Bảo vệ và tôn vinh di sản văn hóa ảnh (Kỳ I)

Chu Chí Thành| 22/03/2018 08:41

Vấn đề Di sản văn hóa ảnh là câu chuyện mới mẻ với chúng ta, và theo tôi nó là một vấn đề gắn liền với cốt lõi của nhiếp ảnh, liên quan đến bản chất và đặc tính của nhiếp ảnh, liên quan đến ý nghĩa xã hội và giá trị trường tồn của loại hình nghệ thuật này trong thời đại ngày nay. Để bảo vệ và tôn vinh những giá trị đích thực của nhiếp ảnh, chúng ta gặp không ít trở ngại, và trở ngại lớn nhất là những nhận thức thiếu khoa học, những đánh giá phiến diện, những việc làm thiếu trách nhiệm về các tác phẩm nhiếp

Trong bài viết này, tôi chỉ nêu một vài trường hợp cụ thể trong tầm hoạt động của chúng ta. Đó là một số bài viết có những quan điểm, những định hướng sáng tác, những đánh giá sai lệch về một số tác phẩm nhiếp ảnh đã được coi là di sản văn hóa. Mà những bài viết đó đang nằm trên mạng, trên sách báo, thậm chí trong tài liệu giảng dạy của các lớp nhiếp ảnh từ sơ cấp đến đại học! Nó chưa bị phê phán, giải trình, hoặc gỡ bỏ, thì mặc nhiên nó trở thành tài liệu thông dụng, gieo vào lòng độc giả sự hồ nghi các giá trị chân thật, các giá trị lịch sử của nhiếp ảnh nước ta. Tôi muốn những người có trách nhiệm, những người đã phát ngôn, đã viết về vấn đề này cùng ngồi lại làm sáng tỏ những nghi vấn, những võ đoán, những sai lệch, đi tới thống nhất, trả lại giá trị chân chính cho những tác phẩm ảnh lịch sử. Vì đây là  công việc khoa học, nên khi viện dẫn tác giả, tác phẩm phải cụ thể, chính xác, không thể giấu tên. Mong các đồng nghiệp thông cảm. Nếu ai đó có điều cần tranh luận, cần làm sáng tỏ, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và ghi nhận những phản hồi.

Bảo vệ và tôn vinh di sản văn hóa ảnh (Kỳ I)
Tác phẩm “Bộ đội vượt cầu Mường Thanh chiếm sở chỉ huy của De Castries” (7/5/1954) của tác giả Triệu Đại.
1. Vấn đề dàn dựng ảnh chiến tranh

Chúng ta hãy xem và nghĩ thế nào về bức ảnh Xung phong của Nguyễn Tiến Lợi chụp năm 1949, được Huy chương Vàng ở Cu-ba năm 1960, và được Giải thưởng Nhà nước năm 2007 lại được ông Trần Mạnh Thường khẳng định và bình luận như sau: “Nguyễn Tiến Lợi đã dựng lại cảnh anh bộ đội “xung phong” qua xác giặc và giao thông hào như thật 100%. Bức ảnh mang đến cho người xem cái gì đó đẹp hơn, anh hùng hơn, quyết liệt hơn của cuộc chiến đấu”. (Nhiếp ảnh Lý luận Phê bình, NXB Văn hóa Thông tin, năm 2009, trang 104). Ở đây có hai vấn đề đặt ra:

a/- Căn cứ vào đâu mà ông Thường nói rằng đây là ảnh dàn dựng? Trong bài gửi cho Hội thảo Nhiếp ảnh Việt Nam thế kỷ 20, ông Thường viện dẫn là nghe qua lời của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Ưu, ngoài ra không có văn bản nào. Trong khi đó ông Ưu không có mặt tại nơi xảy ra trận đánh.

b/- Ảnh dàn dựng có bảo đảm tính khách quan, tính chân thật không? Ở nhiều bài viết của mình, Mạnh Thường phê phán rất gay gắt phương pháp dàn dựng! Vậy tại sao trong trường hợp này, ông lại tán dương, khen ngợi. Cái điệp khúc “đẹp hơn, anh hùng hơn, quyết liệt hơn” là tư tưởng chủ đạo, là kim chỉ nam của nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh!?

Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với thực tế nhiếp ảnh của ta và thế giới, trái ngược với sự lăn xả vào chiến trường, chấp nhận cái chết để có những bức ảnh chân thật của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam như Trần Bỉnh Khuôl, Lương Nghĩa Dũng, Hồ Ca... cũng như của các nhà nhiếp ảnh 36 quốc gia và vùng lãnh thổ (được in trong cuốn sách ảnh “Hồi niệm” của Horst Faas và Tim Page) đã ngã xuống trên chiến trường Đông Dương. 

Bảo vệ và tôn vinh di sản văn hóa ảnh (Kỳ I)
Tác phẩm “Đánh chiếm sân bay Tân sơn Nhất” của tác giả Đinh Quang Thành.
Phương pháp dàn dựng cũng được ông Hoàng Kim Đáng đề cao, khi ông bình phẩm bức ảnh Sự trừng phạt đích đáng của Quang Văn: “Xem ảnh, người bình thường cũng nhận ra tác giả dàn dựng để chụp, nhưng họ cũng thừa nhận và khen ngợi tác giả cao tay trong khâu đạo diễn,” (Nhiếp ảnh Nghệ thuật - Hiện thực và sáng tạo, NXB Hà Nội, năm 2016, trang 125 ). Ấy vậy mà cũng trong cuốn sách này, Hoàng Kim Đáng lại sùng bái Henri Catier - Bresson nhà nhiếp ảnh hiện thực Pháp tôn thờ khoảnh khắc bấm máy, không chấp nhận ảnh dàn dựng.

Điểm tựa cho luận điểm của hai ông là “Ảnh nghệ thuật” chung chung, ảnh nghệ thuật thì được làm như vậy. Ông Thường yêu cầu “Cái quan trọng là sự dàn dựng đó phải y như thật, đẹp hơn thật, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc”. Chúng ta đều biết, nhiếp ảnh có sức mạnh hơn tất cả các loại hình nghệ thuật  khác là phản ánh trực tiếp các hiện tượng cuộc sống không phải qua khâu trung gian diễn viên sắm vai bắt chước sự thật. Vậy tại sao lại bắt nó từ bỏ khả năng tạo hình văn minh vượt trội đó để trở về với thủ pháp giả định cũ kỹ? Còn ông Đáng thì căn dặn: “Dù có dàn dựng hay “diễn” cũng vẫn phải trên cơ sở hiện thực mới được xem là một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật hiện thực và sáng tạo đích thực.” Đã “diễn” rồi thì còn đâu là sự thật thuần khiết nữa mà dám gọi đó là hiện thực đích thị! Cũng vậy đã làm giả như thật lại còn đòi đẹp hơn thật. Đây đích thị là mâu thuẫn! Sự nhầm lẫn này, quan điểm này của hai ông dẫn đến điều gì? - Không gì khác, nó sẽ làm mất đi tính chất quý báu nhất của nhiếp ảnh là tính chân thật.

2. Phủ định không có căn cứ

 Một ngòi bút khác, ông Vũ Huyến lại phủ định không căn cứ, không bằng chứng đối với một số tác phẩm và tác giả nhiếp ảnh nổi tiếng. Ví như bộ ảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ của Triệu Đại được Giải thưởng Nhà nước năm 2001 bị ông Huyến khẳng định rằng: “Ông Triệu Đại ngay lần đầu được giải Nhà nước do bộ ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ là người ta đã không phục. Bộ ảnh đó ông đi chụp cùng với đoàn làm phim tài liệu Nga của đạo diễn Carmen năm 1960. Trong khi  chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ năm 1954”. (Tiền Phong online ngày 12/8/2011). 

Bảo vệ và tôn vinh di sản văn hóa ảnh (Kỳ I)
Tác phẩm “Trạm quân y dã chiến” của tác giả Võ An Khánh.

Theo tập bút ký Ánh sáng trong rừng thẳm của Roman Karmen (NXB Công an Nhân dân, năm 2015), sau nhiều ngày đêm đi tầu hỏa từ Bắc Kinh, ngày 24/5/1954 đoàn làm phim Xô-viết mới đến biên giới Việt - Trung (lúc ấy đã sau chiến thắng Điên Biên Phủ 17 ngày), họ làm việc ở Việt Nam 7 tháng, tới tháng 12/1954 rời Hà Nội bằng máy bay. Trước khi về nước, Roman Karmen và đoàn làm phim được đến chào từ biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch ở Hà Nội. Chuyến bay này có cả nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nhà làm phim Phạm Văn Khoa sang lắp ráp và lồng tiếng cho phim tại Moskova. Trong sách của Roman Karmen chỉ nói tới nhà quay phim Gienhia Mukhin và Nguyễn Đình Thi đi Điện Biên Phủ quay cảnh các dân tộc và bộ đội khôi phục cuộc sống trong những ngày hòa bình đầu tiên. Không một chữ nói tới quay cảnh chiến trường. Do thực tế bộ phim có sử dụng các trường đoạn của các nhà quay phim Việt Nam đã quay trong thời gian diễn ra các trận đánh tại Điện Biên. Vì thế, phần giới thiệu phim có ghi: Với sự hợp tác của các nhà quay phim Việt Nam Hồng Nghi, Mai Lộc, Nguyễn Tiến Lợi, lời bình Nguyễn Đình Thi. Như vậy không có chuyện mãi đến năm 1960 Roman Karmen mới sang ta làm phim! Và cũng không có chuyện Triệu Đại chụp bộ ảnh Điện Biên ăn theo Karmen vào năm 1960! Trong khi đó hai số đầu của báo Hình ảnh Việt Nam, số 1, tháng 10 và số 2, tháng 12/1954 đã in các bức ảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ của Triệu Đại! Năm ấy, do ta chưa có điều kiện in tốt, nên các số báo hình ảnh này đã in ở Trung Quốc.

Một tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước của cụ Nguyễn Tiến Lợi cũng được ông Huyến đặt cho một cái tên lạ lẫm. Vốn tên bức ảnh nổi tiếng ấy là Xung phong, thì ông đặt cho nó là Đường ra tiền tuyến. Đường xá gì mà toàn giao thông hào vây quanh đồi có xác lính Pháp vắt ngang qua hào, có cả hàng rào tre nứa chắn ngang và khói bộc phá chưa tan, mà rõ nhất là các chiến sĩ chân đất cầm súng lao qua hào, băng lên đồn tiếp tục chiến đấu. Nó là ảnh chụp bằng phim và máy ảnh cỡ 6x6 cm và 4x6 cm thông thường thời ấy, thì ông lại cho rằng cho cụ Lợi là “trích một ảnh trong phim ra dự giải”. Trong khi đó phim quay chỉ có cỡ 3x4 cm. Ảnh mẫu của cụ Lợi còn lại cho chúng tôi xem là hình vuông 6x6 cm. Bức ảnh này ra đời năm 1949, cách ngày nay 69 năm, khi ấy cụ Lợi chưa cầm máy quay phim. Hơn nữa hình ảnh trong băng phim quay thời ấy, nếu có trích ra để in, phóng ảnh thì ảnh không có độ nét như ảnh bình thường mà cụ Lợi đã triển lãm. Nó sẽ bị chao mờ. Điều này thuộc kỹ thuật sơ đẳng mà nhà lý luận chay không lường tới!

Đặc biệt ông Huyến còn phân tích ảnh theo tưởng tượng chứ không cần nhìn ảnh! Khi phê phán bức ảnh Trạm quân y dã chiến của Võ An Khánh là “diễn”, thì ông mô tả nó trái ngược với ảnh thực: “Bên ngoài cáng một thương binh vào, nhìn kỹ thấy anh hướng về phía ống kính, tươi cười... Người ta hiểu trạm quân y có thật, sự kiện là thật. Nhưng việc chụp lại “diễn”! Ông Huyến nói nhìn kỹ, nhưng thực ra ông chả nhìn tí nào vào ảnh. Vì thực tế anh thương binh này bị băng trên đầu, mắt nhắm nghiền, miệng, mũi bất động, chẳng cười cợt với ai cả. Nằm ngửa, phơi ngực có khăn dù che trên cái cáng dưới tay người quân y, mặt anh thương binh hướng lên trời, làm sao có thể hướng về phía ống kính được, trừ khi nhà nhiếp ảnh có cánh bay trên cao chĩa ống kính máy ảnh xuống đất!

Khi chê trách Hội đồng thẩm định ảnh Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước của Hội NSNA Việt Nam năm 2011 mà ông Vũ Khánh là Chủ tịch Hội đồng, ông Huyến lên tiếng bênh vực bức ảnh Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất của Đinh Quang Thành, ông nói rằng, đây là tác phẩm đẹp, có giá trị tài liệu cao. Quả thực nhìn qua thấy bức ảnh bắt mắt, nhưng rất tiếc nhà lý luận không biết điều quan trọng này: Bức ảnh đó không được chụp vào sáng ngày 30/4/1975 như lời chú thích kèm theo. Vì buổi sáng hôm đó nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành đang cùng các phóng viên Hứa Kiểm, Vũ Tạo, Trần Mai Hưởng đi xe Com-măng-ca của Thông tấn xã Việt Nam hành tiến cùng Lữ đoàn 203 trên xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn thẳng tới Dinh Độc Lập. Phải chăng tác giả Đinh Quang Thành đã lầm lẫn? Có chỗ nói ảnh ấy được chụp vào buổi sáng, có chỗ nói là buổi trưa, có chỗ ghi là buổi chiều. Thực ra 9 giờ 25 phút, Dương Văn Minh đã đọc lời kêu gọi ngừng bắn. Sau 11 giờ 30 trưa hôm đó khoảng mươi, mười lăm phút, Đinh Quang Thành và đoàn phóng viên TTX Việt Nam mới đến sân Dinh Độc lập. Cột khói xăng, dầu bị cháy ở khu vực sân bay mà ta thấy trong ảnh không phải bùng phát một lúc, mà nó kéo dài mấy ngày liền. Bức ảnh này đến năm 2016 lại dự xét Giải thưởng Nhà nước lần nữa. Nhưng cuối cùng không đủ phiếu, Hội đồng thẩm định đã loại ra. Nếu bức ảnh này trúng giải, chắc là sẽ rầy rà to.Vì đây là sự kiện lịch sử, nếu bị khập khiễng sai lệch giữa ảnh và chú thích là không thể chấp nhận được. 

Đón đọc kỳ cuối:
Thêm “mắm muối” trở thành thêm “giông bão”
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ và tôn vinh di sản văn hóa ảnh (Kỳ I)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO