Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày: Nơi lưu giữ ký ức một thời hoa lửa

Đăng Chung| 29/03/2018 14:38

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) với hơn 4.000 hiện vật, di vật, hình ảnh được lưu trữ, trưng bày nhằm tái hiện lại một thời những chiến sĩ cách mạng trong cả nước phải sống nơi “địa ngục trần gian” (nhà tù Phú Quốc). Nơi đây được xem là “địa chỉ đỏ” để các thế hệ đến tham quan, cùng nhau ôn lại một thời hào hùng của dân tộc…

 Đi tìm những kỷ vật thiêng 

Hơn 40 năm sau ngày được trao trả tự do bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) những ký ức của ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (vốn là cựu tù binh bị giặc bắt và tù đày tại nhà tù Phú Quốc - PV) hơn ai hết hiểu rõ sự dã man, tàn bạo của kẻ thù khi tra tấn những chiến sĩ cách mạng cũng như sự khốc liệt của cuộc chiến tranh như mới chỉ ngày hôm qua. 

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày: Nơi lưu giữ ký ức một thời hoa lửa
Ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chia sẻ với phóng viên về những ký ức khi còn trong lao tù.
Ông Bảng nhớ lại: “Khi bị địch bắt và giam cầm, tôi được tận mắt chứng kiến rất nhiều đồng đội bị tra tấn, tù đày có những người đã hi sinh ngay sau những màn tra tấn khủng khiếp của quân địch… những ký ức đó nó cứ trăn trở, ám ảnh tôi suốt cuộc đời”.

Sau ngày trở về, (năm 1973, theo Hiệp định Paris) cho tới năm 1985, ông Bảng được giao phụ trách mảng giao thông (Công ty 208 quản lý đường bộ), khi chỉ huy sửa chữa Cầu Giẽ đơn vị của ông phát hiện ra một quả bom tấn nằm ngay dưới chân cầu, sau khi vớt lên, rút thuốc, ông Bảng cho xây một cái bệ ngay trước cầu rồi đặt quả bom lên để trưng bày. Việc làm này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo mọi người. “Sau đó tôi bất chợt nghĩ rằng, góc khuất của cuộc chiến tranh đó là máu, xương của người chiến sĩ, những người đồng đội của tôi... May mắn hơn nhiều anh em khác là mình có ngày về nên tôi luôn trăn trở phải làm một điều gì đó để tri ân đồng đội đồng thời phơi bày những tội ác của kẻ thù cho mọi người biết. Nhất là những hình ảnh đồng đội bị tra tấn, vì vậy mà tôi quyết tâm đi tìm những kỷ vật của thời chiến để gìn giữ và thể hiện tấm lòng tri ân đồng đội, những người đã ngã xuống vì Tổ quốc…” - ông Bảng nói. 

Theo ông Bảng, cái khó khăn lớn nhất khi đi sưu tầm các kỷ vật là tuổi cao, sức yếu việc đi lại không thuận lợi. Nhưng với tinh thần “4 tự” là tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm nên những khó khăn đó dần qua đi. Ban đầu gia đình, làng xóm chưa hiểu hết nên không tán thành, chính vì vậy khi sưu tầm các kỷ vật về chỉ để vào phòng truyền thống diện tích vẻn vẹn 12m2 tại gia đình. Ông Bảng tâm sự: “Sau này, đi tới đâu tôi cũng mang kỷ vật đi cho anh em xem. Từ đó cũng để giới thiệu với mọi người hiểu, góp sức cho công việc ý nghĩa đó”.

Tới tháng 10/2006, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chính thức được thành lập với hơn 2.000 hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của các chiến sĩ, đồng đội trao tặng lại. Khi nghe tin bảo tàng được thành lập, ban đầu là đồng đội, sau đó là du khách khắp nơi trong và ngoài nước về tham quan, tìm hiểu, qua đó đã gửi gắm được phần nào cho mọi người thấy được giá trị cuộc sống. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày hiện đang trưng bày, lưu giữ và tái hiện hơn 4.000 hiện vật, được chia thành 10 khu khác nhau để giúp cho du khách dễ tham quan, tìm hiểu.

“Tiếp lửa” cho lớp trẻ

Từ khi thành lập đến nay, bảo tàng đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách tham quan, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, các đồng chí lão thành cách mạng và thân nhân các liệt sĩ… Nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ vật, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày mà còn là nơi tái hiện lịch sử dân tộc, nơi giáo dục cho lớp trẻ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống dân tộc mà không sách vở nào thay thế được.

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày: Nơi lưu giữ ký ức một thời hoa lửa
Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là nơi giới thiệu, giáo dục, tuyên truyền tinh thần bất khuất của cha ông trong lịch sử bảo vệ đất nước. Nơi đây tái hiện lại cuộc sống "địa ngục trần gian" mà các chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt, tra tấn và giam cầm.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các khu trưng bày, ông Kiều Văn Uỵch - Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày cho biết: “Mỗi hiện vật, kỷ vật được trưng bày, lưu trữ tại bảo tàng hiện nay tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó những kí ức, câu chuyện sống động, bi hùng về những ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Đó có thể là câu chuyện về lá cờ Tổ quốc bằng máu của ông Nguyễn Thế Nghĩa – một cựu chiến binh ở Bắc Giang hiến tặng cho bảo tàng. Khi trao tặng lá cờ này, ông Nghĩa rưng rưng, dặn dò ông Nguyễn Văn Bảng: “Đây là sinh mạng chính trị cả đời của tôi, trong lúc mọi người đang mưu sinh với cuộc sống, người ta xe hơi nhà lầu, tôi chỉ có lá cờ này như mạng sống của mình thôi…” - ông Uỵch xúc động kể lại.

Đến bây giờ, lá cờ ấy không còn được màu đỏ tươi nữa, màu máu khô quyện với màu thời gian tạo thành màu đỏ sẫm, một dấu tích lịch sử, lòng kiên cường bất khuất của những người lính cụ Hồ…

Câu chuyện về sự độc ác của quân thù và sự bất khuất của chiến sĩ ta được tái hiện rõ trong từng hiện vật tại bảo tàng. Đó là những chiếc thùng phuy chỉ vừa một chiến sĩ ngồi rồi chúng dùng búa gõ trên đỉnh cho tới khi đinh tai nhức óc, trào máu mắt, máu miệng. Đó là chuồng cọp, căn hầm cầm cố tù nhân hàng tuần không được tắm rửa...

Hiện nay, hàng ngày tại bảo tàng có 16 cựu chiến binh thường trực đảm nhận mọi công việc, họ chính là những hướng dẫn viên am hiểu nhất về những hiện vật tại bảo tàng. Có người đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đạp xe hàng chục cây số đến đây để thắp cho đồng đội nén nhang, gặp gỡ bạn bè, đồng chí cũ. Mọi người đều đến đây với tinh thần tự nguyện, như nhà của mình, thấy việc thì làm, mỗi người góp chút công sức như một sự tri ân với đồng đội đã hi sinh. Khách đến tham quan được mời ở lại dùng bữa cơm tuy đạm bạc nhưng rộn rã tiếng cười của những người lính nơi đây. Mỗi người 2 bát, 2 đôi đũa, một của mình, một dành mời hương hồn đồng đội cùng ăn. Gắp cho đồng đội rồi mới gắp vào bát của mình.

Nói về những hoạt động của bảo tàng, ông Phan Cao Lạc, Bí thư Đảng ủy xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) cho rằng, với sự tận tâm tận lực của ông Lâm Văn Bảng và những người đồng đội, những nhân chứng sống của một thời gian lao và hào hùng, bảo tàng làm rất tốt vai trò giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương, nhất là cho thế hệ lớp trẻ đoàn viên thanh niên xã Nam Triều.

“Các em học sinh trong xã tham quan bảo tàng sẽ được biết những câu chuyện về lá cờ Ðảng, được biết về thời cha ông đánh giặc, bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc, để giáo dục truyền thống nhân lên lòng yêu nước, chung sức bảo vệ Tổ quốc, sống chan hòa, đoàn kết, tương thân tương ái…” - ông Phan Cao Lạc nhấn mạnh. 

Với những nỗ lực sưu tầm, lưu giữ kỷ vật thiêng cùng nhiều hoạt động ý nghĩa, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã nhiều lần vinh dự được các cấp lãnh đạo Trung ương và Thành phố Hà Nội khen thưởng, chi bộ Đảng của Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nhiều năm liền là chi bộ đảng trong sạch vững mạnh. Riêng đối với cá nhân ông Lâm Văn Bảng vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2014 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…

Bảo tàng là điểm đến được nhiều người lựa chọn khi muốn tìm hiểu về lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc. Tuy nhiên, điều khiến ông Lâm Văn Bảng và đồng đội của mình trăn trở khi tuổi cao sức yếu, trong khi kinh phí hoạt động của bảo tàng còn hạn hẹp thì làm cách nào để tiếp tục lưu giữ, phát triển bảo tàng để “truyền lửa” cho các thế hệ mai sau hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống anh hùng của dân tộc.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày: Nơi lưu giữ ký ức một thời hoa lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO