao lưu trong nước và quốc tế để mở rộng tầm nhìn cho anh chị em, quan tâm sâu sát tới việc phổ cập các giá trị VHNT tới công chúng rộng rãi, gắng sức duy trì thị hiếu thưởng thức lành mạnh và đúng đắn tới độc giả và khán thính giả trong điều kiện kinh tế thị trường và nhu cầu thương mại hóa các hoạt động xã hội đang có chiều hướng lấn tới.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 23 vẫn có một số điểm tồn tại: Một số cuộc vận động sáng tác về đề tài con người và cuộc sống hiện đại của Thủ đô và các đề tài kỷ niệm lớn của đất nước (Kỷ niệm chẵn ngày giải phóng Thủ đô, 30/4 giải phóng miền Nam, Cách mạng tháng Tám 1945…) chưa thu về được những tác phẩm có chất lượng cao như mong đợi. Anh chị em cũng rất trăn trở vì cách khai thác các đề tài này khó vượt qua lối mòn suy nghĩ từ các năm trước, lại cũng chưa tìm ra được những tư duy đột phá mới.

Việc ký hợp đồng theo chế độ “đặt hàng, ký hợp đồng thỏa thuận mua thành phẩm” chưa thành nề nếp và chưa ăn sâu vào ý thức hội viên, nên anh chị em vẫn hướng về chế độ đầu tư nhỏ giọt và không hoàn lại là chính, do đó việc phát huy nội lực của hội viên trong sáng tạo chưa cao. Kể cả khi dự trại sáng tác, việc hoàn tất và nộp lại cho trại và cho Hội các tác phẩm hoàn chỉnh có chất lượng cao cũng chưa phải là tâm lý phổ biến.

Việc huy động chất xám đóng góp xây dựng thành phố và phản biện xã hội của anh chị em chưa tập trung, một phần vì ít được huy động rộng rãi, một phần vì còn tư tưởng tự ti. Cần có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa để anh chị em đóng góp nhiều hơn vào công việc làm đẹp Thủ đô, xây dựng môi trường sống, nếp sống và lối sống người Hà Nội văn minh, thanh lịch, xứng đáng làm gương cho cả nước. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Văn nghệ sĩ Thủ đô hòa mình vào dòng chảy lớn lao của lịch sử (*)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO