Bức tranh toàn cảnh Kinh tế - Xã hội Thủ đô: Đang ngày một khởi sắc đi lên

Nguyễn Việt Chiến| 05/02/2018 12:55

Năm 2017 đã đi qua, vượt lên mọi khó khăn thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được những thành tựu lớn, hoàn thành 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, trong đó có 7 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Thu ngân sách đạt 210.259 tỷ đồng (tăng 17% so với năm trước); tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố đạt gần 3,4 tỷ USD; tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt hơn 308.500 tỷ đồng (tăng 11%). Những con số này nói lên sự phát triển mới toàn diện của Thủ đô trước thềm

UBND TP. Hà Nội cho biết, có thể nói trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt là thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp. Xuất hiện nắng nóng kỷ lục, sau đó lại mưa nhiều gây úng ngập diện rộng; tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng; bệnh dịch sốt xuất huyết lan rộng. Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng chính quyền hành động, lựa chọn năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính”, TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội (KT  - XH) và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, các cân đối lớn được đảm bảo. Tất cả 20 chỉ tiêu phát triển KT - XH đều hoàn thành, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm địa bàn tăng 7,3% - cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Xuất khẩu đạt 11,8 tỷ USD, tăng 10,3 %; khách du lịch đạt 23,8 triệu lượt, tăng 9%, trong đó khách quốc tế 4,95 triệu lượt, tăng 23%, tổng thu từ khách du lịch tăng 15%. Tổng thu NSNN đạt 210.259 nghìn tỷ đồng, vượt 2,8% dự toán, tăng 17% so với năm 2016. Đã thực hiện rà soát, tiết giảm chi thường xuyên đạt gần 3 nghìn tỷ đồng. Thành phố có thêm 2 huyện, 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 136% kế hoạch), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 285/386 xã (chiếm 73,8%).

Bức tranh toàn cảnh Kinh tế - Xã hội Thủ đô: Đang ngày một khởi sắc đi lên
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư.
Thành phố tiếp tục đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử và quyết liệt thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt, thu hút vốn đầu tư đạt kết quả tích cực. Năm 2017, Thành phố chấp thuận đầu tư 160 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách vốn đăng ký khoảng 110.000 tỷ đồng; vốn đăng ký FDI ước đạt 3,435 tỷ USD (tăng 10,2%); tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 308,219 nghìn tỷ đồng (tăng 10,5%); cấp đăng ký doanh nghiệp cho 25.160 đơn vị (tăng 11%).

Công tác quy hoạch, trật tự đô thị, quản lý đất đai và bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch gắn với phát triển hạ tầng giao thông; xây mới khoảng 11 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó 60,7 nghìn m2 nhà ở xã hội. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở đạt 98,4%. Đã trồng mới 317 nghìn cây xanh đô thị, đặt mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2010. Vận hành 10 điểm quan trắc tự động môi trường không khí, chất lượng nước các hồ, xử lý ô nhiễm 95 hồ; cấp nước sạch cho thêm 170 xã, tương đương 535 nghìn hộ - 2,1 triệu người.

Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo. Tạo mới việc làm cho hơn 152.000 người, tỷ lệ thất nghiệp còn 3,12%. Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 8.211 nhà cho người có công với kinh phí 955 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,69%, không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Thành phố có thêm 130 trường đạt chuẩn quốc gia (vượt 62,5% kế hoạch). Như vậy, năm 2017, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã có nhiều nỗ lực lớn, và có thể nói bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội của Thủ đô đang ngày một phát triển đổi mới, khởi sắc đi lên.

Năm 2018, TP. Hà Nội đặt mục tiêu tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh, phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế, phấn đấu tăng trưởng đạt 7,3 - 7,8%; vốn đầu tư xã hội tăng từ 10,5 - 11%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng từ 12% trở lên.

Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh cải thiện môi trường, môi sinh, an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch; duy trì tốt công tác thu gom xử lý rác thải, chất thải rắn; kiểm soát ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông. Tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch, theo giấy phép xây dựng tại các công trình, nhà ở đặc biệt là trên các tuyến phố, tuyến đường, nút giao thông, vi phạm trên đất nông nghiệp, không để phát sinh những trường hợp mới, đặc biệt những vụ vi phạm nghiêm trọng. 

Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường sắt, đường vành đai: Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành, đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông; đẩy nhanh tiến độ các đường vành đai 1, 2, 3 và 3,5; khởi công các công trình đầu tư theo hình thức PPP: quốc lộ 6 (Ba La – Xuân Mai), đường 70. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020: hầm chui đường Lê Văn Lương giao cắt đường vành đai 3, cầu vượt Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên, cầu vượt đường Linh Đàm, hầm chui qua đường vành đai 2,5 qua đường Giải Phóng, cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương, đường vành đai 3 (dưới thấp) đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, mở rộng nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, đường Huỳnh Thúc Kháng) sửa chữa 14 cầu yếu... Khởi công các công trình thủy lợi: Cụm công trình đầu mối Liên Mạc và trạm bơm tiêu Đông Mỹ. Đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch trên địa bàn, các thủ tục đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng, các dự án xã hội hóa cấp nước sạch khu vực nông thôn… hoàn thành mạng đấu nối cấp nước tới 100% các hộ dân tại các địa bàn đã đủ điều kiện cấp nước.Tiếp tục thực hiện chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh. 

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, chú trọng giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc. Thực hiện kế hoạch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo. Hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,4%, đưa tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 xuống còn 1,37%. 

Về phát triển văn hóa - xã hội, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; đảm bảo tốt chính sách an sinh xã hội; tập trung thực hiện kế hoạch xây dựng, sửa chữa hơn 6000 nhà ở cho các hộ nghèo. Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, các di tích lịch sử. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh toàn cảnh Kinh tế - Xã hội Thủ đô: Đang ngày một khởi sắc đi lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO