Báo Người Hà Nội: 25 năm những chặng đường

Báo Người Hà Nội| 04/06/2017 10:20

Trong thời điểm lịch sử Thăng Long - Hà Nội một ngàn năm tuổi, Tuần báo Người Hà Nội cũng vừa tròn 25 năm - một phần tư thế kỷ với trọng trách là tiếng nói của văn nghệ sĩ Thủ đô.

Tiền thân của báo Người Hà Nội là tờ tin Văn nghệ Thủ đô rồi tờ Tạp chí Người Hà Nội, đồng thời với khoảng 20 năm Hội Văn nghệ Hà Nội (bây giờ là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội). Như thế, sáng tạo văn học nghệ thuật của hội viên từ ngày thành lập Hội, luôn có một tờ báo song hành, trụ sở Báo tại 19 phố Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cùng với lịch sử đấu tranh cách mạng giữ nước và xây dựng đất nước của dân tộc ta và Thủ đô văn hiến, anh hùng, cùng với sự phát triển hùng hậu cả về lượng, về chất của giới văn nghệ sĩ Hà Nội, Báo Người Hà Nội đã từng bước tổ chức thực hiện theo đúng hướng, đáp ứng tốt nhu cầu là cùng lúc phản ánh được tâm tư, nguyện vọng được gửi gắm qua sáng tác của văn nghệ sĩ, mặt khác, kịp thời phản ánh và truyền tải thông tin về các hoạt động trọng yếu của Thành phố và các cấp ngành đến lực lượng hội viên và bạn đọc báo. ở thời điểm nào thì Báo cũng ý thức được việc truyền tải thông tin bằng sáng tạo văn học nghệ thuật, bằng bút pháp là phương tiện truyền tải có sức thu hút sâu sắc, bản chất nhất, do vậy, nó phát huy được hiệu quả, tạo lập một ý thức bền vững trong lòng bạn đọc.

Cách đây 25 năm, ngay sau Lễ kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thủ đô, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội tổ chức làm việc với lãnh đạo Hội và mong tờ tuần báo Người Hà Nội sớm được ra mắt bạn đọc nhằm đáp ứng nhu cầu cộng tác mới đồng thời là bước đột phá của BCH sau Đại hội IV – Hội Văn nghệ Hà Nội. Với khí thế mới của “Ngày hội non sông”, anh chị em văn nghệ sĩ đã vui mừng, sẵn sàng chờ đón tuần báo Người Hà Nội số I ra đời. Năm 1985 ở thời kỳ khép lại những mất mát sau 10 năm đánh Mỹ , tập trung các yếu tố để chuẩn bị chuyển đổi cơ chế. Sẵn có truyền thống và khí thế, lại được trên chỉ đạo trực tiếp, cụ thể, Hội Văn nghệ Hà Nội coi đây là sự hội đủ của “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” nên bắt tay vào việc chuẩn bị. Thật công phu và đầy vinh dự, ít lâu sau, tờ báo chính thức lên khuôn, ra đời làm nức lòng người.

Nhà thơ Bằng Việt là Tổng Thư ký Hội, Nhà văn Tô Hoài làm Tổng Biên tập, Nhà văn Triệu Bôn phụ trách biên tập, Nhà văn Nguyễn Anh Biên phụ trách công tác bạn đọc, Họa sĩ Thẩm Đức Tạ lo công việc trình bày. Số anh em cán bộ tòa soạn lúc đó cùng chung tay gánh vác là Tô Hà, Chử Văn Long, Khôi Viên, Hoàng Kim Đáng, Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Xuân Hoát, Phạm Ngọc Lễ, Vũ Tiến, Hương Trâm, Đỗ Dũng, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Minh Nguyệt và Nguyễn Thọ Sơn… với sự cộng tác đắc lực của các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh nghệ thuật… nổi tiếng như: Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Vũ Cao, Nguyễn Văn Bổng, Hoàng Cầm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái và Mai Văn Hiến… Tờ báo ngay lập tức trở thành diễn đàn văn nghệ Thủ đô; in 5000 bản mỗi kỳ bằng công nghệ xếp chữ in trên giấy màu xám. Báo có mặt ở các tỉnh, thành phố ở miền  Trung, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.

Những năm đầu ra mắt tờ tuần báo, Nhà văn Tô Hoài vừa góp sức đưa ra sáng kiến vừa chịu trách nhiệm điều hành. Thời gian này Nhà thơ Bằng Việt vừa là Thành ủy viên, là Tổng Thư ký Hội nên công việc đều phải được gánh vác chung. Khi tờ báo đi vào ổn định, có lúc Nhà thơ Bằng Việt đồng thời là Tổng Biên tập cho đến cuối năm 1990. Đây cũng là những năm Đảng và Nhà nước ta bước vào sự nghiệp đổi mới sau Đại hội Đảng VI, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật” như kim chỉ nam cho hoạt động báo chí, tác động rất lớn đến sự nghiệp báo chí cách mạng nói chung.

Suốt chiều dài của công cuộc đổi mới với các kỳ Đại hội Đảng lần thứ VII và VIII cũng như các kỳ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, XIII, Đại hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội lần thứ VII và VIII, Báo Người Hà Nội tăng cường chất lượng nội dung và hình thành các chuyên mục mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý xuất bản báo chí. Cho đến cuối năm 2000, Báo phải chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ bao cấp sang tự hạch toán theo Nghị định 43 của Chính phủ. Đổi mới nội dung được gắn liền với đổi mới hình thức. Báo từ 12 trang, 14 trang lên thành 16 trang, in màu và thay đổi Mangset đến 10 lần. Thời gian này, Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Nhà thơ Vũ Quần Phương, Nhà văn Nguyễn Anh Biên và Nhà báo Hồ Xuân Sơn lần lượt làm Tổng Biên tập. Nhìn chung, cho đến năm 2000, Báo đã vận động và thu hút được nhiều cây bút có tên tuổi, vừa có bề dày sáng tạo vừa có sức viết khỏe và hết sức trong sáng, góp bước đầu cho công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô thanh lịch, văn minh trên cơ sở truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Thắng lợi của 10 năm đổi mới là nền tảng và cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở 10 năm đầu Thế kỷ mới. Báo chí nói chung đã hoàn toàn khẳng định được vị thế trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ tài chính, trong đó có tờ văn nghệ Người Hà Nội.

Và cũng từ những năm cuối thế kỷ, sau Đại hội VIII của Hội, với lực lượng văn nghệ sỹ thuộc Hội phát triển mạnh về số lượng, đa dạng hóa các lĩnh vực và khả năng hoạt động, Hội đã quyết định tổ chức theo mô hình Liên hiệp hội, theo đó, các Chi hội nâng lên thành Hội chuyên ngành – Hội Liên hiệp bao gồm 9 Hội chuyên ngành và ba cơ quan cấp II, trong đó có báo Người Hà Nội.

Những thuận lợi cơ bản của Báo thể hiện rất rõ từ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cơ quan cấp trên với phương hướng và chỉ tiêu cụ thể; Từ sự hoạt động và lớn mạnh của các Hội góp phần gia tăng nội dung trang báo và từ chính bản thân cán bộ phóng viên Báo – là lớp kế tiếp được đào tạo khá chính quy, theo hướng đào tạo nguồn và tổ chức quy hoạch cán bộ. Cũng từ thời gian này, mặt bằng hệ thống báo chí vừa đa dạng vừa chuyển mạnh sang sử dụng kỹ thuật và phương tiện công nghệ thông tin. Báo Người Hà Nội cũng kịp thời bắt nhịp và sử dụng tác nghiệp. Tuy còn ở mức độ thấp song cán bộ tòa soạn đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian để hướng tư duy cho việc nâng cấp tờ báo. Đặc biệt, chính từ cơ chế tài chính tự trang trải đã là động lực thúc đẩy khả năng sáng tạo và chuyển dần sang hướng xã hội hóa từ cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đã bộc lộ các hạn chế từ cán bộ, phóng viên báo như: một là chưa theo kịp cơ chế đổi mới và các chế định quản lý doanh nghiệp, quản lý Nhà nước đối với các tổ chức và cá nhân tham gia các quan hệ xã hội ngày càng đa dạng. Bởi vậy, đã có tháng Báo phải đình bản như ở năm 1997. Hai là do chưa quen với cơ chế tự chủ tài chính, Báo biểu hiện trạng thái cầm cự và đã có thua lỗ tồn đọng kéo dài.

Trước sự đòi hỏi tăng cường trách nhiệm của Báo đối với yêu cầu phát triển ngày càng cao về chính trị, kinh tế và đời sống nhân dân nói chung; tăng cường trách nhiệm của Báo với các hoạt động văn hóa và VHNT, đồng thời lại là những năm tới đích của ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, Báo Người Hà Nội đã có sự bứt phá quan trọng để tự vươn lên. Có thể nói đó là việc đổi mới cách nghĩ, cách làm, tăng cường tính tự chịu trách nhiệm để khôi phục lại cũng như mở thêm số đầu báo, tăng thêm số trang báo và đa dạng hóa nội dung, tìm ước số chung để hình thành các chuyên mục, tạo hướng tiếp cận cho bạn đọc.Giai đoạn này, Nhà thơ Bế Kiến Quốc và Nhà thơ Vũ Xuân Hoát làm Tổng Biên tập.

Tờ tuấn báo luôn đứng vững là báo chính. Đến năm 1998 báo được phép ra tiếp tờ Người Hà Nội cuối tuần. Với khuôn khổ nhỏ hơn nhưng số trang nhiều hơn. Dẫu có nhiều thăng trầm, có lúc phải đình lại, nhưng đến nay, Người Hà Nội cuối tuần tiếp tục trở lại với diện mạo mới, nội dung hình ảnh gắn với đời sống xã hội người dân Thủ đô, được đông đảo bạn đọc quý chuộng, hậu thuẫn đắc lực cho tờ tuần báo. Do yêu cầu lượng thông tin ngày càng lớn, cập nhật về thời gian, Báo cũng được phép ra thêm báo điện tửNguoihanoi.com.vnvào tháng 11/2008. Website nguoihanoi ra mắt vào trước năm Đại lễ với nhiều nội dung về Thăng Long ngàn xưa và Hà Nội ngày nay, xen kẽ và sinh động; Với nhiều tin bài về đời sống xây dựng, đời sống sinh hoạt văn hóa muôn màu rất hữu ích, Tòa soạn luôn nhận được thông tin đồng tình từ nhiều bạn đọc trong và ngoài nước. Người Hà Nội còn đang thử nghiệm tờ ra hàng tháng, cùng với các tờ tuần báo, cuối tuần và điện tử đang tạo thành một tổ hợp, qua đó giữ vững và phổ cập thương hiệu Văn nghệ Thủ đô.

Một trong những việc làm được thường xuyên và kéo dài trong nhiều năm của Báo là tổ chức các cuộc thi như: Truyện, thơ và ký, phóng sự, ảnh nghệ thuật… tạo thành “sân chơi” của văn nghệ sĩ và bạn đọc báo. Mỗi cuộc thi, Báo đều tổ chức sơ, chung khảo, chọn các tác phẩm tiêu biểu để trao giải. Qua việc dự thi, đến nay khá nhiều cây bút đã thành danh, trở thành Hội viên của Hà Nội và Hội Trung ương. Trong 4 năm , từ 2007 đến 2010, với sự kết hợp của Sở GD&ĐT Hà Nội và Đài PT&TH Hà Nội, Báo đã tổ chức cuộc thi rộng lớn đối với toàn bộ học sinh các trường PTTH và PTCS với chủ đề “Hà Nội trong trái tim em” thu hút hàng trăm ngàn học sinh và trên 240.000 bài viết. Qua đó tăng cường kiến thức lịch sử về Hà Nội, bổ trợ môn học cho các em học sinh. Năm 2009 và 2010, báo tổ chức cuộc thi Ký và Phóng sự với chủ đề “Hà Nội đổi mới và phát triển thu hút được đông đảo bạn đọc tham gia. Song, điều có ý nghĩa thiết thực hơn là qua các bài viết, các cấp quản lý lĩnh hội được nhiều ở thực tế sản xuất kinh doanh và đời sống hàng ngày so với các quy định pháp lý, như là những phát hiện mới cần được điều chỉnh sát thực nhằm kích thích sản xuất và ổn định sinh hoạt cộng đồng.

Trong khoảng 5 năm qua, góp phần vào sự ổn định và phát triển của Báo, Toà soạn tích cực thực hiện phương châm xã hội hoá, liên kết với một số tổ chức, các nhà doanh nghiệp cùng tìm các điều kiện để làm công tác hỗ trợ nhân đạo. Năm 2007, 2008 hỗ trợ các gia đình thương binh liệt sĩ ở Đông Anh và Sóc Sơn – Hà Nội. Hỗ trợ các em học sinh nghèo vượt khó ở Kim Liên – Nghệ An, năm 2010 hỗ trợ đồng bào bị bão lũ Nghệ An… Tổng giá trị hỗ trợ lên đến hàng tỉ đồng.

Quá trình phát triển của Báo Người Hà Nội cũng là quá trình lớn mạnh về tổ chức cán bộ tòa soạn cùng đông đảo đội ngũ cộng tác viên. Hiện tại, Báo tổ chức thành công 3 bộ phận lớn là tuần báo, cuối tuần và báo điện tử với trên 30 cán bộ, phóng viên. Hầu hết số cán bộ báo đều có trình độ Đại học, 20% là đảng viên trưởng thành từ cơ sở. Song điều quan trọng hơn cả là từ khi tờ Người Hà Nội ra mắt bạn đọc đến nay, thế hệ trẻ tôn trọng, học tập từ các bậc tiền nhiệm, hết lòng hết sức với tờ báo, đoàn kết tạo thành một mái ấm, quyết tâm đưa tờ báo đi lên.

Để có được ngày hôm nay, tập thể cán bộ, phóng viên tòa soạn báo luôn nhận thức được và ghi nhận sự lãnh đạo, tạo mọi điều kiện của Vụ Báo chí- Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Báo chí- Bộ Thông tin Truyền thông, Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy và VP UBND thành phố; Sở Văn hóa Thông tin (trước đây) Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội; Lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cùng các Hội chuyên ngành trực thuộc; các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo và đông đảo các cộng tác viên; các báo bạn và các cơ quan, doanh nghiệp cùng đồng hành trợ giúp thông tin xây dựng tờ báo, coi tờ báo Người Hà Nội như của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Báo Người Hà Nội: 25 năm những chặng đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO